Iran đã bắn nhầm chiếc phi cơ Ukraine hôm thứ Tư ở gần Tehran, khiến 176 người trên khoang thiệt mạng, truyền thông Mỹ tường thuật.
Các quan chức Hoa Kỳ nói họ tin là chiếc phi cơ của hãng hàng không quốc tế Ukraine 737-800 bị trúng tên lửa, hãng tin CBS nói.
Ukraine trước đó nói đang xem xét khả năng một tên lửa đã bắn hạ chiếc phi cơ, nhưng phía Iran bác bỏ khả năng này.
Vụ rớt máy bay xảy ra chỉ vài giờ sau khi Iran phóng tên lửa vào hai căn cứ không quân Hoa Kỳ tại Iraq.
Một giới chức Mỹ nói vệ tinh Hoa Kỳ phát hiện 2 phi đạn được phóng ngay trước khi máy bay rơi, bằng chứng tiếp theo là tiếng nổ. Hai quan chức Mỹ nói họ tin là vụ bắn rơi máy bay là không cố ý.
CBS News dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ nói rằng có một vệ tinh đã phát hiện ra những tia hồng ngoại “bíp” hai vụ phóng tên lửa, tiếp theo đó là “bíp” của một vụ nổ.
Newsweek thì dẫn một nguồn tin từ Ngũ Giác Đài và từ các quan chức tình báo cao cấp Hoa Kỳ, cũng như từ một quan chức tình báo Iraq, theo đó nói họ tin là chiếc phi cơ Ukraine bị trúng tên lửa Tor do Nga sản xuất.
Hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng “tôi có những nghi ngờ” về vụ máy bay. “Ai đó có thể đã phạm sai lầm,” ông nói.
Anh yêu cầu điều tra toàn diện
Trước đó, Anh Quốc yêu cầu cuộc điều tra toàn diện về vụ tai nạn phi cơ Ukraine.
Chiều ngày 9/01 giờ London, Phủ Thủ tướng Anh, Downing Street, ra thông báo bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước các tin tức đặt khả năng chiếc Boeing 737-800 “trúng hỏa tiễn“.
Các báo tiếng Anh trong ngày trích lời quan chức Ukraine nói họ muốn tìm kiếm mảnh tên lửa ở bãi đất chiếc phi cơ rơi xuống hôm thứ Tư.
Cụ thể, theo trang The Guardian ở Anh thì quan chức Ukraine “tìm kiếm mảnh của hỏa tiễn Tor do Nga sản xuất”.
Ngoài ra lý do là “phi cơ va đập với drone“, hoặc “đánh bom khủng bố” bên cạnh khả năng sự cố kỹ thuật.
Chiếc máy bay với 176 người trên khoang bị rớt ở Iran khi đang tìm cách quay trở lại sân bay, các nhà điều tra Iran nói.
Chiếc Boeing 737-800 gặp nạn chỉ vài phút sau khi cất cánh tại sân bay Tehran, khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Điều tra sơ bộ nói rằng chiếc phi cơ gặp trục trặc khi rời khu vực sân bay, và “bốc cháy“.
Vụ tai nạn xảy ra chỉ vài giờ sau khi Iran tiến hành phóng tên lửa vào hai căn cứ không quân của Mỹ đóng tại Iraq.
Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy có mối liên hệ gì giữa hai sự kiện này.
Iran nói ‘không trao hộp đen cho Mỹ và Boeing‘
Hôm thứ Năm, Oleksiy Danylov, bí thư Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, nói rằng các nhà điều tra của nước họ đang có mặt tại Iran muốn tìm kiếm xem có các mảnh vỡ từ một trái tên lửa nào tại địa điểm rơi máy bay hay không.
Iran được biết là có hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga.
Trong lúc căng thẳng dâng cao và tình hình càng trở nên xấu đi sau vụ Hoa Kỳ giết chết tướng Qasem Soleimani của Iran hôm 3/1, Iran nói sẽ không trao hộp đen đã tìm được của chiếc máy bay gặp nạn cho Boeing hay Hoa Kỳ.
Theo luật hàng không quốc tế, Iran có quyền dẫn đầu cuộc điều tra, nhưng các nhà sản xuất máy bay cũng có quyền tham gia.
‘Không có cuộc gọi khẩn cấp nào‘
Giám đốc Cơ quan Quản lý Hàng không Dân dụng Iran (CAOI) Ali Abedzadeh nói: “Chiếc phi cơ, ban đầu bay về hướng tây để rời khu vực sân bay, đã rẽ phải sau khi gặp vấn đề và đã quay trở lại sân bay vào thòi điểm bị rớt.“
Ông Abedzadeh nói thêm rằng các nhân chứng thấy chiếc máy bay “bốc cháy” trước khi rớt, và các phi công đã không thực hiện bất kỳ cuộc gọi khẩn cấp nào trước khi tìm cách quay trở về sân bay Imam Khomeini.
Ông nói các kết quả tìm kiếm ban đầu đã được gửi cho Ukraine và Hoa Kỳ, nơi Boeing đóng trụ sở.
Thụy Điển và Canada cũng đã được gửi các thông tin này, bởi các công dân này có mặt trên chuyến bay, ông nói thêm.
Ông Danylov nói Hội đồng An ninh Ukraine đang xem xét về các nguyên nhân khác nhau, trong đó có các khả năng như bị một hỏa tiễn phòng không bắn trúng, bị va chạm trên không, có một động cơ phát nổ, hoặc có một vụ nổ bên trong máy bay do khủng bố gây ra.
Cuộc điều tra bao gồm các chuyên gia từng tham gia điều tra vụ chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia ở miền đông Ukraine hồi 2014, ông Danylov nói thêm.
Ai điều tra?
Thường thì Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ sẽ có vai trò trong các cuộc điều tra quốc tế liên quan tới máy bay Boeing của Mỹ.
Nhưng ủy ban này chỉ được tham gia với sự cho phép, và phải hoạt động phù hợp với luật của quốc gia nước ngoài có liên quan.
Trong các bình luận mà hãng thông tấn Mehr của Iran đăng tải, ông Abedzadeh được dẫn lời nói: “Chúng tôi sẽ không trao hộp đen cho nhà sản xuất và người Mỹ.”
“Vụ tai nạn này sẽ được điều tra bởi cơ quan hàng không Iran, nhưng Ukraine cũng có thể hiện diện,” ông nói thêm.
Ông Abedzadeh nói hiện chưa rõ nước nào sẽ phân tích dữ liệu trong các hộp đen – gồm thiết bị thu âm trong buồng lái và thiết bị ghi dữ liệu hành trình chuyến bay.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong một tuyên bố phát trên truyền hình rằng “một cuộc điều tra kỹ lưỡng và độc lập sẽ được thực hiện phù hợp với luật pháp quốc tế”, và rằng ông sẽ trao đổi với giới lãnh đạo Iran để thúc đẩy hợp tác trong việc điều tra vụ tai nạn.
Boeing nói hãng “sẵn sàng trợ giúp với bất kỳ cách nào cần làm“, trong lúc Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói nước ông muốn đóng một vai trò trong cuộc điều tra, và đã đưa ra đề nghị hỗ trợ kỹ thuật.
Tóm tắt vụ việc
Chuyến bay PS752 của hãng hàng không quốc tế Ukraine bay tới Kyiv có 176 người trên khoang khi bị rớt tại Iran hôm thứ Tư.
Đa số hành khách là công dân Iran và Canada.
Thời tiết vào thời điểm máy bay rớt, có tầm nhìn trong trẻo, theo trang chuyên theo dõi các chuyến bay Flightradar24.
Các quan chức của hãng hàng không nói phi hành đoàn gồm các thành viên dày dạn kinh nghiệm.
Các dữ liệu có công khai trên mạng cho thấy chiếc phi cơ đã lên độ cao bình thường sau khi cất cánh ở Tehran.
Khi đạt độ cao gần 8.000 bộ (2.400m) thì dữ liệu về chiếc phi cơ đột ngột biến mất.
Đây là điều bất thường, và cho thấy có thể có sự cố rất nghiêm trọng trên máy bay. Chúng ta hiện chưa có chứng cứ gì về việc chuyện gì đã xảy ra, phân tích gia BBC Tom Burridge nói.
Sân bay Imam Khomeini nằm ở độ cao 3.305m trên mực nước biển, do đó phần đầu tiên lúc máy bay mới cất cánh, biểu đồ thể hiện chiếc phi cơ nâng độ cao gấp hơn so với thực tế.
“Theo một cựu điều tra viên tai nạn hàng không, việc nói rằng động cơ hỏng vào lúc này là quá sớm. Tuy không thể hoàn toàn loại bỏ tình huống này, nhưng một chiếc máy bay như Boeing 737-800 thì được thiết kế để có thể tiếp tục bay khi có một động cơ hỏng,” phân tích gia của BBC nói.
“Hơn nữa, nếu như hỏng động cơ thì chúng ta lẽ ra sẽ phải thấy dữ liệu chuyến bay cho thấy chiếc phi cơ nâng độ cao không nhanh như thế.“
Trong số các nạn nhân có 82 công dân Iran, 63 người Canada, 11 người Ukraine (trong đó gồm toàn bộ phi hành đoàn 9 người), 10 người Thụy Điển, bốn người Afghanistan, ba người Anh và ba người Đức, Ngoại trưởng Ukraine Vadym Prystaiko nói.
Ba công dân Anh có mặt trong danh sách hành khách tử nạn là Mohammed Reza Kadkhoda Zadeh, Sam Zokaei và Saeed Tahmasebi.
Ông Saeed Tahmasebi, người gốc Iran, nghiên cứu sinh tiến sĩ, sống làm việc tại Dartford, phía Đông Nam London, về Iran thăm nhà cùng vợ mới cưới là Niloufar Ebrahim.
Bà Ebrahim, công dân Iran, người chỉ mới đến Anh năm 2018, có tên trong số hành khách bị thiệt mạng.
Tuy nhiên, chính phủ Đức sau đó nói “chúng tôi hiện không có thông tin về việc ba công dân Đức nằm trong số các nạn nhân vụ máy bay rớt tại Iran”.
Người đứng đầu cơ quan tình trạng khẩn cấp của Iran nói 147 nạn nhân là người Iran.
Điều này cho thấy có thể 65 người là công dân nước ngoài mang song tịch.
Thụy Điển có 10 công dân thiệt mạng trong tai nạn này, và chính phủ nước đó cho hay nhiều người mang cả quốc tịch Iran.
Trung Hieu từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
Nguồn: BBC