Nguyễn Phú Trọng kỷ luật Hoàng Trung Hải trước Tết

Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã phải cay đắng nhận kỷ luật từ Bộ Chính trị mà người đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bí thư Hoàng Trung Hải đã có nhiều sai phạm khi còn là phó thủ tướng, làm mất tiền công quỹ hàng nghìn tỷ cho các dự án dùng thiết bị lạc hậu của Trung quốc.

Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Hoàng Trung Hải bị Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam quyết định kỷ luật do ‘có những vi phạm nghiêm trọng‘ khi làm Phó Thủ tướng. Cụ thể, theo Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất trong hệ thống ở Việt Nam hiện nay, thì:
Trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Hoàng Trung Hải đã có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình chỉ đạo thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II).”

Bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) hôm 10/01/2020 không gọi ông Hải, người hiện vẫn là Ủy viên Bộ Chính trị, là “đồng chí” như thường lệ.
Hình thức thi hành kỷ luật đối với ông Hoàng Trung Hải là ‘cảnh cáo’. Bản tin này nói rằng “những vi phạm, khuyết điểm nêu trên của ông Hoàng Trung Hải là nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội”.
Sự việc diễn ra ngay hôm 10/01 tại Trụ sở Trung ương Đảng VN, “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật ông Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, nguyên Uỷ viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ”. Điều này có nghĩa là sự nghiệp chính trị của ông Hoàng Trung Hải chấm dứt.
Các sai phạm của ông Hoàng Trung Hải được nhắc tới lần đầu vào ngày 9/12/2019. Vào thời điểm đó, Ủy ban Kỷ luật của Đảng nói ông Hải, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với Dự án TISCO II.

Ông Hoàng Trung Hải

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận quyết định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội vào 5.2.2016
Sinh năm 1959, quê Thái Bình, ông Hoàng Trung Hải làm Phó Thủ tướng từ 2007 đến 2016, dưới quyền Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (7/2006 – 4/2016). Sau đó, ông chuyển sang giữ vị trí Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Trong thời gian ông làm Bí thư Hà Nội, thủ đô Việt Nam đã có những công trình phát triển, mở rộng nhiều mặt. Tuy nhiên, vấn đề giao thông ách tắc, thiếu nước sạch, rác thải, ô nhiễm không khí đã gây bức xúc lớn cho người dân và du khách.
Một trong những phát biểu gần nhất của ông được báo Việt Nam đăng cuối năm 2019 là “Đừng để khách đến chê Hà Nội quá bẩn!“. Cũng trong thời gian ông làm bí thư thành ủy, tại Hà Nội đã xảy ra vụ dân làng Đồng Tâm hồi 4/2017 bắt giữ 38 cảnh sát trong một tuần, liên quan tới khiếu kiện đất đai.

Vụ việc Đồng Tâm là một vấn đề rất thời sự hiện nay. Vụ việc tưởng chừng đã được xử lý xong với việc Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về đối thoại với dân và ký giấy cam kết không truy tố, nhưng lại tiếp tục bùng lên thành điểm nóng trong những ngày đầu năm 2020.
Hôm 9/1, Hà Nội đưa lực lượng cảnh sát tới địa phương, xảy ra đụng độ ở Đồng Tâm làm chết người, cả dân và cảnh sát như mọi người đã biết.
Tuy thế, hiện chưa rõ vai trò của ông Hải trong vụ việc này đến đâu vì một phần dư luận vẫn tin rằng Đồng Tâm liên quan đến vai trò của ông Nguyễn Đức Chung nhiều hơn là ông Hải.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định vi phạm của Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải và một số cá nhân liên quan dự án Gang thép Thái Nguyên đến mức phải xem xét kỷ luật.
Kết luận nhận định ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó thủ tướng đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với Dự án TISCO II.
Với các trường hợp trước đây như ông Nguyễn Bắc Son Trương Minh Tuấn thì ủy ban này cũng chỉ đề nghị kỷ luật như vậy nhưng về sau rất nặng. Còn ông Hải thì sao?

Tuy nhiên nhà báo Võ Văn Tạo là người từng bày tỏ rằng nếu ông Nguyễn Phú Trọng muốn công việc “đốt lò” của mình được dân tin thì nên đưa ông Hoàng Trung Hải ra xét xử trước tòa mới đúng, nay nói rằng ông không giấu được sự ngạc nhiên của mình:
“Thi hành kỷ luật ông Hoàng Trung Hải ở mức cảnh cáo làm tôi bất ngờ, bởi vì lâu nay trong dư luận cán bộ đảng viên cũng như người dân trong nước đã không hài lòng với cách xử lý trước đây đối với các quan chức sai phạm. Gần đây thì đã có thay đổi, chẳng hạn trường hợp ông Đinh La Thăng, đương kim Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành ủy Sài Gòn, bị khởi tố hình sự và bị tuyên án với mức án cũng khá nặng nề. “
Theo ông Tạo thì “dư luận đang phấn khởi là công cuộc đốt lò này đang cho không khí chính trị Việt Nam một sinh khí mới, nhưng việc ông Hoàng Trung Hải kỳ này chỉ bị cảnh cáo thì tôi thấy thất vọng, coi như chuyện đốt lò hình như không được công bằng, cũng không đến nơi đến chốn

Ông Phạm Thành, nhà bất đồng chính kiến cho biết: “Tôi không bất ngờ về chuyện ông Hoàng Trung Hải chỉ bị cảnh cáo không. Theo Luật Lao Động thì cảnh cáo là hình thức nhẹ nhất, thấp nhất trong 7 hình thức cảnh cáo.”
Nhà báo Phạm Thành vẫn giữ quan điểm mà ông thường nói là có yếu tố Trung Quốc trong vụ kỷ luật Hoàng Trung Hải: “Tôi nói lại tôi không bất ngờ vì lý do muốn xử lý Hoàng Trung Hải là phải có ý kiến của Bắc Kinh. Hoàng Trung Hải tội rất nhiều và dư luận cũng biết thế và cũng rất nhiều áp lực lên Bộ Chính Trị mà đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng.

Ông Nguyễn Phú Trọng tung ra tin lúc đầu là phải xem xét kỷ luật để làm hài lòng dân chúng và những người làm đơn tố cáo vạch tội Hoàng Trung Hải. Cái tội của Hoàng Trung Hải không chỉ là Gang thép Thái Nguyên mà toàn bộ hệ thống nhiệt điện của Trung Quốc đưa về Việt Nam khi Hoàng Trung Hải còn làm Phó thủ tướng đã rước về. Nhận mấy cái phế thải ấy về, lẽ ra Trung Quốc phải mất tiền thuê bãi làm phế thải nhưng Hoàng Trung Hải lại tổ chức đưa về thì phải trả tiền cho Trung Quốc”.

Kỷ luật ở mức độ cảnh cáo thì chưa rõ nặng hay nhẹ vì chưa thấy thêm biện pháp nào đi kèm, là suy nghĩ của blogger Bùi Thanh Hiếu từ Berlin, Đức: “Tôi không biết có thêm cái chế tài nào đấy kèm theo hay chỉ cảnh cáo không. Có những trường hợp cảnh cáo xong rồi thì có thể là họ hạ chức vụ xuống, đưa ra khỏi Bộ Chính Trị hay Trung Ương Đảng hay là dừng lại ở mức cảnh cáo. Cái này tôi cũng không ngạc nhiên, tôi từng nhận định là cảnh cáo cũng vừa đủ để con đường đi tiếp không đến mức độ nặng nề đối với ông Hoàng Trung Hải quá”.

Một nhà nghiên cứu độc lập đang ở Singapore, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, trước đó từng dự kiến việc xem xét kỷ luật nguyên Phó thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính Trị Hoàng Trung Hải chỉ ở mức độ cảnh cáo hoặc khiển trách là nhiều, giải thích thêm rằng kỷ luật cảnh cáo là cảnh cáo chứ không kèm theo cái gì khác cả:
“Điều lệ của đảng cộng sản Việt Nam có mấy mức kỷ luật. Cho nên cảnh cáo là cảnh cáo thôi chứ không khai trừ. Không khai trừ thì ông vẫn nguyên vị trí ở đấy. Sau cảnh cáo này, người ta điều ông đi đâu, làm gì… thì sau này mới rõ được”

Chính trường Việt Nam đầy bất ngờ không thể lường trước. Như ông Đinh La Thăng đã được điều về làm Bí thư thành ủy Sài Gòn rồi, tưởng sẽ tiếp tục thăng tiến, nhưng cuối cùng cũng bị đưa vào nhà tù.
Những bất ngờ này giờ đây ngày càng lan rộng trong cả hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam – đó là một bằng chứng cho thấy các khiếm khuyết không thể khắc phục của Chủ nghĩ xã hội đã ăn sâu vào các cơ quan Đảng và Nhà nước, bây giờ đã tới thời điểm bộc lộ hậu quả.

Kể từ năm 1945, khi Đảng Cộng sản cướp chính quyền, thì 75 năm đã trôi qua, nó quá đủ cho việc chạy thử một ý thức hệ Cộng sản ngoại lai mà bản thân chúng đã bị sụp đổ ngay trên quê hương của nó là Liên bang Xô Viết và toàn bộ khối Đông Âu.
Ngày nay, tại Việt Nam, tàn dư của Chủ nghĩa Cộng sản đang bị gần 100 triệu người dân đồng lòng dẹp bỏ.

Trung Nam từ Đà Nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)