Các chuyên gia đánh giá rằng chuyến thăm Đà Nẵng của tàu sân bay Hoa Kỳ USS Theodore Roosevelt hôm 5/3 cho thấy Hà Nội coi trọng hơn mối quan hệ quốc phòng với Washington, khẳng định chính sách quốc phòng mới như đã thể hiện trong sách trắng cuối 2019, và gửi đi thông điệp rõ ràng hơn cho Bắc Kinh. Cùng lúc Bộ Ngoại giao Việt Nam nhận định đây chỉ là chuyến thăm “thông thường.”
Ông Nguyễn Thế Phương, một nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia, đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, nêu nhận định:
“Chuyến thăm của tàu USS Roosevelt cho thấy mối quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ – Việt Nam ngày càng sâu sắc hơn, đặc biệt là sau khi Việt Nam đưa Sách Trắng về Quốc phòng vào cuối năm ngoái, khi đó có thêm điểm mới là nếu có điều gì xảy ra đối với an ninh của Việt Nam thì Việt Nam gia tăng hợp tác với một quốc gia nào đó…
“Chuyến thăm này cho thấy Việt Nam khẳng định gia tăng mối quan hệ với Mỹ.
“Có thông tin cho rằng năm ngoái Mỹ có yêu cầu cho tàu sân bay thăm nhưng Việt Nam do tình hình nội bộ và tình hình thực tế trên Biển Đông khi ấy đã từ chối.
“Qua đó cho thất Việt Nam cân nhắc rất kỹ chính sách cân bằng của mình giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.”
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 nêu rõ: “Tùy diễn biến tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.”
Cũng hôm 5/3, truyền thông Việt Nam trích lời Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, nói: “Tàu sân bay và tàu tuần dương thăm cảng Tiên Sa của Đà Nẵng từ ngày 5 đến 9-3. Đây là chuyến thăm thông thường của đoàn tàu sân bay Hoa Kỳ, nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.”
Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một nhà nghiên cứu thâm niên về tình hình Biển Đông nêu nhận định:
“USS Theodore Roosevelt là tàu sân bay hiện đại nhất của Hoa Kỳ cũng như của thế giới và khi đến thăm Việt Nam, Hoa Kỳ có ý dành cho Việt Nam sự ưu ái đặc biệt – những gì hiện đại nhất sẽ dành cho Việt Nam – cũng thể hiện mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, sẵn sàng bảo vệ Việt Nam khi cần.”
“Chuyến thăm này tiếp nối chuyến thăm lịch sử năm 2018 của tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70), chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay Hoa Kỳ đến Việt Nam trong hơn 40 năm. Chuyến thăm cũng diễn ra vào một thời điểm quan trọng đối với quan hệ song phương của hai nước. Chỉ 25 năm sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, quan hệ song phương của hai nước đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết,” Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết thông một thông cáo hôm 5/3.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã phân tích những thông điệp của chuyến thăm Việt Nam của tàu hải quân Hoa Kỳ:
“Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cùng với các tàu hiện đại đi theo đi vào Biển Đông của Việt Nam, bất chấp Trung Quốc tuyên bố về “Đường Lưỡi Bò” là ao nhà của Trung Quốc.
“Đây là thông điệp cho Trung Quốc về tự do hàng hải theo Luật quốc tế, nhất là Tòa Án Quốc tế Lahaye đã tuyên bố bác bỏ “Đường Lưỡi Bò của Trung Quốc khi Philippines kiện Trung Quốc.” TS Nguyễn Nhã nói.
“Đây còn là thông điệp cho Trung Quốc không được bắt nạt nước nhỏ như Việt Nam mà khi đó Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ.“Ngoài ra qua đó cho thấy hiện nay Mỹ đã thay đổi, sẵn sàng dùng quân sự để đối phó với Trung Quốc.”
Trước đó, hôm 3/3, Giáo sư Carl Thayer, nhà phân tích quốc phòng Australia, nhận định trong một thông cáo: “Chuyến thăm này là một phần trong mối quan hệ quốc phòng lớn hơn giữa Mỹ và Việt Nam nhằm phát đi những thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc về sự xâm lược của Bắc Kinh tại Biển Đông. Chuyến thăm của tàu Roosevelt là một tín hiệu của Hoa Kỳ cho thấy rằng họ có ý định duy trì sức mạnh hải quân ưu việt ở Tây Thái Bình Dương và Biển Đông.”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương nhận định rằng chuyến thăm của tàu USS Roosevelt cho thấy Hà Nội có xu hướng gần Washington hơn tuy phải vẫn giữ thế cân bằng với Bắc Kinh:
“Mối quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ hiện đang ở đỉnh cao trong 25 năm qua. Việt Nam có xu hướng mở rộng quan hệ với Mỹ nhưng trên thực tế là xem xét làm sao cho mối quan hệ Việt – Mỹ cân bằng với mối quan hệ Việt –Trung để tránh những khó khăn trong mối quan hệ với người láng giềng trực tiếp ở phía Bắc.”
Một điều rất hiển nhiên là phía Trung quốc ‘không thích thú gì’ về tàu chiến Mỹ thăm Việt Nam lần này.
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, đưa ra bình luận: “Từ các giới ngoại giao, từ các giới chính phủ, từ các cá nhân Trung Quốc … các ý kiến rất là đa dạng. Nhưng đúc kết lại thì thấy một điều rằng các phản ứng và các ý kiến xung quanh các cái đó không tích cực. Tóm lại là người Trung Quốc ở Bắc Kinh không thích thú gì việc tàu sân bay của Mỹ thăm Việt Nam lần này.”
Báo mạng Nga, Sputnik, dẫn lời chuyên gia từ giới nghiên cứu Trung Quốc, cho rằng chuyến thăm của tàu Mỹ tới Đà Nẵng là một thách thức với Trung Quốc.
“Kể từ năm 2014, Hoa Kỳ và Việt Nam không ngừng nâng cấp quan hệ song phương trong lĩnh vực quân sự. Hai chuyến thăm Việt Nam trong một năm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và việc Việt Nam mua vũ khí và tàu tuần tra của Mỹ cho thấy rõ điều đó,” ông Chen Xiangmuo, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc, được Sputnik dẫn lời hôm 06/3 nói.
“Mỹ và Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận về chuyến thăm của tàu sân bay đến Đà Nẵng ngay sau cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) ở Biển Đông hồi năm ngoái. Đây có thể được coi là một kế hoạch để chống lại Trung Quốc.
“Rõ ràng, Việt Nam đang cố gắng sử dụng chính sách ngoại giao cứng rắn của Hoa Kỳ để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông“.
Theo Sputnik, việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực khiến Trung Quốc lo lắng như một mối nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia và Trung Quốc có thể tính đến việc ‘đáp trả’.
“Trung Quốc luôn chú trọng vấn đề đảm bảo sự ổn định ở Biển Đông thông qua việc xây dựng thỏa thuận hoặc một Bộ Quy tắc Ứng xử với sự tham gia của các nước trong khu vực. Trung Quốc không hướng tới các quốc gia ngoài khu vực để giải quyết tranh chấp, vì điều này sẽ khiến tình hình trở nên căng thẳng và khó khăn hơn.
“Việt Nam là láng giềng của Trung Quốc. Từ quan điểm này, đối với Trung Quốc, Việt Nam có tầm quan trọng lớn hơn so với Hoa Kỳ. Nhiệm vụ ngoại giao quan trọng nhất của Trung Quốc là duy trì liên lạc ngoại giao và quân sự ổn định với Việt Nam.
“Trung Quốc không muốn sự xa lánh hay xung đột nghiêm trọng trong quan hệ với Việt Nam, và không muốn tạo ra sự đối nghịch trong quan hệ với Hoa Kỳ và Việt Nam.
“Đồng thời, việc Mỹ đang mở rộng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông thách thức lợi ích của Bắc Kinh và gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc. Để đáp trả điều đó, Trung Quốc nên củng cố vị thế “một cường quốc hàng hải” và tăng cường năng lực cho lực lượng hải quân“.
Tiến sỹ Bill Hayton nói: “Tôi nhớ rằng khoảng 2 năm trước khi tàu sân bay Mỹ đến thăm Việt Nam, người phát ngôn của Trung Quốc đã nói rằng đó là một hành động mang tính thù địch và phê phán Hoa Kỳ là gây ra căng thẳng trong vùng.”
Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ hiện nay và trong tương lai tới đây có thể giúp ích gì cho Việt Nam trong việc trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, quốc phòng ở khu vực và trên vùng biển, ông Bill Hayton nói: “Có hai phần trong câu hỏi này. Thứ nhất liệu là Hoa Kỳ có thể cung cấp những thiết bị như là tàu bè, radar cho Việt Nam để giúp Việt Nam bảo vệ lợi ích của họ trên Biển Đông hay không, thì rõ ràng câu trả lời là có và Hoa Kỳ có thể làm việc đó.
“Thế nhưng phần khác là liệu những chuyến tàu này, những con tàu này có giúp bảo vệ Việt Nam hay không, thì tôi nghĩ rằng không.
“Và tôi sẽ trả lời cụ thể như sau. Ví dụ hai năm trước khi tàu sân bay Carl Vinson đến thăm Việt Nam, khi tàu Mỹ đến đó lúc đó, tôi nhớ rằng Việt Nam khi đó đang có dự án khai thác khí ở bên trong thềm lục địa của họ.
“Sau khi tàu Carl Vinson rời đi, đến phiên Trung Quốc đưa tàu của mình vào và đã ép Việt Nam phải dừng dự án của mình.
“Chúng ta thấy rằng tàu Mỹ có thể ở lại đó vài tuần, thời gian ngắn, thì có thể bảo vệ cho Việt Nam, nhưng khi tàu đó ra đi rồi, thì Trung Quốc vẫn làm điều họ muốn.”
Việt Nam là một đất nước có chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng điều trớ trêu là mặc dù cùng ý thức hệ theo Chủ nghĩa Cộng sản, nhưng Trung Quốc đã đánh chiếm, thôn tính vùng chủ quyền rộng lớn này của Việt Nam.
Giờ đây, chỉ có Mỹ và các nước Dân chủ, Tự do là tiếp tục ủng hộ Việt Nam trước sự hung hăng của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Việt Nam có độc lập, nhưng chưa có Tự do – điều mà các nước Dân chủ trên thế giới có thể giúp cho Việt Nam từ bỏ thể chế độc tài toàn trị để quay về với văn minh nhân loại.
Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)