Trung Quốc “kể công” – Các nước “đại họa”

https://www.youtube.com/watch?v=k_ANIxYneuk

Trung Quốc đang nỗ lực chứng minh với thế giới là nước này đang dập tắt đại dịch một cách thành công. Nhưng sau liên tiếp những gian dối từ việc không minh bạch về dịch viêm phổi Vũ Hán trong giai đoạn bùng phát ban đầu đến việc che giấu quy mô đại dịch thì đây có phải là lời nói dối tiếp theo của Trung Quốc.

Hôm 7/4, Trung Quốc lần đầu ghi nhận không có ca tử vong tại đại lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc hôm 7/4 thông báo lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu công bố số liệu dịch bệnh vào tháng 1/2020, nước này không ghi nhận ca tử vong nào theo ngày vì viêm phổi Vũ Hán.
Dù số ca bệnh tại Trung Quốc đại lục đã giảm dần từ tháng 3, nhưng nước này vẫn đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai từ nước ngoài đưa vào với tổng cộng gần 1.000 ca nhập khẩu.
Theo đó, hết ngày 6/4, Trung Quốc có thêm 32 ca nhiễm mới trên toàn quốc, tất cả đều từ bên ngoài đưa vào. Cũng có 30 ca mới chưa có triệu chứng.
Từ 0h ngày 8/4 (giờ địa phương), thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, nơi khởi phát dịch bệnh, đã chính thức được dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau 77 ngày. Đây là tín hiệu mà Trung Quốc muốn chứng tỏ cho thế giới thấy thành công của nước trong việc dập tắt dịch bệnh ngay tại chính nơi khởi phát dịch bệnh.
Với lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, toàn bộ hệ thống sân bay, đường sắt, đường thủy, cao tốc và xe khách ở Vũ Hán sẽ nối lại hoạt động. Theo AFP, ngay sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, hàng nghìn người đã đổ tới các ga tàu và cao tốc để rời Vũ Hán. Nhà chức trách trước đó ước tính sẽ có khoảng 55.000 người rời Vũ Hán sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.

Ảnh : Người Vũ Hán xếp hàng ở sân bay để chuẩn bị bay về nhà sau khi dỡ bỏ phong tỏa

Thống kê chính thức về dịch bệnh và tuyên bố thành công của Trung Quốc luôn khiến thế giới phải nghi ngờ.

Daily Mail đưa tin hôm 29/3 rằng các cố vấn khoa học đã báo cáo Thủ tướng Anh Boris Johnson về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hạ thấp quy mô thực sự của dịch bệnh. Theo đó, con số thực tế có thể gấp 15-40 lần số liệu do Trung Quốc công bố.
Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh, Michael Gove, nói việc Trung Quốc không minh bạch thông tin về dịch bệnh khiến tình hình viêm phổi Vũ Hán trên thế giới trở nên trầm trọng. Ông Michael Gove phát biểu hôm 29/3 như sau : “Ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán đầu tiên tại Trung Quốc xuất hiện tháng 12/2019. Tuy nhiên, các báo cáo từ Trung Quốc không minh bạch về quy mô, tính chất và mức độ lây nhiễm của bệnh.
Một bài báo của tạp chí Science ước tính rằng 86% các ca nhiễm bệnh ở tỉnh Hồ Bắc đã không được báo cáo vào thời điểm chính quyền phong tỏa Vũ Hán và các thành phố khác từ 23/1.
Cũng có thể các quan chức đã báo cáo con số thấp hơn. Đặc biệt khi chính quyền trung ương đưa ra khẩu hiệu tuyên truyền rằng sẽ chiến thắng dịch bệnh trong cuộc “chiến tranh nhân dân“, thì các con số được thay đổi để đạt được mục tiêu đó. Sự thay đổi đó có thể thực hiện tinh vi bằng cách gán cho những trường hợp tử vong những lý do như bệnh tim, bệnh viêm phổi…
Ngày 1/4, hãng tin Bloomberg (Mỹ) dẫn lời các nguồn tin tiết lộ báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ kết luận chính phủ Trung Quốc che giấu mức độ nghiêm trọng của đại dịch viêm phổi Vũ Hán và công bố số liệu không hoàn chỉnh về ca nhiễm và trường hợp tử vong ở nước này.  

Những nghi ngờ được đặt ra xuất phát từ lịch sử che giấu dữ liệu của nước này.  

Trung Quốc là quốc gia có tai tiếng trong việc cung cấp số liệu. Đặc biệt là về kinh tế Trung Quốc – chỉ dấu về sự tiến bộ cho đất nước và cho Đảng Cộng sản cầm quyền. Khác với đa số các quốc gia khác, các số liệu GDP hàng quý của Trung Quốc từ lâu bị xem chỉ là tham khảo, chứ không phản ánh chân thật. Một số ước đoán cho rằng tăng trưởng kinh tế thật của Trung Quốc chỉ bằng một nửa con số công bố.
Khi mà Trung Quốc có thể làm giả số liệu về một chỉ số quan trọng như GDP thì việc nước này theo thói quen cũng làm vậy với đại dịch viêm phổi Vũ Hán thì cũng là điều dễ hiểu.
Hơn nữa, Trung Quốc từng có lịch sử báo cáo sai lệch về thông tin dịch bệnh ở nước này. Vào ngày 21/4/2003, thời điểm bùng phát dịch SARS, Thời báo New York đưa tin rằng Trung Quốc thừa nhận báo cáo con số nhiễm dịch thấp đi. Trong lần thừa nhận hiếm hoi, chính quyền Trung Quốc tiết lộ rằng các ca bệnh suy hô hấp cấp cao hơn số liệu báo cáo trước kia gấp nhiều lần. Và họ đã sa thải 2 quan chức. Thứ trưởng Bộ Y tế Gao Qiang nói lúc đó rằng Bắc Kinh có 339 ca nhiễm SARS và 402 ca nghi nhiễm. Trước đó 10 ngày, Bộ trưởng Y tế Trương Văn Khang (Zhang Wenkang) nói chỉ có 22 ca nhiễm SARS ở Bắc Kinh.
Và thực tế cho thấy, trong giai đoạn đầu khi dịch bệnh bắt đầu phát tán tại Vũ Hán, chính quyền cộng sản đã che giấu thông tin, bịt miệng những “người thổi còi” trong đại dịch Viêm phổi Vũ Hán mà tiêu biểu là bác sĩ Lý Văn Lượng và những người bạn. Thị trưởng Vũ Hán đã thừa nhận từ lâu rằng đã có sự thiếu hành động trong thời gian từ đầu tháng Giêng – khi có khoảng 100 trường hợp được xác nhận – đến 23/1, là lúc nơi này áp lệnh hạn chế trên toàn thành phố.

Theo nhà báo Mạnh Kim, vấn đề ở chỗ gần như không ai có thể kiểm tra được số liệu Trung Quốc.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan gần như duy nhất có thể yêu cầu Trung Quốc cung cấp và công bố những gì dư luận nghi ngờ, lại tỏ ra “hợp tác tốt” với Bắc Kinh và thậm chí trong nhiều trường hợp đã “nói đỡ” giùm Bắc Kinh để xua đi những nghi vấn được đặt ra đối với thống kê từ Trung Quốc.
Hồi tháng 2, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng khen ngợi Trung Quốc rằng biện pháp phong tỏa của nước này đã giúp “câu giờ” để thế giới chuẩn bị ứng phó đại dịch. Ông này cũng liên tiếp ca ngợi Trung Quốc vì “tốc độ phát hiện dịch” và “cam kết minh bạch“.
Trước sự đáng ngờ của ông Tedros khi không công bố dịch viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu hồi cuối tháng 1, đơn kiến nghị trực tuyến kêu gọi Tổng giám đốc WHO từ chức trên được tạo trên trang Change.org và được dịch ra nhiều thứ tiếng như Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Ả Rập. Tờ đơn khẳng định cách xử lý của các quan chức y tế thuộc Liên Hiệp Quốc (UN) và WHO đối với sự bùng phát của dịch viêm phổi Vũ Hán là “không chấp nhận được“. Ngoài ra, người viết đơn còn cho rằng ông Tedro “không phù hợp” với vị trí người đứng đầu WHO và nên từ bỏ chức vụ ngay lập tức. Đơn kiến nghị trực tuyến này đến ngày 6/4 đã thu được hơn 718.000 chữ ký.

Trung Quốc kê khai số liệu những ca nhiễm bệnh viêm phổi Vũ Hán tại quốc gia mình theo định nghĩa của nước này về dịch bệnh mới. Và từ tháng Giêng tới cuối tháng Ba, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã tám lần đưa ra định nghĩa về viêm phổi Vũ Hán.

Ảnh : Xe bắt đầu trở lại với đường phố Vũ Hán sau khi dỡ bỏ phong tỏa

Giáo sư Ben Cowling từ Trường Y tế Công thuộc Đại học Hong Kong nói việc xét nghiệm ban đầu chỉ tập trung vào các ca viêm phổi nặng nhất liên quan khu chợ phát dịch ở Vũ Hán. Ông này cho rằng có thể có tới 232.000 ca nhiễm nếu các định nghĩa sau này được dùng ngay từ đầu chứ không phải 75.000 ca như Bắc Kinh loan bố.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, không biết do điều chỉnh cho “phù hợp thực tế” hay cố tình tạo ra sự loạn nhiễu, đã lần lượt đưa ra đến 7 cách giải thích khác nhau từ tháng 1 đến đầu tháng 3 để “hướng dẫn” giới chức y tế nước mình định nghĩa như thế nào là nhiễm bệnh. Cuối tháng 3, Trung Quốc lại tung ra “định nghĩa” thứ tám.
Ngày 19/3 vừa qua được xem là cột mốc “thành công” của cuộc chiến chống dịch bệnh tại Trung Quốc: đó là ngày mà toàn Trung Quốc ghi nhận không có ca nhiễm mới. Tuy nhiên, một thông báo công cộng được giới chức địa phương bên ngoài cộng đồng Vũ Hán cho biết có một ca mới nhiễm. Bức ảnh chụp thông báo lan truyền lập tức trên mạng xã hội. Viên bí thư đảng ủy địa phương, Đào Chính Thái xác nhận giới chức địa phương có đăng thông báo trên, nhưng sau đó, ngày 29/3, Đào nói với Tân Hoa Xã rằng đó là một sơ xuất, rằng có một ông 63 tuổi tên “Trương” ở quận Kiều Khẩu (Vũ Hán) được xét nghiệm dương tính dù không có triệu chứng và vì “ông Trương không có triệu chứng nên không được tính là một ca được xác định nhiễm”. Lúc thì không có triệu chứng không được tính là nhiễm, khi lại được xem là nhiễm, cho thấy cái cách “thiên biến vạn hóa” trong việc làm thống kê của Trung Quốc.

Nhà báo Thùy Dương đã đề cập đến một bài viết có tựa đề « Trung Quốc muốn giành hết công trạng về việc kiểm soát dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán » của phóng viên người Nhật trên một tuần báo của Pháp.

Theo bài viết, Bắc Kinh chỉ muốn chứng tỏ ưu thế của chế độ độc đoán chuyên quyền trong việc kiểm soát dịch bệnh mà quên đi rằng chính hệ thống này đã cản trở việc sớm đưa ra các biện pháp để ngăn ngừa sự lây lan của virus.
Hoàn Cầu thời báo mới đây, trong một bài xã luận, chỉ trích mạnh mẽ việc Mỹ và châu Âu không có khả năng kìm hãm đà lây lan của dịch bệnh, không có các biện pháp thích hợp để chống lại virus.
Trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần tự ca ngợi là hình mẫu về cách đối phó với virus, đòi hỏi toàn thế giới phải công nhận những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Đòi hỏi này thật vô lý, bởi loại virus đang gây ra rất nhiều nỗi đau cho biết bao người, xuất phát từ chính Trung Quốc.
Mong đợi được khen ngợi vì làm chậm sự lây lan của virus, mà không thừa nhận trách nhiệm của mình, giống như châm mồi lửa rồi sau đó muốn được hoan nghênh vì đã mang nước đến dập lửa.
Ngược lại, thế giới sẽ tốt hơn nếu các nhà lãnh đạo Cộng Sản phản ứng nhanh chóng khi thông tin về virus được công bố lần đầu tiên vào năm 2019 tại Vũ Hán, thay vì tìm cách che giấu thông tin.

Trung Quốc luôn tuyên truyền để tỏ ra phản ứng mạnh mẽ để ngăn chặn dịch bệnh. Nhưng điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh đáng được coi là một hình mẫu cho phần còn lại của thế giới trong cuộc chiến chống lại đại dịch, cũng như không phải là Trung Quốc đã cứu thế giới, mà ngược lại, Trung Quốc chính là nơi đã gây ra đại họa giết người trên toàn thế giới.

Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)