Huawei ‘cảnh cáo’ Anh nếu không dùng 5G từ Trung Quốc

https://www.youtube.com/watch?v=zy11OYCZt-U

Viêm phổi Vũ Hán đã khiến thế giới thấy rõ hơn bản chất của nhà cầm quyền Trung Quốc. Và thực tế, tại Anh, đại dịch có thể làm tăng áp lực lên chính phủ nước này là phải có một đường lối cứng rắn hơn đối với Huawei. Trước diễn biến này, Công ty viễn thông Trung Quốc Huawei đã lập tức cho công bố bức thư ngỏ ngay khi Thủ tướng Boris Johnson ra viện để ‘phủ đầu’ sự do dự này của Anh.

Trong thư, Huawei nói rằng việc phá vỡ sự tham gia của Anh vào quá trình triển khai 5G sẽ là ”điều bất lợi” cho nước này.

Trong lá thư nói trên, công ty Huawei cho biết họ tập trung vào việc giữ cho Vương quốc Anh được kết nối trong cơn khủng hoảng viêm phổi Vũ Hán hiện nay.
Victor Zhang, người đứng đầu Huawei tại Vương quốc Anh, cho biết việc sử dụng dữ liệu tại nhà đã tăng ít nhất 50% kể từ khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tấn công nước này, gây “áp lực đáng kể” cho các hệ thống viễn thông.
Huawei khẳng định đã hợp tác với các đối tác như BT, Vodafone và EE để đối phó với nhu cầu tăng cao, và cũng đã thiết lập ba nhà kho mới trên toàn quốc, để đảm bảo việc có thể sẵn sàng cung cấp các phụ tùng thay thế.
Ông Zhang cũng nói rằng cuộc khủng hoảng hiện nay đã cho thấy rõ có bao nhiêu người, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, “bị kẹt trong làn đường chậm của kỹ thuật số“. Và ông cảnh báo rằng loại Huawei khỏi vai trò tương lai trong 5G của nước Anh sẽ là một sai lầm.
Ông viết: “Có những người chọn tiếp tục tấn công chúng tôi mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào… Làm gián đoạn sự tham gia của chúng tôi trong việc triển khai 5G sẽ khiến tạo cho Anh nhiều bất lợi.”

Ảnh: Victor Zhang, người đứng đầu Huawei tại Vương quốc Anh

Trước đó, hôm 28/1, Chính phủ Anh của Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố vẫn cho phép Huawei tham gia các mạng 5G, nhưng có hạn chế. Vào thời điểm khi dịch viêm phổi Vũ Hán chưa bùng phát tại nước này thì đây được cọi là quyết định quan trọng nhất về ngoại giao của ông Boris Johnson trong năm nay.

Trong khi Mỹ thúc giục Anh phải cấm toàn bộ Huawei trong hệ thống 5G, còn Trung Quốc dọa sẽ có trừng phạt nếu London dám cấm toàn bộ thì chính phủ Anh đã chọn một giải pháp dung hòa là cấm công ty Trung Quốc cung cấp hàng cho các phần “nhạy cảm“, được gọi là mạng lõi.
Theo đó, Huawei chỉ được cung cấp tối đa 35% trong “vùng ngoại biên” của mạng 5G.
Mạng lõi là nơi kết nối được thực hiện sau khi được định tuyến bởi các thiết bị khác trong trạm phát sóng.
Mạng lõi khác với vùng ngoại biên, hay còn gọi là Radio Access Network (Mạng truy cập vô tuyến), tức thiết bị nằm giữa thiết bị không dây và kết nối mạng Internet.
Huawei cũng bị cấm ở các khu vực gần căn cứ quân sự và địa điểm hạt nhân.
Quyết định của chính phủ Anh còn chờ Quốc hội thông qua.
Bốn mạng điện thoại di động tại Anh hiện do các công ty Three, 02, EE (thuộc British Telecom – BT) và Vodafone vận hành.
Ba trong bốn mạng này EE, Three và Vodafone đã dùng một số thiết bị của Huawei trong vùng ngoại biên của hệ thống 5G.
Việc chính phủ Anh không cấm các thiết bị của Huawei trong vùng ngoại biên của hệ thống 5G sẽ tránh cho các nhà mạng này một thiệt hại lớn về mặt chi phí nếu phải bỏ hết các phương tiện này.

Ngay tại Anh, Huawei đã gây chia rẽ trong chính giới và trong cả đảng cầm quyền. Kể cả sau khi quyết định của chính phủ Anh được đưa ra hồi tháng 1 thì Huawei tiếp tục vẫn tiếp tục là một chủ đề lớn gây tranh cãi.

Ảnh: Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt đã từng bày tỏ quan ngại về việc phụ thuộc vào Huawei

Hôm 26/01, ngay trước khi Thủ tướng Boris Johnson ra quyết định có cho Huawei xây mạng 5G ở Anh hay không, ông Tom Tugendhat, cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại đầy quyền lực trong Hạ viện Anh, nói “đến cả Đảng Cộng sản ở Việt Nam còn bác bỏ Huawei” để nêu ra luận điểm rằng Huawei chính là bình phong của an ninh Trung Quốc.
Dân biểu của đảng Bảo thủ đang cầm quyền khẳng định ông chống lại vụ Huawei đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho mạng di động siêu tốc 5G ở Anh Quốc vì lý do an ninh. Ông Tugendhat cũng ví hoạt động của Huawei “như cáo vào chuồng gà“.
Cựu bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt (đảng Bảo thủ), người có vợ là Lucia Quách, gốc Tây An, Trung Quốc, cũng lên đài phản đối việc để Huawei vào xây dựng mạng 5G ở Anh.
Nhiều nhà phê bình cho rằng cho phép công ty Trung Quốc này đóng bất kỳ vai trò nào tại Anh cũng là một rủi ro an ninh vì lo ngại Huawei có thể được Bắc Kinh sử dụng để do thám hoặc thậm chí phá hoại truyền thông.
Đầu tháng 3, 38 nghị sĩ đảng Bảo thủ phản đối quyết định cho Huawei tham dự vào việc xây dựng các mạng dữ liệu mới của Anh.
Số nghị sĩ tỏ sự bất bình cao hơn dự kiến. Điều đó chỉ ra một kết quả đảo ngược tiềm tàng khi Dự luật cơ sở hạ tầng viễn thông xuất hiện trước Quốc hội, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Đặc biệt, cuộc khủng hoảng viêm phổi Vũ Hán càng nhấn mạnh sự căng thẳng giữa các vấn đề an ninh kinh tế và quốc gia khiến chủ đề Huawei này càng trở nên nóng bỏng.

Phe ủng hộ vai trò của Huawei lập luận rằng việc loại trừ Huawei sẽ làm chậm đi và tăng chi phí của việc cung cấp các mạng nhanh hơn và đáng tin cậy hơn. Nhất là nhu cầu kết nối lớn hơn nhằm mục đích để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mạng 5G đang được xây dựng một phần trên 4G, do đó, loại trừ Huawei khỏi 5G ở Anh cũng có nghĩa là tách nó ra khỏi 4G. Điều đó sẽ tốn kém và sẽ làm chậm lại lời hứa và kỳ vọng về khả năng kết nối tốt hơn của chính phủ Anh. Các nhà mạng viễn thông cũng cảnh báo sẽ tốn thêm hàng tỷ bảng Anh nếu xây dựng mạng 5G mà không có Huawei, vì thiết bị mạng Huawei rẻ hơn tương đối so với các đối thủ cạnh tranh Nokia và Ericsson.
Ngoài Huawei, hiện chỉ có bốn nhà cung cấp 5G chính trên thế giới là Nokia, Ericsson, Samsung và công ty Trung Quốc ZTE.
Phe phản đối Huawei hằn thêm sự tức giận nhắm vào Trung Quốc khi đánh giá là nước này không xử lý bệnh dịch viêm phổi Vũ Hán từ lúc ban đầu đồng thời gia tăng mối lo ngại về sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào công nghệ và công ty của Trung Quốc.
Một số các bộ trưởng và quan chức cấp cao giấu tên gần đây đã được trích dẫn nói rằng sẽ phải có một sự “xét lại” sau khi cuộc khủng hoảng hiện tại đã kết thúc.
Một phần của việc xét lại này có thể liên quan đến việc đảo ngược quyết định của tháng Giêng – một dấu hiệu giải thích cho quyết định viết thư của Huawei.
Vào ngày 4/4, một nhóm gồm 15 nghị sĩ bảo thủ kêu gọi Anh quốc suy nghĩ lại về mối quan hệ với Trung Quốc trong lá thư họ gửi Thủ tướng Boris Johnson, viết một ngày trước khi ông được đưa vào bệnh viện. Nhóm này viết: “Theo thời gian, chúng ta đã để cho mình phụ thuộc vào Trung Quốc và đã thất bại trong việc có một cái nhìn chiến lược về nhu cầu kinh tế, kỹ thuật và an ninh dài hạn của Anh.” Trong số những người ký tên có Iain Duncan Smith, David Davis và Bob Seely.
Hơn nữa, trong bối cảnh, Anh và Mỹ đang chuẩn bị đàm phán một thỏa thuận thương mại mà Anh hy vọng sẽ là một trong những phần thưởng lớn nhất từ khi rời Liên minh châu Âu thì quyết định về vấn đề Huawei có thêm phần ý nghĩa quan trọng.

Lưỡng viện Hoa Kỳ vẫn tiếp tục theo đuổi tham vọng thay đổi quyết định của Anh trong vấn đề Huawei.

20 thượng nghị sĩ Lưỡng đảng Mỹ mới đây đã họp kín hôm 3/3 để kêu gọi các nhà lập pháp Anh xem xét lại quyết định cho phép Huawei tham gia cung cấp thiết bị mạng viễn thông 5G cho nước này.
Trước các rủi ro lớn về bảo mật, quyền riêng tư và đe dọa kinh tế mà Huawei mang tới, chúng tôi hy vọng Vương quốc Anh xem xét lại quyết định mới nhất (về việc cho phép Huawei trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông 5G) như một bước hợp tác chặt chẽ với chính phủ Mỹ, giảm thiểu nguy cơ từ Huawei” – trích một phần thông điệp khẩn mà các thượng nghị sĩ gửi đến Hạ viện Anh.
Bức thư được ký bởi 1/5 thành viên trong số 100 thành viên của Thượng viện, bao gồm những chính khách “máu mặt” như lãnh đạo Đảng Dân chủ thượng viện Chuck Schumer, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Đảng Cộng hòa Richard Burr, Phó chủ tịch Hội đồng Dân chủ Mark Warner.
Lá thư được công khai trong bối cảnh Reuters vừa chỉ ra những bằng chứng quan trọng chứng minh Huawei vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ với Iran. Các tài liệu mà Reuters có được cung cấp những tình tiết mới làm rõ vai trò của Huawei trong việc xuất khẩu hàng loạt thiết bị chuyển mạch, linh kiện máy tính và nhiều thiết bị khác các công ty Mỹ bao gồm HP, Microsoft Corp, Symantec Corp và Novell Inc sản xuất cho Iran hồi tháng 12/2010 bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ.
Hồi tháng 1/2020, một nhóm 42 hạ nghị sĩ lưỡng đảng thuộc Hạ viện Mỹ đã gửi một lá thư tương tự đến các nhà lập pháp Anh ngay sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson cho phép gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia cung cấp thiết bị viễn thông 5G cho nước này.

Hoa Kỳ đã có một đường lối cứng rắn với sự lựa chọn của Anh trong vấn đề Huawei vì họ biết quyết định của Anh có ý nghĩa toàn cầu.

Hiện giờ, nhiều quốc gia khác cũng đang có các cuộc tranh luận tương tự. Giống như Anh, họ muốn sử dụng Huawei vì giá rẻ nhưng sợ rủi ro bảo mật và cơn thịnh nộ của Mỹ.
Nếu Vương quốc Anh chấp thuận sử dụng Huawei, nhiều quốc gia trong số này có thể dùng điều đó làm cái cớ để học theo. Tuy nhiên, rất ít quốc gia khác có được kinh nghiệm kỹ thuật giám sát Huawei như những gì Vương quốc Anh đã xây dựng.
Viễn cảnh toàn cầu chạm đến một trong những rủi ro dài hạn rộng lớn hơn.
Một số người đặt vấn đề vì sao mà chúng ta đã phải ở vào vị trí cần phải cân nhắc việc sử dụng công nghệ của Trung Quốc.
Câu trả lời là bởi vì các nước phương Tây đã không nghĩ đến chiến lược bảo vệ hoặc nuôi dưỡng ngành công nghiệp viễn thông của riêng họ trong hai thập niên qua.
Nhiều công ty đã phá sản hoặc bị thâu tóm. Trong khi đó, Bắc Kinh theo đuổi chiến lược tập trung dài hạn để trở thành nước dẫn đầu về công nghệ.

Nguy cơ của việc Huawei trở thành một công ty thống trị đã được cựu Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt bày tỏ. Ông nói: “Vấn đề là điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta gặp phải tình huống thực sự không có công ty phương Tây nào có thể cạnh tranh nổi với Huawei trong tương lai.”
Quốc hội Anh sẽ đứng trước một lựa chọn mang tính quyết định cho tương lai của không chỉ Anh mà một phần lớn của thế giới.
Liệu Vương quốc Anh có vượt qua được ‘nỗi sợ Trung Quốc’ để lấy lại sự tự chủ cho quốc gia mình?
Tại Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm mọi cách để thực hiện “giấc mộng Trung Hoa“ với mục tiêu áp đặt trên toàn thế giới Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Nếu các nước Dân chủ và Tự do như Anh không có biện pháp hữu hiệu để chống lại sự lan tỏa của thể chế độc tài từ Trung Quốc, thì cuối cùng họ sẽ “Chết bởi Trung Quốc” – Đúng như lời hai giáo sư kinh tế Peter Navarro và Greg Autry tại Mỹ đã đưa ra lời cảnh báo trên toàn cầu.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=1_sS7n1nwGc&t=1shttps://www.youtube.com/watch?v=PXZSpxS_i00&t=328shttps://www.youtube.com/watch?v=m04yfNqvV1Q&t=280s
https://www.youtube.com/watch?v=PXZSpxS_i00
https://www.youtube.com/watch?v=m04yfNqvV1Q