Các tuyên bố, quyết định về hành chính cũng như các hành vi pháp lý trên cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’ cùng những hành động quyết đoán trên thực địa đã đánh dấu việc đẩy mạnh ‘yêu sách Tứ Sa’, bước đi mới của Trung Quốc để đẩy nhanh âm mưu bá quyền Biển Đông của nước này trong bối cảnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán vẫn đang hoành hành dữ dội trên toàn cầu và Trung Quốc đang phải đối mặt với những bế tắc trong và ngoài nước.
Ngày 18/4, Bộ Dân chính Trung Quốc ra thông cáo, Quốc vụ viện nước này mới đây đã phê chuẩn quyết định thành lập “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” trực thuộc “thành phố Tam Sa”, tỉnh Hải Nam.
Đây là những đơn vị hành chính được tuyên bố thành lập tại vị trí 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền theo luật pháp quốc tế.
Theo trách nhiệm hành chính do Trung Quốc vừa tự đặt ra, quận Tây Sa quản lý quần đảo Hoàng Sa và bãi Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa) cùng các vùng biển xung quanh. Chính quyền của quận Tây Sa đặt ở đảo Phú Lâm.
Còn quận Nam Sa quản lý quần đảo Trường Sa cùng vùng biển xung quanh. Chính quyền quận Nam Sa được Trung Quốc đặt ở đá Chữ Thập của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Cài gọi là “thành phố Tam Sa” là “đơn vị hành chính” mà Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập vào năm 2012 để quản lý “Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa“.
Tiếp đó, ngày 19/4, Bộ Dân chính Trung Quốc thể hiện sự ngang ngược khi tự tiện công bố cái gọi là ‘danh xưng tiêu chuẩn’ của hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông, bao gồm những thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Hoàn Cầu thời báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết các “danh xưng tiêu chuẩn” được công bố ngày 19/4 sẽ áp dụng cho “25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông“.
Ngoài việc tự tiện đặt tên cho các thực thể này, Trung Quốc cũng công bố kinh độ và vĩ độ của các đảo, bãi đá và thực thể. Nhiều đảo đá và thực thể này xuất hiện ở phần phía tây Biển Đông và nằm dọc theo “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ ra.
Điều này vô tình giúp giới chuyên gia xác định được vị trí chính xác các đảo, đá và thực thể mà Trung Quốc ngang ngược cho rằng thuộc quyền tài phán của họ.
Đáng chú ý, trong những thực thể này có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.
Cùng với đó, gần đây, Trung Quốc điều tàu thăm dò và hải cảnh xuống Biển Đông, tập trận hải quân ở vùng biển khu vực, cho xuất hiện tàu hải quân ở eo biển Đài Loan, thậm chí có động thái gây chú ý ở Biển Hoa Đông, gần Nhật Bản.
Chuỗi hành động vi phạm pháp luật nghiêm trọng này được thực hiện trong bối cảnh cả thế giới vẫn đang gồng mình chống đại dịch viêm phổi Vũ Hán và Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những áp lực cả từ bên trong và cả bên ngoài.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế – Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM nhận định: “Hội đồng Bảo an Liên Hiếp Quốc có 5 nước thường trực thì hết 4 nước (Anh, Pháp, Mỹ, Nga) đang bận đối phó với đại dịch trong nước. Trung Quốc – thành viên còn lại – đang tận dụng sự phân tâm của các nước và các cơ quan của Liên Hiệp Quốc đang tập trung chống đại dịch để thúc đẩy yêu sách ở Biển Đông.”
Trung Quốc có lịch sử tận dụng các cuộc khủng hoảng để chiếm hữu các lợi thế phục vụ những ý đồ chiến lược của họ. Chẳng hạn, trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1974, Trung Quốc đã tấn công và chiếm đoạt trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tương tự như vậy, sau khi Philippines yêu cầu các lực lượng đồn trú của Mỹ ở vịnh Subic và căn cứ lực lượng không quân Clark đóng cửa vào đầu những năm 1990, Trung Quốc đã chớp thời cơ chiếm giữ đá Vành Khăn từ sự kiểm soát của Philippines (vào đầu năm 1995).
Như vậy, Trung Quốc đã chớp lấy cơ hội để tăng cường sự kiểm soát của họ tại khu vực trong bối cảnh các quốc gia khác đang bị chi phối bởi đại dịch COVID-19, vốn xuất phát từ nước này.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, Cố vấn cao cấp Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế (CSSD) nhận định việc Trung Quốc đưa ra tuyên bố như vậy trong thời điểm này có nhiều lý do, xuất phát từ những khó khăn trong nước, buộc Trung Quốc phải đẩy mâu thuẫn ra bên ngoài để hướng lái sự chú ý của dư luận.
Ông nói: “Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19. Kinh tế trì trệ, tăng trưởng chậm, đời sống nhân dân đi xuống và nhất là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Đây là những vấn đề nan giải của lãnh đạo Trung Quốc. Những điều này hối thúc Trung Quốc đẩy mâu thuẫn trong nội tại ra bên ngoài, từ đó hướng lái sự chú ý dư luận trong nước và thu hút cộng đồng quốc tế. Do đó, vấn đề Biển Đông, Đài Loan… là những ưu tiên để Trung Quốc thực hiện ý đồ.”
Với thất bại trong yêu sách “đường lưỡi bò” sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA), vào năm 2017 Trung Quốc đã đưa ra chiến thuật mới trên Biển Đông với yêu sách “Tứ Sa” sai trái. Và các tuyên bố về hành chính mới đây là một trong những bước để thực hiện yêu sách này.
Trung Quốc đang thực hiện việc thể chế hóa cái gọi là “Tứ Sa” trong hệ thống quản lý quốc gia, một bước đi mới để thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Yêu sách này có thể tóm tắt bằng 3 điểm. Thứ nhất, Trung Quốc có “chủ quyền không thể chối cãi” đối với Nam Hải chư đảo, bao gồm 4 nhóm đảo mà Trung Quốc gọi là “quần đảo”: Đông Sa (đảo đá Pratas), Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield, một bãi ngầm hoàn toàn nằm dưới mặt nước ngay cả khi thủy triều xuống thấp nhất, và gần đây đưa thêm bãi cạn Scarborough của Philippines). Thứ hai, các nhóm đảo này là quần đảo và được sử dụng đường cơ sở thẳng để xác định đường cơ sở và vùng nước quần đảo. Thứ ba, các nhóm đảo này có vùng nước quần đảo, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý và thềm lục địa tính từ đường cơ sở thẳng.
Cần chú ý rằng từ khoảng nửa sau năm 2019 đến nay, Trung Quốc cho tàu Hải Dương Địa chất 8 thăm dò tài nguyên trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines. Về mặt chính trị và kinh tế, Trung Quốc luôn dùng sức mạnh để áp đặt các nước xung quanh Biển Đông buộc các nước này chấp nhận yêu sách trái phép của mình. Trung Quốc cũng triển khai rầm rộ các tàu để tập trận trên các vùng biển ở khu vực. Như vậy, Trung Quốc đang triển khai thực hiện tất cả các biện pháp chính trị, quân sự, ngoại giao, quản lý hành chính nhà nước và trên thực địa nhằm hiện thực hóa những yêu sách sai trái của mình trên Biển Đông.
Giáo sư James Kraska, chuyên gia luật hàng hải quốc tế tại Trung tâm Luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ) còn nhận định như sau: “Tôi nghĩ chính quyền Bắc Kinh muốn khẳng định cái gọi là thành phố Tam Sa hiện đã chiếm hữu diện tích hơn 2 triệu km2, tức là thành phố lớn nhất trên Trái đất và lớn hơn cả diện tích của nhiều quốc gia.”
Các chuyên gia cũng đánh giá rằng việc leo thang căng thẳng ở biển Đông cũng là giải pháp để Trung Quốc gây áp lực trên bàn đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC tới đây.
Việc Trung Quốc tạo thêm hai “đơn vị hành chính” quản lý ở Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) là hành động khiêu khích, bất tuân luật pháp quốc tế, là việc làm vi phạm Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) và làm suy yếu nghiêm trọng các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đối với vấn đề tiến tới một (COC) ràng buộc về mặt pháp lý.
Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia) khẳng định Trung Quốc cụ thể đã có những cái sai như sau.
Đầu tiên, hành động của Trung Quốc là sự khiêu khích bởi nó đi ngược lại tinh thần một văn kiện giữa Việt Nam và Trung Quốc về Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, vốn được lãnh đạo Đảng của hai bên nhất trí tháng 10/2011. Hành động của Trung Quốc sẽ làm xói mòn niềm tin giữa hai nước, vì nó liên tục vi phạm những cam kết của Bắc Kinh rằng họ sẽ giải quyết tranh chấp trong hòa bình, thông qua đối thoại với các nước có sự quan tâm trực tiếp.
Thứ hai, hành động của Trung Quốc là phi pháp đặt dưới luật pháp quốc tế. Trung Quốc kiểm soát Hoàng Sa thông qua xâm lược và thôn tính vào tháng 1/1974. Luật pháp quốc tế không công nhận chủ quyền có được thông qua sự xâm chiếm.
Thứ ba, Trung Quốc và ASEAN đã thống nhất về DOC năm 2002. Điều 5 của DOC nêu: “Các bên cam kết tự kiềm chế trong các hoạt động vốn sẽ làm phức tạp tình hình, leo thang căng thẳng và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định...”. Hành động đơn phương của Trung Quốc đã làm tình hình phức tạp một cách nghiêm trọng đối với tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Chính quyền Trung Quốc sẽ ra những quy định và chỉ thị vốn sẽ ảnh hưởng lớn tới chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Thứ tư, văn bản đàm phán về COC không xác định khu vực nào ở Biển Đông mà COC sẽ bao phủ. Tuyên bố của Trung Quốc về “đơn vị hành chính” mới ở Trường Sa là một động thái phủ đầu nhằm đẩy lùi tuyên bố chủ quyền của Việt Nam cũng như Philippines.
Trong bối cảnh này, Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và có liên quan, quan tâm phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác và đề phòng đồng thời quyết liệt về mặt ngoại giao, công khai phản đối yêu sách phi pháp của Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Công Trục (nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ) khẳng định: “Chúng ta cần chính thức lên tiếng phản đối các động thái của Trung Quốc, từ việc thành lập các “đơn vị hành chính“ đến cả việc đặt tên lần này… Đồng thời, Việt Nam cũng nên xem xét công bố những tên gọi của riêng mình cho các đảo, đá và cấu trúc địa lý trên Biển Đông.”
Thạc sĩ Phạm Ngọc Minh Trang (Giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cũng nhận định: “Tốt nhất vẫn nên bình tĩnh, thận trọng, sử dụng các biện pháp ngoại giao như trao công hàm hoặc phản đối trực tiếp, hay đưa sự việc ra các diễn đàn quốc tế, quan trọng nhất là Liên Hiệp Quốc… Trung Quốc không những có các hành vi gây phản ứng từ Việt Nam mà còn các nước khác trong khối ASEAN, nên đây là lúc các quốc gia này đã có một “điểm chung” để hợp tác đối phó… Là chủ tịch ASEAN, Việt Nam hiện ở thế chủ động để tập hợp tiếng nói chung lên án Trung Quốc có các hành vi đe dọa an ninh, hòa bình tại Biển Đông, khu vực biển chung của ASEAN. Đặc biệt, Việt Nam hiện còn là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc…”
Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cũng cho rằng: “Uy tín của Việt Nam đang lên cao trên thế giới sau các hành động viện trợ vật tư y tế cho các quốc gia chống dịch COVID-19. Việt Nam cần tận dụng điều này để thúc đẩy truyền thông ra thế giới, chứng minh chủ quyền hợp pháp đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đệ trình văn bản gì liên quan Biển Đông lên Liên Hiệp Quốc thì Việt Nam cũng đệ trình phản bác lại. Trung Quốc tự tiện đặt tên cho các thực thể trên Biển Đông thì Việt Nam cũng phải nói cho thế giới biết quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa gồm những đảo gì, thực thể nào.”
Bất chấp các phản ứng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục phổ biến các yêu sách chủ quyền vô căn cứ và lập luận như thể mình là nạn nhân của tình trạng không tuân thủ luật quốc tế.
Hôm 17/4, trong một tài liệu đệ trình lên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã ngang ngược cáo buộc Việt Nam “đưa quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp các đảo, đá thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc hòng tạo ra tranh chấp“.
Văn bản do phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đệ trình còn nhấn mạnh Bắc Kinh đã liên tục “phản đối sự xâm lược và chiếm đóng trái phép của Việt Nam” trước khi lớn tiếng “yêu cầu Việt Nam rút tất cả người và phương tiện, thiết bị ra khỏi các đảo, đá đã xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp“.
Trên thực tế Trung Quốc luôn nói một đằng, làm một nẻo. Trong văn bản ngày 17/4, Bắc Kinh thậm chí không ngượng miệng và đổi trắng thay đen lịch sử.
Trung Quốc là nước duy nhất sử dụng vũ lực để kiểm soát và chiếm đóng trái phép các đảo, đá trên Biển Đông. Trong số đó phải kể đến trận chiến ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã xua tàu chiến chiếm đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, giết hại 64 chiến sĩ Việt Nam.
Bất chấp sự chống trả kiên cường và phản đối quyết liệt của Việt Nam, Trung Quốc đã chiếm giữ bất hợp pháp đá Gạc Ma. Năm 2014, Trung Quốc ngang nhiên cải tạo Gạc Ma thành đảo nhân tạo và biến nó thành một tiền đồn quân sự phục vụ cho các yêu sách chủ quyền vô lý của mình trên Biển Đông.
Chuỗi hành vi của TQ trên biển, đi cùng với những bê bối liên quan đến đại dịch COVID-19 khiến niềm tin của cộng đồng quốc tế với chính quyền Bắc Kinh suy giảm trầm trọng. Không thiếu các chỉ trích “thừa nước đục thả câu” nhắm vào lãnh đạo Trung Quốc suốt thời gian qua. Việc lập ra các quận đảo đi cùng các hành vi quyết liệt trên thực địa sẽ là “cọng rơm cuối làm gãy lưng con lạc đà”, khiến các nước sẽ phản ứng mạnh.
Tiến sĩ Trần Công Trục – Nguyên Trưởng ban biên giới chính phủ khẳng định: Hơn lúc nào hết, đoàn kết luôn luôn là sức mạnh vô địch phải được duy trì và phát huy trong từng quốc gia, trong cộng đồng khu vực và quốc tế. Vì vậy, dù Trung Quốc có toan tính sử dụng kế sách “mượn gió, bẻ măng” hay, thậm chí có cả kịch bản đã cố tình “gieo gió” nguy hại đến đâu chăng nữa, thì trước sau cũng bị phá sản và ắt cũng phải “gặp bão” mà thôi!
Và Việt Nam cũng phải khẩn trương chuyển đổi sang thể chế dân chủ để liên minh với Mỹ và châu Âu, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, khi xảy ra chiến tranh trên Biển Đông với Trung Quốc trong thời gian tới.
Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)