Cố vấn Thương mại Tòa Bạch Ốc, Peter Navarro, ngày 27/4 cáo buộc Trung Quốc đã gởi các bộ xét nghiệm kém chất lượng và thậm chí là những bộ xét nghiệm kháng thể virus Cúm Vũ hán giả sang Mỹ và “thủ lợi” từ đại dịch.
Ông Navarro, một người thường chỉ trích Bắc Kinh đã được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm việc về các vấn đề cung ứng liên quan tới dịch corona, nói xét nghiệm thêm về virus và kháng thể là rất cần thiết để dân Mỹ có thể trở lại làm việc sau thời gian bị phong toả.
“Chúng ta không thể để Trung Quốc đưa qua những bộ xét nghiệm sai hay giả, vì việc này sẽ làm gián đoạn mọi thứ,” ông Navarro nói với chương trình Fox and Friends.
“Có nhiều bộ xét nghiệm kháng thể đến từ Trung Quốc chất lượng thấp, đọc kết quả sai và đại loại như thế.”
Hoa Kỳ dựa nhiều vào Trung Quốc về những trang bị căn bản và thuốc men và hai đối thủ chiến lược-thương mại đã cáo buộc lẫn nhau trong lúc dịch bệnh bùng phát.
Ông Navarro cáo buộc Trung Quốc làm lây lan virus ra thế giới sau khi ‘họ che giấu trong 6 tuần.’ Người ta tin rằng virus corona khởi nguồn từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.
“Họ đáng lý phải khống chế trong Vũ Hán,” ông nói. “Họ không làm. Họ gieo rắc dịch bệnh trên toàn thế giới, với hàng trăm ngàn người Trung Quốc lên máy bay đi đến Milan, New York và các nơi khác.”
Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc của Mỹ, trong đó có cáo buộc của Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng Trung Quốc che giấu dịch bệnh bùng phát.
Ngày 27/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lên Twitter yêu cầu ông Pompeo nên “ngưng chơi trò chính trị. Tốt hơn là dành năng lượng để cứu nhân mạng.”
Với hơn 1.000.000 ca nhiễm và 59.000 người chết vì Cúm Vũ hán, Hoa Kỳ là nước bị ảnh hưởng tệ hại nhất trên thế giới.
Vào ngày 25/4, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã bỏ quy định buộc một số sản phẩm chính liên quan tới dịch Cúm Vũ Hán phải được các nhà ban hành qui định trong nước chấp thuận trước khi xuất khẩu, miễn là được các nước nhập khẩu chấp thuận.
Trung Quốc qui định thêm sự chấp thuận trong nước kể từ cuối tháng 3 sau khi một vài nước Châu Âu than phiền là những bộ xét nghiệm do Trung Quốc chế tạo không chính xác.
Ngày 27/4, ông Navarro cáo buộc là trong suốt thời gian trì hoãn báo cáo, Trung Quốc “hút hết các trang bị bảo hộ cá nhân trên thế giới” cần cho những nhân viên y tế. “Và hiện nay Trung Quốc căn bản hưởng lợi từ tình hình này,” ông nói thêm.
Cách đây một tuần, ông Navarro cáo buộc Trung Quốc có thể giữ lại dữ liệu từ sớm về lây nhiễm virus corona vì muốn thắng cuộc chạy đua thương mại để chế tạo vaccine.
Hôm 6/4, Cố vấn thương mại Nhà Trắng của Mỹ, ông Peter Navarro cho biết có một con số sẽ khiến tất cả người Mỹ đều bị sốc: đó là Trung Quốc đã mua 2,2 tỷ khẩu trang trên toàn thế giới trong khoảng thời gian từ ngày 24/1 đến cuối tháng 2. Con số tích trữ này tương đương với số lượng Trung Quốc sản xuất trong một năm.
“Trong thời gian đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về cơ bản đã cố gắng tích trữ hàng hóa trên thị trường thiết bị bảo hộ cá nhân, bao gồm mua số lượng lớn găng tay, kính bảo hộ và khẩu trang từ các nước khác trên thế giới“, ông Navarro nói trong cuộc phỏng vấn với truyền hình Fox News vào thứ Hai (6/4).
“Khi thế giới vẫn đang trong cơn ngủ say không biết gì về mối nguy hiểm của virus Vũ Hán, thì một thống kê trong dữ liệu hải quan của ĐCSTQ – Tôi nghĩ mọi người Mỹ sẽ thấy sốc – là từ ngày 24/1 đến cuối tháng 2 Trung Quốc đã mua 2,2 tỷ khẩu trang”. Sau khi ông Navarro nói sự thật này với 3 người dẫn chương trình của Fox News, tất cả đều rất ngạc nhiên.
“Chúng ta biết rằng ĐCSTQ đã biết về virus Vũ Hán ngay từ giữa tháng 12. Nhưng mãi đến 5-6 tuần sau chúng ta mới biết. Họ che giấu thế giới về mối nguy hiểm của dịch bệnh và thậm chí (cho phép) công dân Trung Quốc mang virus ‘bay tới bay lui’ khắp nơi trên thế giới. Từ dữ liệu có thể thấy đây là một vấn đề rất nghiêm trọng“.
Ông nói thêm: “Nếu những thống kê này đang nói lên một sự thật là ĐCSTQ biết nguy hiểm và không nói với các nước, và còn đi tích trữ các thiết bị bảo hộ trên thị trường thế giới, tôi cho rằng đây là một vấn đề quan trọng. Ít nhất là sau khi tất cả kết thúc, chúng ta cần thảo luận về vấn đề này bởi vì nó là một vấn đề nghiêm trọng“.
Chính quyền Bắc Kinh ngày 26/04/2020 cho biết đã tịch thu khoảng 89 triệu khẩu trang không đúng tiêu chuẩn. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh chính sách « ngoại giao khẩu trang » của Trung Quốc bị sứt mẻ vì tai tiếng khẩu trang xuất khẩu kém chất lượng.
Từ Thượng Hải, thông tín viên đài RFI Angélique Forget tường thuật :
Hơn 89 triệu chiếc khẩu trang, hơn 400.000 linh kiện thiết bị bảo hộ đã bị chính quyền Trung Quốc tịch thu kể từ đầu mùa dịch đến nay. Những con số mà Bắc Kinh hãnh diện loan báo vào lúc ngày càng có nhiều chỉ trích nhắm vào chất lượng các thiết bị mà Trung Quốc xuất khẩu.
Canada, cũng như nhiều nước châu Âu, chẳng hạn như Tây Ban Nha, phàn nàn vì đã nhận được những chiếc khẩu trang không đúng chuẩn. Những lời chỉ trích này đang làm tổn hại đến hình ảnh của Trung Quốc. Thế nên, để xóa tan những lời chỉ trích đó, chính quyền thông báo là đã tăng cường các quy định có liên quan đến việc xuất khẩu trang thiết bị y tế từ nhiều ngày qua.
Theo một quan chức cao cấp của bộ Ngoại Thương, chính phủ ʺnghiêm trị việc sản xuất hàng nhái và kém chất lượng, cũng như mọi hoạt động gây xáo trộn thị trường và lĩnh vực xuất khẩuʺ.
Hãng AFP ngày 5.4 đưa tin Trung Quốc xuất khẩu gần 4 tỉ khẩu trang kể từ tháng 3, trong khi giới chức nước này đang cố trấn an những khách hàng lo lắng về chất lượng.
Dù số ca nhiễm Cúm Vũ Hán giảm, Trung Quốc vẫn tiếp tục kêu gọi các nhà máy gia tăng sản xuất trang thiết bị y tế trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan toàn cầu và nhiều nơi thiếu hụt trang thiết bị.
Một quan chức hải quan Trung Quốc cho biết nước này xuất khẩu 3,86 tỉ khẩu trang, 37,5 triệu bộ trang phục bảo hộ, 16.000 máy thở và 2,84 triệu bộ xét nghiệm Cúm Vũ Hán đến tổng cộng hơn 50 nước kể từ ngày 1.3.
Doanh thu từ xuất khẩu các mặt hàng trong thời gian qua đạt 10,2 tỉ nhân dân tệ (tương đương 1,45 tỉ USD). Trung Quốc cũng tăng công suất sản xuất các bộ xét nghiệm Cúm Vũ Hán lên 4 triệu bộ/ngày.
Tuy nhiên, nhiều nước như Hà Lan, Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha từng phàn nàn về tình trạng sản phẩm chất lượng kém hoặc bị lỗi. Tuần trước, Hà Lan thu hồi 600.000 khẩu trang Trung Quốc không đạt chất lượng.
Bộ Thương mại Trung Quốc sau đó khẳng định “nhà sản xuất đã nói rõ đó không phải là khẩu trang phẫu thuật”. Theo một quan chức Bộ Thương mại, việc báo chí đưa tin về trang thiết bị y tế Trung Quốc bị lỗi là “không phản ánh hoàn toàn về sự việc”.
“Trên thực tế, có nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như Trung Quốc có các tiêu chuẩn hay thói quen sử dụng khác với các nước. Thậm chí việc sử dụng sai cũng dẫn đến nghi ngờ về chất lượng”, quan chức này cho biết.
Theo South China Morning Post, sau khi nhiều khách hàng phàn nàn về các sản phẩm kém chất lượng, Trung Quốc đã yêu cầu các công ty tại nước này phải được Cục Quản lý sản phẩm y tế quốc gia chứng nhận mới được xuất khẩu.
Nước Anh mua hàng triệu bộ xét nghiệm ‘thiếu tin cậy’ từ Trung Quốc
Anh quốc trở thành “nạn nhân” tiếp theo của các thiết bị y tế kém chất lượng từ Trung Quốc.
Hôm 6/4, Vương quốc Anh phát hiện tất cả 17,5 triệu bộ xét nghiệm virus Cúm Vũ Hán mua từ Trung Quốc đều không đủ tin cậy để đưa ra sử dụng đại trà.
Giáo sư John Bell, người điều phối chương trình xét nghiệm cho Bộ Y tế Anh, nói với báo The Times: “Các bộ xét nghiệm từ Trung Quốc chỉ phù hợp cho các bệnh nhân nặng”.
“Trong khi đó, chúng tôi muốn sử dụng xét nghiệm trên phạm vi rộng. Vì vậy, chúng tôi cần những bộ xét nghiệm có chất lượng tốt hơn của Trung Quốc,” ông Bell nói.
Giáo sư Bell nói thêm: “Chúng tôi đã thấy rất nhiều xét nghiệm cho kết quả sai. Đó không phải kết quả tốt đối với những nhà cung cấp và với chúng tôi”.
Thông tin này khiến Văn phòng Thủ tướng Anh quyết định sẽ yêu cầu những nhà cung cấp Trung Quốc hoàn trả tiền.
“Nếu các bộ xét nghiệm không tốt thì chúng tôi sẽ hủy các đơn đặt hàng và đòi lại tiền,” Văn phòng Thủ tướng Anh nói.
Tính đến ngày 6/4, Anh đã có trên 52.000 ca nhiễm và hơn 5.000 người chết. Trong khi đó Thủ tướng Anh Boris Johnson phải làm việc từ bệnh viện sau khi xét nghiệm dương tính.
Anh quốc trở thành “nạn nhân” tiếp theo của các thiết bị y tế kém chất lượng từ Trung Quốc. Hồi cuối tháng 3, Cộng hòa Séc thông báo có đến 80% trong số 150.000 bộ xét nghiệm mua từ Trung Quốc cho kết quả sai.
Tây Ban Nha cũng buộc phải hủy các đơn đặt hàng từ Trung Quốc sau khi phát hiện các bộ xét nghiệm này chỉ có độ chính xác khoảng 30%. Đến nay, Tây Ban Nha có hơn 135.000 ca nhiễm dịch và hơn 13.000 người chết.
Hồi giữa tháng 3, Trung Quốc thông báo rằng họ đã tặng các trang thiết bị y tế cho Italy để hỗ trợ quốc gia châu Âu này chống dịch. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc đã bán lại các thiết bị này cho Italy, sau khi được Italy cho tặng vào thời điểm dịch bệnh mới bùng phát ở Vũ Hán.
Khẩu trang KN95 của Trung Quốc không đạt chuẩn, Canada bỏ 1 triệu chiếc
Dù đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt khẩu trang cho nhân viên y tế tuyến đầu, Canada chấp nhận loại bỏ 1 triệu khẩu trang KN95 “Made in China” bởi chất lượng kém hơn yêu cầu.
KN95 được quảng cáo là có chất lượng tương đương với khẩu trang N95 được nhiều nước săn tìm trong mùa dịch Cúm Vũ hán.
Chính quyền Canada đã chọn sử dụng khẩu trang KN95 của Trung Quốc nhưng vẫn tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng từng lô hàng.
Kết quả cho thấy đã có rất nhiều khẩu trang Trung Quốc không đạt chuẩn, kém chất lượng được chuyển tới Canada.
Theo ông Eric Morrissette, người phát ngôn Cơ quan Y tế công cộng Canada, dù các tỉnh bang của nước này đang “đói” khẩu trang, nhà chức trách Canada buộc lòng phải loại bỏ khoảng 1 triệu khẩu trang KN95 mua từ Trung Quốc.
Ông Morrissette khẳng định Canada luôn kiểm tra chất lượng tất cả vật tư y tế nhập vào nước này dù là hàng được tặng hay mua từ nước khác.
Trung Quốc hiện là nhà cung cấp đồ bảo hộ y tế lớn nhất cho Canada, chiếm tới 70%, tờ Politico dẫn một nguồn tin riêng tiết lộ. Hồi đầu tuần này, một nghị sĩ đã chất vấn Bộ trưởng Y tế Canada Patty Hajdu rằng nên làm gì nếu phát hiện các vật tư y tế kém chất lượng mua từ Trung Quốc.
Đáp lại, bà Hajdu thừa nhận một số thiết bị có thể không phù hợp với nhân viên y tế tuyến đầu nhưng có thể sử dụng được cho những nhóm người khác. “Các khẩu trang bị loại bỏ vẫn có thể hữu ích, tất nhiên là phân phát cho người ngoài bệnh viện“.
Theo Politico, thị trường khẩu trang và vật tư y tế thế giới đang hết sức sôi động khi các nước so kè, cạnh tranh nhau bằng giá mua. Một số quốc gia cũng bắt đầu tìm tới những nguồn cung mới nhằm tránh phụ thuộc.
Trong bối cảnh đó, hai máy bay được Canada điều tới Trung Quốc nhận vật tư y tế thiết yếu đã trở về “tay không” hồi đầu tuần này khiến nhiều người giận dữ chỉ trích Thủ tướng Justin Trudeau.
Thủ tướng Canada sau đó đổ lỗi cho phía Trung Quốc, viện dẫn lý do vận chuyển hàng hóa trên mặt đất gặp trục trặc và các quy định khắt khe về thời gian máy bay được chờ tại sân bay Trung Quốc khiến máy bay phải bay rỗng trở về.
Qua những diễn biến trên thế giới xung quang đại dịch viêm phổi Vũ Hán, chúng ta có thể thấy, Trung Quốc từ một nơi là khởi nguồn của dịch bệnh lan ra khắp thế giới, làm chết hàng trăm nghìn người, giờ đây họ lại dùng chính những trang thiết bị y tế chống dịch như một loại vũ khí mới để khống chế, biến người dân các nước trên thế thế giới thành con tin của chế độ Cộng sản độc tài và ngày càng trở nên nguy hiểm.
Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)