Chính quyền Trump đang “tăng tốc thúc đẩy” một sáng kiến nhằm đưa chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu ra khỏi Trung Quốc trong lúc xem xét áp dụng thuế quan mới để trừng phạt Bắc Kinh về việc xử lý đại dịch virus corona.
Keith Krach, Thứ trưởng phụ trách Tăng trưởng kinh tế, Năng lượng và Môi trường tại Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters: “Chúng tôi đã và đang tìm cách [giảm sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng của chúng ta ở Trung Quốc] trong vài năm qua nhưng hiện tại chúng tôi đang tăng tốc thúc đẩy sáng kiến đó.”
Ông đề xuất: “Tôi nghĩ chúng ta phải hiểu đâu là những lĩnh vực trọng yếu và nút thắt cổ chai nằm ở đâu”. Ông Krach cũng khẳng định rằng vấn đề này mang tính then chốt đối với an ninh Mỹ và chính phủ sẽ sớm thông báo hướng hành động.
Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Mỹ cùng các cơ quan khác đang tìm cách thúc đẩy các công ty chuyển cả nguồn cung ứng và dây chuyền sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc. Các ưu đãi thuế và trợ cấp tái chuyển dịch sản xuất tiềm năng là một trong những biện pháp được xem xét để thúc đẩy sự thay đổi.
“Có một sự thúc đẩy từ toàn bộ chính phủ đối với việc này,” một quan chức cho biết. Các cơ quan đang nghiên cứu xem việc sản xuất nào nên được coi là “trọng yếu” và làm thế nào để sản xuất những hàng hóa này bên ngoài Trung Quốc.
Ông Trump đã nhiều lần nói rằng ông có thể áp thêm mức thuế mới lên mức thuế 25% đối với hàng hóa trị giá 370 tỷ USD của Trung Quốc hiện đang được áp dụng.
Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới năm 2010 và chiếm 28% sản lượng toàn cầu trong năm 2018.
Tổng thống Donald Trump, người gần đây đã đẩy mạnh các cuộc tấn công nhắm vào Trung Quốc trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ ngày 03/11, từ lâu đã cam kết sẽ đưa ngành sản xuất từ nước ngoài trở về Mỹ.
Giờ đây, sự thiệt hại về kinh tế và số lượng lớn người chết vì virus corona ở Mỹ đang là nguyên nhân cho sự thúc đẩy trong toàn chính phủ nhằm đưa việc sản xuất của Hoa Kỳ và sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc, ngay cả khi phải đưa nó đến các quốc gia thân thiện hơn, theo các quan chức cấp cao hiện đang tại chức và từng làm trong chính quyền cho biết.
Đại dịch đã nêu bật vai trò then chốt của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, điển hình như các loại thuốc gốc (có cùng hoạt chất như biệt dược nhưng rẻ hơn) vốn chiếm phần lớn trong các đơn thuốc tại Mỹ. COVID-19 cũng cho thấy sự thống lĩnh của Trung Quốc đối với những hàng hóa như máy chụp thân nhiệt và tầm quan trọng của quốc gia này trong các chuỗi cung ứng thực phẩm.
Chính sách về Trung Quốc của ông Trump được hình thành bởi những cuộc đấu tranh hậu trường giữa những cố vấn ủng hộ thương mại và những người có quan điểm diều hâu về Trung Quốc; và giờ đây những người chống Trung Quốc nói thời điểm của họ đã tới.
“Thời khắc này là một cơn bão hoàn hảo; đại dịch đã làm sáng tỏ những lo lắng mà mọi người gặp phải khi làm ăn với Trung Quốc,” một quan chức cấp cao khác của Mỹ cho biết.
“Trước đây, tất cả số tiền mà mọi người nghĩ rằng họ đã kiếm được từ các thương vụ làm ăn với Trung Quốc, thì giờ đây đã bị thua lỗ nhiều lần vì thiệt hại kinh tế do virus corona gây ra”, quan chức này nói.
Đặc biệt, Mỹ đang xúc tiến hình thành một liên minh “những đối tác đáng tin cậy” gọi là “Mạng lưới Thịnh vượng Kinh tế”.
Liên minh này sẽ bao gồm các công ty và những tổ chức hiệp hội hoạt động theo cùng một hệ thống tiêu chuẩn trên mọi lĩnh vực từ kinh doanh kỹ thuật số, năng lượng, hạ tầng cho đến nghiên cứu, thương mại, giáo dục.
Chính phủ Mỹ đang hợp tác với Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để “thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu tiến lên”, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết hôm 29/4.
Những cuộc thảo luận này bao gồm “cách mà chúng ta tái cấu trúc… các chuỗi cung ứng để ngăn chặn điều tương tự xảy ra lần nữa”, ông Pompeo nói.
Các nước tại khu vực châu Mỹ Latinh cũng có thể đóng vai trò nào đó. Đại sứ Colombia tại Mỹ Francisco Santos hồi tháng trước cho biết ông đang thảo luận với Nhà Trắng, Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Tài chính và Phòng Thương mại Mỹ về nỗ lực khuyến khích các công ty Mỹ chuyển một số chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và đưa họ trở về gần quê nhà hơn.
Trên thực tế, từ năm ngoái, vì chiến tranh thương mại, một số công ty Mỹ buộc phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng của họ, hoặc thuyết phục các đối tác Trung Quốc di dời đến Đông Nam Á để tránh thuế quan, hoặc từ chối hoàn toàn nguồn cung từ Trung Quốc.
Trung tuần tháng 4 vừa qua, Công ty Tư vấn sản xuất toàn cầu Kearney đã công bố chỉ số Reshoring hàng năm lần thứ bảy, cho thấy sản xuất trong nước của Mỹ năm 2019 chiếm tỷ trọng lớn hơn đáng kể so với 14 nhà xuất khẩu châu Á được theo dõi trong nghiên cứu. Nhập khẩu từ Trung Quốc bị giảm mạnh nhất.
“Ba thập kỷ trước, các nhà sản xuất Mỹ bắt đầu sản xuất và tìm nguồn cung ứng ở Trung Quốc vì một lý do: chi phí. Cuộc chiến thương mại đã mang đến một khía cạnh thứ hai: rủi ro thuế quan và nguy cơ gián đoạn, khiến các công ty phải cân nhắc về sự ổn định trong chuỗi cung ứng, bên cạnh giá cả,” Patrick Van den Bossche, đối tác và đồng tác giả của báo cáo Kearney nói. “COVID-19 mang đến một khía cạnh thứ ba: khả năng dự đoán và thích nghi với những cú sốc hệ thống không lường trước được.”
Theo báo cáo của Kearney, cho dù hệ quả của dịch bệnh là thế nào, thì việc Trung Quốc trở lại hiện trạng thương mại trước đại dịch là không thể. Kearney dự đoán các công ty sẽ “buộc phải tiến xa hơn trong việc xem xét lại các chiến lược tìm nguồn cung ứng của họ, (và) toàn bộ chuỗi cung ứng của họ.”
Trong các doanh nghiệp Mỹ tháo chạy khỏi Trung Quốc, nước thứ ba nào sẽ được hưởng lợi? Nhờ việc thông qua Thỏa thuận Mỹ – Mexico – Canada, Mexico đã trở thành một địa điểm ưa thích để tìm nguồn cung ứng.
Ông Đặng Hoàng Hải Anh, Giáo sư thỉnh giảng Đại học Indiana, Mỹ nhận định Hiệp định thương mại Mỹ – Mexico – Canada (USMCA) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7, mở ra cơ hội cho Mexico vốn gần Mỹ về mặt địa lý, chính trị.
Ông nói: “Mexico đã và sẽ luôn luôn là đối tác quan trọng của Mỹ vì nhiều lý do. Thứ nhất là khoảng cách địa lý gần gũi thuận tiện cho việc giao thương. Thứ hai là yếu tố chính trị, vì Mỹ cần một đồng minh tin cậy trong khu vực. Ngoài ra cả hai nước cũng đã sẵn có một bề dày quan hệ về thương mại và văn hóa gắn bó theo thời gian.”
Những người hưởng lợi khác của việc rút chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc của Mỹ là các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Cũng theo ông Đặng Hoàng Hải Anh, những lợi thế mà Việt Nam có thể khai thác để cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư của Mỹ là: một thị trường có nhiều tiềm năng, chi phí lao động tương đối thấp, dân số khá trẻ, năng động và thân thiện với nước Mỹ. Việt Nam cũng có lợi thế nhất định với yếu tố địa chính trị trong khu vực.
Ngoài ra, cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng lên tới gần 2 triệu người, có vị trí trong nhiều ngành nghề kỹ thuật cao, với thu nhập bình quân cao hơn mức trung bình của xã hội. Đây là những lợi thế trong quan hệ thương mại với Mỹ không phải quốc gia nào cũng có được, mà Việt Nam cần tận dụng hơn nữa.
John Murphy, Phó chủ tịch cấp cao về Chính sách quốc tế tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ, cho biết việc xây dựng các cơ sở mới ở Hoa Kỳ có thể mất từ 5 đến 8 năm. Có một điều quan ngại rằng, Mỹ sẽ cần phải có được các “bước chuẩn bị” thực tế trước khi họ bắt đầu xem xét các lựa chọn thay thế.
David Dodwell, Giám đốc điều hành của Nhóm Nghiên cứu chính sách thương mại Hồng Kông – APEC nhận định: “thật ngây thơ và sai lầm nếu nghĩ Trung Quốc sẽ mất đi vai trò không thể thiếu của mình”.
Ông phân tích ảo tưởng về sự di chuyển bộ phận sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á có phần xuất phát từ chỗ không tính đến sự khác biệt lớn về quy mô của Việt Nam – hoặc bất kỳ nền kinh tế đang phát triển nào khác ở Nam hoặc Đông Nam Á – với Trung Quốc.
Tổng sản phẩm quốc nội Việt Nam năm 2018 lên tới 245 tỷ USD – nhỏ hơn 55 lần so với Trung Quốc, 13,6 nghìn tỷ USD. Trung Quốc có 15 tỉnh có GDP lớn hơn Việt Nam về sức mua tương đương, 8 tỉnh lớn hơn gấp đôi.
Trung Quốc có lực lượng sản xuất khoảng 800 triệu, so với 55 triệu của Việt Nam. Trong năm 2017, thị phần sản xuất toàn cầu của Trung Quốc là khoảng 28,2% so với 17,2% của Mỹ và 0,27% của Việt Nam.
Cơ sở hạ tầng Việt Nam để hỗ trợ các nhà đầu tư vẫn còn mong manh và kém hơn so với Trung Quốc. Công suất phát điện của Việt Nam là khoảng 41 triệu kilowatt, so với 1,65 tỷ kilowatt của Trung Quốc. Việt Nam có tổng cộng 2.600km đường sắt, so với Trung Quốc là 131.000km, trong đó 29.000km là đường sắt cao tốc.
Ông khẳng định: “Nói tóm lại, nhiều tỉnh riêng lẻ của Trung Quốc có khả năng hấp thụ sản xuất nước ngoài tốt hơn Việt Nam. Các công ty quốc tế tìm cách đa dạng hóa khỏi Khu vực Vịnh lớn, Thượng Hải hoặc Thiên Tân đang xem xét các tỉnh lớn này trước khi họ xem xét các nền kinh tế nhỏ ở Đông Nam Á với cơ sở hạ tầng sản xuất tương đối mong manh.”
Bên cạnh đó, bài viết của Dodwell trên SCMP cũng chỉ ra rằng các công ty toàn cầu không chỉ đầu tư nhiều vào hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, mà họ còn để mắt tới thị trường tiêu dùng khổng lồ của nước này. “Đối với General Motors, công ty sản xuất và bán 40% ô tô của mình tại Trung Quốc, hoặc Apple, sản xuất hầu hết iPhone của họ ở Trung Quốc và châu Á, chiếm một phần ba doanh số của công ty, việc di dời không chỉ vô nghĩa mà còn hủy hoại công ty.”
Quyết tâm của Mỹ trong việc giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và sản xuất từ Trung Quốc là rất rõ ràng đặc biệt dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.
Sự “hủy diệt” nền kinh tế và số người chết khổng lồ do COVID-19 tại Mỹ lại càng thúc đẩy Washington triển khai chiến dịch này.
Mỹ sẽ phải khắc phục sai lầm, khi đã để một thể chế độc tài toàn trị do Đảng cộng sản Trung Quốc cầm quyền trỗi dậy, tham lam xâm lược lãnh thổ các nước láng giềng mà trong đó có Việt Nam và gây ra đại họa cho người dân trên thế giới.
Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)