Truyền thông Trung Quốc cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là dối trá sau khi ông nói rằng có “những bằng chứng rõ ràng” cho thấy virus corona bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Ông Pompeo nói như vậy hôm Chủ Nhật nhưng không đi vào chi tiết cụ thể.
Trong một bài xã luận đăng tải hôm thứ Ba, tờ Hoàn Cầu Thời Báo có khuynh hướng diều hâu nói rằng ông Pompeo ‘suy đồi’.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói tuyên bố của Mỹ là “mang tính suy đoán“, và rằng tổ chức này chưa hề thấy có “bằng chứng cụ thể” nào.
Các bài xã luận trên truyền thông Trung Quốc thường đưa ra cái nhìn bên trong về cách đánh giá của chính phủ, nhưng cho đến nay vẫn chưa có phản ứng chính thức nào từ giới chức Trung Quốc đối với các nhận xét của ông Pompeo.
Hôm thứ Hai, Hoàn Cầu Thời Báo cáo buộc ông Pompeo về “các thuyết lố bịch và các sự kiện bị bóp méo“. Đến hôm thứ Hai, cuộc công kích vẫn tiếp tục.
“Pompeo định một mũi tên trúng hai đích bằng cách phun ra những lời dối trá,” báo này viết. “Trước tiên, ông ta hy vọng sẽ giúp được Trump tái đắc cử vào tháng 11 này… thứ hai, Pompeo ghét đất nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa, mà đặc biệt là không thể chấp nhận được sự trỗi dậy của Trung Quốc.”
Bài xã luận thừa nhận rằng đã có “những vấn đề lúc ban đầu” trong cách phản ứng của Trung Quốc đối với việc bùng phát dịch bệnh, nhưng nói rằng “công tác thực hiện tổng thể là đủ tốt đẹp để làm lu mờ đi những sai sót.”
Báo này cũng nói “có thể thấy là virus này lần đầu tiên lây nhiễm vào người là ở những nơi khác [chứ không phải là Vũ Hán]”.
Hoàn Cầu Thời Báo không phải là tờ báo duy nhất của Trung Quốc nhắm vào ông Pompeo và Hoa Kỳ.
Tờ Nhân Dân Nhật Báo nói rằng ông Pompeo “không có bằng chứng“, trong lúc một đoạn tin trên trang CCTV thì cáo buộc các chính trị gia Hoa Kỳ là “có âm mưu hiểm ác“.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa bài bình luận với tiêu đề “Kẻ xấu xa Pompeo khạc nhổ bừa bãi chất độc và lan truyền những lời dối trá“.
Bài viết dẫn lời Giám đốc khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Mike Ryan và nhà virus học Đại học Columbia W. Ian Lipkin, cho rằng nCoV có nguồn gốc tự nhiên và không phải do con người tạo ra hay rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
“Những bình luận thiếu sót và vô lý của các chính trị gia Mỹ cho thấy ngày càng nhiều người biết không có bằng chứng nào tồn tại“, bài bình luận cho hay, thêm rằng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu “điên cuồng và lươn lẹo” khi nhiều lần nói nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.
“Cái gọi là ‘virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán’ hoàn toàn là dối trá. Các chính trị gia Mỹ đang gấp rút đổ lỗi, lừa bịp và đàn áp Trung Quốc khi nỗ lực chống dịch trong nước của họ là một mớ hỗn độn“, bài luận nêu thêm.
People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng đăng hai bài bình luận công kích Pompeo và cựu chiến lược gia Nhà Trắng Steve Bannon là “cặp hề dối trá“, nói rằng Bannon như “một hóa thạch sống trong Chiến tranh Lạnh“.
Bannon tuần trước nói rằng Trung Quốc đã tiến hành một vụ “nhà máy Chernobyl sinh học” nhằm vào Mỹ và ủng hộ giả thuyết nCoV có nguồn gốc từ Viện Virus học Vũ Hán.
CCTV tuần qua nhiều lần chỉ trích Pompeo là “kẻ thù chung của nhân loại“, cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ “lan truyền virus chính trị” khi cho rằng đại dịch bắt nguồn từ phòng thí nghiệm.
Trung Quốc và Mỹ liên tục đấu khẩu về nguồn gốc nCoV sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hồi tháng 3 nêu giả thuyết quân đội Mỹ đã mang virus đến Vũ Hán. Hai nước thường xuyên cáo buộc nhau lan truyền thông tin sai lệch, trong khi Trump cũng công kích Trung Quốc thiếu minh bạch về dịch bệnh.
Trung Quốc luôn bác bỏ cáo buộc “giấu dịch“, khẳng định đã cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ về dịch bệnh cho WHO cũng như các nước khác, đồng thời cho rằng giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “phi thực tế và vô căn cứ”.
Trong một cuộc phỏng vấn với ABC hôm Chủ Nhật, ông Pompeo nói có “bằng chứng rõ ràng” cho thấy virus corona khởi phát từ Viện Virus Học Vũ Hán.
“Nên nhớ rằng Trung Quốc có truyền thống gây lây nhiễm cho thế giới, và họ có truyền thống vận hành các phòng thí nghiệm dưới chuẩn,” ông nói.
Ông Pompeo, từng là giám đốc Cục Tình Báo Trung Ương (CIA), nói rằng ông không nghĩ là virus này do con người tạo nên hoặc đã bị cải biến gene.
Phòng thí nghiệm Vũ Hán nổi tiếng về việc nghiên cứu các loại virus corona liên quan tới dơi.
Hồi tháng Tư, Tổng thống Trump đã được hỏi liệu có phải “quy trình đảm bảo an toàn lỏng lẻo” đã khiến cho một loại virus thoát ra ngoài thông qua một thực tập sinh và bạn trai của cô hay không.
Ông Trump không xác nhận thuyết này, nhưng nói: “Chúng ta ngày càng nghe nhiều về chuyện này.”
Hồi tuần trước, ông được hỏi liệu ông đã nhìn thấy bằng chứng nào khiến ông “đạt độ tin tưởng cao” là virus corona đang gây bệnh hiện nay chính là thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán hay chưa.
“Có, tôi đã thấy,” ông đáp, nhưng nói ông không thể đi sâu vào chi tiết.
Hồi tháng trước, tờ Washington Post tường thuật rằng các viên chức Hoa Kỳ tới thăm phòng thí nghiệm này vào tháng 1/2018 và tường trình sau đó rằng họ quan ngại về vấn đề an toàn.
Hôm thứ Hai, giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO, Michael Ryan, nói tổ chức này không nhận được “dữ liệu hay bằng chứng cụ thể nào” từ Hoa Kỳ về nguồn gốc của virus.
“Cho nên từ phía chúng tôi đánh giá thì đây vẫn chỉ là chuyện suy đoán,” ông nói.
Hồi tuần trước, cộng đồng tình báo Hoa Kỳ nói họ “nhất trí” rằng virus này “không phải là do con người tạo ra, cũng không bị cải biến gene”.
Tuy nhiên, giới này nói sẽ “tiếp tục thẩm định” xem liệu có phải việc bùng phát dịch bệnh bắt đầu từ việc “tiếp xúc với các con vật bị nhiễm bệnh hay không, hay đó là kết quả của một sự cố tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán“.
Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm thứ Ba nói rằng rất nhiều khả năng virus này khởi phát từ một chợ buôn bán động vật hoang dã. Tuy nhiên, ông nói ông không loại trừ thuyết cho rằng nó xuất phát từ một phòng thí nghiệm.
Trong lúc đó, “các nguồn tin tình báo” phương Tây nói với một số báo rằng “không có bằng chứng” cho thấy virus này thoát ra từ một phòng thí nghiệm.
Đoạn phim hoạt hình của Trung Quốc nhằm chế nhạo cách ứng phó Covid-19 của Mỹ dường như không đạt được kết quả mong muốn tại các trang mạng xã hội Thái Lan.
Đoạn phim hoạt hình nêu trên nói về cuộc trò chuyện giữa một chiến binh đeo khẩu trang và tượng Nữ thần Tự do, 2 hình ảnh đại diện lần lượt cho Trung Quốc và Mỹ.
Khi chiến binh đeo khẩu trang tuyên bố rằng: “Chúng tôi đã phát hiện ra virus mới“, tượng Nữ thần Tự do đáp: “Thì sao? Nó chỉ là virus cúm thôi“.
Đoạn video này, có logo của hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã (Trung Quốc), là sản phẩm tuyên truyền mới nhất của Bắc Kinh trong xung đột với Mỹ về nguồn gốc Covid-19 cũng như nỗ lực kiểm soát đại dịch.
Với tựa đề “Once Upon A Virus” (Tạm dịch: Ngày xửa ngày xưa có một con virus), đoạn video được Tân Hoa Xã đăng lên Youtube hôm 29-4 và được các Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan, Singapore, Malaysia và Campuchia chia sẻ trên Facebook.
Theo Straits Times, đoạn video nhận được những phản ứng trái chiều từ người dùng mạng ở nhiều nước. Dù vậy, tại Thái Lan, sản phẩm này bị chỉ trích gay gắt.
“Chỉ có một quốc gia duy nhất tìm cách giấu dịch” – người dùng mạng Leo Simachokedee bình luận.
Trong khi đó, nhà hoạt động dân chủ Nuttaa Mahattana khẳng định đây là sản phẩm tuyên truyền kém cỏi.
“Thay vì làm những điều như thế này… hãy tìm cách chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 bất kể họ đến từ quốc gia nào” – một người dùng Facebook khác, Whitthit Phopa, bình luận.
Về lý do khiến bệnh dịch Covid-19 bùng lên tại Vũ Hán, Trung Quốc, trước khi lan ra toàn thế giới, các cơ quan tình báo phương Tây, hôm 02/05/2020, vừa tung ra một tài liệu hiếm, với « nhiều bằng chứng » cho thấy chính quyền Trung Quốc « che giấu thông tin », « phá hủy chứng cứ ».
Khả năng virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là một trong các hướng điều tra.
Tài liệu điều tra của liên minh tình báo Five Eyes (gồm 5 nước Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand) được công bố vào lúc các lãnh đạo chóp bu Mỹ, từ tổng thống Donald Trump đến ngoại trưởng Mike Pompeo, liên tục nhấn mạnh là có nhiều chứng cứ cho thấy virus gây bệnh Covid-19 lọt ra từ phòng thí nghiệm Trung Quốc ở Vũ Hán.
Tinh thần chính của tập tài liệu 15 trang, mà Daily Telegraph có được, khẳng định « chính quyền Trung Quốc đã cố tình xóa bỏ hay phá hủy các bằng chứng về bệnh dịch ». Bắc Kinh bị cáo buộc đã che giấu thông tin, bịt miệng, và đưa đi mất tích nhiều bác sĩ muốn nói lên sự thực, phá hủy các bằng chứng trong phòng thí nghiệm, từ chối cung cấp « các mẫu virus sống » mà các nhà khoa học quốc tế đang cần để nghiên cứu chế tạo vác-xin. Các hành động như trên của Trung Quốc bị tố cáo đã khiến rất nhiều quốc gia lâm vào tình trạng nguy hiểm, và dẫn đến hàng chục nghìn người chết.
Hồ sơ của nhóm Five Eyes tập trung vào nhóm nghiên cứu thuộc Viện Virus Học Vũ Hán, do nhà nghiên cứu nổi tiếng về virus corona ở loài dơi, bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) đứng đầu. Theo Daily Telegraph, kết quả nghiên cứu về một số loại virus corona ở loài dơi tại một hang động tỉnh Vân Nam cho thấy sự tương đồng về bộ mã di truyền hết sức lớn với virus corona gây bệnh Covid-19. Theo Daily Telegraph có ít nhất một trong số 50 mẫu virus corona được tiến sĩ Thạch Chính Lệ nghiên cứu về mặt di truyền giống đến 96% với virus gây bệnh Covid-19.
Vẫn theo tài liệu nói trên, bà Thạch Chính Lệ thoạt tiên đã rất bàng hoàng khi biết đến virus mới gây viêm phổi cấp có thể thuộc nhóm virus corona.
Bà Thạch từng cho biết đã trải qua nhiều đêm trắng, bởi ám ảnh virus có thể thoát từ phòng thí nghiệm của bà. Tuy nhiên, sau đó, nhà nghiên cứu này đã thay đổi quan điểm do áp lực của chính quyền Trung Quốc.
Daiy Telegraph cũng đặc biệt nhấn mạnh đến trường hợp « đáng lo ngại nhất » của nhà nghiên cứu Hoàng Yến Linh (Huang Yan Ling), thành viên Viện Virus Vũ Hán, bị Bắc Kinh buộc phải im lặng. Daily Telegraph dẫn lại thông tin từ báo mạng Hồng Kông, theo đó có nhiều tin đồn về việc khoa học gia Hoàng Yến Linh là người đầu tiên được chẩn đoán mắc Covid-19, và đây có thể là « bệnh nhân số không ». Tuy nhiên, ngày 16/02, Viện Vũ Hán phủ nhận điều này. Tiểu sử cũng như hình ảnh của nhà khoa học trên trang nhà của viện nghiên cứu bị xoá bỏ. Theo Viện Virus Học Vũ Hán, bà Hoàng vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, nữ khoa học gia biệt tích.
Tài liệu điều tra của nhóm Five Eyes cũng mô tả việc chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt thông tin trên các mạng Internet, liên quan đến dịch bệnh, ngay từ cuối tháng 12/2019. Ngày 02/01/2020, Ủy Ban Y Tế của tỉnh Hồ Bắc ra lệnh cho các phòng xét nghiệm ngừng các hoạt động phân tích về loại virus mới, và yêu cầu tiêu hủy các bệnh phẩm. Ngày 03/01, Ủy Ban Y Tế Quốc Gia ra lệnh cấm xuất bản các thông tin liên quan đến căn bệnh mới xuất hiện.
Vẫn theo Daily Telegraph, Trung Quốc đã có bằng chứng là virus corona mới có thể lây từ người sang người từ ngày 06/12/2019, nhưng không chỉ chấp nhận sự thật này từ ngày 20/01/2020, trước khi ra quyết định phong tỏa Vũ Hán từ ngày 23/01.
Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)