Một tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm và suýt làm chìm một tàu cá Việt Nam hôm 10/6 trong vùng quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp, dẫn đến phản đối từ Hội Nghề cá Việt Nam.
Chỉ hai ngày sau vụ việc, viện trưởng một viện nghiên cứu của Trung Quốc về Biển Đông viết cho một dự án nghiên cứu thuộc Đại học Bắc Kinh rằng sẽ có những hậu quả nếu Việt Nam dấn tới trong việc kiện về Biển Đông tại tòa trọng tài quốc tế.
Các báo Việt Nam hôm 14/6 dẫn lời Bộ Ngoại giao tại Hà Nội cho hay một tàu sắt và một ca nô Trung Quốc đâm, va vào một tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam, vào ngày 10/6, ở gần đảo Linh Côn, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Tàu cá Việt Nam “có nguy cơ bị chìm” và 16 thuyền viên của tàu bị rơi xuống biển vì các cú đâm từ tàu Trung Quốc, theo tường thuật của VNExpress, Tuổi Trẻ, Sức Khỏe và Đời Sống.
Riêng báo Sức Khỏe và Đời Sống nêu cụ thể là “lực lượng Hải cảnh Trung Quốc” đã “đâm húc, cướp phá tài sản tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi”, gây thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.
VNExpress và Tuổi Trẻ cho biết rằng ngay trong cùng ngày xảy ra vụ việc, hai đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam là Cục Lãnh sự và Đại sứ quán ở Bắc Kinh đã “trao đổi” với phía Trung Quốc, “khẳng định chủ quyền” của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, “yêu cầu” phía Trung Quốc điều tra, xác minh thông tin sự việc và thông báo kết quả cho Việt Nam để tiếp tục phối hợp giải quyết.
Tin tức của VNExpress và Tuổi Trẻ không cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam có đưa ra lời lên án hay phản đối Trung Quốc về vụ việc hay không.
Hai cơ quan báo chí này tường thuật rằng Bộ Ngoại giao “đề nghị” các cơ quan chức năng Việt Nam “sớm có các biện pháp giao thiệp cần thiết” với phía Trung Quốc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân.
Ngày 12/6, tàu cá bị nạn đã về đến Quảng Ngãi, vẫn theo tin của VNExpress và Tuổi Trẻ.
Trong khi đó, tin của Sức Khỏe và Đời Sống nói hôm 13/6 rằng Hội Nghề cá Việt Nam “lên án và phản đối hành động vô nhân đạo” nêu trên của Trung Quốc.
Hội này cũng “đề nghị” các cơ quan chức năng của Việt Nam “phản đối kịch liệt” với phía Trung Quốc để chấm dứt ngay những hành động cản trở, tấn công như kể trên tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, đồng thời, “yêu cầu” Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền về Hoàng Sa, song trên thực tế, Trung Quốc giành quyền kiểm soát hầu hết quần đảo này từ tay Việt Nam Cộng Hòa kể từ đầu năm 1974. Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay không nắm giữ thực thể nào ở đó.
Hai ngày sau vụ tàu cá Việt Nam bị tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm, một học giả Trung Quốc đưa ra nhận định hôm 12/6 rằng Việt Nam có thể nhận một số hậu quả nếu kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông.
Theo tìm hiểu của VOA, tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải Quốc gia của Trung Quốc, nêu ra ý kiến trong bài viết cho chương trình “Sáng kiến Tìm hiểu Tình hình Chiến lược Nam Hải” (tức Biển Đông), thuộc Viện Nghiên cứu Hải dương tại Đại học Bắc Kinh.
Việt Nam có động lực nào để khởi kiện?
Trong bài viết bằng tiếng Anh có nhan đề “Liệu Việt Nam có suy nghĩ kỹ trước khi nộp đơn kiện về Nam Hải (tức Biển Đông)?”, vị Viện trưởng họ Ngô đặt giả thiết rằng nếu Việt Nam khởi kiện, Việt Nam sẽ làm giống như Philippines.
Hồi tháng 7/2016, sau khi xem xét đơn kiện của Manila chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông, một tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết phủ nhận bản đồ 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mặc dù phán quyết của tòa trọng tài không có cơ chế thực thi nào đi kèm, song nhiều chuyên gia pháp lý quốc tế và Việt Nam vẫn xem đó là một thắng lợi lịch sử, không chỉ đối với nguyên đơn là Philippines mà cho cả các nước khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, bao gồm Việt Nam.
Tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn, vị Viện trưởng của Trung Quốc, cho rằng có thể có 4 lý do mà Việt Nam toan tính để tiến tới khởi kiện Trung Quốc, theo bài viết của học giả này mà VOA đọc được.
Lý do thứ nhất, theo ông Ngô, là Việt Nam có lẽ muốn biến việc chiếm giữ các đảo và rạn san hô ở Trường Sa trở thành việc có tính vĩnh viễn, và như vậy sẽ làm suy yếu chủ quyền lãnh thổ và yêu sách về các quyền hàng hải của Trung Quốc.
Thứ hai, Việt Nam tin rằng việc phân xử qua tòa trọng tài như vậy sẽ tạo cơ sở cho việc chống lại các hành động của Trung Quốc, cũng như tạo cơ sở cho cộng đồng quốc tế trợ giúp Việt Nam, Viện trưởng Ngô Sĩ Tồn viết.
Lý do thứ ba là Việt Nam có thể cố làm xấu đi hình ảnh Trung Quốc, làm cho nước này bị xem là “bắt nạt” những nước yếu hơn và không tôn trọng luật pháp quốc tế, nhằm đưaTrung Quốc vào thế bất lợi. Theo học giả họ Ngô, tính toán này của Việt Nam cũng phù hợp với cách tiếp cận chiến lược của Hoa Kỳ trong việc kiềm chế Trung Quốc.
Cuối cùng, có khả năng là Việt Nam hy vọng kết quả tiềm tàng từ phân xử của tòa trọng tài sẽ trì hoãn các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tối đa hóa lợi ích của mình trong khu vực, tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn viết.
Tuy nhiên, học giả Trung Quốc này cho rằng nếu Việt Nam dấn tới khởi kiện Trung Quốc, đó sẽ là việc làm “không khôn ngoan” và Việt Nam “sẽ phải trả giá”.
TQ ‘sẽ’ cứng rắn ở Trường Sa, Bãi Tư Chính:
“Nếu Việt Nam liều lĩnh dám nộp đơn kiện ra tòa trọng tài, tôi tin rằng Trung Quốc sẽ không ngồi yên”, Viện trưởng Ngô viết.
Tiếp đến, học giả này liệt kê ra những động thái đáp trả mà Trung Quốc có thể tiến hành, trong đó, hàng đầu là Trung Quốc có thể công bố đường cơ sở thể hiện lãnh hải của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, mà họ gọi là Nam Sa.
Thứ hai, Trung Quốc có thể hành động cứng rắn hơn và trấn áp mạnh hơn đối với việc ngư dân Việt Nam đánh bắt cá mà Bắc Kinh gọi là “bất hợp pháp” tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đặt tên là Tây Sa, vẫn theo lời Viện trưởng Ngô Sỹ Tồn.
Ngoài vụ đâm tàu mới nhất xảy ra hôm 10/6 nêu ở phần đầu bản tin, Trung Quốc đã nhiều lần đâm chìm hoặc bắt giữ, phạt tiền các tàu các Việt Nam ở vùng biển này trong các năm gần đây.
Một biện pháp đáp trả nữa từ phía Bắc Kinh nếu Hà Nội khởi kiện, theo vị tiến sĩ Trung Quốc, là đất nước 1,4 tỷ dân “có thể kìm hãm và chặn đứng” quá trình quân sự hóa của Việt Nam trên các đảo và các rạn san hô nằm trong tay Việt Nam.
Viện trưởng Ngô Sĩ Tồn phác họa về một số hành động mang tính chiến thuật như “chặn đường và xua đuổi tàu Việt Nam đi vào vùng biển không được phép”, làm đứt nguồn cung cấp hậu cần cho binh sĩ Việt Nam đồn trú trên các đảo và rạn san hô. “Các biện pháp quản lý và kiểm soát hơn thế nữa sẽ được thực hiện nếu cần”, tiến sĩ Ngô cảnh báo.
Cuối cùng, vị Viện trưởng của Trung Quốc nói nước của ông ta có thể khởi sự thăm dò dầu khí trong Bãi Tư Chính. “Nếu Việt Nam nộp đơn khởi kiện, Trung Quốc có thể nhân cơ hội này đi trực tiếp vào Bãi Tư Chính mà không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào để khởi động việc thăm dò dầu khí … Đây sẽ là một bước đột phá đối với Trung Quốc, là hoạt động thăm dò dầu khí đầu tiên ở khu vực Nam Sa”, tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn viết.
Kết luận bài viết, học giả họ Ngô khẳng định nếu chọn con đường kiện tụng, Việt Nam sẽ chứng kiến quan hệ Việt-Trung bị thụt lùi và “trả giá đắt” cho những biện pháp đáp trả từ phía Trung Quốc.
“Việt Nam nên nghĩ kỹ trước khi nộp đơn kiện”, Viện trưởng Ngô Sĩ Tồn nhấn mạnh.
Tham khảo với giới nghiên cứu, VOA được biết rằng ở đất nước Trung Quốc dưới quyền lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản, quan điểm của một viện trưởng như ông Ngô Sĩ Tồn không thể có sự khác biệt với quan điểm của đảng và nhà nước Trung Quốc.
Ba ngày sau khi vị Viện trưởng của Trung Quốc nêu ra quan điểm chứa đựng những ý tứ đe dọa, đến thời điểm bài báo này của VOA được đăng, phía Việt Nam vẫn chưa có phản ứng chính thức nào
Liên quan vụ việc tàu Trung Quốc truy đuổi, đâm hỏng tàu ngư dân Việt ở Hoàng Sa, Việt Nam đã trao đổi với Trung Quốc, yêu cầu điều tra, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Sáng 13-6, trả lời Tuổi Trẻ Online về thông tin tàu Trung Quốc va chạm dẫn đến sự cố với tàu QNg 96416 TS khi tàu QNg 96416 TS đang đánh bắt cá tại khu vực đảo Lincôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Về việc này, ngay trong ngày 10-6, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã trao đổi với phía Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xác minh thông tin vụ việc và thông báo kết quả cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để tiếp tục phối hợp giải quyết“.
Theo người phát ngôn, sau khi khắc phục sự cố, chiều 12-6, tàu cá QNg 96416TS và toàn bộ ngư dân trên tàu đã về tới cửa Sa Kỳ, Quảng Ngãi an toàn. Các ngư dân hiện đang cách ly tại Trung tâm y tế Bình Sơn, Quảng Ngãi theo quy định phòng chống dịch COVID-19.
“Bộ Ngoại giao đã đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam khẩn trương tiếp xúc với các ngư dân lấy thông tin, phối hợp điều tra xác minh làm rõ vụ việc và sớm có các biện pháp giao thiệp cần thiết với phía Trung Quốc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân“, bà Thu Hằng nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch vừa lên tiếng cảnh báo về những “diễn biến phức tạp trên Biển Đông” và yêu cầu quân đội “đề cao cảnh giác” để “sẵn sàng chiến đấu” giữa lúc xung đột giữa Hà Nội và Bắc Kinh trên vùng biển đầy tranh chấp tăng cao trong những tháng gần đây.
Tại hội nghị giao ban tháng 5/2020 của Bộ Quốc phòng tổ chức tại Hà Nội hôm 1/6, Bộ trưởng Lịch được VTV và Quân đội Nhân dân trích lời nói rằng “trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông”, Thường vụ Quân uỷ Trung ương đã báo cáo Bộ Chính trị để “kiến nghị đối sách của ta trong tình hình hiện nay”.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam không chỉ rõ những diễn biến “phức tạp” trên Biển Đông là gì nhưng trong hơn 2 tháng qua, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động khiến Việt Nam lo ngại và làm sự xung đột giữa Hà Nội và Bắc Kinh tăng cao. Các hoạt động này gồm đâm chìm tàu cá Việt Nam, công bố “tên tiêu chuẩn” cho hàng chục đảo đá và thực thể địa lý trên Biển Đông sau khi tuyên bố thành lập “quận Tây Sa” và “quận đảo Nam Sa”, và gần đây nhất là trồng và thu hoạch rau ở Hoàng Sa. Việt Nam đã lên tiếng cũng như trao công hàm phản đối các hành động mà Hà Nội cho là vi phạm chủ quyền Việt Nam và luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
“Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo các đơn vị đề cao cảnh giác cách mạng, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc,” Bộ trưởng Lịch nói tại hội nghị hôm 1/6, và yêu cầu “các đơn vị quán triệt sâu sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.” và “thực hiện điều chỉnh bổ sung một số kế hoạch, mệnh lệnh, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu.”
Vị đại tướng đứng đầu bộ Quốc phòng yêu cầu quân đội Việt Nam “đảm bảo trong bất luận hoàn cảnh nào cũng không để bị động, bất ngờ, sẵn sàng về phương án” để “đảm bảo đấu tranh thắng lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ.”
Lời cảnh báo của Bộ trưởng Lịch được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc bị Mỹ và cộng đồng quốc tế cáo buộc đang thực hiện nhiều hoạt động để tăng cường sự hiện diện của họ trên vùng biển có nhiều tranh chấp trong lúc Việt Nam và các quốc gia có tuyên bố chủ quyền phải bận rộn đối phó với đại dịch virus corona bắt nguồn từ Vũ Hán.
Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Khẩu chiến dữ dội giữa người Việt và Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội
>>> TQ chiếm giữ vùng trời Biển Đông – VN bay qua phải báo cáo
>>> Lo TQ đánh úp – Nguyễn Xuân Phúc cần thêm binh