Nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc Vương Nghị hôm 9/7 nói rằng quan hệ Trung – Mỹ đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi quan hệ ngoại giao được thiết lập vào năm 1979, nhưng hai nước vẫn có thể quay trở lại đúng hướng, theo Reuters.
“Trung Quốc và Hoa Kỳ nên cùng nhau tìm hiểu các cách để cùng tồn tại hòa bình và giải phóng nhiều năng lượng tích cực hơn”, Reuters dẫn lời Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói trong một bài phát biểu được đăng trên trang web của bộ này.
Washington và Bắc Kinh ở trong tình trạng đối đầu nhau trong việc xử lý sự bùng phát virus corona, hành động của Trung Quốc tại cựu thuộc địa Hong Kong của Anh, cuộc tranh chấp thương mại kéo dài và xung đột Đài Loan và Biển Đông.
“Chính sách hiện nay của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc dựa trên những đánh giá sai lầm về chiến lược, thiếu cơ sở thực tế và đầy những cảm xúc bộc phát và định kiến của chủ nghĩa McCarthy” Reuters dẫn lời ông Vương Nghị nói, liên hệ đến chủ trương chống cộng của một nghị sĩ Mỹ vào những năm 1950.
Hôm 8/7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng thế giới không nên để cho hành động bắt nạt của Trung Quốc tiếp diễn, đồng thời nêu bật tranh chấp lãnh thổ giữa nước này với Ấn Độ, Việt Nam và Nhật Bản.
“Hai nước không nên tìm cách thay thế nhau”, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói. “Trung Quốc không thể và sẽ không trở thành một nước Mỹ khác”, ông nói và thêm rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa phù hợp với Trung Quốc là sự lựa chọn của người dân.
Ngoại trưởng Vương Nghị nói ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ xây dựng một sự hiểu biết khách quan hơn về Trung Quốc và xây dựng một chính sách Trung Quốc hợp lý và thực dụng hơn.
“Đối thoại nhiều hơn, tách các vấn đề khác nhau ra, đặt sang một bên những lĩnh vực bất đồng lớn nhất và hợp tác chống lại đại dịch virus corona sẽ giúp đưa quan hệ song phương đi đúng hướng”, ông Vương Nghị nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10.7 nói bóng gió rằng ông không còn quan tâm tới khả năng ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 với Trung Quốc, dấu hiệu mới nhất cho thấy quan hệ song phương ngày càng xấu đi.
Cụ thể, khi được phóng viên hỏi về khả năng đạt thêm một thỏa thuận thương mại khác với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump trả lời: “Tôi không nghĩ về vấn đề này bây giờ … Thật sự là tôi có quá nhiều việc khác trong đầu”, theo tờ South China Morning Post.
Tổng thống Trump còn nói rằng quan hệ Washington-Bắc Kinh “bị tổn hại nghiêm trọng”, trong bối cảnh hai bên căng thẳng về nhiều vấn đề, từ thương mại, đại dịch Covid-19 đến vấn đề Hồng Kông và Đài Loan.
“Chúng tôi sẵn sàng phát triển mối quan hệ Trung Quốc – Mỹ với thiện chí và sự chân thành” – Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố hôm 9/7 trong một thông điệp đăng tải trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao. “Một số quan chức Mỹ đang tỏ ra nghi ngờ hoặc thậm chí cảnh giác với sự phát triển của Trung Quốc. Một lần nữa, tôi xin nhấn mạnh rằng Trung Quốc không bao giờ có ý định thách thức, thay thế hay đối đầu với Mỹ. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là cải thiện sinh kế của người dân”.
Chỉ một ngày trước đó, trong một cuộc thảo luận trực tuyến về quan hệ Mỹ Trung do Viện Ngoại giao Nhân dân Trung Quốc và Hiệp hội Châu Á đồng tổ chức, Thứ trưởng Ngoại giao Lạc Ngọc Thành cũng khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ.
Các quan chức ngoại giao Bắc Kinh đồng thời nhấn mạnh yếu tố tiên quyết để tạo động lực cho hòa giải quan hệ song phương là Mỹ tôn trọng các quyết định của Trung Quốc.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979, mở đường cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001.
Đến năm 2010, Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vượt mặt Nhật Bản, Quan hệ song phương Mỹ – Trung đã trở nên căng thẳng kể từ khi ông Trump nắm quyền Tổng thống Mỹ và triển khai hàng loạt động thái cứng rắn với Bắc Kinh từ thương mại đến chính trị.
Dưới sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ, ông Trump đã châm ngòi cuộc chiến tranh thuế quan với Trung Quốc, đồng thời đưa vào danh sách đen hàng chục thực thể tổ chức, doanh nghiệp Trung Quốc bị cáo buộc gây ra rủi ro an ninh quốc gia cho Mỹ. Xung đột đang có dấu hiệu lan rộng sang nhiều mặt trận khác như tài chính, công nghệ, viễn thông… Đây được coi là cách làm cứng rắn của chính quyền Trump để buộc Trung Quốc ngừng các hành vi thương mại không lành mạnh, gián điệp kinh tế… gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp Mỹ.
Theo Bộ trưởng Vương Nghị, Mỹ – Trung đang trải qua những thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay. Ông Vương chỉ trích chính sách hiện tại của Mỹ với Trung Quốc là “đầy rẫy sự hoang tưởng”. “Có vẻ như mọi khoản đầu tư của Trung Quốc trong mắt Mỹ đều được thúc đẩy bởi mục đích chính trị, mọi sinh viên Trung Quốc đều là gián điệp và mọi sáng kiến hợp tác đều là một chương trình nghị sự ngầm”.
Còn Thứ trưởng Lạc Ngọc Thành thì tuyên bố: “Tôi luôn cảm thấy khó hiểu rằng tại sao Mỹ luôn tìm cách tác động làm thay đổi các quốc gia khác trong quan hệ nhà nước? Tại sao Mỹ nỗ lực áp đặt ý thức hệ của mình lên các chính phủ khác?… Có những sự khác biệt cơ bản giữa Trung Quốc và Mỹ trong hệ thống xã hội”.
Với giọng điệu kêu gọi hòa giải trong tuần này, có vẻ như các quan chức Bắc Kinh đang nỗ lực hàn gắn lại mối quan hệ với nền kinh tế lớn nhất thế giới. “Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh chúng ta có hàng ngàn lý do để đưa quan hệ Mỹ Trung tốt đẹp trở lại. Không có lý do nào để phá hủy mối quan hệ gắn bó đó” – Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh.
Giám đốc FBI Christopher Wray, mô tả một chiến dịch đa hướng do chính phủ Trung Quốc thực hiện để phá hoại đời sống người Mỹ.
Giám đốc FBI nói rằng các hoạt động tình báo và trộm cắp tài sản trí tuệ của chính phủ Trung Quốc là “mối đe dọa lâu dài lớn nhất” đối với tương lai của Hoa Kỳ.
Phát biểu tại Viện Hudson ở Washington, ông Christopher Wray mô tả một chiến dịch gây rối đa mục tiêu do chính phủ Trung Quốc thực hiện.
Ông nói Trung Quốc đã bắt đầu nhắm vào các công dân Trung Quốc sống ở nước ngoài, ép buộc họ quay trở lại và đang tìm cách để làm hỏng việc nghiên cứu virus corona của Hoa Kỳ.
“Trung Quốc có một nỗ lực toàn quốc để trở thành siêu cường duy nhất của thế giới bằng mọi cách“, ông nói thêm.
Trong bài phát biểu dài gần một giờ hôm thứ Ba, Giám đốc FBI đã phác thảo một bức tranh rõ ràng về sự can thiệp của Trung Quốc, một chiến dịch gián điệp kinh tế, trộm cắp dữ liệu và tiền tệ, các hoạt động chính trị bất hợp pháp, sử dụng hối lộ và tống tiền để gây ảnh hưởng đến chính sách của Hoa Kỳ.
“Đến mức mà bây giờ cứ khoảng 10 tiếng đồng hồ FBI lại phải mở một cuộc điều tra gián điệp mới liên quan đến Trung Quốc,” ông Wray nói. “Trong số gần 5.000 vụ điều tra gián điệp đang được thực hiện trên cả nước, gần một nửa liên quan đến Trung Quốc.”
Giám đốc FBI nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lãnh đạo một chương trình có tên là “Săn Cáo“, nhắm vào các công dân Trung Quốc sống ở nước ngoài được coi là mối đe dọa đối với chính phủ Trung Quốc.
“Chúng tôi đang nói về các đối thủ chính trị, các nhà bất đồng chính kiến và giới chỉ trích đang tìm cách vạch trần các vi phạm nhân quyền sâu rộng của Trung Quốc“, ông nói. “Chính phủ Trung Quốc muốn buộc họ quay trở lại Trung Quốc, và các chiến thuật của Trung Quốc để thực hiện điều đó thực sự gây sốc.”
Ông tiếp tục: “Khi không thể tìm ra chỗ ở của một đối tượng bị “Săn Cáo” nhắm tới, chính phủ Trung Quốc cho người đến gia đình của người này tại Hoa Kỳ. Thông điệp mà họ gửi đi? Đối tượng có hai lựa chọn: trở về Trung Quốc lập tức hoặc tự sát.”
Đây không phải là lần đầu tiên Giám đốc FBI Christopher Wray xếp Trung Quốc vào “mối đe dọa tình báo hàng đầu” đối với Mỹ, nhưng hôm thứ Ba, ông đã tăng cường chỉ trích bằng cách tập trung vào “nỗ lực toàn quốc” của Bắc Kinh để trở thành siêu cường duy nhất của thế giới.
Điều này rõ ràng báo hiệu rằng Washington bây giờ thấy Bắc Kinh không chỉ là một kẻ thù hung hăng, mà còn là một đối thủ đầy tham vọng cho vai trò lãnh đạo toàn cầu.
Kể từ khi Covid-19 bùng phát ở Mỹ, chính quyền Trump đã trút giận lên Trung Quốc từ phản ứng ban đầu với virus corona, gián điệp kinh tế, cho tới luật an ninh quốc gia áp đặt lên Hong Kong. Phát biểu của ông Wray nằm trong một loạt các bài phát biểu nặng ký của các quan chức cấp cao Hoa Kỳ về chủ đề này.
Chính quyền Trump nói rằng đã đến lúc phải thức dậy sau 40 năm thất bại về chính sách liên quan đến Trung Quốc, trong khi giới chỉ trích coi đây là một nỗ lực nhằm làm chệch sự chú ý khỏi thất bại của chính tổng thống và tăng cơ hội giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử.
Điều chắc chắn là các tương tác quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thay đổi về cơ bản, và bất kể ai sẽ là tổng thống Mỹ tiếp theo, những bế tắc căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục.
Trong bài phát biểu bất thường, ông Wray đã yêu cầu những người gốc Hoa sống ở Mỹ liên lạc với FBI nếu các quan chức Trung Quốc buộc họ trở về.
Chính phủ Trung Quốc từng lên tiếng bảo vệ chương trình “Fox Hunt”, nói rằng đây là một phần của nỗ lực chống tham nhũng hợp pháp.
Mối đe dọa do Trung Quốc gây ra sẽ được tiếp tục trình bày bởi Bộ trưởng Tư pháp và Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong những tuần tới, ông Wray nói.
Bài phát biểu của Giám đốc FBI được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong một động thái khác, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết trong tuần này rằng chính quyền Mỹ đang xem xét việc cấm các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc – bao gồm cả TikTok.
Các ứng dụng “này được sử dụng như là một phần trong hệ thống giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc“, ông Pompeo nói.
Mỹ tăng cường chỉ trích Trung Quốc về các cuộc tập trận quân sự mà nước này đang tiến hành ở Biển Đông trong khi hai hàng không mẫu hạm của hải quân Mỹ đã được điều đến vùng biển này để diễn tập trong ngày thứ Bảy.
Trung Quốc tuần trước thông báo họ đã hoạch định năm ngày diễn tập bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 gần quần đảo Hoàng Sa mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 2 tháng 7 nói cuộc tập trận này vi phạm chủ quyền của Việt Nam và cho biết Hà Nội đã trao công hàm phản đối.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đăng lại một phát biểu của phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng trên Twitter vào ngày 3 tháng 7 với bình luận: “Ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] và những nơi khác, tất cả các quốc gia phải ủng hộ một trật tự dựa trên các quy tắc tự do và cởi mở mà theo đó duy trì các quyền chủ quyền của tất cả các quốc gia bất kể kích cỡ, quyền lực và năng lực quân sự.”
Trong dòng tweet của mình phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đưa ra chỉ trích trực tiếp nhắm vào Trung Quốc, nói rằng các cuộc tập trận của nước này ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông “vi phạm cam kết của họ theo Tuyên bố Chung về Cách Ứng xử của Các bên ở Biển Nam Trung Hoa.”
“Hoa Kỳ đứng cùng những người bạn của chúng tôi ở Đông Nam Á và chống lại những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” bà nói.
Trước đó Bộ Quốc Phòng Mỹ ra thông cáo bày tỏ quan ngại về các cuộc tập trận của Trung Quốc và nói rằng nó “phản tác dụng đối với những nỗ lực giảm căng thẳng và duy trì sự ổn định.” Bộ cũng lưu ý rằng những hành động của Trung Quốc trái ngược với tuyên bố của nước này không quân sự hóa Biển Đông và với viễn kiến của Mỹ về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trong khi đó hai hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ đang tiến hành diễn tập ở vùng Biển Đông tranh chấp ngày thứ Bảy trong một diễn biến được nói không phải phản ứng trước các cuộc diễn tập đang được Trung Quốc tiến hành.
“Mục đích là để tỏ rõ tín hiệu cho các đối tác và đồng minh của chúng tôi rằng chúng tôi cam kết duy trì an ninh và ổn định khu vực,” Chuẩn Đô đốc George M. Wikoff được báo the Wall Street Journal dẫn lời nói.
Trung Quốc bác bỏ những chỉ trích của Mỹ về cuộc tập trận của họ vào ngày thứ Sáu và quy trách Mỹ về căng thẳng gia tăng.
Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Biển Đông: Việt Nam chèo lái ASEAN vững vàng trước Trung Quốc?
>>> Tướng Việt nam đánh đồng Mỹ và Trung quốc về cuộc tập trận trên Biển Đông mới đây
>>> Tướng Vịnh nói “quan ngại” về Biển Đông tại hội nghị Quốc phòng ASEAN