Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo mới lên tiếng chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phá vỡ cam kết không quân sự hóa Biển Đông trong chuyến thăm Nhà Trắng năm 2015.
Trong đoạn video dài một phút đăng trên Twitter, ông Pompeo đề cập tới vai trò Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc của ông Tập cũng như “cam kết sẽ không quân sự hóa Biển Đông” mà nhà lãnh đạo này đưa ra năm 2015 tại Vườn Hồng trong khuôn viên Nhà Trắng.
“Ông ấy đã quân sự hóa Biển Đông”, Ngoại trưởng Mỹ nói trong đoạn clip đăng hôm 16/7.
Ngoài thất hứa về việc không quân sự hóa Biển Đông, ông Pompeo cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không giữ cam kết về “một quốc gia hai chế độ” liên quan tới Hong Kong cũng như Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu.
Ngoại trưởng Mỹ nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc “gây ra các mối đe dọa thực sự đối với thế giới” và Hoa Kỳ sẽ “phản ứng” để “bảo vệ an ninh quốc gia” của Mỹ và buộc phía Bắc Kinh phải thay đổi hành vi.
“Chúng tôi muốn một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đảng Cộng sản Trung Quốc coi vùng biển đó như là đế chế hàng hải của riêng mình”, quan chức ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ nói, không lâu sau khi ông ra tuyên bố, lần đầu tiên bày tỏ quan điểm chính thức của Mỹ về các tuyên bố chủ quyền “hoàn toàn phi pháp” cũng như “chiến dịch dọa nạt” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tới ngày 23/7, Bắc Kinh chưa có phản ứng về lời chỉ trích Chủ tịch Tập Cận Bình thất hứa, nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên từng cho rằng lập trường về Biển Đông của Mỹ “cố tình khuấy động tranh cãi về chủ quyền lãnh hải” cũng như “phá hoại hòa bình và ổn định”.
Việc ông Tập phá vỡ cam kết không quân sự hóa Biển Đông với Tổng thống Mỹ Barack Obama lần đầu tiên được Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, đưa ra giữa năm ngoái.
Theo tìm hiểu của phóng viên VOA tiếng Việt, cam kết của nhà lãnh đạo Trung Quốc với ông Obama được đưa ra vào ngày 25 tháng Chín năm 2015.
Khi đó, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng nhân chuyến thăm Mỹ, ông Tập nói rằng “liên quan tới các hoạt động xây dựng mà Trung Quốc đang tiến hành ở quần đảo Nam Sa [tức Trường Sa theo cách gọi của Trung Quốc] không nhắm mục tiêu hoặc ảnh hưởng tới bất kỳ nước nào, và Trung Quốc không có ý định theo đuổi việc quân sự hóa”.
Ông Tập cũng tuyên bố “cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Nam Trung Hoa [tức Biển Đông], giải quyết các khác biệt và tranh chấp thông qua đối thoại, và xử lý các tranh chấp thông qua đàm phán, tham vấn và một cách hòa bình, và tìm kiếm các cách thức nhằm đạt được lợi ích chung thông qua hợp tác”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cảnh báo Bắc Kinh rằng “không ai ngăn chặn được Mỹ ở biển Đông”, phát biểu mới nhất trong một loạt những tuyên bố cứng rắn về vùng biển chiến lược này.
Hôm thứ Ba (giờ Mỹ), ông Esper phát biểu tại một sự kiện của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở ở Mỹ rằng Trung Quốc “tiếp tục tham gia các hoạt động phá vỡ quy tắc có hệ thống, ép buộc và các hoạt động hung hăng khác, và đáng quan ngại nhất đối với tôi, là quân đội Trung Quốc tiếp tục các hành vi hung hăng ở biển Hoa Đông và Biển Đông”.
“Chúng tôi hy vọng [Trung Quốc] sẽ thay đổi, nhưng chúng tôi phải chuẩn bị cho phương án thay thế”, ông nói thêm, theo tường thuật của Business Insider. “Chúng ta phải duy trì hệ thống tự do và cởi mở, bảo đảm hòa bình và thịnh vượng cho hàng triệu người và bảo vệ các nguyên tắc làm nền tảng cho điều đó.”
Bộ trưởng Esper nói rằng quân đội Mỹ đang triển khai các lực lượng để chống lại hành vi của Trung Quốc và hỗ trợ các chính sách của Mỹ, rằng Mỹ đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải thách thức các hạn chế đi lại bất hợp pháp và yêu sách quá mức của Trung Quốc trong năm 2019 nhiều hơn so với bất kỳ năm nào trong bốn thập kỷ qua. “Chúng tôi sẽ duy trì tốc độ này trong năm nay,” ông nói.
Thứ Ba tuần trước, tàu khu trục USS Ralph Johnson của hải quân Mỹ đã tiến hành chuyến đi “tự do hàng hải” (FONOP) lần thứ sáu trong năm nay tại biển Đông. Và, hai lần trong tháng này, ông Esper lưu ý, Hải quân Mỹ đã vận hành hai nhóm tàu sân bay tấn công cùng lúc.
Trung Quốc tỏ ra nổi giận với sự hiện diện của các tàu sân bay của hải quân Mỹ ở biển Đông. Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc viết hồi đầu tháng này rằng “biển Đông hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của quân đội Trung Quốc (PLA)” và “bất kỳ hoạt động nào của tàu sân bay Mỹ trong khu vực đều nằm trong ý đồ của PLA”. Hải quân Mỹ cho biết tại thời điểm đó họ không hề “bị đe dọa”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói ông “không biết người Trung Quốc có ý gì khi tuyên bố rỗng tuếch về việc các tàu sân bay Mỹ ở đó là ý muốn của PLA hay gì đó”.
“Tàu sân bay Mỹ đã ở biển Đông, ở Ấn Độ-Thái Bình Dương kể từ Thế chiến II và sẽ tiếp tục ở đó, và chúng tôi sẽ không bị ai ngăn chặn”, ông Esper nói.
“Chúng tôi sẽ di chuyển trên biển, bay trên trời và hoạt động ở những nơi luật pháp quốc tế cho phép”, ông Esper nói, “và chúng tôi làm điều đó, một lần nữa, để khẳng định luật pháp và quyền quốc tế, để bảo lưu chủ quyền của bạn bè và đối tác của chúng tôi, đảm bảo với họ rằng chúng tôi sẽ ở đó để bảo vệ”.
Nhận xét của ông Esper về biển Đông xuất hiện sau tuyên bố của ngoại trưởng Mike Pompeo hôm thứ Hai tuần trước bác bỏ “hầu hết” yêu sách biển của Trung Quốc.
“Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi biển Đông là đế chế hàng hải của mình”, ông Pompeo tuyên bố.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi tuyên bố của Mỹ về biển Đông là “vô trách nhiệm”.
“Nó vi phạm và bóp méo luật pháp quốc tế, cố tình châm ngòi các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải, và làm suy yếu hòa bình và ổn định khu vực“, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố hôm thứ Ba tuần trước.
Bất chấp những lời lẽ cứng rắn về Trung Quốc, ông Esper nói dự định đến thăm Trung Quốc trước cuối năm nay để “thiết lập các hệ thống truyền thông cần thiết trong trường hợp có khủng hoảng”.
Vì sao Mỹ thay đổi lập trường về biển Đông?
Theo một số chuyên gia về an ninh châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ mới đây từ bỏ chính sách tiêu chuẩn của mình về biển Đông để gần gũi các nước Đông Nam Á hơn, có lợi cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump…
Trao đổi với Tiền Phong, GS Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc), cho rằng, với tuyên bố ngày 13/7 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về lập trường của Mỹ đối với các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, Mỹ đã từ bỏ chính sách không chọn phe trong vấn đề tranh chấp chủ quyền. Mỹ chuyển sang hoàn toàn ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc, tuyên bố rằng, các yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi “trên hầu hết biển Đông là hoàn toàn phi pháp”.
Giới quan sát cho rằng, phát biểu mạnh mẽ của Ngoại trưởng Mỹ, nhất là việc ủng hộ tuyên bố chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á đối với vùng đặc quyền kinh tế của họ sẽ dẫn tới tác động cân bằng chống lại Trung Quốc. PGS Li Mingjiang (Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore) cho rằng, lập trường mạnh mẽ của Mỹ có thể giúp thay đổi yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc cũng như ngăn quân đội Trung Quốc thiết lập vị trí thượng phong ở biển Đông.
Tuy nhiên, một chuyên gia khác ở Singapore, ông Eduardo Araral (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu) cho rằng, vấn đề chủ quyền đối với các đảo, bãi ngầm ở biển Đông và sự cạnh tranh giành quyền thăm dò, khai thác các nguồn tài nguyên trong lòng biển, đặc biệt dầu khí sẽ không giải quyết được. “Không nước nào sẽ rút lại các tuyên bố chủ quyền của mình”, dù có sự thay đổi chính sách của Mỹ, ông Araral nhận định.
Theo GS Thayer, có hai lý do để Mỹ thay đổi chính sách vào thời điểm hiện nay. Thứ nhất, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang coi chống Trung Quốc là chủ đề chính trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Trước đó, Mỹ chống Trung Quốc về các chính sách thương mại, sự can thiệp vào vấn đề nội bộ Hong Kong, cách xử lý đại dịch COVID-19. Giờ đây, Mỹ chống Trung Quốc cả về việc nước này bắt nạt, đe dọa các quốc gia ven biển Đông. Thứ hai, Mỹ đã chỉ đích danh việc bắt nạt và hăm dọa của Trung Quốc đối với các quốc gia ven biển, đặc biệt là đối với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của họ.
Chính quyền Trump đã tăng cường sự hiện diện hải quân và không quân tại biển Đông thông qua việc gia tăng tuần tra tự do hàng hải và các cuộc tuần tra hiện diện khác trong năm nay. Điều này đã được chứng minh bằng việc Mỹ điều hai tàu chiến tới vùng biển Malaysia để chống lại hoạt động của một tàu khảo sát Trung Quốc, và để hai nhóm tác chiến tàu sân bay tập trận.
Theo GS Thayer, tuyên bố ngày 13/7 của Ngoại trưởng Pompeo được thiết kế để tạo lý do pháp lý cho các hành động của Mỹ và để căn chỉnh cho Mỹ gần hơn với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia. “Các quốc gia ven biển sẽ phải xác định mức độ hợp tác với Mỹ để đẩy lùi các đội tàu cá, dân quân biển và hải cảnh Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Một số nước có thể lo ngại rằng việc sát cánh với Mỹ sẽ dẫn tới việc Trung Quốc gây sức ép với họ”, ông Thayer nhận định.
Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nhận định, sau phán quyết của tòa quốc tế PCA được đưa ra vào năm 2016, sự phản đối của Mỹ đối với các yêu sách của Trung Quốc đã diễn ra dưới hình thức ngầm – kêu gọi tất cả các bên tuân thủ phán quyết.
Lần này, quan điểm của Mỹ không chỉ cụ thể hơn mà còn rõ ràng hơn trong cách thể hiện, loại bỏ quan điểm “mơ hồ” trong các tranh chấp ở Biển Đông.
Theo một cách nào đó, khó có thể nói rằng Mỹ trung lập vì họ hiện đang có một quan điểm rõ ràng về phán quyết, ủng hộ các điều khoản của UNCLOS chống lại các yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc, nhà nghiên cứu Singapore nói trong phản hồi qua email.
Lý giải về thời điểm đưa ra quan điểm, Collin Koh cho rằng, có thể những lời chỉ trích đối với chính sách của Mỹ với vấn đề Biển Đông đã được lắng nghe, đặc biệt là trong các nhóm nghiên cứu. Tất nhiên, thời điểm là rất quan trọng, ngoài nhân dịp 4 năm phán quyết PCA, tại Mỹ đang diễn ra cuộc bầu cử tổng thống. Và cả Trump và Biden đều có sự phản đối đối với Trung Quốc, thậm chí cả 2 ứng viên dường như còn đang cạnh tranh xem ai có thể cứng rắn hơn với Bắc Kinh, ông Koh bình luận.
Đặc biệt, điều quan trọng cũng cần lưu ý là năm nay là thời điểm mối quan hệ với Trung Quốc đang ở mức thấp mới so với những năm trước. Ngay trong nửa đầu năm nay, đã có nhiều dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua chống lại Trung Quốc, như vấn đề Hồng Kông, Tây Tạng, Tân Cương và Huawei. Do đó, tuyên bố gần đây về Biển Đông của Mỹ không chỉ phản ánh thời điểm mà còn cả sự đồng thuận ngày càng tăng của cả 2 đảng đối với thách thức dài hạn mà Trung Quốc đặt ra đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Dự báo về diễn biến sắp tới ở Biển Đông, chuyên gia của CSIS cho rằng, sau Tuyên bố này, có thể Washington sẽ nêu vấn đề Biển Đông thường xuyên hơn ở góc độ quốc tế và ngoại giao.
Mỹ có thể tăng cường hoạt động huấn luyện và cung cấp thiết bị để giúp các nước như Việt Nam và Philippines tăng cường năng lực trên biển.
Ngoài ra, bằng cách tuyên bố nhiều hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp, Mỹ có thể áp đặt lệnh trừng phạt với các công ty nhà nước của Trung Quốc có hoạt động vi phạm ở vùng biển tranh chấp, ông Murray Hiebert nói thêm.
Trong khi đó, chuyên gia Collin Koh nhìn nhận rằng, quan điểm mới của Mỹ có thể báo trước một chiến lược ở Biển Đông toàn diện hơn ngoài việc thực hiện các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) và các cam kết an ninh mà sẽ bao gồm các chiến lược khác, như các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Tuy nhiên, chuyên gia người Singapore cũng lưu ý, rõ ràng, tuyên bố của Mỹ sẽ thúc đẩy Bắc Kinh tăng cường không chỉ các phát ngôn chống lại sự tham gia của Washington vào vấn đề Biển Đông, mà còn thách thức đối với các hoạt động quân sự của Mỹ tại đây – qua đó làm tăng nguy cơ về các sự cố giữa các lực lượng Mỹ và Trung Quốc.
Động thái của Mỹ cũng có thể khiến Trung Quốc tìm cách xúc tiến Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), vì Bắc Kinh có thể muốn bộ quy tắc này như một minh chứng rằng ASEAN và Trung Quốc có thể tự giải quyết vấn đề Biển Đông mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài.
Về phía ASEAN, chuyên gia người Singapore cho rằng, tuyên bố này có thể như một sự hỗ trợ cho ASEAN khi đàm phán với Trung Quốc về COC nhưng cũng có khả năng sẽ gây ra nhiều rạn nứt trong ASEAN. Một số quốc gia thành viên có thể cảm thấy được khuyến khích để có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, trong khi một số người khác sẽ không tán đồng vì quá phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, hoặc đơn giản là họ không muốn bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh giữa 2 siêu cường, ông Koh bình luận thêm.
Lan Anh từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi cương quyết với ‘con quái vật’ Trung Quốc
>>> Kế sách ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông
>>> Mỹ và châu Âu bắt tay chống Trung Quốc