Ba ngày sau khi Mỹ quyết định đóng cửa tòa Lãnh sự Trung Quốc tại Houston, chính quyền Trung Quốc ngày 24/7 đã trả đũa bằng việc ra lệnh đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Tuy nhiên, trước sự leo thang chưa từng có trong quan hệ ngoại giao giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới kể từ khi thiết lập quan hệ, Mỹ vẫn không có ý định hạ nhiệt căng thẳng khi tiếp tục bắt giữ và khởi tố các gián điệp Trung Quốc.
Jim Mullinax, Lãnh sự Mỹ tại Thành Đô là một trong những nhà ngoại giao Mỹ có uy tín nhất tại Trung Quốc. Ông sử dụng thành thạo tiếng Hoa và có vợ ông là một người Đài Loan.
Quan hệ Mỹ – Trung đã leo thang đến mức làm đảo lộn mọi thứ như địa vị của cặp vợ chồng lãnh sự Mỹ tại Thành Đô trong lòng Hoa Lục.
Theo RFI, từ vị lãnh sự được lòng dân nhất tại Trung Quốc với những màn biểu diễn âm nhạc ấn tượng nhận được nhiều cảm tình của nhân dân sở tại cùng với phu nhân là người rất có uy tín trong cộng đồng người Hoa, nổi tiếng với các chương trình hướng dẫn nấu ăn có thương hiệu, nhà ngoại giao Jim Mullinax cùng vợ giờ đây đã trở thành mục tiêu tấn công của một phần dư luận Trung Quốc. Trên mạng xã hội Weibo, tài khoản của phu nhân lãnh sự Mỹ trước đây tràn ngập những lời khen tặng, giờ thì bị thay thế bằng những lời thóa mạ, mang đầy hơi hướng chủ nghĩa dân tộc.
Theo truyền thông Trung Quốc, hạn chót để Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô phải đóng cửa là 9h sáng 27/7 theo giờ Việt Nam nhưng nhân viên ngoại giao Mỹ đã chủ động rời trụ sở trước thời hạn từ hôm 26/7.
Tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành Đô hoạt động từ năm 1985 với 200 nhân viên trong đó có khoảng 150 nhân viên Trung Quốc.
Giới quan sát đã đưa ra nhiều lý do dẫn đến việc Trung Quốc lựa chọn Lãnh sự quán tại Thành Đô để trả đũa Mỹ.
Lãnh sự quán Thành Đô là một trong sáu lãnh sự quán của Mỹ tại Trung Quốc, phụ trách năm khu vực cấp tỉnh ở phía Tây Nam Trung Quốc là Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, Trùng Khánh và vùng lãnh thổ nhạy cảm Tây Tạng. Đây là một địa điểm chiến lược đối với Hoa Kỳ do Tứ Xuyên là cửa ngõ vào Tây Tạng và Tân Cương nên việc chọn Thành Đô được cho là nhằm mục đích muốn chặn đường tiến vào khu vực tự trị của các nhà ngoại giao Mỹ.
Năm 2013, cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden đã tiết lộ một bản đồ về những địa bàn hoạt hoạt động của tình báo Mỹ, trong đó có Thành Đô.
Hơn nữa, Lãnh sự quán Thành Đô cũng là nơi diễn ra một sự kiện nổi tiếng liên quan đến vụ việc đình đám của cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh, Bạc Hy Lai. Ngày 06/02/2012, đây từng là nơi cựu Phó thị trưởng và Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân đem theo tài liệu tố cáo Bạc Hy Lai, trốn vào xin tị nạn.
Ông Gary Locke, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc khi đó, tiết lộ với truyền thông Mỹ rằng: “Sau khi Bạc Hy Lai phát giác Vương Lập Quân chạy trốn, từng phái bộ đội an ninh vũ trang đến bao vây Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, cảm giác này nguy hiểm giống như trong phim gián điệp.”
Ngày 07/02/2012, Vương Lập Quân rời khỏi LSQ sau 30 tiếng trốn bên trong và đến tháng 9/2012, ông này bị chính quyền trung ương Bắc Kinh phạt án tù 15 năm. Tháng 9/2013, Bạc Hy Lai bị án tù chung thân.
Có phân tích lại cho rằng Thành Đô là một lựa chọn gây ít thiệt hại nhất cho quan hệ Trung – Mỹ.
So với các lãnh sự quán Mỹ ở Thượng Hải và Quảng Châu, Tổng lãnh sự quán ở Thành Đô đảm nhận khối lượng công việc liên quan kinh doanh rất ít. Do đó, giải pháp đóng cửa nơi này sẽ hạn chế tối đa thiệt hại và bất tiện về mặt kinh tế cho Trung Quốc lẫn Mỹ. Đây cũng có thể được coi là hành động kiềm chế căng thẳng của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, so về quy mô nhân sự thì Tổng lãnh sự quán ở Thành Đô có 50 người là công dân Mỹ còn Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston có khoảng 60 nhân viên lãnh sự Trung Quốc tức là số lượng nhân viên của hai cơ quan đại diện ngoại giao là tương đương nhau. Vì vậy, việc chọn Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô là một biện pháp trả đũa tương xứng.
Còn lý do chính thức mà chính quyền Trung Quốc đưa ra để lý giải việc đóng cửa Lãnh sứ quán Thành Đô là: “Nhân viên ngoại giao tại đây can thiệp vào công việc của Trung Quốc và đã có những hoạt động không thích hợp với công tác ngoại giao.”
Tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc thì cáo buộc Washington từ lâu đã sử dụng Tổng lãnh sự quán ở Thành Đô làm công cụ tiếp cận Tây Tạng, “thu thập các thông tin tình báo về Tây Tạng và các khu vực khác“.
Về phần mình, Mỹ vẫn tiếp tục thúc đẩy các biện pháp trừng phạt cứng rắn vào lực lượng gián điệp Trung Quốc.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ ngày 24/7/2020 cho biết đã bắt được nhà nghiên cứu Trung Quốc Tang Juan từng trốn trong tòa Lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco. Bà là một trong 4 người bị Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cáo buộc dùng hộ chiếu giả nhập cảnh vào Mỹ và che giấu liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Một quan chức Bộ Tư pháp Mỹ xác nhận với báo giới: « Một người chạy trốn vào tòa Lãnh sự Trung Quốc ở San Francisco trong đêm thứ năm 23/7/2020 đã bị bắt. »
Đương sự đang bị tạm giam và trình diện trước một tòa án nội trong ngày 24/7. Bà là một chuyên gia về bệnh ung thư và từ tháng 01/2020 đã làm việc tại Đại học California.
Bà Tang đã chạy trốn vào Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco sau khi bị các điệp viên FBI chất vấn vào ngày 20/6. Ngày 26/6, bà Tang bị các công tố Mỹ buộc tội khai man trong đơn xin cấp thị thực và che giấu thân phận là thành viên quân đội Trung Quốc. Bản thân bà Tang Juan từng phục vụ trong một bệnh viên quân y Trung Quốc.
Cùng với bà Tang, FBI cũng phát hiện ba người khác đã sử dụng hộ chiếu giả, đội lốt các nhà khoa học để do thám Hoa Kỳ.
Ba công dân Trung Quốc bị buộc tội gian lận thị thực và đã bị bắt trước bà Tang Juan là Wang Xin, Song Chen, Zhao Kaikai.
Tất cả bốn công dân Trung Quốc nêu trên được cho là đã nói dối về vai trò của họ trong quân đội Trung Quốc (PLA), hoặc họ nói họ chưa từng phục vụ trong PLA hoặc tuyên bố đã xuất ngũ.
Các sĩ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ đã bắt giữ ông Wang Xin vào ngày 07/6 tại Cảng hàng không Quốc tế Los Angeles. Ông này đã khai rằng ông vẫn là thành viên PL, và làm việc tại phòng thí nghiệm của đại học quân đội. Trong khi đó, Bộ Tư pháp cho biết trong đơn xin thị thực nhập cảnh Mỹ, ông Wang Xin khai rằng ông đã xuất ngũ từ năm 2016.
Theo truyền thông quốc tế, hai nhân vật còn lại là Song Chen và Zhao Kaikai đều bị giới chức Mỹ bắt vào ngày 18/7.
Các công tố viên Mỹ cáo buộc rằng bà Song Chen đã tuyên bố rằng bà là bác sĩ chuyên khoa thần kinh và đã rời lực lượng vũ trang, nhưng thực tế bà Song vẫn là thành viên của bệnh viện Không quân PLA tại Trung Quốc.
Trong khi đó, Zhao Kaikai khai báo chưa từng làm việc cho quân đội Trung Quốc, nhưng sự thực Zhao là thành viên của một viện nghiên cứu hàng đầu của PLA.
Vẫn theo quan chức Mỹ, 4 trường hợp vừa bị bắt chỉ là « phần nổi của tảng băng » về những hoạt động tình báo của Trung Quốc nhắm vào các cơ sở nghiên cứu của Mỹ.
Trung Quốc còn tuyển dụng công dân Singapore để thực hiện nhiệm vụ gián điệp tại Mỹ.
Hôm 24/7 mới đây, trước một tòa án Liên Bang Mỹ, một công dân Singapore thú nhận làm gián điệp cho Trung Quốc.
Công dân Singapore này hoạt động tại Mỹ dưới một danh tính giả và tự nhận là người tuyển dụng nhân viên phục vụ cho chính phủ và quân đội Hoa Kỳ. Trên thực tế hãng của anh ta có nhiệm vụ thu thập những thông tin nhạy cảm của Mỹ để cung cấp cho phía chính quyền Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2019.
Sa lưới cơ quan phản gián thuộc FBI, bị truy tố về « tội làm gián điệp cho một lực lượng nước ngoài » đương sự nhận tội vào hôm 24/7 trước một tòa án Liên Bang tại Washington.
Như vậy, hàng loạt các gián điệp được phơi bày ra ánh sáng và căng thẳng Mỹ – Trung càng lúc càng tăng cao.
Chính quyền Trump còn tố cáo Trung Quốc đánh cắp các công trình nghiên cứu vắc-xin chống virus corona, can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng 11/2020.
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích chủ tịch Trung Quốc thất hứa về Biển Đông
>>> Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco che giấu tội phạm?
>>> Bị Mỹ đóng cửa lãnh sự quán – Trung Quốc vội “phản đòn”