Nhân loại đã bước vào cuộc Chiến tranh lạnh mới?

https://youtu.be/S1F_w8BNufs
Link Video: https://youtu.be/S1F_w8BNufs

Thế giới đang chứng kiến cuộc khủng hoảng quan hệ Mỹ – Trung trên tất cả các lĩnh vực từ ngoại giao, kinh tế cho đến quân sự, chính trị mà đỉnh điểm là việc hai bên đóng cửa lãnh sự quán của nhau trong tuần trước. Quan hệ song phương giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang ở mức xấu nhất kể từ nhiều thập kỷ qua. Phải chăng điều mà không ai mong đợi nhưng đã được dự đoán từ nhiều năm trước đã xảy đến, một cuộc Chiến tranh lạnh mới đã khơi mào?

Liên tiếp những sự kiện diễn ra từ khi đại dịch COVID-19, có nguồn gốc từ Trung Quốc, đẩy nhân loại vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có, đã khiến quan hệ Mỹ – Trung rơi vào những bất đồng chưa thể hòa giải như trách nhiệm của Trung Quốc trong việc để lây lan đại dịch, cuộc chiến 5G, chiến tranh thương mại, ăn cắp sở hữu trí tuệ, vấn đề Hồng Kông, Đài Loan, hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc…

Ngày 09/7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã phát biểu tại diễn đàn trực tuyến giữa các tổ chức tư vấn Trung – Mỹ rằng quan hệ Trung – Mỹ đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979. Ông đã đề xuất 3 điểm, bao gồm: “kích hoạt và mở các kênh đối thoại“, “chuẩn bị và đàm phán một danh sách trao đổi” và “tập trung vào và triển khai hợp tác chống dịch bệnh COVID-19“, hy vọng sẽ thúc đẩy quan hệ Trung – Mỹ trở lại quỹ đạo đúng.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải ngay sau đó cũng đã phải viết thư cho nhiều quan chức Mỹ để chuyển đến họ phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc với mong muốn tìm ra kênh đối thoại để khắc phục được tình trạng leo thang căng thẳng trong quan hệ hai nước.

Ảnh: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

Bản thân Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ tuần trước đã phải thừa nhận rằng tình hình quan hệ Trung – Mỹ hiện đang rất không bình thường.

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 21/7 dẫn lời Đại sứ Thôi Thiên Khải nói: “Hiện nay quan hệ Trung Quốc -Hoa Kỳ không phải ở trong tình trạng đình trệ hoặc đình chỉ hoàn toàn, nhưng phía Trung Quốc rất lo ngại rằng nó có thể trượt sang hướng sai lầm, đây mới là vấn đề then chốt.”

Ông Thôi Thiên Khải nói cần phải cố gắng hết sức để ngăn mối quan hệ giữa hai nước ngày càng trượt xa theo hướng sai trái và thậm chí rơi vào cái mà một số người gọi là “hãm cảnh” (cái bẫy).

Ông cho rằng cần thiết phải khởi động và mở lại tất cả các kênh đối thoại. Nếu không có đối thoại, giữa hai nước sẽ giao tiếp với nhau như thế nào? Làm thế nào để phát triển hợp tác? Làm thế nào để kiểm soát sự khác biệt?

Ông đã thú nhận rằng: “Hiện giờ ngay cả đối thoại cũng không có. Cần phải nói rằng đó là một tình huống rất không bình thường.”

Ông Thôi Thiên Khải nhấn mạnh rằng “nếu thậm chí đến đối thoại cũng không thực hiện được thì nói gì kết quả tích cực? Nó không thể rơi từ trên trời xuống được.”

Những bộc bạch của ông Thôi đã toát lên được nỗi lo lắng của nhà đại diện ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc tại Mỹ về sự xuống cấp trong bang giao giữa hai nước.

Và đúng là mọi việc đã trở nên tồi tệ hơn khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/7 đã xác nhận tin Washington yêu cầu Bắc Kinh đóng cửa tòa Lãnh sự quán tại Houston, bang Texas từ ngày 24/7. Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cũng ra tuyên bố xác nhận quyết định trên và nói mục đích đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc là nhằm “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và quyền bí mật riêng tư của công dân Mỹ”.

Ba ngày sau việc Mỹ quyết định đóng cửa tòa lãnh sự Trung Quốc tại Houston, đến lượt Trung Quốc ngày 24/7 trả đũa bằng việc ra lệnh đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên với lý do là “nhân viên ngoại giao tại đây can thiệp vào công việc của Trung Quốc và đã có những hoạt động không thích hợp với công tác ngoại giao“.

Trong khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang cực kì căng thẳng bởi vấn đề lãnh sự quán, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ ngày 24/7 đã tuyên bố thành lập “Nhóm công tác Trung Quốc” để tập trung đối phó với Trung Quốc.

Ảnh: Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Chad F. Wolf

Truyền thông quốc tế ngày 25/7 dẫn một thông cáo báo chí của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết cơ quan này đã thành lập Nhóm Công tác Trung Quốc, với mục đích điều phối phản ứng của Washington trước các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Phát biểu tại lễ ra mắt Nhóm Công tác Trung Quốc, quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Chad F. Wolf cho biết mối đe dọa Trung Quốc đang gia tăng “ở mức đáng báo động” thông qua “hoạt động nguy hại” của nước này trong các lĩnh vực thương mại, an ninh mạng, nhập cư và sở hữu trí tuệ.

Ông nhấn mạnh Nhóm Công tác Trung Quốc sẽ củng cố vai trò của bộ làm việc trên tuyến đầu để bảo vệ Mỹ khỏi chiến dịch có hệ thống của Trung Quốc nhằm phá hoại “sự thịnh vượng kinh tế, an ninh quốc gia và các quyền tự do cơ bản của chúng ta“.

Quyền Bộ trưởng Wolf cho biết bộ của ông sẽ tiếp tục đáp trả các cuộc tấn công mạng, gián điệp kinh tế và các chiến dịch thông tin sai lệch của Trung Quốc đồng thời sẽ nhắm mục tiêu vào các nguồn cung cấp y tế lừa đảo của Trung Quốc lợi dụng đại dịch COVID-19, cũng như hàng tiêu dùng mà người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác buộc phải sản xuất trong tình trạng bị giam giữ.

Vị quan chức Mỹ nói thêm: “Vai trò của bộ trong việc kiềm chế hoạt động nguy hại của Trung Quốc chưa bao giờ quan trọng và kịp thời hơn lúc này. Nhóm Công tác Trung Quốc mới thành lập sẽ ưu tiên, phối hợp và đưa ra các hành động có tính quyết định gần và dài hạn tương xứng với mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt.”

Trước đó, đầu năm 2018, Bộ Tư pháp Mỹ đã thành lập dự án “Sáng kiến Trung Quốc” chuyên đối phó với các hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại Mỹ.

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) Christopher Wray, ngày 08/7 mới đây đã nói trong một bài phát biểu đặc biệt về các hoạt động gián điệp của Trung Quốc, cho rằng gián điệp Trung Quốc xâm nhập vào Hoa Kỳ đã rất phổ biến. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Mỹ gần đây, ông nói do Trung Quốc gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia cực kỳ nghiêm trọng, Hoa Kỳ đang sử dụng các nguồn lực khổng lồ để điều tra hơn 2.000 vụ án liên quan đến chính phủ Trung Quốc. Hiện tại, cứ sau 10 giờ, Mỹ lại khởi động điều tra một vụ gián điệp Trung Quốc.

Hồi tháng 5 vừa qua, những người Cộng hòa tại Hạ viện Hoa Kỳ cũng đã thành lập một “Nhóm công tác Trung Quốc đặc biệt” để phối hợp chiến lược nhằm đối phó với các mối đe dọa địa chính trị từ Bắc Kinh. Nghị sĩ Michael McCaul, Chủ tịch của nhóm và là thành viên chính của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, ngày 19/5 đã tuyên bố “Nhóm công tác Trung Quốc đặc biệt” sẽ được chia thành năm tổ trụ cột: an ninh quốc gia, công nghệ, kinh tế và năng lượng, cạnh tranh và cạnh tranh tư tưởng đưa ra các khuyến nghị chính sách của họ về mối đe dọa do Trung Quốc gây ra.

Khi mà những căng thẳng ngoại giao do đại dịch COVID-19, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, gây ra vẫn còn chưa tạm lắng, Trung Quốc tiếp tục lấy sức mạnh để thị uy thế giới khi tăng cường kìm kẹp với Đặc khu hành chính Hồng Kông, gây áp lực lên Đài Loan, đẩy mạnh căng thẳng tại Biển Đông, tạo sức ép với Canada về vụ bắt giữ Giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu, đối đầu ở biên giới với Ấn Độ…

Bất chấp những cảnh báo của nhiều nước phương Tây về những hậu quả có thể có cho Hồng Kông, chính quyền Bắc Kinh vẫn kiên quyết áp đặt luật an ninh mới lên đặc khu hành chính này hồi đầu tháng 7.

Phương Tây dồn dập lên án Trung Quốc đã vi phạm cam kết « Một quốc gia, Hai chế độ » do chính Trung Quốc đưa ra vào thời điểm Anh Quốc trao trả thuộc địa Hồng Kông năm 1997. Úc, Canada và Anh Quốc đã có những phản ứng mạnh mẽ, đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông. Tổng thống Mỹ Donald Trump thì rút quy chế đặc biệt đối với đặc khu.

Căng thẳng còn gia tăng thêm một nấc khi Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng phô diễn sức mạnh quân sự ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn đi xa hơn với những tuyên bố cứng rắn, cho rằng những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển rộng 3,5 triệu km2 mà Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines… là « bất hợp pháp ».

Trước đó, quân đội Trung Quốc còn đối đầu với Ấn Độ ở vùng cao nguyên Ladakh, trên dãy Himalaya. Những cuộc va chạm đẫm máu đã làm thiệt mạng hàng chục binh sĩ ở cả hai phía.

Giới chuyên gia nhận định rằng những sự kiện gần đây cho thấy Trung Quốc đang dùng vũ lực để khẳng định vị thế cường quốc.

Trả lời RFI, ông Emmanuel Lincot, giáo sư Viện Công giáo Paris, chuyên gia về Trung Quốc đương đại nhận định Trung Quốc thúc đẩy những biện pháp cứng rắn với bên ngoài nhằm che giấu tình trạng bê bối trong nước. Ông phân tích: « Chúng ta hoàn toàn trong một logic chiến tranh, nghĩa là lợi dụng dịch COVID-19, chúng ta thấy là tàu chiến Trung Quốc đối đầu với tàu chiến Đài Loan, hay như quý vị đã biết cách đây ba tuần hay một tháng, nhiều cuộc đối đầu đẫm máu đã xảy ra ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Đây chỉ là một vài yếu tố trong nhiều yếu tố khác.

Quả thật chính quyền Trung Quốc đã trở nên cực đoan hơn và điều này được thể hiện bằng một quyết định về mặt tư pháp là áp đặt lên Hồng Kông luật an ninh quốc gia. Đạo luật này trên thực tế còn vượt ngoài khuôn khổ Hồng Kông, được áp đặt cho cả nước Trung Quốc.

Vì sao ? Bởi vì những gì truyền thông phương Tây chưa nói hết chính là Trung Quốc, do đại dịch COVID-19, đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, với hàng chục triệu người thất nghiệp. Thế nên chính quyền Bắc Kinh tìm cách ngăn ngừa mọi mầm mống phản đối trong những tuần hay những tháng sắp tới. »

Giáo sư Shi Yinhong tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh thì cho biết cả hai phía đều nhận ra Trung Quốc không còn thực hiện được toàn bộ thỏa thuận. Giáo sư Shi nói rằng: “Chiến tranh Lạnh cũ là đối đầu và cạnh tranh gay gắt giữa hai cường quốc do khác biệt về chiến lược và hệ tư tưởng”. Trong trường hợp của Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia này đang “nhanh chóng xa cách nhau“. Do vậy, ông Shi Yinhong nhận định rằng Mỹ và Trung Quốc đang bước vào cuộc Chiến tranh lạnh mới.

Giáo sư Stephen Walt tại Đại học Harvard nhận thấy Mỹ và Trung Quốc đã rơi vào cuộc cạnh tranh dài hạn về “tầm nhìn chiến lược không tương hợp”. Trung Quốc coi Tổng thống Trump là nhà lãnh đạo “yếu thế và thường gây lỗi”, đồng thời lợi dụng tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ làm cơ hội để giành lợi thế. Ông Walt đánh giá: “Điều này tương đồng với một số khía cạnh của Chiến tranh lạnh Mỹ – Liên Xô trước đây, nhưng chưa nguy hiểm đến như vậy. Điều khác biệt then chốt là cả 2 quốc gia Mỹ – Trung Quốc vẫn gắn nối khá gần gũi về kinh tế mặc dù mối quan hệ đó hiện tại gặp nhiều cản trở.”

Ngoại trưởng Mike Pompeo gần đây nhấn mạnh rằng Mỹ chưa từng giao thoa về kinh tế với Liên Xô. Ông Pompeo cũng nhận định phương Tây cần tách biệt khỏi Trung Quốc, đặc biệt về lĩnh vực công nghệ.

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Bị Mỹ đóng cửa lãnh sự quán – Trung Quốc vội “phản đòn”

>>> “Cuộc chiến“ Mỹ – Trung tới hồi khốc liệt

>>> Mỹ ra tay trừng trị Trung Quốc trên mọi mặt trận

https://www.youtube.com/watch?v=9Uknt71nBZ4
Căng thẳng Mỹ – Trung sẽ đi đến đâu?