Đại sứ quán Trung Quốc ở Australia hôm 29/7 đã phản ứng đầy giận dữ trước một tuyên bố chung của Mỹ và Úc, vốn chỉ trích tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng như ở các nơi khác, cảnh báo rằng “bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây áp lực đối với Trung Quốc sẽ không bao giờ thành công”, trang tin news.com.au của Úc đưa tin.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã tổ chức hai ngày thảo luận ở Washington với người đồng nhiệm Úc.
Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds đã bay tới Mỹ dù dịch bệnh COVID-19 và đối mặt với hai tuần bị cách ly khi trở về nước, theo Reuters.
Trong tuyên bố sau các cuộc gặp, hai nước bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các vấn đề nóng như Hong Kong, Đài Loan, “cuộc đàn áp người Uighur” ở Tân Cương và các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, vốn bị coi là “không có giá trị theo luật quốc tế”.
Tuy nhiên, theo trang tin news.com.au, đại sứ quán Trung Quốc ở Úc đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ.
Cơ quan ngoại giao này phản đối điều bị coi là “các cáo buộc vô căn cứ” và “các cuộc công kích đối với Trung Quốc” về các vấn đề liên quan tới Hong Kong, Tân Cương và Biển Đông đưa ra trong tuyên bố chung.
Trung Quốc tuyên bố không thay đổi chính sách Biển Đông, nghiêm túc tuân thủ UNCLOS
Ngày 29/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố Trung Quốc không thay đổi chính sách đối với vấn đề Biển Đông và nghiêm chỉnh tuân thủ các luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Tân Hoa Xã đưa tin, phát biểu tại cuộc họp báo được tổ chức nhằm phản hồi bài phát biểu hôm 14/7 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ nước này không bao giờ mở rộng các yêu sách chủ quyền.
Theo ông Uông Văn Bân, chính sách Biển Đông của Trung Quốc vẫn không thay đổi, trước sau như một và ổn định. Quan chức này cho biết thêm Bắc Kinh luôn nhấn mạnh việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển và lãnh thổ với các nước láng giềng thông qua đàm phán phù hợp với luật pháp quốc tế và sự thật lịch sử.
Người phát ngôn Uông Văn Bân nói: “Chúng tôi luôn tuân thủ Tuyên bố về cách ứng cử của các bên ở Biển Đông (DOC) và chúng tôi sẵn sàng làm việc với các quốc gia ASEAN để thúc đẩy các cuộc tham vấn về Bộ Qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhằm sớm đạt được một bộ qui tắc chung cho Trung Quốc và các nước ASEAN”.
Ông Uông Văn Bân nhấn mạnh Mỹ không phải là một biên liên quan tới vấn đề Biển Đông, và cũng không phải là một thành viên tham gia UNCLOS, cáo buộc Mỹ vi phạm thô bạo cam kết không thể hiện lập trường về vấn đề chủ quyền Biển Đông và cố tình chia rẽ Trung Quốc và các nước ASEAN. Các quốc gia trong khu vực và nhân dân yêu chuộng hòa bình sẽ không cho phép một số ít chính trị gia Mỹ khuấy động các vùng biển ở Biển Đông.
Theo Reuters, dù Mỹ và đồng minh Úc tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao về Trung Quốc và đồng ý về sự cần thiết phải duy trì trật tự thế giới dựa trên luật lệ, Ngoại trưởng Úc Marise Payne nhấn mạnh tới quan hệ quan trọng giữa Canberra với Bắc Kinh và tuyên bố không có ý định làm tổn thương mối bang giao này.
Australia-Mỹ ra tuyên bố chung, bác toàn bộ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông
Tối 28/7 (giờ Việt Nam), kết thúc cuộc họp Tham vấn cấp Bộ trưởng Mỹ- Australia (AUSMIN) lần thứ 30 tại Thủ đô Washington (Mỹ), các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước đã ra tuyên bố chung đề cập một loạt vấn đề song phương, khu vực và quốc tế.
Tuyên bố chung nêu rõ, theo phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) liên quan đến việc Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, Mỹ và Australia khẳng định, những yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông không có giá trị theo luật pháp quốc tế.
Tuyên bố nhấn mạnh, Trung Quốc không thể đưa ra các yêu sách hàng hải trên Biển Đông dựa trên “đường 9 đoạn“, “quyền lịch sử” hoặc toàn bộ các nhóm đảo trên Biển Đông, cho rằng hành động của Bắc Kinh không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Hai bên khẳng định phán quyết năm 2016 của PCA là quyết định cuối cùng và có tính ràng buộc, đồng thời nhấn mạnh, tất cả các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông phải được đưa ra và giải quyết theo luật pháp quốc tế.
Mỹ và Australia bày tỏ sự ủng hộ đối với quyền khai thác hợp pháp các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngoài khơi, bao gồm các dự án khai thác dầu mỏ và khí đốt lâu đời, cũng như đảm bảo nghề cá tại Biển Đông .
Tuyên bố cho rằng, các bên cần tăng cường cam kết không tham gia các hành động làm phức tạp và leo thang căng thẳng, đặc biệt là quân sự hóa ở Biển Đông.
Ngoài vấn đề Biển Đông, tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước cũng khẳng định, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trọng tâm của liên minh Mỹ-Australia và hai nước sẽ cùng hợp tác với ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc để duy trì một khu vực an toàn, thịnh thượng và dựa trên luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, Mỹ và Australia hoan nghênh Việt Nam, trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, thể hiện rõ sự đi đầu trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Về hợp tác quốc phòng song phương, Mỹ và Australia quyết tâm tăng cường hợp tác quốc phòng và thừa nhận sự hiện diện của các lực lượng Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ an ninh và thịnh vượng của khu vực.
Mỹ giúp Nhật theo dõi Trung Quốc quanh quần đảo tranh chấp
Quân đội Mỹ sẽ giúp Nhật Bản theo dõi sự xâm nhập “chưa từng có” của Trung Quốc ở quanh các quần đảo thuộc quyền kiểm soát của Tokyo ở Biển Hoa Đông, nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền, Reuters đưa tin, dẫn lời chỉ huy của các Lực lượng Mỹ ở Nhật hôm 29/7.
Tuyên bố của Trung tướng Kevin Schneider được đưa ra trong một cuộc họp báo trên mạng, giữa lúc các tàu bè của Trung Quốc chuẩn bị đánh bắt tại các vùng biển kế cận.
“Hoa Kỳ cam kết 100% nhằm giúp chính phủ Nhật Bản với tình thế này”, ông Schneider nói, chỉ trích hành động “khiêu khích và thâm hiểm” của Trung Quốc.
“Các tàu bè của Trung Quốc tới rồi đi vài lần trong một tháng và giờ chúng ta thấy chúng thả neo và thực sự thách thức chính quyền Nhật Bản”.
Theo Reuters, bình luận của ông Schneider được đưa ra giữa lúc ông và chỉ huy cấp cao của Mỹ chỉ trích Bắc Kinh củng cố các tuyên bố chủ quyền lãnh hải giữa lúc bùng phát dịch bệnh virus Corona và khi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ xấu đi nhanh chóng.
Trong vòng một giờ, Trung Quốc đã lên tiếng phản ứng về phát biểu của ông Schneider.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng quần đảo là lãnh thổ của Trung Quốc và kêu gọi “tất cả các bên duy trì ổn định trong khu vực”.
Cuộc tranh chấp ở quần đảo mà Nhật gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đã kéo dài suốt nhiều năm qua.
Washington tuyên bố trung lập về vấn đề chủ quyền này, nhưng đã cam kết giúp Nhật Bản bảo vệ quần đảo trước các cuộc tấn công.
Theo Reuters, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ chấm dứt lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Hoa Đông vào khoảng ngày 15/8, cho phép một đội tàu đánh cá, vốn được hỗ trợ bởi hải quân và tuần duyên Trung Quốc, đánh bắt ở quanh quần đảo tranh chấp.
Nhật Bản là nơi hiện diện của lực lượng Hoa Kỳ lớn nhất ở châu Á.
Mỹ khẳng định ‘thủy triều đang đổi hướng’ ở Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 30-7 khẳng định “thủy triều đang đổi hướng” và Mỹ nhận được sự ủng hộ của quốc tế về chính sách Trung Quốc, trong đó bao gồm những hoạt động trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Pompeo đã dùng ngôn ngữ cứng rắn khi trình bày về căng thẳng ngày một leo thang giữa hai nước trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.
“Chúng ta nhìn Trung Quốc như bản chất của họ: mối đe dọa trung tâm trong thời đại của chúng ta“, ông Pompeo nói.
Theo ông, nhiều nước đang ủng hộ lập trường của Mỹ, trong đó bao gồm việc đẩy Tập đoàn công nghệ Huawei khỏi hệ thống 5G và tăng cường những hoạt động trên Biển Đông.
“Chính sách ngoại giao mạnh mẽ của chúng ta đã giúp cộng đồng quốc tế thức tỉnh trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Thưa các thượng nghị sĩ, thủy triều đang đổi hướng“, ông Pompeo nói.
Trong những ngày qua, Washington và Bắc Kinh đều lần lượt đóng cửa 1 lãnh sự quán của đối phương. Gần đây nhất, ông Pompeo từng tuyên bố chấm dứt ưu đãi thương mại dành cho Hong Kong vì luật an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, ông cũng nói về sự khó khăn trong việc tạo ra một liên minh quốc tế ủng hộ lập trường của Mỹ vì sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.
Trung Quốc ngang ngược điều oanh tạc cơ tập trận ở Biển Đông
Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên cho hay đã tiến hành các cuộc tập trận với cường độ cao tại Biển Đông bằng máy bay ném bom và tiêm kích.
Tài khoản Twitter của tờ Nhân dân nhật báo ngày 30.7 dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên cho hay nước này đã tổ chức diễn tập không quân tại Biển Đông và “đã đạt được các kết quả mong muốn từ các chiến đấu cơ”.
Cùng ngày, Twitter của Hoàn Cầu thời báo thông tin thêm rằng không quân hải quân thuộc chiến khu miền Nam đã hoàn tất các cuộc tập trận tại Biển Đông với các máy bay chiến đấu mới, trong đó có các loại oanh tạc cơ H-6G và H-6J.
Tại buổi họp báo cùng ngày, phát ngôn viên Nhậm Quốc Cường của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang ngược nói rằng các oanh tạc cơ H-6G và H-6J tham gia tập trận với “cường độ cao suốt ngày đêm“, theo Reuters.
Cụ thể hơn, trang Breaking The News đưa tin các máy bay của Trung Quốc diễn tập cất và hạ cánh ban ngày và ban đêm, cũng như diễn tập tấn công các mục tiêu trên biển và tấn công tầm xa, trong khuôn khổ cuộc tập trận phi pháp.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên cho hay các cuộc tập trận nằm trong “chương trình huấn luyện phi công thường niên”. Tuy nhiên, chưa rõ thời điểm cũng như khu vực cụ thể của hoạt động tập trận trên.
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Trung Quốc cáo buộc Đức phá luật, khi đình chỉ hiệp định dẫn độ với Hồng Kông
>>> Đức đình chỉ Hiệp định dẫn độ với Hồng Kông
>>> Biện pháp chống Trung Quốc bắt nạt nước khác trên Biển Đông