Phương Tây phản ứng càng lúc càng mạnh mẽ trước những hành vi thô bạo của Trung Quốc khi nước này thúc đẩy chính sách đồng hóa ngả sang hướng diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương.
Hoa Kỳ mới đây đã trừng phạt Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc đầu tiên vì hồ sơ này.
Hôm 09/7 vừa qua, lần đầu tiên Hoa Kỳ đã ban hành trừng phạt một ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc cùng với ba quan chức cao cấp khác theo luật Magnitsky, vì đã đàn áp người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Tân Cương, Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) 64 tuổi bị đưa vào danh sách đen cùng với ba quan chức cao cấp khác. Trần Toàn Quốc, Chu Hải Luân (Zhu Hailun), Phó bí thư Tân Cương và Vương Minh Sơn (Wang Mingshan), Giám đốc kiêm Bí thư đảng ủy Công an Tân Cương cùng với người thân từ nay không còn được đặt chân lên đất Mỹ. Còn Hoắc Lưu Quân (Huo Liujun), cựu Bí thư đảng ủy Công an Tân Cương cũng nằm trong danh sách nhưng không bị hạn chế nhập cảnh.
Lệnh trừng phạt được đưa ra theo luật Magnitsky, cho phép chính phủ Mỹ phong tỏa tài sản, cấm nhập cảnh những đối tượng vi phạm nhân quyền, cấm công dân Mỹ làm ăn với những người này. Một viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters, danh sách đen không phải là trò đùa, không chỉ mang tính biểu tượng mà còn ảnh hưởng đến tên tuổi, hạn chế khả năng di chuyển và kinh doanh.
Sau khi việc triệt sản phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị tiết lộ mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tố cáo « Đảng Cộng sản Trung Quốc hoàn toàn coi thường tính chất thiêng liêng của sinh mạng và nhân phẩm con người ». Tổng thống Trump hôm 17/6 đã ký ban hành luật nhân quyền Duy Ngô Nhĩ được lưỡng đảng Quốc hội thông qua hồi tháng 5.
Hệ thống trại tập trung quy mô đã mọc lên tại Tân Cương từ khi Trần Toàn Quốc được điều về làm bí thư tháng 8/2016.
Trước đó khi làm bí thư Tây Tạng từ năm 2011 đến năm 2016, ông Trần đã trấn áp vùng đất này với bàn tay sắt, dẫn đến hàng loạt vụ tự thiêu của các nhà sư Tây Tạng.
Ngay trong năm đầu tiên tại Tân Cương, Trần Toàn Quốc đã tuyển mộ số lượng nhân viên an ninh tương đương với 5 năm ở Tây Tạng. Theo nhà nghiên cứu Shawn Zhang, Trường đại học British Columbia ở Canada, về mặt bắt người tùy tiện, ông ta là lãnh đạo tống giam nhiều người nhất tại Tân Cương trong 40 năm qua.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người bảo trợ đạo luật nói rằng động thái này đã được chờ đợi từ lâu và cần có những bước tiếp theo.
Tổ chức Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, đại diện những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong hoan nghênh quyết định trên, đồng thời kêu gọi Liên minh châu Âu và các nước khác theo chân.
Mới đây nhất, Hoa Kỳ tiếp tục trừng phạt Trung Quốc về Tân Cương. Ngày 31/7 vừa qua, Hoa Kỳ đã thông báo các trừng phạt mới nhắm vào một tập đoàn Tân Cương và hai quan chức vì liên quan đến « vị phạm nghiêm trọng nhân quyền đối với sắc tộc thiểu số ở Tân Cương ».
Trong một thông cáo, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã đưa vào danh sách đen công ty Trung Quốc XPCC (Xinjiang Production and Construction Corp), một cựu Bí thư chi bộ công ty và Phó bí thư chi bộ, Giám đốc XPCC.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, công ty trên được xác định như là một tổ chức bán quân sự, công cụ của Đảng Cộng sản để tăng cường kiểm soát vùng Tân Cương.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ bao gồm phong tỏa toàn bộ tài sản của các đối tượng trên tại Mỹ, cấm mọi hoạt động giao dịch làm ăn với người Mỹ.
Vào năm ngoái, Mỹ cũng đã đưa 28 tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen.
Ngày 07/10/2019, trong một thông cáo, Bộ Thương mại Mỹ khẳng định 28 cơ quan, tổ chức nói trên có liên quan đến chiến dịch trấn áp nhắm chủ yếu vào tộc người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi.
Theo AFP, Chính phủ Mỹ cho biết trong số các cơ quan, tổ chức bị Washington xếp vào danh sách đen, có 8 đơn vị kinh tế, còn lại là các cơ quan chính phủ Trung Quốc, trong đó có Văn phòng Công an tỉnh Tân Cương. Trong số các doanh nghiệp bị Mỹ nhắm tới, có công ty Hikvision chuyên về caméra giám sát, các doanh nghiệp Megvii Technology và Sense Time trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo …
Bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross nhấn mạnh : « Chính phủ Hoa Kỳ và Bộ Thương mại không thể và sẽ không dung thứ cho hành động đàn áp thô bạo các tộc người thiểu số khắp nơi tại Trung Quốc ». 28 cơ quan, tổ chức của Trung Quốc sẽ không được phép nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ. Ngoài ra, biện pháp trừng phạt của Washington cũng khiến Trung Quốc không thể dùng các công nghệ của Mỹ để đàn áp các tộc người thiểu số vốn không có khả năng tự vệ.
Thông cáo của Bộ Thương mại Mỹ nói rõ là các cơ quan tổ chức nói trên đã tham gia vào việc triển khai chiến dịch đàn áp của chính quyền Trung Quốc, bắt giữ người một cách ồ ạt và vô cớ, dùng công nghệ cao để theo dõi, giám sát người dân.
Không chỉ Mỹ mà các nước phương Tây khác như Anh, Pháp mới đây cũng đã thẳng thắn lên án chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Hôm 19/7, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói Trung Quốc ‘vi phạm thô bạo nhân quyền’ với người Duy Ngô Nhĩ. Ông phát biểu: “Chúng tôi muốn có một mối quan hệ tích cực với Trung Quốc nhưng chúng tôi không thể thấy những hành vi vi phạm nhân quyền thô bạo của họ mà không lên tiếng.”
Ông Raab sau đó đề cập tới các thông tin Trung Quốc triệt sản có hệ thống người Duy Ngô Nhĩ cùng các nhóm dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương, bắt ép gần 1 triệu người vào các trại cải tạo tập trung.
Ngoại trưởng Anh nêu quan điểm: “Rõ ràng là có những vụ vi phạm nhân quyền thô bạo đang diễn ra. Các báo cáo này nhắc chúng ta nhớ về những thứ đã từ lâu không còn nghe thấy. Nhưng giờ những điều như vậy lại đang xuất phát từ một thành viên hàng đầu của cộng đồng quốc tế muốn được người khác coi trọng.”
Đây là một động thái đáng chú ý từ Anh quốc vì các chính phủ trước đây ở Anh thường cân nhắc yếu tố thương mại khi lên tiếng trong những vấn đề liên quan tới Trung Quốc.
Phía bên kia eo biển Manche (Măng-sờ), Pháp cũng tỏ ra cứng rắn hơn với Trung Quốc về hồ sơ trấn áp người Duy Ngô Nhĩ. Điều trần trước Hạ viện Pháp ngày 21/7, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian (Giăng Y-vờ Lơ Đờ-ghi-ăng) lên án những biện pháp trấn áp « không thể chấp nhận được » mà chính quyền Bắc Kinh đang áp dụng đối với cộng đồng người theo Hồi Giáo ở Tân Cương, đồng thời yêu cầu cử các nhà quan sát độc lập đến vùng tự trị này.
Ngoại trưởng Pháp phát biểu : « Những trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ với quy mô lớn, những vụ mất tích và lao động cưỡng bức, những vụ cưỡng ép triệt sản, hủy hoại di sản văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ, đặc biệt là những nơi thờ phụng… Tất cả những biện pháp này là không thể chấp nhận được, vì đi ngược lại với những nguyên tắc phổ quát được ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền. Vì thế, chúng tôi (Pháp) kiên quyết lên án.
Trước mắt, chúng tôi chỉ yêu cầu đơn giản là Trung Quốc cho phép các nhà quan sát độc lập quốc tế đến khu vực này, cũng như cho phép cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc được tự do đến thăm Tân Cương. »
Giới quan sát cũng chú ý đến những lời tố cáo chi tiết của Ngoại trưởng Pháp trong khi đó trước đây Paris còn thận trọng trên hồ sơ nhạy cảm này.
Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu cũng đang thảo luận biện pháp trừng phạt Trung Quốc.
Theo RFI, ngày 21/7, Thượng nghị sĩ Pháp André Gattolin (Ăng-đờ-ghê Ga-to-lanh), thuộc Đảng Cộng hòa tiến bước – LREM, cho biết vấn đề truy bức người Duy Ngô Nhĩ « đang được thảo luận ở cấp độ Liên minh châu Âu : 26 nước châu Âu đồng ý thông qua, Hungary vẫn còn chút do dự. Nhưng từ giờ đến cuối năm 2020, nếu vẫn có quyết tâm chính trị, chúng tôi (Liên minh châu Âu) có thể thông qua được một đạo luật cho phép đưa ra các biện pháp tương tự với những biện pháp mà Hoa Kỳ đã ban hành để trừng phạt Trung Quốc về tình hình người Duy Ngô Nhĩ ».
Kể từ năm 2012 khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền Chính sách trấn áp người Duy Ngô Nhĩ được thi hành khẩn trương và mạnh tay. Cho đến nay, khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị nhốt trong các « trung tâm dạy nghề » mọc lên như nấm ở Tân Cương trong thời gian nhanh đến chóng mặt từ năm 2013. Mức tăng dân số ở Tân Cương đã giảm 84% từ năm 2015 đến 2018 vì chính sách cưỡng ép triệt sản… Tộc người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo đang bị Hán hóa, thậm chí bị « diệt chủng » một cách dã man, vô nhân tính.
Theo nhà nghiên cứu Đức Adrian Zenz, thì năm 2018 có đến 80% trường hợp đặt vòng là tại Tân Cương, trong khi vùng đất này chỉ chiếm 1,8% dân số Trung Quốc. Công trình nghiên cứu 28 trang từ các dữ liệu của Trung Quốc chứng minh nhà nước độc đảng đang lao vào chiến dịch hạn chế sinh sản đối với một nhóm sắc tộc. Đây là một trong năm tiêu chí xác định nạn diệt chủng, được định nghĩa trong hiệp ước ngăn ngừa và trấn áp tội ác diệt chủng của Liên Hiệp Quốc năm 1948.
Từ năm 2016, số sinh tại những phường xã mà đa số dân là người Duy Ngô Nhĩ giảm mạnh, trong khi những nơi cư dân là người Hán tăng lên, thậm chí gấp 8 lần. Việc hạn chế sinh sản được chỉ đạo từ cấp cao nhất ở Bắc Kinh nhằm hạ thấp dân số Duy Ngô Nhĩ, vì « làm giảm bản sắc quốc gia và nhận diện Hán tộc ». Một nhà sử học Trung Quốc giấu tên nhận định, bắt đầu từ việc cấp nhà đất miễn phí để thu hút người Hán di dân ồ ạt đến Tân Cương, nhưng sau thất bại của việc Hán hóa một cách hòa bình, Bắc Kinh bèn sử dụng những biện pháp phát-xít.
Ngừa thai, triệt sản, cưỡng bức phá thai được tiến hành song song với việc tẩy não những trẻ em bị tách rời khỏi gia đình. Hàng trăm ngàn nhân viên người Hán được gởi đến sống chung với các gia đình Duy Ngô Nhĩ, ngủ chung với các phụ nữ độc thân.
Giới quan sát nhận định bằng chứng diệt chủng Duy Ngô Nhĩ nhiều hơn cả Rwanda đặc biệt là chính sách thô bạo nhắm vào phụ nữ và trẻ em rất đáng ngại, vì diệt chủng tập trung vào chặt đứt mối liên quan giữa các thế hệ..
Bắc Kinh, tất nhiên, phủ nhận tất cả mọi cáo buộc của phương Tây theo kiểu « ăn miếng trả miếng » ngay lập tức.
Ngày 30/06/2020, 27 nước châu Âu, trong đó có Anh Quốc, đã cùng trình lên Liên Hiệp Quốc một tuyên bố chung kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn để chống chiến dịch trấn áp ở Tân Cương. Đáp lại, Bắc Kinh huy động được 46 nước ủng hộ « chiến dịch chống khủng bố » của Trung Quốc, phần lớn trong số này là các nước châu Phi, những con nợ của Trung Quốc. Sức mạnh của Trung Quốc, ngày càng kiểm soát được nhiều tổ chức quốc tế ngay cả Liên Hiệp Quốc và vận động được nhiều nước kể cả các nước Hồi giáo im lặng trước tội ác mà Trung Quốc gây ra với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Tuy nhiên, bài xã luận mang tựa đề « Những gì diễn ra tại Tân Cương là diệt chủng » trên tờ Washington Post ngày 06/7 đã làm Trung Quốc có phần e sợ khi tác giả kêu gọi tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Và lần đầu tiên, hai tập thể Duy Ngô Nhĩ lưu vong kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế vì tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại. Cho dù có xóa đi những tài liệu trên mạng, tội ác của Bắc Kinh đã bị tiết lộ.
Ngày càng có nhiều bằng chứng thậm chí là bằng chứng sống về việc Trung Quốc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ. Thế giới đã bừng tỉnh trước những hành động man rợ của chính quyền cộng sản Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ và đang nỗ lực trừng phạt Trung Quốc về vấn đề này thay vì những thái độ lừng khừng trước kia.
Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Tập Cận Bình và cơn “ác mộng” Trung Hoa
>>> Cấm nhập cảnh, Khóa tài khoản – Mỹ ra tay trừng phạt quan chức Trung Quốc
>>> Mỹ quyết đập tan Kế hoạch “Made in China 2025”