Sau khi Hoa Kỳ tuyên bố một cách công khai và cứng rắn là yêu sách chủ quyền và các hành vi chiếm đoạt tài nguyên của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp vào trung tuần tháng 07/2020 dựa theo Luật Biển Liên Hiệp Quốc cũng như phán quyết Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực La Haye, các nước liên quan lần lượt có những động thái khác nhau. Trong khi, Philippines, quốc gia có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc trên Biển Đông thì có thái độ phân vân, lập lờ nhất là Tổng thống Duterte mới đây đã cấm hải quân Philippines tập trận với Mỹ ở Biển Đông thì Indonesia mặc dù không tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông lại liên tiếp tỏ lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Ngày 03/08/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana thông báo là Philippines sẽ không còn tham gia các cuộc tập trận hỗn hợp ở Biển Đông.
Theo ông Lorenzana, Tổng thống Duterte đã ra chỉ thị này để giảm bớt căng thẳng ở vùng biển tranh chấp.
Trong cuộc họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines xác nhận nguyên văn như sau : “Tổng thống Duterte đã ra lệnh cho chúng tôi, cho bản thân tôi, là không nên dấn thân vào các cuộc thao diễn hải quân ở Biển Đông, ngoại trừ ở vùng lãnh hải quốc gia, trong phạm vi 12 hải lý tính từ bờ biển.”
Bộ trưởng Lorenzana còn giải thích thêm: “Nếu hành động của một nước bị xem là hiếu chiến thì sẽ tạo thêm căng thẳng, do đó tôi hy vọng các bên sẽ xem xét hoạt động của họ ở đây, giữ thái độ cẩn trọng để không tính toán sai lầm có thể làm căng thẳng gia tăng.”
Tuần qua, trong diễn văn về tình trạng đất nước, Tổng thống Duterte đã công nhận rằng ông “vô dụng” trên vấn đề Biển Tây Philipppines (tên Philippines đặt cho Biển Đông) vì theo ông Trung Quốc có “sở hữu” ở đấy.
Ông Duterte, một lần nữa, nhấn mạnh rằng việc đòi chủ quyền của Philippines trên Biển Đông sẽ dẫn đến chiến tranh với Trung Quốc, trong lúc Trung Quốc có vũ khí, còn Philippines thì không. Thay vì đi đến chiến tranh, ông Duterte cho là vấn đề phải được giải quyết qua “nỗ lực ngoại giao”.
Quyết định của Tổng thống Philippines được coi là một động thái có thể làm suy yếu nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng liên minh chống Trung Quốc ở vùng biển nhiều tranh chấp.
Quyết định gây tranh cãi của ông Duterte gây ra bất bình trên khắp cả nước và bị xem là một sự nhượng bộ nữa của ông Duterte đối với Bắc Kinh.
Mặc dù phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực La Haye năm 2016 đã xem yêu sách của Trung Quốc với đường 9 đoạn là không có cở sở pháp lý nhưng Tổng thống Duterte vẫn từ chối không nêu lên phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực La Haye.
Tuy nhiên, điều gây chú ý là chỉ mới giữa tháng 7, Philippines là một trong những quốc gia đầu tiên công khai ủng hộ tuyên bố về “Lập trường của Mỹ với các yêu sách hàng hải ở Biển Đông” của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Các quan chức hàng đầu của Philippines công khai chỉ trích Trung Quốc và yêu cầu nước này tuân thủ phán quyết của Tòa án trọng tài năm 2016 ủng hộ các yêu sách về biển của Philippines, trong khi bác bỏ yêu sách của Trung Quốc.
Cụ thể, ngày 14/07, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã bày tỏ sự hoan nghênh tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ông Lozenzana cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với lập trường của cộng đồng quốc tế rằng phải có sự chắc chắn về các quy tắc trên Biển Đông.” Ông cũng nhắc lại lời kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện với Philippines và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Lãnh đạo quốc phòng Philippines cũng bày tỏ quan ngại về các cuộc dẫn tập quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông và cho biết, nước này cũng đang thúc đẩy hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) một cách thực chất để ngăn chặn căng thẳng leo thang tại đây.
Cùng ngày, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, ông Del Rosario cho rằng, Philippines cần đưa các vấn đề liên quan đến phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài, trong đó bác bỏ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ra Đại hội Đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 75 sẽ diễn ra vào tháng 9 tới đây để tranh thủ sự hỗ trợ đa phương.
Còn cựu Phó Chủ tịch Tòa án Tối cao Philippines, ông Antonio Carpio, nói rằng tuyên bố mới của Mỹ là mạnh mẽ vì nó có thể hiện sự ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài.
Philippines gần đây đã bộc lộ thái độ không nhất quán của nước này trên hồ sơ Biển Đông cũng như chiến lược quốc phòng nói chung.
Vào thời điểm quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ ngày 01-05/07, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. ngày 03/07 cảnh báo Trung Quốc sẽ gặp “phản ứng mạnh nhất” nếu cuộc tập trận của nước này đang diễn ra ở Biển Đông lấn sang phần mà Manila xem là lãnh hải của mình.
Ngoại trưởng Locsin nhấn mạnh trong thông báo rằng: “Nếu cuộc tập trận lấn sang lãnh thổ Philippines, Trung Quốc sẽ bị cảnh báo trước rằng nước này sẽ gặp phải phản ứng mạnh nhất, về ngoại giao hoặc bất kỳ hình thức nào phù hợp.”
Ông Locsin cho hay dù khu vực tập trận do phía Trung Quốc thông báo không lấn sang phần mà Philippines xem là lãnh hải của mình, Manila vẫn quan ngại.
Đây là cảnh báo mạnh nhất về tranh chấp Biển Đông từ đầu năm đến nay Philippines gửi tới Trung Quốc, dù quan hệ song phương đã được cải thiện kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức hồi năm 2016.
Một động thái khác cho thấy tín hiệu gây phân vân về quốc phòng của Philippines là ông Duterte dường như không phản đối việc một đơn vị hải quân khá lớn của Philippines tham gia cuộc tập trận Thái Bình Dương 2020 (RIMPAC20) ở Honolulu, Hawaii, là cuộc tập trận quốc tế lớn nhất thế giới do Mỹ dẫn đầu, tiến hành 2 năm 1 lần. Philippines sẽ điều tàu khu trục tên lửa mới được đưa vào biên chế BRP Jose Rizal (FF-150) tới tham gia cuộc tập trận hải quân quy mô lớn giữa Mỹ và khoảng 20 đồng minh, dự kiến kéo dài trong hai tuần vào cuối tháng này.
Còn Indonesia, từ vài tháng trở lại đây lại theo đuổi một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc tại Biển Đông.
Quan hệ chiến lược Mỹ – Indonesia trong bối cảnh an ninh khu vực đang bị Trung Quốc đe dọa đã trở thành chủ đề trong cuộc hội kiến giữa hai ngoại trưởng, Mike Pompeo và Retno Marsudi, hôm thứ hai 03/08/2020 tại Washington.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong cuộc gặp gỡ này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và đồng nhiệm Indonesia Retno Marsudi đã thảo luận về mối quan hệ phòng thủ song phương và tình hình khủng hoảng trong khu vực do tham vọng của Trung Quốc muốn làm chủ gần như toàn bộ biển Đông gây ra.
Theo thông cáo, hai ngoại trưởng nhấn mạnh đến « quan hệ đối tác chiến lược vững chắc giữa Mỹ và Indonesia, cũng như mục tiêu chung của hai nước là tôn trọng luật quốc tế trong vùng Biển Đông ».
Mối quan hệ này cần được củng cố trong mọi lãnh vực từ y tế đến kinh tế, cũng như để bảo đảm an ninh trong vùng. Ngoại trưởng Mỹ đặt biệt nhấn mạnh đảo Natuna của Indonesia không thuộc « thẩm quyền » của Trung Quốc.
Về mặt quốc phòng, Indonesia cũng đang nghiên cứu tăng cường không lực để đối phó với những thách thức ngày càng tăng từ phía Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã tỏ sự chú ý đến 15 chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon do Không quân Áo bán lại để kiểm soát chặt chẽ hơn các vụ xâm nhập của Trung Quốc vào vùng biển của nước này.
Từ khi giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, khác với những người tiền nhiệm, ông Prabowo Subianto tập trung vào chiến lược củng cố không lực và tăng đội tầu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường. Theo trang Asia Times ngày 28/07, Indonesia hiện có 16 chiến đấu cơ SU-27/30 do Nga sản xuất và 3 máy bay F-16 Lockheed Martin, thường xuyên được sử dụng để tuần tra ở Biển Đông.
Hồi cuối tháng 7, Hải quân Indonesia cũng đã tập trận thách thức Trung Quốc.
Hải quân Indonesia hôm 24/07/2020 cho biết 24 tàu chiến của Indonesia đã tham gia đợt thao dợt 4 ngày ở Biển Đông nhằm thách thức các yêu sách « đường chín đoạn » của Bắc Kinh.
Đợt diễn tập bắt đầu vào hôm thứ ba 21/07, trong số 24 tàu chiến tham gia, có hai tàu khu trục tên lửa và bốn tàu hộ tống. Đợt diễn tập trên biển lần này được tiến hành cùng với hoạt động huấn luyện trên đất liền. Một phần của cuộc thao dợt được tổ chức gần quần đảo Natuna của Indonesia. Đường ranh giới vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Natuna trùng với bản đồ « đường 9 đoạn » mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Trang Nikkei Asian Review ngày 25/07/2020 dẫn lời Chuẩn đô đốc Ahmadi Heri Purwono cho biết hoạt động của quân đội Indonesia không bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19. Trong một thông cáo, Hải quân Indonesia cho biết cuộc diễn tập gần quần đảo Natuna lần này nhằm xây dựng các phương án và chiến lược bảo vệ Natuna.
Trước đó, trong vòng không đầy hai tuần trong khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đầu tháng 6, Indonesia đã hai lần công khai lên tiếng bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Ngày 26/05, Indonesia đã gửi lên Liên Hiệp Quốc một công hàm viện dẫn phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực La Haye để bác bỏ đường 9 đoạn của Trung Quốc về Biển Đông.
Nội dung công hàm của Indonesia không liên quan gì đến quan hệ song phương với Trung Quốc mà nhằm nêu bật quan điểm của Indonesia về sự kiện Malaysia vào tháng 12/2019 đã gửi lên Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Ranh giới thềm lục địa bản đệ trình tuyên bố chủ quyền đối với thềm lục địa mở rộng của Malaysia ở vùng Biển Đông, kéo theo những công hàm thể hiện lập trường của Việt Nam, Philippines và nhất là Trung Quốc.
Tiếp đó, Jakarta đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị của Bắc Kinh muốn hai bên đàm phán về điều mà Trung Quốc gọi là “đòi hỏi chồng chéo về các quyền trên biển” ở một phần Biển Đông.
Phát biểu với hãng tin Mỹ BenarNews ngày 05/06, ông Damos Dumoli Agusman, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Hiệp ước quốc tế, Bộ Ngoại giao Indonesia khẳng định: “Căn cứ vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Indonesia không có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc, do đó việc tổ chức bất kỳ đối thoại nào về phân định ranh giới trên biển đều không thỏa đáng.”
Quan chức Indonesia cũng nhắc lại tuyên bố tháng 01/2020 của Bộ Ngoại giao nước này, khẳng định Jakarta “từ chối” mọi thương lượng với Bắc Kinh về Biển Đông vì trên cơ sở UNCLOS, hai bên không có bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào.
Đối với giới phân tích, việc một nước có trọng lượng như Indonesia ra mặt chống các yêu sách quá đáng của Bắc Kinh tại Biển Đông sẽ là một hậu thuẫn quý giá cho các đồng minh ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc đang vất vả chống lại các hành vi chèn ép của Bắc Kinh.
Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Chuẩn bị “đuổi” Việt Nam – Trung Quốc thay đổi định nghĩa Biển Đông
>>> Trung Quốc “Ra đòn kịch độc” – Việt Nam và thế giới điêu đứng
>>> Mỹ muốn lĩnh vực công nghệ không có mặt của Trung Quốc