Ông William Evanina, Giám đốc Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia Mỹ (NCSC), hôm 07/08 mới đây đã bày tỏ quan ngại về sự can thiệp của Nga, Trung Quốc và Iran vào cuộc bầu cử Mỹ dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.
Trong bản báo cáo của tình báo Mỹ về các hành vi bị cho là nỗ lực của nước ngoài nhằm can thiệp cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, ông Evanina cho biết: “Nhiều thế lực ngoại quốc có mong muốn riêng về ứng cử viên thắng cuộc bầu cử, các quan điểm đó được thể hiện qua những tuyên bố công khai và riêng tư. Chúng tôi lo ngại về hoạt động đang diễn ra và tiềm ẩn của Trung Quốc, Nga và Iran“.
Ông Evanina cũng cảnh báo “các quốc gia nước ngoài sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp ảnh hưởng hoặc bí mật hoặc công khai để làm lung lay quan điểm của cử tri, thay đổi chính sách của Mỹ, gia tăng bất hòa và làm suy yếu niềm tin của người dân Mỹ vào tiến trình dân chủ” của cuộc bầu cử ngày 03/11.
Theo bản báo cáo, mỗi nước theo đuổi một ưu tiên riêng của mình để từ đó tiến hành các bước đi theo những cách khác nhau. Nếu như Nga đang cố gắng “làm suy yếu” ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden thì Trung Quốc và Iran lại không hề muốn đương kim Tổng thống Donald Trump tái đắc cử.
Ông Evanina cho biết Trung Quốc đánh giá Tổng thống Trump là người “không thể dự đoán” và không muốn ông thắng cử.
Theo đó, Trung Quốc đã và đang tăng cường gây ảnh hưởng với nỗ lực định hình chính sách của Mỹ, tạo áp lực đối với các nhân vật chính trị mà họ đánh giá là chống lại Bắc Kinh.
Sự lựa chọn của Trung Quốc hoàn toàn không gây bất ngờ với những gì vị tổng thống Mỹ hành xử với Trung Quốc suốt thời gian qua. Ông Trump là nguyên thủ Mỹ đầu tiên tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại chống Trung Quốc, đối đầu trực diện với Bắc Kinh thông qua các biện pháp tăng thuế quan, tố cáo chính sách cạnh tranh bất bình đẳng về thương mại và tấn công mạng của Trung Quốc…
Cho đến thời điểm virus corona có nguồn gốc từ Trung Quốc tung hoành khắp năm châu thì phe của Tổng thống Trump lại càng có lý do để tiến hành « chiến dịch cuồng loạn bài Trung Quốc », coi tất cả đều là lỗi của Bắc Kinh : thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng COVID-19 đè nặng lên nền kinh tế Mỹ.
Quan hệ Mỹ – Trung dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump đang ở mức xấu nhất kể từ nhiều thập niên qua khi hai nước xung đột trên tất cả các mặt trận từ cuộc chiến lãnh sự đến cuộc chiến công nghệ… Hai nước cũng tăng cường đọ sức trên các hồ sơ Biển Đông, Hồng Kông, Đài Loan, Tân Cương… làm căng thăng leo thang từng ngày, đẩy thế giới như lâm vào một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới.
Trên mặt trận kinh tế, ông Donald Trump đang nỗ lực phá hủy trật tự thương mại vốn dĩ đã làm cho Trung Quốc trở nên phồn thịnh và đưa nước này lên vị trí cường quốc kinh tế thứ hai thế giới bằng cách thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình giảm bớt lệ thuộc kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trên khía cạnh chính trị, toàn bộ các tham vọng địa chính trị của Trung Quốc từ Biển Đông cho đến Bắc Cực đều bị Mỹ tấn công trực diện khiến cường quốc châu Á phải loay hoay, lúng túng đáp trả.
Tuy nhiên trước đó giới truyền thông quốc tế lại đánh giá rằng dù bị chỉ trích, Bắc Kinh vẫn muốn Donald Trump tái đắc cử.
Một số lãnh đạo Trung Quốc đang tại chức hay đã về hưu khi trả lời phỏng vấn với hãng tin Bloomberg của Mỹ ngày 15/06/2020 đã thừa nhận rằng họ muốn ông Trump tái đắc cử. Đối với Trung Quốc, cũng như đối với một số chế độ độc tài, việc một lãnh đạo theo kiểu giao dịch đứng đầu nước Mỹ như vị tỷ phú Trump hiện nay là một « món lộc trời ban ».
Đơn giản chỉ vì Bắc Kinh nghĩ rằng bất kể chủ nhân Nhà Trắng là ai, Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục đối đầu với Trung Quốc. Trong trường hợp này, tốt hơn hết nên có một đối thủ « dị thường », có thể mang lại cho Trung Quốc nhiều cơ may chiến lược.
Theo RFI, nhìn lại ba năm cầm quyền đã qua của Donald Trump, chính sách co cụm « Nước Mỹ trước đã » của ông đã tạo thuận lợi cho Bắc Kinh từng bước thiết lập một trật tự thế giới mới theo cách của mình. Nhờ Donald Trump mà Tập Cận Bình có thể xuất hiện như là một nhà lãnh đạo có trách nhiệm, không chỉ ở trong nước mà với cả thế giới. Trong khi Donald Trump rút đóng góp tài chính cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới thì Trung Quốc thông báo tăng gấp đôi mức đóng góp. Trump áp thuế các đồng minh thì Bắc Kinh ký các thỏa thuận thương mại với họ.
Chuyên gia Allison Sherlock, thuộc Eurasia Group, giải thích rằng « từ lâu, nhiều quan chức chính trị Trung Quốc xem nhiệm kỳ Tổng thống Trump như là cơ hội để khẳng định vị thế một tác nhân có trách nhiệm cho trật tự thế giới ».
Do vậy, với Bắc Kinh, nếu Joe Biden đắc cử thì đấy có thể sẽ là một ác mộng. Ông Zhou Xiaoming, nguyên là một nhà đàm phán thương mại, nhận định với Bloomberg rằng việc ông Biden đắc cử có thể sẽ là một mối nguy hiểm cho Bắc Kinh, bởi vì, ông ấy « sẽ liên kết với các đồng minh để chống Trung Quốc, trong khi Trump đang phá hủy các liên minh của Mỹ ».
Về phía Nga, các quan chức tình báo Mỹ đánh giá điện Kremlin đang nỗ lực bôi nhọ ông Biden và xem những người ủng hộ ứng cử viên Dân chủ này là thành phần chống Nga.
Nỗ lực đó xuất phát từ việc ông Biden, trong vai trò Phó tổng thống trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, đã ủng hộ độc lập của Ukraina và thành phần đối lập với Tổng thống Vladimir Putin tại Nga.
Theo ông Evanina, “một số diễn viên có liên hệ với Điện Kremlin cũng đang tìm cách ủng hộ chuyện Tổng thống Trump ứng cử trên mạng xã hội và truyền hình Nga“.
Trong 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, mối quan hệ giữa song phương Nga – Mỹ trở nên tồi tệ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Phát biểu với báo giới vào ngày làm việc cuối cùng của Tổng thống Obama trước khi ông Donald Trump nhậm chức, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từng chỉ trích chính sách của Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Obama rằng: “Sự thật là trong giai đoạn Tổng thống Obama cầm quyền, mối quan hệ của chúng tôi đã xấu đi nghiêm trọng trên mọi cấp độ. Suốt nhiều năm, trong thập kỷ qua, Mỹ đã liên tục có những hành động không mấy thân thiện nhằm vào Nga.”
Ông Peskov đã đề cập đến hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu cũng như cách hành xử mang tính gây hấn của các cơ quan an ninh Mỹ nhằm vào Nga.
Ngoài ra, người phát ngôn này cũng nhắc đến việc Mỹ tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ ở Nga tiến hành các hoạt động chính trị cũng như một số bất đồng lâu năm giữa 2 cường quốc này tiêu biểu là việc Mỹ tiến hành các lệnh trừng phạt vì Matxcơva không tuân thủ thỏa thuận hòa bình Minks cho miền đông Ukraina (2015) và sát nhập Krym vào Nga năm 2014.
Việc Nga mong muốn ông Trump tái đắc cử khiến dư luận không thể không liên tưởng đến việc Nga được cho là đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ năm 2016.
Đánh giá của tình báo Mỹ lần này sử dụng từ “bôi nhọ” (denigrate) là thuật ngữ mà cộng đồng tình báo Mỹ đã từng sử dụng trong đánh giá 2017 rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho “chiến dịch gây ảnh hưởng” nhắm mục tiêu vào việc gây tổn hại uy tín của ứng viên Hillary Clinton. Mục tiêu của Nga là “bôi nhọ” (denigrate) bà Clinton, báo cáo 2017 của cộng đồng tính báo Mỹ tuyên bố.
Theo The Epoch Times, trong năm 2016, Trung Quốc không thể hiện rõ họ ủng hộ ông Trump hay bà Hillary. Trong khi, Tổng thống Nga Putin thừa nhận rằng ông đã muốn ông Trump thắng cử năm 2016.
Cáo buộc chính phủ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 được Chính phủ Hoa Kỳ đưa ra ngày 29/12/2016. Trước đó trong một lá thư trong tháng 10/2016, Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ tuyên bố chắc chắn rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016. Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI), đại diện cho 17 cơ quan tình báo và Bộ An ninh Nội địa (DHS) cùng tuyên bố rằng Nga đã tấn công mạng vào Ủy ban Quốc gia Dân chủ (DNC) và rò rỉ những tài liệu này cho WikiLeaks để can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ theo hướng có lợi cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa khi đó là ông Trump, đương kim Tổng thống Mỹ hiện nay.
Còn Iran, quốc gia độc tài này có cùng lựa chọn với Trung Quốc khi muốn ông Biden đắc cử.
Bản báo cáo của tình báo Mỹ nhận định Teheran tìm cách phá hoại thể chế dân chủ của Mỹ, Tổng thống Trump và chia rẽ nước Mỹ trước cuộc bầu cử.
Những nỗ lực của Iran có lẽ sẽ tập trung vào ảnh hưởng trên mạng xã hội, chẳng hạn truyền bá tin đồn thất thiệt và bài xích Mỹ. Đối với Iran, nếu ông Trump tái thắng cử, Washington sẽ tiếp tục chính sách gây áp lực lên Tehran để thay đổi chế độ.
Quan hệ Mỹ với Iran dưới thời Tổng thống Trump không ngừng leo thang khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng như chủ trương gây áp lực tối đa với chính quyền Teheran và mới đây là việc Mỹ đã ra lệnh triệt hạ viên tướng hàng đầu của Iran nhằm « ngăn chặn chiến tranh ».
Cho đến thời điểm gần đây, Mỹ vẫn cố gắng đàm phán với các nước nhằm đạt được một dự thảo nghị quyết để kéo dài vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, vốn sẽ hết hạn vào tháng 10/2020 tới đây. Chính quyền Trump còn tìm cách gây áp lực tối đa khi không giấu giếm là nếu dự thảo nghị quyết này không được thông qua, Mỹ sẽ kích hoạt một cơ chế trong thỏa thuận hạt nhân nhằm tái áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhắm vào Iran.
Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Trung Quốc “nổi đóa” khi quan hệ Mỹ – Đài thêm khăng khít
>>> Trung Quốc “Ra đòn kịch độc” – Việt Nam và thế giới điêu đứng
>>> Mỹ đưa trưởng đặc khu Hồng Kong vào sổ đen – Hà Nội dè chừng