Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 8/8 gửi điện chia buồn tới người đồng cấp Nguyễn Phú Trọng về sự ra đi của cựu Tổng bí thư Việt Nam Lê Khả Phiêu.
Ông Tập nói ông “sốc” khi nghe tin “đồng chí Lê Khả Phiêu qua đời“, tờ Trung Hoa Nhật báo đưa tin.
“Đồng chí Lê Khả Phiêu là một nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam”, hãng tin nhà nước dẫn lời người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc nói.
Ông Tập cũng ca ngợi ông Lê Khả Phiêu đã “lãnh đạo nhân dân Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”.
Cựu tổng bí thư Việt Nam qua đời vào ngày 7/8 tại Hà Nội sau một thời gian dài lâm bệnh, thọ 89 tuổi.
Ông giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12/1997 cho tới tháng 4/2001.
Ông đánh giá “đồng chí Lê Khả Phiêu cũng là người đồng chí thân thiết và bạn bè thân mật của Đảng và nhân dân Trung Quốc“.
Ông Tập gửi lời chia buồn “thay mặt Đảng Cộng sản Trung Quốc, chính phủ và nhân dân Trung Quốc“, đồng thời “nhân danh cá nhân“.
Phát biểu về đóng góp của cựu tổng bí thư Việt Nam đối với mối quan hệ Việt – Trung, ông Tập Cận Bình nói rằng ông Lê Khả Phiêu “là đồng chí, là người bạn thân thiết” của Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc, đã có những “đóng góp xuất sắc” cho sự phát triển của mối quan hệ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Theo Tân Hoa Xã, trong thư chia buồn, ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc “coi trọng việc củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong việc nâng cao sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, củng cố tình đoàn kết và hợp tác nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa hai Đảng và hai nước”.
Ông Lê Khả Phiêu là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12 năm 1997 đến tháng 4 năm 2001. Trong thời gian ông giữ cương vị này, Việt Nam đã ký kết “Hiệp định thương mại Mỹ – Việt” vào năm 2000, mở ra một bước ngoặt mới trong mối quan hệ giữa hai cựu thù chiến tranh.
Tuy nhiên, ông cũng bị cáo buộc có chính sách “thân Trung Quốc” và đã chỉ thị “nhượng bộ” trong quá trình đàm phán biên giới trên Vịnh Bắc Bộ với Bắc Kinh, dẫn đến phía Việt Nam bị thiệt mất Ải Nam Quan, một phần thác Bản Giốc và hàng ngàn cây số vuông trong khu vực. Tuy nhiên, Hà Nội bác bỏ thông tin này vì cho rằng “không có căn cứ”.
Theo thông báo đặc biệt vào tối 10/8 của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, quốc tang dành cho ông Lê Khả Phiêu sẽ được tổ chức trong hai ngày, 14 và 15/8. Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ làm trưởng ban trong Ban tang lễ gồm 35 người.
Sáng ngày 7 Tháng Tám, khi các báo nhà nước đồng loạt đăng tin cựu Tổng Bí Thư CSVN Lê Khả Phiêu qua đời, thọ 89 tuổi, thì mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến “không tiếc thương” mà thay vào đó là một số bình luận chỉ trích.
Các báo nhà nước nói ông Phiêu qua đời “sau một thời gian lâm bệnh, dù được bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc,” trong khi Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà cho biết rõ hơn là “bị ung thư di căn, gia đình đưa từ bệnh viện 108 về nhà vào đêm 6 Tháng Tám.”
Sau khi ông Phiêu qua đời, những lời ca ngợi ông chỉ đọc được trên báo nhà nước.
Ở chiều ngược lại, viết trên mạng xã hội, nhà báo Ngọc Vinh, cựu thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, bình luận: “Một cựu nguyên thủ quốc gia chết đi nhưng không nhận được sự tiếc thương nào của công chúng thì phải xem lại đường ăn ở lúc cầm quyền. Và như vậy, ông ta không xứng đáng được làm quốc tang.”
Cùng thời điểm, Facebooker Phạm Minh Vũ, một người trong giới tranh đấu, viết: “Năm 1999, Hiệp Ước Phân Chia Biên Giới Việt Nam-Trung Quốc, lúc đó là Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải đã nhượng cho Trung Cộng cả Ải Nam Quan, một nửa thác Bản Giốc, và 15,000 cây số vuông dọc biên giới Việt-Trung. Cũng sang Tháng Mười Hai, 2000, lại là bộ ba quyền lực đó đã cắt 15,000 cây số vuông Vịnh Bắc Bộ bán cho Trung Cộng ở Hiệp Định Phân Định Vịnh Bắc Bộ.
Người ta sẽ nhớ công lao với đảng Việt cũng như Trung Cộng của Lê Khả Phiêu chắc chỉ từng đó, một kẻ phản quốc bán nước. Thế thôi!”
Liên quan “cáo buộc” này, trong chương 20, sách “Bên Thắng Cuộc,” nhà báo Huy Đức viết: “Là một vị tướng quân đội mới bắt đầu làm chính trị, ông Lê Khả Phiêu đã không tránh khỏi những ứng xử thiếu kinh nghiệm với các nhà lãnh đạo cơ mưu của Bắc Kinh. Những quyết định đưa ra trong nhiệm kỳ của ông đã từng bị chỉ trích cả trong nội bộ và trên dư luận, nhất là đối với những quyết định gay go để kết thúc đàm phán Hiệp định Biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Nhưng, trên nhiều phương diện, Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu chỉ là người thừa kế những chính sách được thiết lập từ thời ‘Thành Đô.’”
Ông Huy Đức viết thêm: “Việc hoạch định biên giới, cụ thể là phân chia 227 km2 nằm trong 164 khu vực có tranh chấp, hoặc có nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới, gọi là khu vực C được quyết định trong nhiệm kỳ của Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu và Thủ Tướng Phan Văn Khải. Tương nhượng là điều không thể tránh khỏi trong các cuộc đàm phán, nhưng tương nhượng ở Hữu Nghị Quan, thác Bản Giốc, những nơi mà từ xa xưa các nhà nước Việt Nam đều đã khẳng định chủ quyền và trong tiềm thức nhân dân, đã trở thành một phần lãnh thổ thiêng liêng quả là những quyết định khó phân công, tội.”
Nhà báo kỳ cựu này cũng tiết lộ chuyện hậu trường của Hội Nghị Bộ Chính Trị vào ngày 5 Tháng Giêng, 2001, kết luận việc ông Lê Khả Phiêu “vi phạm nguyên tắc lãnh đạo tập thể” và rằng sau Hội Nghị Trung Ương 11, các vị cố vấn, đặc biệt là Tướng Lê Đức Anh cử người gặp các cán bộ lão thành, thông báo những thông tin liên quan đến các “sai phạm của Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu.”
“Ủy Ban Kiểm Tra kết luận không đề nghị kỷ luật ông Lê Khả Phiêu và ông Phạm Thanh Ngân nhưng không để tái cử trong nhiệm kỳ IX. Bộ Chính Trị họp nói thẳng, ông Phiêu phải rút khỏi Ban Chấp Hành Trung Ương. Có ý kiến đòi phải kỷ luật ông Phiêu trước khi cho nghỉ,” theo sách “Bên Thắng Cuộc.”
Với công chúng nói chung, nhắc đến ông Phiêu, người ta lại nhớ đến những hình ảnh trong bài “Thăm nhà cựu Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu” đăng trên BBC Việt Ngữ hồi Tháng Giêng, 2009, gây xôn xao dư luận.
Thời điểm đó, cơ quan truyền thông Anh Quốc này nói rằng ảnh chụp tư dinh của ông Phiêu vào ngày Mùng Một Tết Kỷ Sửu do bạn đọc ẩn danh gửi tới.
Các tấm ảnh cho thấy dinh thự nguy nga của ông Phiêu tọa lạc trên đường Lý Nam Đế, Hà Nội. Trong nhà có bộ ngà voi to đặt trước tấm ảnh chân dung cỡ lớn của ông, ngoài ra là tượng bán thân của ông, trống đồng, tượng Phật và cả một vườn rau sạch. Chi tiết này được một số blogger nhắc lại khi ông qua đời, với câu hỏi: “Nhà ông ấy có vườn rau sạch mà sao vẫn bị ung thư?”
Cũng về sự kiện này, nhà văn Nguyễn Hưng Quốc hiện đang ở Melbourne, Australia viết trên Facebook của mình rằng:
“Thế nào báo chí Việt Nam cũng có những bài viết ca ngợi công trạng của ông. Tuy nhiên, khách quan mà nhận xét, trong mấy năm cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam (1997-2001), hầu như ông không làm được điều gì quan trọng cả. Ông hay nói đến chủ quyền, nhưng dưới thời ông, trong hiệp định biên giới, Việt Nam nhường rất nhiều đất đai cho Trung Quốc. Ông hay nói đến việc chống tham nhũng, nhưng dưới thời ông, tham nhũng vẫn tràn lan. Ông hay nói đến dân chủ, nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn hoàn toàn không có chút dân chủ gì cả. Tất cả các Tổng bí thư kế tiếp nhau, trong đó có Lê Khả Phiêu, hầu như chỉ làm được một việc duy nhất: Duy trì độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản. Hết.”
Nhà báo Đỗ Ngà kể ra câu chuyện dài hơn về ông Lê Khả Phiêu, với bài viết mang tựa đề “LÊ KHẢ PHIÊU VÀ CON ĐƯỜNG TRỞ THÀNH TỘI ĐỒ”
Năm 1989, Liên Xô và Đông Âu xảy ra khủng hoảng làm hàng loạt chính quyền CS sụp đổ. Đứng trước tình hình như vậy, ĐCS Việt Nam đứng đầu là Nguyễn Văn Linh đã bắt liên lạc với Trung Cộng để tìm kẻ đỡ đầu mới cho đảng. Và kết quả là tháng 9 năm 1990, chính ông ta cùng Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng sang Thành Đô – Tàu Cộng ký hiệp ước thuần phục.
Nội dung của Hiệp Ước Thành Đô là bí mật không được tiết lộ, nhưng ngay sau hiệp ước ấy chúng ta thấy rõ những nhượng bộ của ĐCS Việt Nam trước ĐCS Tàu là không thể chối cãi. Những nhượng bộ đó nó bắt nguồn từ sự phụ thuộc chính trị kể từ năm 1990. Và cho đến nay, Việt Nam mất mát quá nhiều về tay Trung Cộng. Trong đó, ô nhục nhất là ĐCS Việt Nam đã chấp nhận để Trung Cộng vẽ lại đường biên giới làm một phần lãnh thổ của tổ quốc thân yêu rơi vào tay giặc.
Từ trước Hội Nghị Thành Đô, đường biên giới truyền thống Việt-Trung thời đó được minh định bằng Công ước Pháp – Thanh đã ký năm 1887 và ký bổ sung năm 1895. Thế nhưng cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, Trung Cộng đã manh nha muốn xé bỏ hiệp ước ấy. Vậy nên, ngày 20 tháng 2 năm 1970, Trung Cộng đã huy động trên 2.000 người kể cả lực lượng vũ trang lập thành hàng rào bố phòng dày đặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Công trình này đã xâm phạm sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên sông và ở cồn Pò Thoong, và ngang nhiên nhận cồn này là của họ. Căn cứ theo đường biên mới này thì Trung Cộng đã nuốt hết nửa thác bản Giốc của Việt Nam . Và kể từ đó, dọc 1406 km đường biên giới, Trung Cộng liên tục cho đập phá cột biên giới và dời nó vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam để xí phần.
Hội Nghị Thành Đô đến như là một cơ hội lớn cho Giang Trạch Dân hợp thức hóa những vùng đất xâm chiếm ấy.
Vì với thái độ cầu cạnh của Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, và Phạm Văn Đồng thì ngay khi đó Giang đã ra giá với Đỗ Mười rằng, phải kí lại một hiệp ước biên giới khác và hủy bỏ Hiệp ước Pháp Thanh. Và lúc đó, Đỗ Mười đã gật đầu. Dựa vào thỏa thuận đó thì ngày 19 tháng 10 năm 1993, hai đoàn đàm phán chính phủ của hai nước đã ký thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ. Trong thỏa thuận đợt này, tuy Việt Nam mất nhiều như Giang vẫn không vừa lòng, vì vậy ông ta tiếp tục cho gây hấn với phía Việt Nam để tiếp tục lấn tới nhiều hơn nữa. Và phía Việt Nam đã nhượng bộ khá nhiều.
Mãi đến ngày 30 tháng 12 năm 1999, sau sáu vòng đàm phán ở cấp chính phủ và mười sáu vòng đàm phán ở cấp chuyên viên, thì “Hiệp ước hoạch định biên giới đất liền” giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký. Người có chủ trương chấp nhận ký Hiệp Ước này không ai khác chính là Lê Khả Phiêu.
Việt Nam đã mất 13.989 km2 về tay Trung Cộng. Như vậy “Hiệp ước hoạch định biên giới đất liền” chính là một bản hợp đồng bán nước, nó có tác dụng là mua lấy “tình hữu nghị” giữa hai đảng. Phần đất bị mất này, người chịu trách nhiệm lớn nhất đó chính là Lê Khả Phiêu chứ không ai khác.
Chưa hết, đến năm 2003, thời của Nông đức Mạnh thì diện tích đất liền của Việt Nam lại một lần nữa giảm xuống chỉ còn 310.070 km2 (ban trăm mười ngàn không trăm bảy mươi ki lô mét vuông), tức Việt Nam mất thêm 990 km2 (chín trăm chín mươi ki lô mét vuông) nữa.” Nhà báo Đỗ Ngà cho biết qua bài viết trên Facebook của mình.
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Trung Quốc “phát cuồng” – lệnh trừng phạt Hoa Kỳ
>>> Bầu cử Mỹ: Nga – Trung – Iran „cắn nhau”
>>> Trung Quốc “nổi đóa” khi quan hệ Mỹ – Đài thêm khăng khít