Việt Nam: COVID đợt 2 đánh gục nền kinh tế

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=gIQ7JX49hVk&feature=youtu.be

Trong báo cáo mới nhất về Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 08/2020, Ngân hàng thế giới (WB) dự đoán: “Trong thời gian tới, COVID-19 trỗi dậy với các ca lây nhiễm cộng đồng cùng với các biện pháp hạn chế mới, nhất là ở Đà Nẵng, chắc chắn sẽ tác động đến quả trình khôi phục kinh tế.” Nền kinh tế Việt Nam vừa mới vất vả gượng dậy, chưa kịp hồi phục sau làn sóng COVID-19 đợt 1 thì nay lại gánh tiếp những hậu quả nặng nề từ đợt dịch thứ 2.

Theo WB, trước khi tình hình dịch bệnh bùng phát lại ở Đà Nẵng vào cuối tháng 7, “kinh tế trong nước vẫn phục hồi” dù “chưa thực sự phục hồi lại ở mức như trước khi có khủng hoảng”.

Nếu như trong Báo cáo kinh tế bán thường niên về Việt Nam được công bố vào ngày 30/07, WB đưa ra những đánh giá khá lạc quan khi nhận định kinh tế Việt Nam, dù chịu ảnh hưởng của COVID-19 trong nửa đầu năm 2020, vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn. Trong trường hợp tình hình thế giới được từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020 khiến cho nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,8% trong năm 2021. Nếu tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.

Thì sang bản Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam được công bố ngày 11/08 vừa qua thì những triển vọng đã bị lu mờ đi rất nhiều bởi sức tàn phá mạnh mẽ của làn sóng COVID thứ hai.

Tổ chức tài chính này nhấn mạnh “cần quan tâm hơn nữa đến diễn biến phát triển của dịch bệnh, tác động tài khóa của nó và chính sách xử lý trong trung và dài hạn”.

Theo WB, kể từ tháng 04, số thu của chính phủ Việt Nam “đã và đang giảm đáng kể trong khi chi tiêu phải tăng lên nhằm ứng phó khủng hoảng”. Bội chi ngân sách dự kiến sẽ tăng không ít, do số thu của Chính phủ trong nửa đầu của năm chỉ bằng 76% so với cùng kỳ năm 2019 trong khi chi tiêu lại tăng do phải triển khai các biện pháp xã hội nhằm giảm nhẹ tác động của khủng hoảng như giãn nộp thuế cho cá nhân và doanh nghiệp. Cùng với đó là những nỗ lực nhằm đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư để kích thích khôi phục kinh tế.

Ảnh: Biểu đồ Thu và chi của Chính phủ từ quý 1/2019 đến quý 2/2020

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng không có cái nhìn lạc quan vào tình trạng của thị trường lao động Việt Nam và khu vực trong báo cáo mới được công bố.

Trong báo cáo “Giải quyết khủng hoảng việc làm bởi COVID-19 của thanh niên tại Châu Á và Thái Bình Dương” được công bố ngày 18/08, hai tổ chức này dự báo tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở Việt Nam trong năm 2020 có thể sẽ tăng gấp đôi so với năm 2019 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Theo báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở Việt Nam (độ tuổi từ 18 – 25) sẽ ở mức từ 10,8% (trong điều kiện gián đoạn thị trường ngắn hạn) đến 13,2% (trong điều kiện gián đoạn thị trường dài hạn), tức gần gấp đôi so với mức 6,9% của năm 2019.

Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, sẽ có 370.000 việc làm cho giới trẻ bị mất đi. Trong trường hợp xấu hơn, con số này sẽ lên tới 548.000 việc làm.

Báo cáo dự đoán tương tai không mấy sáng sủa của hơn 660 triệu thanh niên khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong dịch bệnh COVID-19.

Những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là bán hàng, sản xuất, dịch vụ ăn uống và lưu trú.

Báo cáo kêu gọi các chính phủ tham gia với những người trẻ tuổi trong đối thoại chính sách và xã hội và thực hiện các biện pháp can thiệp khẩn cấp, quy mô lớn và có mục tiêu. Các chính sách này cần tập trung vào các chính sách thị trường lao động như trợ cấp tiền lương cho thanh niên và các chương trình việc làm khu vực công, và các biện pháp giảm thiểu gián đoạn giáo dục và đào tạo.

Trước đó, ngày 17/08, truyền thông trong nước đưa tin về những thống kê chưa đầy đủ từ 3 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa phản ánh thực trạng hàng chục ngàn công nhân lao động và lao động tự do tại đây bị mất việc.

Ảnh: Hàng loạt xe ô tô nằm bất động trong bãi xe ở Nha Trang. Các doanh nghiệp vận tải cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19

Cụ thể, báo cáo của của Liên đoàn lao động Đà Nẵng cho biết có hơn 56.000 công nhân lao động tại thành phố bị mất việc, chủ yếu tập trung ở khối ngành Du lịch, dịch vụ với hơn 44.200 người, tăng gấp đôi so với đợt dịch đầu năm.

Ngoài ra, còn có hơn 8.000 lao động phải nghỉ việc từ 7-14 ngày trở lên trong các khu công nghiệp và công nghệ cao.

Hội An, một thành phố du lịch nổi tiếng khác của miền Trung tại tỉnh Quảng Nam cũng cho biết có hơn 6.000 lao động trong ngành dịch vụ, du lịch mất việc hoàn toàn. Bên cạnh đó, 53/54 tổ chức công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp của thành phố cũng ngừng hoạt động.

Được biết, những con số vừa nêu chưa bao gồm những người lao động tự do đến từ nhiều nơi khác. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đà Nẵng đưa ra thống kê cho biết khoảng 16.000 người lao động tự do ở đây mất việc. Còn ở Quảng Nam là khoảng hơn 5.000 người.

Tại Khánh Hòa, dù không phải là tâm dịch như Đà Nẵng hay Quảng Nam nhưng cũng có đến hơn 58.200 lao động bị mất việc hoặc ảnh hưởng trong 6 tháng đầu năm do tình hình dịch bệnh SARS-CoV-2.

Trong đó, 15.500 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 42.700 người tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, giãn ca, giảm ngày làm việc…

Nhiều doanh nghiệp và các khu công nghiệp những tháng qua đưa ra các phương án như giảm giờ làm việc trong tuần, luân phiên làm việc… nhằm duy trì lực lượng lao động địa phương. Tuy nhiên, dự báo sẽ có nhiều đơn vị cho lao động nghỉ việc từ tháng 9 tới đây vì không có đơn hàng.

Trước khi Việt Nam đón làn sóng bùng phát dịch thứ hai, kinh tế Việt Nam đã bị tác động nghiêm trọng, chưa có thời gian và động lực để gượng dậy.

Ảnh: Biểu đồ tăng trưởng GDP quý II qua các năm từ 2011-2020

Tổng sản phẩm nội địa GDP quý II năm 2020 chỉ tăng 0,36% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,8% đã vốn khó thực hiện thì nay mãi mãi chỉ là một giấc mơ với sự trở lại của virus corona hồi cuối tháng 07.

Trong Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động việc làm tại Việt Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 10/07/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 tính đến hết tháng 06/2020, gồm những người bị mất việc, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Thu nhập bình quân tháng trong quý II/2020 giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tỉ lệ thất nghiệp trên cả nước tăng 2,73%, khu vực thành thị tăng 4,46%. Lao động nữ, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động làm công việc phi chính thức bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19.

Với lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “không để người dân nào bị bỏ lại trong công cuộc phát triển đất nước cũng như trong chiến đấu với dịch bệnh”, gói hỗ trợ đầu tiên 62.000 tỷ đồng của chính phủ tiếp tục được triển khai cho dù “tình hình ngân sách căng thẳng” với dự báo thâm hụt tăng trong năm 2020. Trong đó, 17.500 tỷ đồng đã được phê duyệt trợ cấp cho gần 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng thụ hưởng, tính đến ngày 27/07.

Ngày 06/08, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định một lần nữa là gói hỗ trợ sẽ được triển khai “nhanh hơn, trúng và mở rộng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa”.

Trả lời phỏng vấn RFI, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: “… lần này về mặt chính sách xã hội, thì chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra được những chính sách kịp thời. Tuy nhiên, khi thực hiện thì cũng còn những chậm trễ nhất định, bởi vì còn phụ thuộc vào việc người ta thực hiện các thủ tục đăng ký cần thiết, rồi cách thức thống kê nhiều khi cũng chưa thật rõ ở từng nơi.”

Ảnh: 6 đối tượng được tham gia gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng

Trên thực tế, việc thực hiện còn tồn tại nhiều bất cập như vẫn có một số người dường như không được nhận, hoặc không đủ tiêu chuẩn để được hỗ trợ do làm nghề tự do… thậm chí còn có trường hợp một số vụ hộ nghèo phải gửi « tiền trà thuốc » cho cán bộ địa phương thì mới nhận được trợ cấp.

Hay về mặt về thủ tục, thường đòi hỏi người cần hỗ trợ có được những chứng minh nhất định. Vì nếu không có chứng minh, ngay cả chính quyền địa phương là nơi thực hiện việc cung cấp hỗ trợ, cũng bị lúng túng và người ta sợ có thể lại đưa nhầm cho những người mà trên thực tế không bị dịch tác hại. Vì vậy, chính phủ xem xét và có những giải pháp thực tế hơn hoặc giảm bớt những thủ tục. Bởi nếu thủ tục rầy rà quá thì nhiều khi trợ cấp không đến được tay một số người lao động.

Đại dịch COVID-19 cũng đặt ra việc phải xem xét lại mô hình lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức, để có được những quy định cụ thể, phù hợp với luật pháp, vừa để quản lý lao động tự do, vừa để đảm bảo được quyền lợi của họ trong tương lai.

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Việt Nam: Chính phủ “rối bời”, Du lịch “kiệt quệ” vì làn sóng COVID-19 thứ hai

>>> Thật hay giả – dữ liệu viêm phổi Vũ Hán đợt 2 tại Việt Nam

>>> Việt Nam: Tướng, Tá rủ nhau “vào lò“

Gọi người bán rong là ‘ký sinh trùng’ – Tuyên giáo Đảng mạt sát Dân