Việc xây tượng đài Hồ Chí Minh trăm tỉ, nghìn tỉ khắp nơi là nhằm củng cố chế độ và cũng là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, theo một số nhà phân tích.
Giữa lúc Việt Nam đang gồng mình chống dịch Covid-19, việc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang hôm 7/8 công bố chi 353 tỉ đồng xây quảng trường rộng 8,29 ha tại đảo Phú Quốc, bao gồm tượng đài lãnh tụ Hồ Chí Minh cao 18 mét, đã gây ra nhiều tranh luận.
Trước đó, ngày 13/6, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình, công trình “kỷ niệm 63 năm ngày Bác Hồ về thăm địa phương” nằm ở trung tâm thành phố Đồng Hới, với cụm tượng đài màu vàng nổi bật.
Công trình có vốn đầu tư 120 tỉ đồng này đã xuất hiện nhiều vết nứt chỉ sau hơn một tháng kể từ khi khánh thành.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, tiến sĩ Nguyễn Quang A đánh giá:
“Việc xây tượng đài Hồ Chí Minh cũng như các nhà lãnh đạo cộng sản khác như Fidel là chủ trương nhất quán của đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu nhìn lại lịch sử của cả thế giới, tất cả các nhà cầm quyền đều vô cùng coi trọng biểu tượng như quảng trường, hình lãnh tụ, lá cờ, bài hát hay tượng đài, chúng là phần vô cùng quan trọng của hệ thống“.
“Nó giúp gieo vào đầu con người hình gắn bó với chế độ“, ông nói thêm.
‘Áp đặt tư tưởng để củng cố chế độ’
Năm 2015, UBND tỉnh Sơn La công bố đề án chi 1.400 tỉ đồng xây quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh, trong đó “công trình tượng Bác Hồ chiếm khoảng 200 tỉ đồng“.
Trong bối cảnh Sơn La là tỉnh nghèo, nhiều người dân thiếu ăn, công trình “ngàn tỉ” này ngay lập tức bị người dân, giới trí thức và một số đại biểu Quốc hội phản đối kịch liệt.
Tại Việt Nam, hàng trăm tượng đài, đền thờ, công viên tưởng niệm Hồ Chí Minh và các lãnh tụ cộng sản khác, như Lê Duẩn, Fidel Castro, Tôn Đức Thắng…, đã mọc lên khắp các tỉnh thành trong nhiều năm qua, với chi phí mỗi công trình từ vài chục tỉ đồng tới cả ngàn tỉ đồng.
Con số tượng đài đang tiếp tục tăng giữa lúc đề án mới đang được triển khai.
Công trình tượng đài N’Trang Lơng, Đắk Nông, với mức đầu tư 147 tỉ đồng đang bị đình trệ khiến khơi lại dư luận xã hội về hiện tượng xây tượng đài hàng loạt ở nhiều tỉnh, thành phố Việt Nam trong những năm qua.
Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng gây điều tiếng vì có ngân sách tới 411 tỷ đồng dù đoạt huy chương vàng tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015.
Đây là tượng đài lớn nhất Đông Nam Á, nằm trên diện tích 15 ha ở xã Tam Phú, huyện Tam Kỳ, có chiều cao 18,5m làm từ đá hoa cương Bình Định.
Chưa kể dư luận đã nhiều lần lên tiếngvề hàng loạt tượng đài trị giá hàng trăm tỷ đồng nhưng xuống cấp mau chóng sau khi khánh thành: tượng Lý Thái Tổ (Hà Nội), nữ tướng Lê Chân (Hải Phòng), Điện Biên Phủ (Điện Biên), Trần Hưng Đạo (Nam Định)… đặc biệt, nhiều công trình xây dựng xong mau chóng bị nứt trên thân hoặc sụt lún chân đế hay bị sét đánh.
Theo đề án quy hoạch, Việt Nam xây thêm 14 tượng đài Hồ Chí Minh nữa trong giai đoạn 2015-2030 (không tính 31 tượng đài đã được xây trước khi có đề án), trong đó có những tượng đài đã hoàn thành ở Quảng Bình, Bình Định trong vài năm gần đây… Con số trên chỉ bao gồm tượng đài nhóm A, tức tượng đài lớn ở các đô thị trung tâm hành chính, chưa tính một số lượng lớn tượng đài trong khuôn viên cơ quan, tổ chức, trường học.
Đa phần các công trình đều ngự trị ở trung tâm thành phố, đập vào mắt người dân mỗi ngày như nhắc họ không được quên các lãnh tụ cũng như hệ tư tưởng mà các lãnh tụ đó sáng lập, vun bồi. Theo giới phân tích, việc xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh là nhằm “áp đặt tư tưởng” phục vụ cho mục đích “củng cố chế độ“.
“Việc xây dựng tượng đài giúp củng cố chế độ, gieo vào đầu người dân khuôn khổ suy nghĩ trong giới hạn môi trường do chính đảng Cộng sản tạo ra. Đây là sự áp đặt tư tưởng qua biểu tượng. Kể cả âm nhạc, nghệ thuật cũng là một phần của hệ thống cai trị này“, ông Nguyễn Quang A nói.
Ông phân tích thêm: “Những biểu tượng đó có ảnh hưởng rất lớn và sâu rộng. Người dân phải nghe ra rả những điều như thế suốt từ nhỏ đến lớn qua báo đài, kịch nhạc, phim ảnh. Dần dần, những điều này hằn sâu vào con người, khiến họ tự hào với truyền thống và quá trình lịch sử đấy và biến nó từ của một nhóm người thành của một cộng đồng được tạo ra theo khuôn mẫu của họ. Đấy là ý đồ rất thâm sâu.
Nếu không có phản biện, không có tự do ngôn luận để xới những vấn đề đó ra thì người dân rất dễ rơi vào mụ mẫm với những niềm tin như vậy“.
Ông Nguyễn Quang A đánh giá tác động của việc chi ngân sách xây dựng tượng đài đối với dân tộc “là khủng khiếp” nhưng với đảng Cộng sản Việt Nam thì việc xây tượng đài “góp phần củng cố cho chế độ nên họ sẵn sàng chi tiêu“.
“Đây là phần quan trọng của bộ máy kìm kẹp tư tưởng. Vấn đề không phải là nên dành ngân sách xây tượng đài vào những khoản cấp bách khác như trường học, bệnh viện… mà vấn đề là họ không tiếc tiền để làm điều đó“, ông phân tích.
“Họ vẫn phải lo những vấn đề cấp bách nhưng đồng thời, các biểu tượng vẫn phải được duy trì. Nhiều khi chúng ta coi thường các biểu tượng đó và đấy là mối nguy hiểm. Vì ở tầng sâu của các biểu tượng như vậy, họ muốn đánh vào tiềm thức của người dân và muốn viết lại lịch sử, vẽ nên khuôn khổ để người dân tư duy trong đó. Phải hiểu sự sâu xa, thâm độc mới có thể đánh giá và tìm phương án giải quyết“.
Từ Ba Lan, nhà văn, doanh nhân Trần Quốc Quân chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng dựng tượng đài ngoài trời không phải là văn hóa hay tín ngưỡng của người Việt Nam cổ đại và cận đại. Ông nói văn hóa này theo chân thực dân Pháp du nhập vào Việt Nam trong quá trình “khai hóa văn minh” thuộc địa.
“Từ khi chế độ xã hội chủ nghĩa được thiết lập ở miền Bắc năm 1954 và trên cả nước năm 1975, các thể loại tượng đài lãnh tụ, danh nhân, anh hùng, liệt sĩ… đã trăm hoa đua nở. Điều này gần đây trở thành đại dịch bùng phát khắp các địa phương“, ông nói.
“Không thể phủ nhận thực tế là hình tượng Hồ Chí Minh vẫn ngự trị trong tâm tưởng một bộ phận lớn đảng viên, cán bộ và dân chúng.
“Đảng và chính quyền luôn xác định hình tượng Hồ Chí Minh là chỗ dựa tinh thần của toàn đảng, toàn quân, toàn dân đối với sự tồn vong của chế độ“, nhà văn Trần Quốc Quân đánh giá.
‘Tệ sùng bái cá nhân’
Trực tiếp chứng kiến những thay đổi ngoạn mục tại Đông Âu trong nhiều năm qua, nhà văn Trần Quốc Quân cho rằng “văn hóa tượng đài” của Việt Nam bị ảnh hưởng từ các nước này.
“Ở các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa và Liên Xô trước đây, tượng đài lãnh tụ cộng sản được xây dựng tại hầu hết các thành phố lớn xuất phát từ tệ sùng bái cá nhân, sùng bái lãnh tụ mà không dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống nào“, ông Quân nói.
“Các tượng đài chỉ tồn tại cùng với sự tồn tại của chế độ. Khi chính thể xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Đông Âu năm 1989 và 1990, rồi đến Liên Xô năm 1991 thì các tượng đài lãnh tụ cộng sản đã bị nhân dân giật đổ, chỉ còn lại ở vài nước tồn tại thể chế độc tài như Nga, Belarus, Kazakhstan, Turkmenistan…”
“Thể chế Việt Nam cộng sản cũng có tệ sùng bái cá nhân, sùng bái lãnh tụ. Việc dựng tượng đài ở Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ các nước như Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên và Đông Âu là điều không thể phủ nhận, và chẳng hề xuất phát từ truyền thống văn hóa nào của dân tộc“, ông Quân nhấn mạnh.
Trong mối liên hệ với Việt Nam, ông Quân kể lại một quá khứ với nhiều thay đổi tại nơi ông đang sống: “Tôi có may mắn chứng kiến quá trình sụp đổ của chủ nghĩa xã hội Đông Âu và Liên Xô thời 1989-1991, khởi đầu từ Ba Lan. Trong những ngày chuyển đổi thể chế, tôi tận mắt thấy người dân Ba Lan hồ hởi đi phá tượng F. E. Dzerzhinsky, là người Ba Lan, bạn chiến đấu của Lenin, trùm lực lượng an ninh Treca của Liên Xô sau Cách mạng tháng 10“.
“Tôi cũng thấy người dân Ba Lan đập bỏ hàng loạt tượng Lenin trong những ngày cách mạng sục sôi“, ông kể. “Năm 2014, sau khi phong trào Maidan ở Ukraine lật đổ tổng thống Viktor Yanukovych thân Nga, nhiều tượng đài Lenin đã bị giật đổ trong tiếng hò“.
‘Dễ cấp phép và dễ tham nhũng’
Theo các nhà quan sát, bởi Hồ Chí Minh là biểu tượng của chế độ nên các dự án mang tên lãnh tụ này thường được chính quyền xem xét trước hết ở khía cạnh chính trị mà bỏ qua các yếu tố kinh tế. Đó cũng là lý do các dự án này thường dễ được duyệt hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhắc lại một bài viết của tác giả nước ngoài về đường Hồ Chí Minh nhiều năm trước, trong đó có chi tiết “khen ngợi ý tưởng đặt tên đường“.
“Mang tiền xây dựng con đường trên lưng chừng núi là hoàn toàn phi nghĩa về mặt kinh tế nhưng bởi vì nó mang tên Hồ Chí Minh, đụng vào cốt lõi tư tưởng, biểu tượng của hệ thống thì dễ thông qua. Tượng đài Hồ Chí Minh cũng tương tự vậy“, ông nói.
Ông lưu ý thêm: “Những dự án này sẽ thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Nhưng vì động cơ dự án lại phù hợp với hệ thống nên được duyệt dễ dàng. Đây là phần chi phí đổi lấy sự tôn thờ của người dân. Có nhiều người tôn thờ, treo ảnh lãnh tụ trên bàn thờ là điều giúp chế độ này cai trị dễ. Như vậy, đối với người dân, điều này có thể là tai họa nhưng với người muốn nắm quyền, muốn duy trì hệ thống thì đây là khoản đầu tư sinh lời“.
Nhà văn Trần Quốc Quân đánh giá trong bối cảnh Việt Nam còn nghèo, việc xây dựng tượng đài và quảng trường Hồ Chí Minh, cũng như các tượng đài lãnh tụ cộng sản khác, và các tượng đài mang nặng tính chính trị, tuyên truyền ở hầu khắp các địa phương sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy.
“Điều này kìm hãm phát triển kinh tế và xã hội, làm nghèo đất nước. Nó còn gây phản tác dụng, giảm tình cảm yêu mến lãnh tụ của một bộ phận dân chúng. Chưa kể điều đó còn trái với di nguyện của Hồ Chí Minh“, nhà văn Trần Quốc Quân nói và cho rằng “tượng đài và quảng trường Hồ Chí Minh rất dễ trở thành miếng mồi cho quan tham“.
Xét ở một phương diện khác, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng việc xây các không gian công cộng như quảng trường lại ý nghĩa lớn đối với cộng đồng. “Tuy nhiên, bản thân các tượng không có quá nhiều ý nghĩa, sau này người ta có thể giật đổ hết“.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng để tránh các hệ lụy về kinh tế cũng như chính trị, cần “nâng cao dân trí, vạch rõ mưu đồ của chế độ và người dân phải lên tiếng“.
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Việt Nam: COVID đợt 2 đánh gục nền kinh tế
>>> Quan chức Việt Nam „rụng rời” – Nghị sĩ Mỹ đề nghị trừng phạt
>>> Đảng “nhọ mặt” vì tham nhũng – Dân bất lực trước công lý nửa vời