Không nhiều người biết, người đóng vai trò chủ chốt trong việc hoạch định chính sách của Mỹ với Trung Quốc chính là Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Matthew Pottinger, 46 tuổi, nhân vật số 2 của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC).
Ngay từ khi cuộc khủng hoảng Mỹ – Trung được khơi mào, Matthew Pottinger, một chuyên gia về Trung Quốc, sử dụng thông thạo tiếng Hoa, đã trở thành một trong những nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất Washington.
Là con một quan chức cao cấp trong Bộ Tư pháp Mỹ, Matthew Pottinger theo học tiếng quan thoại tại trường Đại học Amherst ở Massachusetts và lấy bằng nghiên cứu Trung Quốc tại đây. Sau đó, ông làm việc cho hãng thông tấn Reuters tại Bắc Kinh, Trung Quốc năm 1998, rồi sau đó chuyển qua tờ The Wall Street Journal làm thông tín viên.
Năm 2005, ông Pottinger gia nhập thủy quân lục chiến Mỹ và làm sĩ quan tình báo tại Iraq và Afghanistan. Tại đây, ông gặp tướng Michael Flynn, người sau này trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia đầu tiên của Tổng thống Trump.
Chính tướng Flynn là người đưa ông Pottinger về phụ trách chính sách châu Á cho Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.
Matthew Pottinger gia nhập chính quyền của Tổng thống Trump vào năm 2017, với vai trò Giám đốc cấp cao bộ phận châu Á của NSC. Ông Pottinger được cho là đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng chính sách của Mỹ với Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên từ khi Tổng thống Trump nhậm chức.
Ngay trong năm đầu tiên làm việc cho NSC, Pottinger chấp bút xây dựng Chiến lược An ninh Quốc gia. Văn bản lập tức gây sóng gió khi gọi Trung Quốc là “đối thủ chiến lược“, là “cường quốc xét lại“, khẳng định quyết tâm của nước này trong việc « tổ chức lại châu Á theo hướng có lợi cho mình ». Văn bản khiến Bắc Kinh tức giận, thậm chí còn mưu toan ép Matthew Pottinger phải từ chức, thông qua tác động lên con rể của Tổng thống Trump là Jared Kushner.
Đến nay, sau 3 năm, với tinh thần phụng sự, Matthew Pottinger trở thành nhân vật có vai trò quyết định trong nỗ lực tái định hướng chính sách đối với Trung Quốc, hướng đến cách tiếp cận mang tính đối đầu nhiều hơn.
Thái độ nghị kị Trung Quốc được hình thành trong suốt quá trình ông sống và làm việc nhiều năm tại đất nước này.
Kinh nghiệm làm nhà báo thường trú tại Trung Quốc giúp ông hiểu thấu một đất nước toàn trị, khác với một nhà ngoại giao. Pottinger nói : « Sống tại Trung Quốc, ta có thể biết được một quốc gia không dân chủ có thể làm những gì với công dân họ. Tôi đã trông thấy những người biểu tình bị công an mặc thường phục quăng xuống đất và đánh đập trên quảng trường Thiên An Môn… Tôi đã từng bị bắt và buộc phải quẳng các ghi chép vào toa-lét để công an không thu được. »
Năm 2003, Puttinger phụ trách đưa tin về bùng phát dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng). Năm 2004, khi dịch bệnh phần lớn đã được kiểm soát, ông đã phanh phui một đợt tái bùng phát dịch quy mô nhỏ có liên quan đến sự cố ở một phòng thí nghiệm. Trong một bút ký trên Wall Street Journal năm 2005, Pottinger chia sẻ bản thân từng chịu sự theo dõi và đe dọa ở Trung Quốc.
Đến khi làm Giám đốc cấp cao bộ phận châu Á, Pottinger luôn giữ một tấm bảng trắng cỡ lớn trong phòng làm việc. Ông xây dựng một sơ đồ vô cùng chi tiết về sự gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Biểu đồ được dán kèm những từ ngữ đậm chất quân đội như “đường hiệp lực” hay “mục tiêu chiến lược“. Theo lời một đồng nghiệp cũ trong NSC, tấm bảng trắng giống như một “bản điểm“, giúp Pottinger thống kê mọi hướng mà giới lãnh đạo Trung Quốc dùng để “tấn công phương Tây và cách để chúng ta phản công“.
Lập trường của Pottinger luôn nhất quán theo đuổi chủ trương cứng rắn với Trung Quốc.
Matthew Pottinger là một trong những người đầu tiên cảnh báo về chiến lược tấn công kinh tế của Trung Quốc. Lúc đó ông Trump chỉ tìm cách thương lượng lại các thỏa thuận thuế quan, ca ngợi « ông bạn Tập », nhưng Pottinger khuyến cáo nên áp thuế hải quan lên 60 tỉ đô la hàng Trung Quốc nhập khẩu.
Năm 2019, ông có mặt trong nhóm tư vấn cho Tổng thống Trump về quyết định đưa Huawei vào “danh sách đen” của Bộ Thương mại, khiến việc hợp tác giữa gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc với các công ty Mỹ thêm khó khăn. Lý giải cho chính sách trên, Pottinger viện dẫn những biện pháp trợ giá bất bình đẳng từ chính phủ Trung Quốc cho Huawei.
Đầu năm 2020, khi Donald Trump vẫn còn khen Tập Cận Bình tích cực chống dịch virus corona, Pottinger cảnh cáo về một chiến dịch quy mô của Bắc Kinh nhằm che giấu sự trầm trọng của đại dịch. Ông cũng là người đầu tiên sử dụng từ « virus Vũ Hán » tại Nhà Trắng, và sau đó Tổng thống Trump dùng lại, trong lúc Trung Quốc gây áp lực lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để gọi là « COVID-19 ».
Trên chính trường Mỹ, ông Pottinger nổi tiếng là tài năng và nghiêm túc.
Việc chủ trương đứng ngoài ánh hào quang và luôn cẩn thận không chiếm sân khấu dành cho những cá tính lớn hơn mình đã khiến bám trụ lại Hội đồng An ninh Quốc gia trong thời gian dài, chứng kiến đến 4 đời Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ.
Sau khi tướng Michael Flynn, người mở đường cho ông vào Nhà Trắng, phải từ chức vì bê bối, người kế nhiệm ông Flynn, tướng McMaster vẫn luôn đánh giá cao tài năng và tính cách dễ mến, thẳng thắn, vui vẻ của Pottinger. Chính tướng McMaster đã xem Pottinger là “trung tâm cuộc chuyển dịch chính sách đối ngoại lớn nhất của Mỹ kể từ Chiến tranh lạnh, đó là cạnh tranh với Trung Quốc“.
Đến khi John Bolton trở thành tân cố vấn an ninh quốc gia năm 2018 thay tướng McMaster, ông Bolton vẫn giữ lại Pottinger vì ông Bolton cho rằng kiến thức chuyên môn về châu Á của Pottinge là hết sức quý báu đối với ông.
Còn đương kim Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien chỉ vài ngày sau khi được Tổng thống Donald Trump chỉ định vào vị trí lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia đã bổ nhiệm Matthew Pottinger làm Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ vào tháng 09/2019.
Ngay cả Tổng thống Donald Trump cũng đánh giá cao vị cố vấn và thái độ không khoan nhượng trước Bắc Kinh. Cũng như ông, Pottinger nhận định rằng Hoa Kỳ đã sai lầm khi giúp Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm có được một đối tác thân thiện về kinh tế và chiến lược.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 khởi phát tại Trung Quốc và lan rộng trên toàn thế giới mà Mỹ là quốc gia đứng đầu về mức độ ảnh hưởng thì quan hệ giữa hai đại cường nhanh chóng xấu đi và ảnh hưởng của Matthew Pottinger lên chính sách Mỹ với Trung Quốc càng tăng lên.
Chưa bao giờ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979, Hoa Kỳ và Trung Quốc lại lao vào một cuộc đọ sức căng thẳng như lúc này.
Sau các màn khẩu chiến là liên tiếp các trừng phạt ngoại giao vì các hồ sơ Hồng Kông, Tân Cương, Biển Đông.
Trên mặt trận kinh tế thì chưa hết Huawei, đã chuyển sang TikTok, WeChat.
Về mặt quân sự thì cùng lúc, Hải Quân và Không Quân hai nước thi nhau biểu dương sức mạnh trên Biển Đông, Biển Hoa Đông, trong eo biển Đài Loan.
Ngoại trưởng Mỹ hôm 12/08 vừa qua tại Praha đã báo động về một cuộc thập tự chinh ý thức hệ mới khi phát biểu: « Chúng ta đang đối mặt với cuộc chiến tranh lạnh 2.0. Và mối đe dọa của Đảng Cộng sản Trung Quốc khó kiềm chế hơn so với Liên Xô (trước đây) nhất là mối đe dọa đó xen vào kinh tế, chính trị và xã hội của chúng ta. »
Trong một diễn biến mới nhất, Tổng biên tập của tờ Hoàn cầu Thời báo hôm 08/09 đã cho biết Trung Quốc sẽ áp đặt các biện pháp cấm vận đối với các quan chức cấp cao Mỹ đi thăm Đài Loan, cũng như các công ty có liên hệ tới các nhân vật này.
Ông Hu Xijin nói trên trang Twitter cá nhân của ông rằng những người có tên trên danh sách bị trừng phạt của Trung Quốc sẽ không bao giờ được đặt chân lên lãnh thổ Hoa lục, và bất cứ công ty nào có liên hệ tới những người này sẽ bị cắt đứt, không cho tiếp cận thị trường Hoa lục.
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Trung Quốc lại ‘thổi lửa’ ở Biển Đông
>>> Quốc tế tẩy chay – Nội bộ đấu đá – Tập Cận Bình “thanh trừng” đối thủ
>>> Đại hội 13: Phúc không chịu về – Trọng muốn ngồi them
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT