Bên cạnh phiên tòa xử kín cùng bản án 5 năm tù đối với cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” thì cái bắt tay, vỗ vai của chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Trương Việt Toàn với bị cáo Nguyễn Đức Chung sau khi kết thúc phiên tòa cũng là một chủ đề gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là hành động nhân văn nhưng cũng có luồng ý kiến cho rằng, hành động này làm mất tính trang nghiêm, thậm chí dễ dẫn đến dư luận có suy nghĩ tiêu cực liên quan đến bản án tòa tuyên.
Trước những ý kiến trái chiều trong dư luận về hành động của mình, Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội, giải thích về việc ông đã “xuống khu vực các bị cáo, vỗ vai động viên và bắt tay bị cáo Nguyễn Đức Chung và các đồng phạm trong vụ án”.
Ông nói:
“Hôm đó, tuyên án xong, tôi đi về phòng làm việc của mình. Lúc đó, đương nhiên phải đi qua hàng bị cáo. Khi đi qua bị cáo Chung, ông Chung đưa tay ra bắt.
“Thực ra, trong giây phút đó tôi cũng suy nghĩ rất nhanh. Sau khi chững lại một chút, cuối cùng, tôi quyết định bắt tay, vỗ vào vai bị cáo một cái và có lời động viên: “Cố gắng cải tạo cho tốt. 5 năm mà anh cải tạo tốt thì cũng nhanh thôi.””
Thẩm phán Toàn còn cho biết thêm đây không phải “lần đầu tiên” ông bắt tay, động viên bị cáo sau khi xét xử.
Ông nói: “Trước đây, sau phiên xử Hà Văn Thắm tôi cũng từng bắt tay, động viên bị cáo Thắm cải tạo tốt. Thực ra điều đó đơn giản là thể hiện tình người với nhau thôi.”
Thẩm phán Toàn giải thích thêm với truyền thông trong nước về hành động gây tranh cãi của mình.
Ông nói:
“Sau khi kết thúc phiên tòa, tôi có xuống bắt tay động viên các bị cáo là yên tâm cải tạo để sớm được về.
Tôi xuống bắt tay các bị cáo khi phiên tòa đã kết thúc, Hội đồng Xét xử đã xong việc rồi, chứ có làm thế lúc đang xử đâu nên việc này có tính chất khác nhau, tùy thời điểm.
Tuyên án xong là xong, ở góc độ nào đó, bị can, bị cáo cũng là con người, thẩm phán cũng là con người, không lẽ người ta giơ tay ra mình không bắt.
Tôi nghĩ chuyện này diễn ra một cách bình thường, thể hiện tình người với nhau thôi.”
Tuy nhiên lời giải thích sau đó của vị thẩm phán cũng không thuyết phục được dư luận.
Facebooker Nguyễn Đức viết: “Thẩm phán bắt tay bị cáo Chung, gây tranh cãi. Còn Hồ Duy Hải kêu oan tại 2 phiên toà thẩm phán giả điếc! Thẩm phán chủ tọa phiên phúc thẩm còn cật vấn HDH: tại sao trước đây bị cáo nhận tội, giờ kêu oan ai bày cho bị cáo kêu oan!”
Facebooker Nguyễn Hồng Hải cũng bình luận: “Hoan hô tinh thần rất nhân văn, rất tình người này. Cơ mà cho em hỏi cũng ông này là chủ toạ phiên xử vụ Đồng Tâm. Sau phiên toà ổng có xuống bắt tay các “bị cáo” ko ạ?
Hay những “bị cáo” trong vụ Đồng Tâm ko phải là “con người”?”
Có người dùng mạng còn cho rằng lời giải thích của ông Toàn là ngụy biện vì không ai thiết kế phòng làm việc phải đi ngang khu vực của bị cáo cả. Việc đó vốn nhằm để tránh cho quan toà đối mặt thân nhân bị cáo/bị hại.
Hành động bắt tay, vỗ vai bị cáo Nguyễn Đức Chung của Thẩm phán Trương Việt Toàn cũng nhận được sự đồng tình của một số vị đại biểu quốc hội.
Trao đổi với Báo Người Lao Động về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau, Tiến sĩ luật học), cho rằng khi xét xử, Thẩm phán được nhân danh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải vô tư khách quan. Trong vụ án hình sự, thẩm phán và bị cáo, đương sự khi tiếp xúc cũng có quy định cụ thể theo nguyên tắc trong Bộ luật tố tụng hình sự.
Theo ông Vân, việc ông Trương Việt Toàn vỗ vai, bắt tay ông Nguyễn Đức Chung sau phiên toà, nhiều người hiểu rằng phiên tòa xét xử kết thúc thì đây là góc độ con người với con người. Bên cạnh đó, là một người nắm công cụ pháp luật, ông Toàn đã chia sẻ, an ủi và tuyên truyền, giải thích thêm pháp luật trong việc xử lý đối với ông Nguyễn Đức Chung.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý tại pháp đình, ông Lê Thanh Vân cho rằng hành vi đó là không hợp lệ. Bởi, vị trí của thẩm phán chủ tọa đang ngồi là phán quan khi đưa ra pháp luật cần xem xét tất cả các yếu tố của một vụ án dựa trên căn cứ pháp luật, chứ không dựa trên cảm xúc được.
Đại biểu Vân phân tích: “Một con người có rất nhiều vị thế trong xã hội, khi nào là bạn bè, người thân thì có thể ứng xử bằng tình cảm, đạo đức. Tuy nhiên, khi đang ngồi ở vị trí quan toà, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa thì đó là con người pháp lý. Phân ngôi rất rõ ràng, luật pháp bất vị thân, tuyệt đối không để tình cảm lấn át ý trí. Khi tòa án là nhân danh Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để đưa ra bản án phải khách quan, vô tư không được chi phối tình cảm, cảm xúc cá nhân.”
Đại biểu Đoàn Cà Mau cho rằng đây cũng là bài học để các vị thẩm phán rút kinh nghiệm.
Tương tự, ông Phạm Văn Hòa (Đại biểu Quốc hội Đoàn Đồng Tháp, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội), cho rằng hiện nay chưa có quy định nào về việc thẩm phán bắt tay với bị cáo, bị can.
Tuy nhiên việc chủ tọa quan tòa là “cán cân” công lý, sau khi xét xử bị cáo thì cần phải công chính, nghiêm minh, vô tư, khách quan.
Ông Hòa đánh giá: “Tôi cho rằng sau khi xét xử vụ án mà thẩm phán xuống bắt tay với bị cáo thì rất là phản cảm. Việc này chưa từng xảy ra tại một phiên toà.”
Theo ông Hoà, nếu thẩm phán có tình cảm với một bị cáo thì có thể đến thăm tại trại giam để thể hiện tình cảm. Tuy nhiên, việc này lại diễn ra giữa chốn “công đường” mà thể hiện thái độ niềm nở, thân mật với một bị cáo thì người dân có quyền nghi ngờ về tính công bằng, nghiêm minh, vô tư, khách quan của vụ án.
Chưa dừng lại tại đó, Thẩm phán Trương Việt Toàn đã phản hồi lại ý kiến nói việc ông “bắt tay bị cáo là không đúng pháp luật”.
Cũng qua báo chí trong nước, ông Toàn phản bác: “Không có quy định nào cấm tiếp xúc bị cáo sau khi xét xử xong, chỉ có quy định cấm tiếp xúc trong khi xét xử. Như Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói tôi bắt tay là không đúng pháp luật, vậy tôi đề nghị viện dẫn rõ văn bản pháp luật nào quy định như vậy?… Thử đặt câu hỏi, lúc đó ông Chung giơ tay ra bắt, nếu tôi không bắt lại, mọi người sẽ đánh giá thế nào về tôi?”
Có vẻ như càng giải thích ngài thẩm phán càng ngày càng bộc lộ tư cách của mình.
Lúc đầu ông giải thích là cái bắt tay là nhằm mục đích động viên, thể hiện tình người với nhau.
Sau khi bị một vị đại biểu quốc hội phê phán thì ông Toàn lại “tòi” ra lý do của động tác bắt tay là vì nếu không bắt tay khi mà bị cáo Chung giơ tay ra bắt trước thì mọi người sẽ đánh giá ông.
Một người dùng mạng nhận định: Thẩm phán tầm cỡ như ông Toàn…không biết giữ gìn sự tôn nghiêm của pháp luật trong Công đường mà còn lý sự cùn kiểu đó thì chả còn gì để nói nữa rồi.
Một người khác thì nhận xét: Ông bắt tay bị cáo thì mọi người mới đánh giá không tốt về ông, ông không bắt tay thì có ai đánh giá gì về ông. Đúng là miệng quan trôn trẻ, xảo biện.
Cùng với những lời lẽ mà càng giải thích càng khiến dư luận phẫn nộ thì cộng đồng mạng cũng lan truyền một bức hình trên báo Pháp luật & Xã hội năm 2018 ghi chú là “Thẩm phán Trương Việt Toàn trò chuyện với Hà Văn Thắm khi phiên tòa nghỉ giải lao”, tức là khi tòa chưa xét xử xong.
Bài báo còn ca ngợi ông là “người phán xử luôn nặng chữ… “tình”” vì luôn trăn trở là làm sao thượng tôn pháp luật nhưng vẫn phải đậm chất “tình”…
Tuy nhiên theo khoản 4 Điều 256 về Nội quy phiên tòa trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì “Tại phiên tòa, bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa cho mình. Việc tiếp xúc với những người khác phải được chủ tọa phiên tòa cho phép.”
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Đinh La Thăng hầu tòa, báo chí réo tiếp Nguyễn Văn Thể
>>> Nguyễn Phú Trọng chốt danh sách đốt lò cuối năm
>>> Việt Nam: Ủy viên Bộ Chính trị nào đủ tuổi tái cử?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT