Chúng ta có nhiều lý do để tri ân những nhà báo bị kiểm duyệt hơn là chỉ trích họ.
Ngày 23/4/2021, báo Thanh Niên đăng một bài viết có tiêu đề “Số dự án được phê duyệt tăng vọt cuối nhiệm kỳ”. Thống kê từ bài báo cho thấy hiệu suất ký duyệt dự án của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng “cao một cách đáng ngạc nhiên”.
Cụ thể, chỉ trong 65 ngày cuối cùng tại nhiệm, ông đã phê duyệt đến 1/3 tổng số dự án trong toàn bộ bốn năm rưỡi nhiệm kỳ. Trong số đó, có dự án sân golf Đak Đoa của tập đoàn FLC vốn bị dư luận phản ứng gay gắt. Bài viết biến mất ngay sau đó khỏi trang web của báo Thanh Niên. Bản sao còn lưu tại đây.
Ngày 20/2/2020, hàng loạt tờ báo trong nước đăng tin về sự kiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi bài thơ của một giáo viên cấp hai, có nội dung ca tụng công tác phòng chống dịch của chính quyền.
Ngay khi bài thơ được lan truyền, dư luận đã dậy sóng với nhiều bình luận tố tác giả “đạo thơ” và “viết sai sự thật”. Ngày hôm sau, các bài báo về việc thủ tướng khen ngợi đồng loạt biến mất.
Ngày 4/1/2019, các tờ báo lớn đưa tin về việc Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý duyệt tăng 51.712 tỷ đồng (tương đương 2,23 tỷ USD) cho hai tuyến metro của TP. Hồ Chí Minh.
Thông tin này khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao Bộ Chính trị có quyền quyết định thay cho Quốc hội trong vấn đề ngân sách nhà nước. Ngay hôm sau, các bài viết đều biến mất.
Việc báo chí trong nước sáng đăng ầm ầm, chiều âm âm thầm thầm gỡ xuống đã không còn là chuyện gì xa lạ.
Mỗi khi xuất hiện những bài viết có thông tin “nhạy cảm”, khiến dư luận bất mãn với các lãnh đạo, người ta thường cá cược với nhau xem “bao lâu thì sẽ bị xóa bài”.
Phản ứng thông thường của dư luận là chê cười và trách mắng các tờ báo, rằng họ hoàn toàn trở thành công cụ sai khiến của chính quyền, không dám đứng lên bảo vệ quyền đưa tin của mình và quyền được tiếp cận sự thật của độc giả.
Đó là những phản ứng dễ hiểu. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, và xét trong hoàn cảnh hiện tại, tôi cho rằng lợi ích và ý nghĩa mà các bài viết bị biến mất này đem lại cho công luận vượt xa những bài báo bình thường khác.
Có ba lý do.
Một là cho dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, các bài báo trên vẫn hoàn thành nhiệm vụ cung cấp tin tức cho độc giả.
Ở thời đại mạng Internet ngày càng phổ biến, số lượng người dành thời gian theo dõi tin tức trên mạng ngày càng đông, một bản tin chỉ cần vài phút xuất hiện là đã có thể tiếp cận đến hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí là hàng triệu người ở khắp thế giới.
Công nghệ phát triển cũng giúp việc lưu trữ lại thông tin dễ dàng hơn bao giờ hết. Người ta có thể chụp màn hình máy tính hay điện thoại di động, sao lưu trên thiết bị hay tạo bản sao của trang web trên Wayback Machine, một công cụ được lập ra để lưu trữ nội dung của hàng tỷ trang web trên thế giới.
Chỉ bằng cách xuất hiện, cho dù ngắn ngủi, các bài viết này cũng đã thực hiện được chức năng cung cấp thông tin cho công chúng.
Lợi ích thứ hai đến từ chính việc nó chỉ được phép tồn tại trong thời gian ngắn ngủi đó.
Các bài viết bị cấm đoán (bị gỡ xuống ngay sau khi được đăng) thu hút nhiều sự chú ý hơn hẳn. Trong nhiều trường hợp, nếu không có động tác can thiệp “buộc phải xóa”, bài viết đó có thể chìm nghỉm giữa hàng trăm ngàn bản tin khác mỗi ngày. Bản thân việc cấm đoán khiến nó trở thành câu chuyện được chú ý, càng khuyến khích công luận tò mò tìm hiểu về nó.
Hiệu ứng này không phải là điều gì mới mẻ với nhân loại. Từ câu chuyện Adam và Eva nếm trái cấm đến kinh nghiệm của những ông bố bà mẹ nuôi dạy con nhỏ, tất cả đều cho thấy việc cấm đoán thường phản tác dụng và tạo hệ quả ngược lại. Nó trái với bản năng của con người, những sinh vật có óc tò mò vô tận trong việc khám phá thế giới chung quanh.
Lợi ích thứ ba của các bài báo bị gỡ bỏ là ngoài thông tin, nó cung cấp cho chúng ta một cái nhìn chân thật về chính quyền.
Qua các nội dung bị cấm đoán, công luận có thể hiểu nhà cầm quyền sợ hãi điều gì, e ngại công chúng tiếp cận những thông tin gì, từ đó nhận ra họ đang bảo vệ lợi ích của ai.
Thông qua những trái-cấm-trong-làng-báo này, bức tranh hiện ra trần trụi và gần với thực tế hơn nhiều so với vô số các bài viết tuyên truyền một chiều được nhân bản vô tính trên các tờ báo quốc doanh.
Với những lợi ích này, tôi nghĩ công luận có thể trân trọng và khuyến khích sự xuất hiện của ngày càng nhiều các bài báo bị biến mất, thay vì chỉ trích và chê cười những người đã viết ra chúng. Trong không ít trường hợp, những người làm báo đã mạo hiểm không ít để đưa các thông tin đó ra ánh sáng.
Dĩ nhiên chúng ta chỉ đang nói đến các bài báo bị chính quyền kiểm duyệt, buộc phải gỡ bỏ.
Những trường hợp báo chí phải xóa bài vì phát hiện vi phạm nguyên tắc làm báo, như sai sự thật hay đạo văn, là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Các vụ bê bối này có thể xảy ra với bất kỳ tờ báo nào, kể cả những tên tuổi uy tín lâu đời như Guardian của Anh hay Der Spiegel của Đức. Luật Khoa cũng từng vướng phải vụ việc phóng viên đạo văn vào năm 2020.
Điều cần lưu ý ở đây là cách thức xử lý sai phạm của các tờ báo.
Một, họ đều đăng đàn công khai giải trình lỗi của mình với độc giả. Hai, họ chỉ rõ ra những bài viết nào có vấn đề và lý do chúng bị xóa.
Cách thức xử lý đàng hoàng và minh bạch này hoàn toàn ngược lại với cách chính quyền kiểm duyệt thông tin báo chí, âm thầm và lặng lẽ.
Đây là điều mà báo chí Việt Nam có thể hướng tới trong tương lai gần.
Trước khi mơ về một nền báo chí tự do độc lập đúng nghĩa, hãy đòi hỏi sự công khai và minh bạch ngay trong các bản tin bị xóa bỏ.
Thay vì xóa đi không một dấu vết, người đọc có quyền được biết ai đã ra lệnh xóa và vì lý do gì.
Làm được như vậy, đó sẽ là một bước tiến cách mạng thật sự của báo chí Việt Nam.
Và công luận sẽ càng trân trọng hơn công sức của những nhà báo luôn mạo hiểm để tạo ra các bài báo đàng hoàng bất kể nguy cơ bị dập tắt.
Yên Khắc Chính
Nguồn: https://baotiengdan.com/2021/06/21/nhan-ngay-nha-bao-gui-loi-tran-trong-den-nhung-bai-bao-bi-go-bo/