Link Video: https://youtu.be/8ihSHTTQ91Y
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến ngày 1/8/2021, Việt Nam đã ghi nhận hơn 150 nghìn ca nhiễm, hơn 38 nghìn người khỏi bệnh, gần 11 nghìn bệnh nhân đang điều trị và gần 1,5 nghìn ca tử vong. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 62% tổng số ca nhiễm COVID-19. Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm và số tử vong tăng nhanh. Đợt dịch thứ 4, gây ra tới 98% tổng số ca nhiễm và tử vong, được cho là “nguy hiểm nhất” bắt đầu từ ngày 27/4/2021 đang diễn ra “rất phức tạp” khi xuất hiện biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh, ít triệu chứng để nhận biết, thời gian ủ bệnh ngắn và dễ gây tử vong.
Ba đợt dịch trước dù kéo dài hơn một năm và kết quả chống dịch COVID-19 được “ca ngợi”, nhưng đã không lường được sự thay đổi của dịch với những tình huống phức tạp và kéo dài, bởi vậy đã không phản ánh đầy đủ về năng lực của chính quyền và niềm tin từ người dân – yếu tố quyết định chiến thắng đại dịch. Khái quát về các giải pháp chống dịch gồm: Kích hoạt “tình trạng thời chiến”, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ưu tiên sử dụng biện pháp hành chính với “5 K” là biểu tượng, nhanh chóng huy động nhân lực và vật lực, đặc biệt trong những lĩnh vực biệt lập và ngắn hạn.
Chiến dịch phản ánh lợi thế và sự quyết tâm của chế độ đảng cộng sản toàn trị. Các văn bản pháp lý chống dịch được Chính phủ thực thi gồm Chỉ thị 15 ban hành ngày 27/3/2020, Chỉ thị 16 (31/3/2020) và 19 (24/4/2020) theo các cấp độ nghiêm ngặt khác nhau. Chỉ thị 16 ở mức cao nhất và nhấn mạnh cách tiếp cận về giãn cách xã hội, phong toả, truy vết nghi lây nhiễm F0 để điều trị ở bệnh viện và tiếp xúc gần F1 để cách ly tập trung trong các cơ sở được chuẩn bị trước. Sáu bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch được Bộ Y tế tổng kết ngày 16/4, trong đó chủ yếu là các giải pháp thiên “hành chính” nêu trên, nhưng đã thiếu các kịch bản với quy mô lớn và tính chất phức tạp hơn mang tính khả thi, ngoài ra chiến lược vắc-xin đã bị coi nhẹ.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh – hiện là trung tâm dịch của đợt 4, sự bùng phát lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, số ca lây nhiễm và tử vong tăng nhanh khiến cho phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, vật tư và hậu cần tại chỗ) chống dịch đã không thể đáp ứng trước thực trạng “rất phức tạp”. Các cấp độ “thít chặt” tăng dần được áp dụng, từ Chỉ thị 11 của Uỷ ban Nhân dân đến Chỉ thị 16 và mới đây là Chỉ thị 16+, nghĩa là kéo dài hơn và nghiêm ngặt hơn như kể từ cuối tháng 7/2021 người dân bị cấm đi lại từ 18h tối đến 6h được áp dụng cho toàn thành phố. Ngoài ra, 18 tỉnh thành phố miền tây Nam Bộ đang áp dụng Chỉ thị 16, nhiều tỉnh thành khác số ca lây nhiễm trong cộng đồng cũng đang có xu hướng tăng. Thủ đô Hà Nội đã vừa áp dụng Chỉ thị 16….
Ông Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra “những hạn chế” về phòng chống dịch COVID-19 trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với 21 tỉnh, thành tối ngày 23/7/2021. Tình hình “rất phức tạp” của đợt dịch này đang thách thức năng lực của chế độ và niềm tin của người dân vào chế độ.
Năng lực của chế không chỉ thể hiện qua quyền lực được tập trung thế nào, mà còn là chính quyền trung ương và địa phương cần có tầm nhìn chính sách, kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực thi và sự công bằng để đưa ra những đánh giá tốt nhất hiện có. Ngoài ra, năng lực còn là nguồn lực sẵn có để chống dịch – cái mà chúng ta đang thiếu để đáp ứng tình hình dịch bệnh sẽ còn tiếp diễn căng thẳng.
Việc trao đặc quyền điều hành đã được trao cho chính quyền một cách nhanh chóng để đối phó với tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Đảng CS đã ban hành chỉ thị chủ trương chống dịch, Quốc hội đã thông qua cơ chế đặc thù ngay tại Kỳ họp thứ nhất vừa qua, cho phép Chính phủ áp dụng các biện pháp “chưa từng có trong luật” để chống dịch. Và Chính phủ đã thành lập các tổ công tác đặc biệt của thủ tướng tại trung tâm dịch…. Nhưng việc sử dụng hiệu quả quyền lực được trao còn phụ thuộc trước hết vào sự tin tưởng của người dân.
Các chốt chặn có thể nhanh chóng được dựng lên với nhiều lực lượng tham gia, nhưng nếu quyền lực rơi vào tay những kẻ lơ là với công vụ hoặc có thói quen “độc đoán”, thì cách xử lý kiểu như “bánh mỳ không phải là thực phẩm thiết yếu” hay hành vi thô bạo của chúng với người dân sẽ là cách đánh mất niềm tin nhanh nhất.
Việc quan tâm đến người dân, người lao động nghèo trong vùng phong toả cần đặt lên hàng đầu trong chống dịch. Đứt gãy nguồn cung ứng hàng hoá thiết yếu đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của họ. Thiếu cơ chế bình đẳng, chủ động trong cứu trợ dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa cư dân trong và ngoài tỉnh cũng gây ra “nghẽn cục bộ” và những phiền phức, vất vả cho hàng đoàn người “chạy dịch về quê”.
Việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân, lao động nghèo và doanh nghiệp bộc lộ sự thiếu cơ chế tiếp cận minh bạch. Sự “thất bại chính sách” từ gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng, được Thủ tướng CP ký từ tháng 4/2020, chứng tỏ “sự lúng túng” trong thực thi và bị níu kéo bởi tâm lý “có thể bị đối tượng lợi dụng” hoặc “sợ trách nhiệm”. Gói hỗ trợ mới 26 nghìn tỷ đồng từ 7/2021 là chưa đủ với quy mô dịch bệnh và tầm nhìn về hiệu quả dài hạn.
Linh hoạt thực hiện mục tiêu kép có thể là cần thiết đối với từng địa bàn tuỳ thuộc vào đặc thù, chẳng hạn thích hợp với các khu công nghiệp ở Bắc Giang, nhưng không với Bình Dương. Tuy nhiên, trong mọi tình huống, sự an toàn trước dịch bệnh và sự tự nguyện của người lao động cần được đặt lên hàng đầu….
Chiến lược vắc-xin đã thay đổi quan niệm các biện pháp hành chính “tốn kém” mà không quyết định thắng dịch. Cơ chế mua, thành lập Quỹ Vắc-xin với sự huy động từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân, sản xuất vắc-xin trong nước và ngoại giao vắc-xin được thúc đẩy mạnh. Tuy nhiên, cần có cơ chế nghiêm ngặt phòng ngừa và kiểm soát trục lợi và công khai, minh bạch cách tiếp cận như xét nghiệm, tiêm phòng vắc-xin. Việc triển khai tiêm còn chậm dù đã có vắc-xin, ngoài ra, sự ưu ái cho cháu của “ông ngoại” luôn là hình ảnh phản cảm, gây bức xúc dư luận.
Cuộc chiến phòng chống dịch được xác định còn phức tạp và kéo dài nếu chưa tiêm vắc-xin đủ cho ít nhất 70% số dân. Hệ thống y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và 18 tỉnh miền Nam đang quá tải, thiếu trang thiết bị, nhân lực y tế… đang diễn ra và tình huống cách ly tại nhà có điều kiện đối với các ca F0 và F1 đang được triển khai….
Tóm lại, điều chủ yếu không phải chế độ có quyền lực chuyên chế đến đâu, mà mọi nỗ lực phòng chống dịch phải hướng tới người dân, không phân biệt địa vị xã hội, giàu nghèo, trong hay ngoài tỉnh…, tất cả phải bình đẳng, công khai tiếp cận về lương thực phẩm, gói cứu trợ, trợ giúp y tế và tiêm vắc-xin. Vắc-xin quyết định thắng đại dịch COVID-19, và niềm tin là điều quan trọng nhất quyết định số phận của chế độ xã hội.
Bài phân tích của TS. Phạm Quý Thọ