Link Video: https://youtu.be/bkfUjD2Usrk
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vào tối 7/9 vừa yêu cầu UBND TP điều chỉnh việc cấp và kiểm tra “giấy đi đường”, sau một chỉ thị gây tranh cãi mà Chủ tịch Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ban hành chỉ khoảng 24 giờ trước đó.
Vào buổi sáng ngày 7/9, ông Đinh Tiến Dũng đã điện thoại trao đổi với một nhà hoạt động xã hội tại Hà Nội về một kiến nghị được đưa lên Facebook cũng liên quan đến chỉ thị này.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, nhà nghiên cứu từ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, một người thường dùng mạng xã hội để phản biện, nói với Nguyễn Hoàng của BBC Tiếng Việt về nội dung cuộc trò chuyện “chưa có tiền lệ” này.
TS Nguyễn Xuân Diện: Ở Việt Nam kể từ khi xuất hiện dịch Covid thì chúng tôi luôn luôn theo dõi tình hình chống dịch và sự lây lan của bệnh dịch ở miền Nam, miền Bắc, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh miền Trung.
Chúng tôi thấy trên mạng xã hội như có một “Hội nghị Diên Hồng” để hiến kế và nêu ra các ý kiến khác nhau về việc phải ứng phó với dịch như thế nào. Tôi thấy đấy là một mảng tài nguyên rất lớn và cần phải gửi đến các nhà lãnh đạo.
Mà tôi là công dân Hà Nội cho nên hôm nay lúc 10 giờ sáng ngày mùng 7 tháng 9, tôi có viết ở trên trang Facebook của mình một cái nghị kiến nghị gồm có 5 điểm để gửi đến lãnh đạo thành phố Hà Nội xung quanh việc chống dịch Covid cũng như để duy trì cuộc sống và trật tự tại thành phố này.
Thế thì khoảng một tiếng sau thì tôi nhận được cuộc điện thoại của ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, và chúng tôi đã trò chuyện với nhau 10 phút và ông Dũng đã lắng nghe đầy đủ những kiến nghị của tôi và đồng thời ông cũng có trao đổi lại.
Tôi cảm thấy rất là vui vì người lãnh đạo [Đảng] cao nhất của Thành phố Hà Nội đã quan tâm đến một tiếng nói ở trên dư luận mạng xã hội về tình hình chống dịch cho Hà Nội.
BBC: Trong 5 điểm ông kiến nghị thì có hai điểm nằm trong một chỉ thị của Chủ tịch Hà Nội về việc xét nghiệm Covid toàn bộ dân ở Hà Nội cũng như việc cấp giấy đi đường?
Tôi theo dõi thì tôi thấy mạng xã hội quan tâm đến hai điểm đó và tôi cũng nói với ông Bí thư Thành ủy Hà Nội là dư luận xã hội là rất là quan tâm và bức xúc đến hai cái nội dung đó. Xét nghiệm 100% cư dân của Thành phố Hà Nội, dự trù là khoảng 8,2 triệu người và những bất cập trong việc cấp phép giấy đi đường thì đó là các vấn đề làm cho dư luận nóng lên mấy ngày hôm nay.
Trong cuộc nói chuyện đúng 10 phút đó thì ông Bí thư Hà Nội có nói là buổi chiều [7/9] thành phố sẽ tổ chức họp báo.
BBC: Chúng ta thấy trong vài ngay qua có những người có khá nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội bày tỏ ý kiến khá gay gắt nhắm vào ông Chu Ngọc Anh. Tuy nhiên chúng ta cũng biết một quyết định đưa ra như chỉ thị mới nhất hẳn phải có sự tham vấn với các bên liên quan như y tế hay công an chẳng hạn. Tức là thường thì cá nhân ra quyết định nhưng cũng có khả năng đó là quyết định của cả một tập thể. Vậy việc người ta nhắm vào cá nhân ông Chu Ngọc Anh có công bằng hay không?
Mọi người nhắm vào ông Chu Ngọc Anh vì ông là Chủ tịch UBND TP Hà Nội, là người đứng đầu, cao nhất về chính quyền, đồng thời cũng là người ký các lệnh về giãn cách hay chỉ thị hỏa tốc liên quan khác. Tôi cảm thấy rằng hình như khi ban hành ra những quyết định như thế thì ông chưa tham vấn đầy đủ những ý kiến của chuyên gia của các ngành, và đặc biệt nhất là về ngành dịch tễ học. Vì vậy trong kiến nghị 5 điểm khẩn cấp gửi Thành phố Hà Nội thì tôi có nêu cái mục thứ 5 là thành phố cần phải tập trung một đội ngũ chuyên gia, một nhóm chuyên gia giỏi về dịch tễ học để người ta tư vấn cho dưới góc độ chuyên môn trong công cuộc chống dịch này.
Cho nên những phát biểu gay gắt hay trái chiều từ dư luận thì tôi cho rằng đấy cũng là một điều bình thường và tôi nghĩ cái rằng phẩm chất lớn nhất của các nhà lãnh đạo ở trong những thời điểm khó khăn của đất nước là sẽ biết kiềm chế để lắng nghe mà không quy chụp, để mà có thể nghe gạn đục khơi trong, nghe được đầy đủ ý kiến của nhân dân.
Thực ra thì tôi cũng đã từng đưa lên Facebook một bài là đã từ một năm nay có cả một cái ‘Hội nghị Diên Hồng’ kéo dài suốt một năm nay ở trên mạng xã hội về vấn đề chống dịch vì vậy cho nên chúng tôi cũng mong muốn là từng thành phố thành phố hoặc ở cấp Chính phủ sẽ có những nhóm để theo dõi và tập hợp những ý kiến, đề xuất hay kiến nghị ở trên Facebook để mà có thể tổng hợp, phân loại rồi đánh giá về mức độ thông tin và hàm lượng về khoa học để có thể gửi đến các nhà lãnh đạo để người ta có những cái tham khảo trước khi mà ban hành ra một quyết định nào đó có liên quan đến đông đảo dân chúng.
‘Gần gũi với nhân dân’
BBC: Tối hôm thứ Hai 6/9, Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi có trả lời người dân trực tuyến. Ông có theo dõi sự kiện này không?
Hôm qua tôi có theo dõi trọn vẹn buổi livestream giữa tân Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi và hai MC là nghệ sỹ Quyền Linh và ông Lê Quang Tự Do từ Cục phát Thanh Truyền hình, thì tôi thấy đây là một nét mới trong việc tiếp xúc giữa lãnh đạo với nhân dân để trả lời các câu hỏi thẳng thắn của nhân dân và qua đó các nhà lãnh đạo sẽ nắm bắt được dư luận xã hội một cách chính thức.
Tôi thấy ông Phan Văn Mãi có một phong thái rất gần gũi và cầu thị khi trả lời trong chương trình này. Ông cũng không né tránh những câu hỏi rất nóng và dồn dập. Ông Mãi không từ chối trả lời một câu hỏi nào.
Ông không có một tờ giấy nào trên tay hay màn hình nào trước mặt nhưng những con số mà ông nắm được liên quan tới những câu hỏi hay tình hình bệnh dịch và tới những vấn đề trợ cấp cho những hộ dân, đến việc những người nhập cư tới TP HCM rồi những hoạt động từ thiện, những hoạt động của các bác sĩ và tình nguyện viên thì tôi thấy là cả một cái chương trình dài 118 phút như vậy đã cho thấy một bức tranh toàn diện về tình hình bệnh dịch cũng như là những đường hướng mà TP HCM chống dịch trong nay mai, đồng thời cũng cho thấy phong thái một nhà lãnh đạo gần gũi với nhân dân, lắng nghe và đối thoại với nhân dân.
Tôi thấy những chương trình như thế rất tốt và tôi cũng mong mỏi những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng hay những điểm nóng về dịch Covid thì các nhà lãnh đạo cũng sẽ có cách đối thoại một cách trực tuyến với nhân dân kiểu như thế để nắm bắt thêm tình hình và mở ra một kênh đối thoại mới trực tiếp với nhân dân và được như thế thì rất quí.
Tôi cũng mong muốn một ngày nào đấy được thấy ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, sẽ lên sóng livestream để trò chuyện với bà con nhân dân thành phố. Tôi nghĩ là người dân cũng chờ đợi một buổi livestream như vậy đấy.