Link Video: https://youtu.be/Plbq-C5JBo4
“Tôi đòi đền bù một con voi và tôi chỉ được đền bù một trái táo”, ông Trịnh Vĩnh Bình, doanh nhân Hà Lan gốc Việt nói với BBC News Tiếng Việt hôm 23/09/2021.
Ông Trịnh Vĩnh Bình từng là doanh nhân thành đạt tại Hà Lan với biệt danh ‘Vua Chả Giò‘.
Ông đã bán hãng chả giò của mình để tập trung nguồn lực đầu tư vào Việt Nam theo lời kêu gọi Việt kiều về nước đầu tư của chính phủ những năm 1990.
Trong Chương trình ‘Gặp gỡ nhân vật, nhân chứng‘ hôm 23/09/2021, ông Trịnh Vĩnh Bình chia sẻ về những năm tháng kinh doanh thành công ở Việt Nam và trải nghiệm “khủng khiếp” trong thời gian tù đày mà ông cho là bị nhục hình ở đó.
Con đường trở lại Việt Nam
Theo lời kể của Việt kiều Trịnh Vĩnh Bình, ông và gia đình vượt biên đến Hà Lan năm 1976 để “tìm một nơi cho mấy đứa con học hành tốt hơn và tôi nghĩ là tôi cũng cần một môi trường phát triển tốt hơn“.
Lý do khiến doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình sau này lại trở về Việt Nam đầu tư, theo ông là vì:
“Thứ nhất, đây là cơ hội. Tôi bắt đầu thăm dò và cuối cùng tôi quyết định đầu tư thử.
“Thứ hai, tôi nghĩ là lá rụng về cội. Tôi thì tới một tuổi nào đó cũng sẽ trở về Việt Nam.”
Quyết định đầu tư này cũng nhận được sự ủng hộ từ phía Việt Nam, ông nói:
“Vào thời đó tôi tự tìm hiểu lấy và tôi tham khảo qua một số tư liệu chính thống và tôi liên lạc tòa đại sứ Việt Nam tại Pháp thì họ cung cấp cho một số tư liệu để nghiên cứu.
“Tòa đại sứ lúc đó cũng rất khuyến khích và cho rằng bây giờ cũng là thời điểm để Việt kiều có thể đi về đầu tư.”
Năm tháng tù đày ‘nhục hình’ ở Việt Nam
Trong thời gian làm ăn ở Việt Nam, ông Trịnh Vĩnh Bình bị vướng vào một vụ án mà ông cho là “án oan“. Ông kể lại:
“Vụ án này lúc đầu phát sinh từ chuyện công nhân trong công ty ăn cắp tiền, một số tiền cũng khá lớn rồi không đi đến được vấn đề thuyết phục để mà họ trả lại hay gì đó.
“Khi đó nó căng đưa tới vấn đề đưa vụ việc này ra công an địa phương. Thì lúc đó nhân viên cũ bị sa thải họ mới vu khống là công ty trốn thuế.
“Sau khi tôi bị những nhân viên cũ vu khống như vậy thì PA24 Vũng Tàu họ tìm cách chụp mũ chúng tôi là trốn thuế, họ làm càng ngày càng lớn ra.
“Vụ việc này đã từ cấp địa phương mà lên cấp rất là cao.”
Khi được hỏi về quãng thời gian đi tù ở Viêt Nam, ông Trịnh Vĩnh Bình không khỏi xúc động chia sẻ:
“Khi nói tới vấn đề bị tù tôi thường hay bị xúc động với vấn đề này. Đây là một nỗi đau, một cú sốc rất là nặng.
“Họ nhốt tôi vào một phòng rất là nhỏ, đây là cái phòng được họ nghiên cứu rồi.
“Họ nhốt vậy thì tôi bị nhục hình cả tháng trời và cuối cùng tôi cũng đã chịu đựng qua hoàn cảnh đó.
“Đây là một sự hãi hùng, phải nói là sự hãi hùng.”
“Họ bức mình, họ ép mình không được thì họ làm tới.”
Ông Bình cũng tiết lộ việc mình bị ép cung trong thời gian ở tù ở Việt Nam:
“Bữa đó họ làm cung, họ ghi những cái sai tôi không chịu và họ sửa hồ sơ tôi không chịu.
“Tôi ghi trong bản cung: “Tôi không có đồng ý, bản cung đã bị sửa và tôi không chịu ký.” Tôi ghi như vậy đó.
“Thì sau đó tôi lại đem vụ này ra tôi viết đơn gửi ra, họ không những không gửi đi mà họ đì tôi bằng cách họ nhốt tôi vào một phòng nhỏ, họ nhục hình tôi.”
Sau đó, doanh nhân Việt kiều Trịnh Vĩnh Bình bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kết án tù vì vi phạm quy định quản lý và bảo vệ đất đai, đưa hối lộ, đồng thời bị tịch thu tài sản tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Bình cho biết nhờ sự giúp đỡ của chính quyền Hà Lan ông đã được xử tại ngoại thay vì ở tù. Ông nói:
“Tôi rất cám ơn chính quyền Hà Lan. Phải nói mình sống ở một đất nước chính quyền người ta đã nhìn thấy được, đã từng gửi công hàm yêu cầu thả mình ra.
“Sau này tìm hiểu tôi được biết là ngày tuyên án phúc thẩm thì chụp tôi là tôi bị 11 năm tù gì đó, nhưng mà buổi sáng hôm đó ông tổng lãnh sự (Hà Lan) đã bay đến Hà Nội cùng bà đại sứ đến Bộ Ngoại giao làm việc và cho rằng đây là một vụ án có dấu hiệu bị oan.
“Cuối cùng, cuộc nói chuyện đó đã được dàn xếp là họ không bắt tôi, họ thả, họ để tôi bên ngoài có tội nhưng mà tại ngoại.”
Trong thời gian tại ngoại, ông Bình đã tìm cách trốn ra nước ngoài và bắt đầu quá trình khởi kiện ngược lại chính quyền Việt Nam.
Vụ kiện thế kỷ và kết quả bản án
Ông Bình cho biết ban đầu ông làm đơn kiện gửi tòa án ở trong nước Việt Nam nhưng bị kéo dài nhiều năm tháng mà không được giải quyết:
“Một cấp này cảm thấy cần phải làm rõ thì cấp khác nhảy vào ém xuống, cứ như vậy kéo dài năm tháng.”
Sau khi tìm hiểu luật pháp quốc tế, ông Bình đã khởi kiện chính phủ Việt Nam thông qua công ty luật Covington Burling của Mỹ ở Washington. Vụ kiện được chia làm hai giai đoạn:
“Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn vụ kiện khởi kiện năm 2004 và thay vì xử vào tháng 12/2006 ở Stockholm, Thụy Điển.
“Trước khi xử khoảng 7 – 10 ngày thì chính phủ Việt Nam với tôi sau khoảng hai năm thương lượng trên 10 lần, chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận ngoài tòa là tôi dừng phiên xử và chính phủ Việt Nam đền bù cho một số tiền về án để tìm luật sư và hứa trở về Việt Nam trả lại tài sản cho tôi, tạo cơ hội cho tôi làm ăn.
“Vì thỏa thuận đó tôi bắt đầu tôi trở về Việt Nam và chính phủ Việt Nam đều thực hiện mấy điểm trong đó như tiền để trả phí luật sư, rồi phục hồi lại công việc, tức là những cái đó thì thực hiện nhưng điểm lớn nhất là trả lại tài sản thì chính phủ Việt Nam không thực hiện.
“Từ điểm ko thực hiện đó thì tôi lại đưa vụ kiện lần thứ hai là năm 2014, tức là xử tháng 8/2017 tại Paris. Sau phiên xử đó cho tới tháng 4/2019 thì có một bản tuyên là tôi thắng kiện.
Tuy được xử thắng kiện nhưng kết quả bồi thường của bán án chưa thực sự khiến doanh nhân Việt kiều này cảm thấy hài lòng.
“Về phần bồi thường thì trong đó áp dụng một khía cạnh bồi thường mà chưa được toàn phần. Đấy là điều mà tôi cảm thấy vụ án còn để lại một khoảng rất là lớn.”
“Vụ án của tôi lúc đó theo cái đòi đền bù thì tôi ước lượng là nếu mà cộng hai mặt như chúng tôi đòi đền bù thì phải trên 1,2 tỷ đôla.
“Nhưng mà đền bù riêng cho vấn đề tài sản thì chỉ có 27 triệu đôla thôi. Và đền bù cho vấn đề bị nhốt thì chỉ có 10 triệu đôla thôi.
“Cả hai đều không thỏa đáng nhưng mà cái mà có căn cứ nhất, rõ ràng nhất là vấn đề tài sản sẽ bị chênh lệch. Tôi đòi đền bù một con voi và tôi chỉ được đền bù một trái táo.
“Mà tòa lại chỉ áp dụng ở một khía cạnh nào đó để đền bù. Thành thử ra nó để lại một khoảng lớn chưa được đền bù.”
“Tôi căn cứ vào những điểm lớn, những cái chưa đền bù đó thì tôi tiếp tục để mà đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải giải quyết.
“Tôi cũng đang liên lạc với chính phủ Việt Nam yêu cầu giải quyết và nếu mà chính phủ Việt Nam không giải quyết buộc tôi chỉ còn một con đường duy nhất là bắt buộc gặp nhau tại tòa án trong những thời gian tới nữa.”
Ông Bình cũng tiết lộ thêm là cho đến giờ số tiền đền bù tất cả cho ông là 45 triệu đôla, cộng lãi suất thêm nữa là trên 46 triệu.
Bài học về đầu tư vào Việt Nam và ‘những góc tối’ một thời
Từ bài học “đắng cay” của bản thân, ông Trịnh Vĩnh Bình khuyên các doanh nhân đầu tư vào Việt Nam cần tìm hiểu kỹ hành lang pháp lý trong nước trước khi đầu tư.
“Hành lang pháp lý Việt Nam cho đến ngày hôm nay vẫn chưa ổn. Luật một đằng thì cơ quan hành pháp lại làm một nẻo.
“Trong vấn đề hành pháp về kinh doanh cũng vậy, rất nhiều địa phương áp dụng một cách tùy tiện.
“Trong vụ của tôi thì rất nhiều, có những văn bản phải nói là lúc nào cũng xài câu cuối cùng là căn cứ luật. Nhưng mà sự thật họ áp dụng sai, áp dụng không đúng luật, thậm chí bịa ra nữa.
“Tôi nghĩ với hành lang pháp lý này thì quý vị nào đã về làm ăn rồi thì hết sức thận trọng, đừng có mộng quá lớn. Còn quý vị nào chưa về thì nên chờ, chờ cho hành lang pháp lý tương đối tốt.
“Còn tôi thì phải nói là tôi đã có một bài học rất đắng cay trong vấn đề cũng vì muốn về xây dựng quê hương, cũng vì muốn xây dựng lại quê hương sau thời chiến có những cái đổ bể, thay vì làm ăn ở nước ngoài mình về nước mình làm ăn để mình tạo công ăn việc làm, cũng một phần cho mình nhưng cũng cho gia đình, cho xã hội.”
Ông Trịnh Vĩnh Bình cũng thẳng thắn thừa nhận vẫn còn rất nhiều “góc tối” ở Việt Nam mà các nhà đầu tư nên thận trọng.
Ông Bình lấy dẫn chứng từ việc chính quyền Việt Nam xử các các nhân đã gây án oan sai trong vụ án của ông:
“Đúng ra tôi nghe thời đó bắt tới 17, 18 người là vì tôi là nhân chứng tôi làm việc với ban thanh tra của nhà nước trong đó có nhiều ban ngành thì họ cho biết họ sẽ bắt tới 17, 18 người.
“Mà rốt cuộc họ chỉ bắt có 3 người thôi. Tức là đầu voi rồi rốt cuộc họ làm đuôi se sẻ thôi.
“Thành thử ra vụ án này còn nhiều vấn đề mà rất là có những góc tối.”
“Đây là kinh nghiệm của tôi. Tôi xin nói một cách hơi úp mở một tý, có những góc khúc mà góc tối đó mình không thể lường được bởi vì Việt Nam góc tối rất là nhiều,” ông Bình chia sẻ.
Các tờ báo của nhà nước ở Việt Nam thừa nhận có vụ kiện quốc tế mà bên nguyên đơn là ông Trịnh Vĩnh Bình nhưng không đăng tải các chi tiết về vụ xử và quyết định buộc Việt Nam bồi thường.
Chẳng hạn, hồi 2017, các tờ báo viết:
“Tại buổi họp báo chiều 30/8, trả lời câu hỏi về quan điểm và phản ứng của Chính phủ trước vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – cho biết, theo các nguyên tắc về bảo hộ đầu tư, khi có tranh chấp vi phạm thoả thuận với một địa phương nào đó (trong vụ này là Bà Rịa – Vũng Tàu), nhà đầu tư nước ngoài không kiện địa phương mà sẽ kiện Chính phủ.
“Quan điểm của Chính phủ, của Thủ tướng là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cả với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trung tâm trọng tài Quốc tế đang xem xét vụ kiện nên chúng ta cũng phải đợi thôi”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.”
Sang tháng 4/2019, các báo Việt Nam trích lời Bộ Tư pháp nước này bác bỏ tin nói chính phủ VN “thua kiện“.
“Trong thông cáo phát chiều 12/4, Bộ Tư pháp cho hay ngày 10/4 Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Quy tắc Trọng tài UNCITRAL đã ra phán quyết về vụ kiện đầu tư của ông Trịnh Vĩnh Bình với Chính phủ Việt Nam…Bộ Tư pháp khẳng định một số trang thông tin điện tử và mạng xã hội đưa thông tin “phản ánh không chính xác nội dung của phán quyết cùng với những diễn giải, suy đoán chủ quan, gây hiểu nhầm“.