Link Video: https://youtu.be/4SHJmFE9XsA
Việt Nam lúc này đang tập trung các biện pháp để hồi phục kinh tế giữa dịch Covid-19, trong đó có kích thích tổng cầu, tạo việc làm, tiêu thụ hàng hóa…
Trong diễn tiến mới nhất, Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa có Tờ trình, trong đó tính toán tổng nguồn lực để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 là 800.000 tỷ đồng.
Việc huy động nguồn lực dự kiến từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, nguồn phát hành trái phiếu chính phủ, huy động các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và Quỹ dự trữ ngoại hối trong trường hợp cần thiết; nguồn vay từ các định chế tài chính.
Ông cho rằng ý thức cộng đồng và niềm tin vào chính phủ là hai trong các lợi thế của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế.
Lương Tuấn Anh: Việt Nam không thể so sánh với các nước phát triển về hệ thống chăm sóc y tế. Thứ hai, một bộ phận lớn người dân phụ thuộc vào nền kinh tế phi chính thức cũng gây khó khăn cho chính phủ trong việc thống kê và cứu trợ kịp thời.
Tuy nhiên Việt Nam lại có điểm mạnh là ý thức cộng đồng và niềm tin vào chính phủ. Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc ngăn chặn các đại dịch như dịch SARS vào năm 2003 đã giúp người dân nhận thức rõ sự nguy hiểm của đại dịch lần này và tầm quan trọng của việc ngăn chặn lây lan trong cộng đồng.
Chính hai yếu tố kể trên đã dẫn đến việc người dân cùng chung tay với chính phủ giải quyết vấn nạn này. Trong đợt dịch vừa qua, tôi rất xúc động khi thấy các hội tình nguyện đã đến tận những con hẻm nhỏ để giúp người dân mua hàng nhu yếu phẩm hay chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Những nhóm thiện nguyện này đã giúp nối dài cánh tay của Nhà nước đến những nơi mà y tế công không thể phục vụ được.
BBC:Ông đánh giá bối cảnh kinh tế quốc tế giai đoạn hiện nay là thế nào?
Vừa qua, Ngân hàng thế giới đã có phân tích rằng sau 18 tháng của đại dịch COVID-19, cả thế giới đang bước vào thời kỳ phục hồi lớn nhất trong 80 năm qua.
Kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng 5.6%. Tuy nhiên sự phục hồi này lại không đồng đều, chủ yếu đến từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Những nước có thu nhập thấp hoặc đang phát triển sẽ gặp phải một số khó khăn như việc khan hiếm vaccine dẫn đến khó mở cửa nền kinh tế.
Ngoài ra việc gián đoạn các hoạt động kinh tế và xã hội cũng làm mất đi nguồn lực lao động có chất lượng mà nếu bình thường có thể sẽ tiếp tục được nâng cao trình độ.
Việc suy giảm đầu tư nước ngoài và nợ công gia tăng cũng đe dọa sự phát triển kinh tế và xã hội.
Ngay trong một quốc gia, tác động của đại dịch cũng không đồng đều. Các ngành dịch vụ như khách sạn, nhà hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì không thể đáp ứng nhu cầu giãn cách xã hội. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người trẻ, và người nhập cư là những người gặp rủi ro cao hơn về mất việc làm. Đó là vì họ thường làm những công việc phải tiếp xúc nhiều với khách hàng và lại ở những vị trí khởi điểm của nghề nghiệp, nên khả năng làm việc ở nhà và giữ công việc là thấp.
Ngoài ra, với việc phục hồi của một số nền kinh tế đã dẫn đến việc tăng giá của một số hàng quan trọng như năng lượng và thực phẩm. Điều này không những làm gia tăng lạm phát vượt vòng kiểm soát mà còn tạo thêm nhiều áp lực cho các hộ gia đình thu nhập thấp, vốn đã gặp nhiều khó khăn vì mất việc trong thời gian qua.
BBC: Trong bối cảnh thế giới như vậy, tác động cho Việt Nam có thể là gì?
Tôi thấy có 2 thách thức cho Việt Nam. Đầu tiên thì để mở cửa, chúng ta cần vaccine. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thực sự chủ động về nguồn cung.
Thứ hai, phải chú ý bảo vệ những người yếu thế. Ngoài ra những doanh nghiệp nhỏ cũng cần sự giúp đỡ của Nhà nước. Trong một nghiên cứu gần đây mà tôi đã hợp tác với ĐH Ngoại thương và UNDP, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Nhưng đại dịch không chỉ mang đến thách thức mà cả những cơ hội không phải lúc nào cũng có. Thứ nhất, chuỗi cung ứng sẽ được sắp xếp lại. Thứ hai, làm việc từ xa giúp Việt Nam tiếp cận gần hơn với thế giới.
Có điều thú vị là các nước đều sử dụng tài chính công để tạo cú hích cho nền kinh tế. Tháng Ba vừa qua, chính phủ Mỹ đã thông qua gói cứu trợ 1,900 tỉ đôla. Đến tháng 10 năm nay, tổng thống Biden lại tiếp tục đề nghị 1 gói cứu trợ 1,750 tỉ đôla.
Chính phủ Anh cũng vừa thông báo chính sách tài khóa cho các năm sắp tới, với kế hoạch chi tiêu 150 tỉ bảng trong 3 năm từ 2022 đến 2025.
Về mặt lý thuyết, việc gia tăng chi tiêu công sẽ tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người lao động. Họ sẽ gia tăng chi tiêu, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho những người khác. Cứ thế, việc chi tiêu ban đầu của chính phủ sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế.
BBC: Nhưng như vậy sẽ dẫn đến bội chi ngân sách.
Có một số yếu tố có thể làm giảm nỗi lo bội chi ngân sách. Thứ nhất, nợ công của Việt Nam năm 2020 chiếm khoảng 55% GDP, nằm dưới trần nợ công 60% mà Quốc hội đã đưa ra vào tháng 7 vừa qua. Thứ hai nợ công của Việt Nam được dự báo tiếp tục giảm trong các năm tới (theo số liệu của ngân hàng trung ương Mỹ).
Thứ ba, các nước cũng đang gia tăng trần nợ công. Điều này đang nằm trong kế hoạch của Quốc hội. Do đó Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để chi tiêu công.
Chúng ta có thể nhìn vào kinh nghiệm các nước để rút ra bài học cho mình. Ví dụ như chính phủ Mỹ đã liên tục tung ra các gói cứu trợ để hỗ trợ cho các hộ gia đình vượt qua đại dịch. Chính phủ Anh cũng đã gia tăng mức lương tối thiểu lên 9.5 bảng một giờ.
Cũng như các nước, các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam đã phải chịu đựng việc ngưng trệ của nền kinh tế trong một thời gian dài. Việc tiếp sức cho họ vượt qua đại dịch là rất cần thiết.
Thứ hai, Việt Nam cần chuẩn bị cho một trạng thái bình thường mới. Trong trạng thái này, xu hướng dịch chuyển của nền kinh tế là sẽ làm việc từ xa với những kỹ năng như làm việc với máy tính và hội họp qua mạng.
Trong gói chi tiêu công của chính phủ Anh, chi tiêu cho khoa học cơ bản tăng lên gần 6 tỉ bảng một năm. Các chính sách về giáo dục và nâng cao khả năng làm việc của thanh niên cũng được đề cập. Ngoài ra, các khu vực xa trung tâm với khả năng kết nối kém cũng được đầu tư để bắt kịp xu hướng mới.