Link Video: https://youtu.be/fvwKSiKOGXg
Sự kiện trực tuyến chia sẻ về cuốn sách “Nothing Is Impossible” (Không gì là không thể) của Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius ở Đại học Fulbright Việt Nam đột ngột bị hủy bỏ mà không có thông báo về nguyên do khiến nhiều người thắc mắc.
Cựu Đại sứ Ted Osius bày tỏ thất vọng về sự việc, ông nói với BBC News Tiếng Việt hôm 4/11: “Có vẻ như ai đó không thích nội dung cuốn sách.”
Ngọc Anh, sinh viên ĐH KHXH&NV TP HCM nói với BBC News Tiếng Việt cô định đăng ký tham gia thì phát hiện bài đăng đã bị xóa: “Tôi thấy hành động hủy sự kiện không thông báo của FUV mờ ám.”
Đại sứ Ted Osius là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, từng nhiều năm làm việc trong các cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ tại châu Á.
Từ năm 2014 đến 2017, trong vai trò đại sứ Mỹ tại Hà Nội, ông được đánh giá là đã có nhiều đóng góp trong việc tăng cường quan hệ giữa hai cựu thù.
Rời cương vị đại sứ, tháng 11/2017, ông Ted Osius (sinh năm 1961 ở California), tiếp tục ở lại Việt Nam và đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) tại TP HCM đến tháng 6/2018.
Ghi nhận đóng góp của Ted Osius, nhà nước Việt Nam đã trao tặng ông Huân chương Hữu nghị vào năm 2018.
Chính vì vậy, việc sự kiện chia sẻ trực tuyến về cuốn sách của ông tại FUV bị hủy khiến nhiều người bất ngờ, nhất là khi ông Osius từng nắm chức vụ Phó Chủ tịch của trường.
Đại học Fulbright Việt Nam lặng lẽ xóa sự kiện
Cụ thể, hôm 30/10, trường Đại học Fulbright Việt Nam đăng trên trang Facebook và trang web của trường về sự kiện gặp gỡ, giao lưu trực tuyến với Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius (2012-2014) về cuốn sách mới ra mắt của ông.
Theo thông báo, sự kiện sẽ diễn ra vào thứ năm ngày 4/11/2021 vào lúc 20:00 đến 21:30.
Cụ thể, buổi trò chuyện với ông Ted Osius sẽ mở màn cho chuỗi sự kiện diễn giả của Fulbright với chủ đề: Thế giới qua những trang sách.
Tuy nhiên, chương trình đã bị hủy bỏ mà không có thông báo nào nhưng google cache vẫn lưu lại bài viết.
Cựu Đại sứ Ted Osius bày tỏ thất vọng về sự việc, ông nói với BBC News Tiếng Việt hôm 4/11:
“Tôi rất thất vọng vì Đại học Fulbright đã hủy bỏ một sự kiện mang tính công khai mà lẽ ra đây là cơ hội đầu tiên để tôi được trò chuyện với độc giả Việt Nam, trước công chúng về cuốn sách của tôi cũng như tình yêu của tôi đối với đất nước này.”
Khi được hỏi về lý do đằng sau việc hủy bỏ sự kiện, ông Ted Osius nói:
“Có vẻ như ai đó không thích nội dung cuốn sách.”
Đồng thời, vị cựu đại sứ cũng nói xin nhường lại cho trường Fulbright Việt Nam giải thích cặn kẽ hơn về nguyên nhân hủy bỏ sự kiện.
Sự kiện trao đổi về cuốn sách “Không gì là không thể” của cựu Đại sứ Mỹ tại VN được Fulbright Việt Nam quảng bá rầm rộ nhưng rồi lặng lẽ xóa bài
Một nguồn tin giấu tên nói với BBC rằng chính phủ Việt Nam cho rằng nội dung cuốn sách của ngài cựu đại sứ “có một số nội dung chưa phù hợp với Việt Nam“, vì vậy có thể đã có yêu cầu để Đại học Fulbright Việt Nam phải hủy sự kiện, lặng lẽ xóa thông báo mà không giải thích nguyên nhân cho công chúng.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, trường Fulbright Việt Nam từ chối bình luận với BBC News Tiếng Việt.
Hôm 23/9, Cựu Đại sứ Osius đã gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi ông Phúc đến Mỹ để dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 76.
Theo đó, ông Phúc đã chúc mừng việc ông Osius ra mắt quyển sách của mình và Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ – Hà Kim Ngọc – đã đề cập về cuốn sách với ông Phúc.
“Tôi nói với Chủ tịch Phúc rằng quyển sách được viết bởi một người thực sự yêu mến Việt Nam.” ông Osius viết trên trang Facebook của mình.
Ngọc Anh, người mong muốn tham gia chương trình ký tham gia sự kiện trên chia sẻ với BBC News Tiếng Việt cô cũng khá thất vọng vì không có cơ hội nghe phần chia sẻ của ông Ted Osius về cuốn sách này:
“Nếu như thực sự vấn đề nhạy cảm nằm ở quyển sách thì có thể thấy, bạn đọc Việt Nam khó mà tiếp cận hay đọc sách một cách chính thống mà phải qua các đường khác.
Chưa kể, Fulbright là đại học được cho là độc lập, nếu hủy như vậy mà không lời giải thích cho thấy họ không minh bạch, truyền thông mờ ám và chắc họ vẫn chịu áp lực nhất định từ chính quyền.”
Đại học Fulbright VN nhận tài trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Trường được giới thiệu hoạt động “theo các nguyên tắc quản trị thiết yếu của nền giáo dục ưu tú, đó là minh bạch và trách nhiệm giải trình, tự chủ, trọng dụng nhân tài, tôn trọng lẫn nhau và giảng dạy gợi mở“.
FUV được kỳ vọng là trường đại học được sẽ có “tự trị đại học” và theo tinh thần “khai phóng” ở Việt Nam, theo nhiều nhà nghiên cứu giáo dục.
Cuốn sách nhắc đến các nhân vật cấp cao VN
Nhận xét về hồi ký của Ted Osius, cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine K. Albright nói đây là “một cuốn hồi ký hấp dẫn của một trong những nhà ngoại giao giỏi nhất của Hoa Kỳ“.
Trong cuốn sách, Ted Osius có nhắc đến các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam như ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Chí Vịnh và nhiều nhân vật cấp cao khác mà ông có dịp tiếp xúc thời làm đại sứ.
Trả lời BBC News Tiếng Việt vào tháng Tám, ông cho biết: “Cuốn sách của tôi là câu chuyện của những người chuyển từ cựu thù thành bạn và những người chấp nhận rủi ro từ cả hai phía.
Tôi viết về John Kerry và John McCain. Hình ảnh John Kerry rất đẹp trong cuốn sách. Tôi còn viết về đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau chiến tranh, Pete Peterson.”
Nói về cảm hứng cho cuốn sách, ông Ted Osius nhắc đến Pete Peterson – đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam sau chiến tranh và là đại sứ đầu tiên đến Hà Nội.
“Ông ấy là một tù nhân chiến tranh, vì vậy ông ấy hiểu nỗi đau chiến tranh. Ông ấy đã ngồi tù nhiều năm. Nhưng rồi ông ấy đến Việt Nam và hòa giải.
Ông ấy nói về sự thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam và sự hội nhập của Việt Nam với khu vực và thế giới rất tích cực.”
Trong hồi ký, Đại sứ Ted Osius tiết lộ các khó khăn của việc dàn xếp cho ông Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ năm 2015.
Ông cho biết ngay từ những tháng đầu làm đại sứ, ông thường xuyên được nhận thông điệp của phía Việt Nam rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn gặp Tổng thống Barack Obama tại Mỹ.
Nhưng khó là Hoa Kỳ hiếm khi nào mời lãnh đạo đảng.
Ted Osius cho hay ban đầu, khi ông đề nghị Nhà Trắng tiếp, ông bị từ chối.
Giới chức Mỹ nói với Osius rằng ông Trọng có thể đi thăm Mỹ nhưng khó mà gặp được Obama.
Đại sứ Ted Osius đã phải nhờ nhiều người, trong đó có Tommy Vallely, là bạn và cố vấn cho Ngoại trưởng John Kerry.
Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của Obama, phản đối chuyến thăm, nói rằng tổng thống Mỹ không cần gặp lãnh đạo đảng.
Ngoại trưởng John Kerry, khi ăn trưa với Obama, đã thuyết phục thành công.
Đại sứ Ted Osius hồi tưởng: “Việc giúp có cuộc gặp của ông Trọng và Tổng thống Obama là thành tựu quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của tôi.
Chuyến thăm của tổng thống đến Việt Nam năm 2016 cũng quan trọng nhưng sẽ không đầy đủ, ý nghĩa nếu ông Trọng đã không thăm Mỹ trước.”
“Một số nhà quan sát đã ngụ ý rằng chuyến thăm Washington giúp củng cố ưu thế chính trị đang tụt giảm của ông Trọng, còn có người lại nói chuyến thăm cho ông Trọng sự chính danh lãnh đạo mà ông không thể có tại một quốc gia với hệ thống nghị viện.
Dù sao thì ít nhất, chuyến đi của ông Trọng đã giúp có các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Việt thành công năm 2016 và 2017 vì mỗi chuyến đi cấp cao lại xây dựng từ chuyến đi trước đó.”
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Biển Đông: ExxonMobil rút khỏi dự án Cá Voi Xanh ‘sẽ không chỉ có tác động kinh tế’
>>> “Tô Lâm” và “bò dát vàng”: Dân Việt đổ xô tìm kiếm trên Google
>>> Trường đại học Anh có nên đổi tên trường vì “món quà” của nữ tỷ phú Việt?
Facebook bỏ chặn từ khoá tìm kiếm vụ Bộ trưởng Tô Lâm ăn bò dát vàng
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT