Thói đạo đức giả của quan chức có nguyên nhân thể chế

Link Video: https://youtu.be/LH5t9jphDww

Thói đạo đức thường được che đậy tinh vi, nhưng bộc lộ trong điều kiện ‘không bình thường’ như ‘thời chiến’ chống dịch COVID-19.

Hơn thế, thói đạo đức giả của quan chức có nguyên nhân thể chế.

Một trong những nghĩa của từ đạo đức giả theo nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp ὑπόκρισις (hypokrisis) là “diễn” liên quan  đến một mức độ giải thích, đánh giá hay “phán xét“.

Theo nghĩa triết học chính trị đó là những kiểu “tuyên bố về kiến thức mà người ta thiếu, yêu cầu về sự nhất quán mà người ta không thể duy trì, yêu cầu về lòng trung thành mà người ta không có, yêu cầu về một danh tính mà người ta không nắm giữ”.

Ngoài ra, đạo đức giả chính trị được mô tả thực chất là “việc sử dụng mặt nạ một cách có ý thức để đánh lừa công chúng và đạt được lợi ích chính trị“.

Trước hết, xin dẫn hai minh chứng, hình ảnh gần đây nhất được truyền thông phản ánh nhiều có liên quan đến chống dịch COVID-19 hiện nay.

Trước hết, nếu bạn để ý theo dõi các phát ngôn của lãnh đạo trong chương trình Thời sự của Đài truyền hình Việt Nam, thì cụm từ “mỗi phường, xã là một pháo đài chống dịch” là câu cửa miệng.

Nếu ông thủ tướng hay chủ tịch nước nói ra thì là một nhẽ, nhưng đằng này các lãnh đạo cấp địa phương tỉnh thành, quận huyện hay các vị lãnh đạo ban ngành như mặt trận, y tế, hội… cũng đều lặp lại “thông điệp” như ‘vẹt’ trong hầu hết các cuộc họp chuyên môn hay họp bàn về chống dịch mà họ chủ trì.

Đành rằng đây có thể là ‘phương châm’ chỉ đạo, nhưng cụ thể, như lực lượng, y tế, cứu trợ… ở mỗi địa phương mỗi cấp thế nào thì không có phương án thực hiện.

Tại sao ông Chủ tịch thành phố hay Chủ tịch quận không đi kiểm tra cấp cơ sở để đến khi ông Thủ tướng kiểm tra đột xuất thì mới rõ ở phường thậm chí không có ai là lãnh đạo trực, và không có bất kỳ phương án phòng chống dịch nào…

Ảnh: người ngồi bên cạnh ông Tô Lâm ăn món bò dát vàng nghìn đô ở Anh mới đây, là Trung tướng Tô Ân Xô từng bị dân mạng phát hiện đeo sợi dây nịt có trị giá 5 ngàn Đô la Mỹ tương đương hơn 115 triệu đồng Việt nam. Trước phiên xử 29 người dân Đồng Tâm hồi tháng 9/2020, Trung tướng Tô Ân Xô trong vai trò Chánh văn phòng Bộ Công an đã gọi cụ Lê Đình Kình là “một loại cường hào, địa chủ mới”

Một vị Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, cơ quan có chức năng cứu trợ người dân, nói trong một buổi họp báo rằng trong đợt dịch này “không có ai bị đói hay thiếu ăn”.

Khi báo chí dẫn lời thì ông ta ‘cãi’ rằng không nói như vậy cho đến khi phóng viên đưa “băng ghi âm” làm bằng chứng, ông ta mới buộc phải nhận.

Thói đạo đức giả của ông này không những chỉ thiếu trung thực, coi thường ‘giới báo chí’, sợ trách nhiệm, mà còn ‘vô cảm’ khi định giấu giếm thực tế rằng đợt dịch này đã làm hàng chục triệu người lao động nghèo thêm, phải tìm cách thoát thân khỏi tâm dịch để về quê, hàng nghìn em nhỏ mồ côi cha mẹ, nhiều người dân trong ngõ hẻm sâu không thể được tiếp tế lương thực, thực phẩm thiết yếu, thuốc men kịp thời.

Hàng chục nghìn tỷ đồng tiền cứu trợ cho các đối tượng nghèo nhưng còn lâu mới có thể đưa cuộc sống của họ trở lại bình thường…

Thói đạo đức giả của quan chức có hai nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Trước hết, cá nhân các quan chức không ‘tự giác’ tu dưỡng, rèn luyện theo các chuẩn mực đạo đức cách mạng, theo lời răn hay tấm gương của lãnh tụ, nên đã dần suy thoái đạo đức, lối sống.

Hơn thế, nhiều kẻ trong số họ có quyền chức, bằng cách trực tiếp hay gián tiếp bổ nhiệm cán bộ, nhân viên theo cái gọi là ‘trật tự ưu tiên: nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, tam quan hệ, tứ đồ đệ’ khiến tình hình suy thoái trở nên nghiêm trọng và mang tính hệ thống.

Ảnh: ông Lê Minh Tấn Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM người nói câu: “không có ai thiếu ăn, khốn khổ vì dịch”

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là do thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực cần thiết như đối trọng chính trị, cơ chế công khai minh bạch, giải trình trách nhiệm trước nhân dân.

Đạo đức là thuộc tính cá nhân hình thành trong mối quan hệ tương tác trong đời sống thực của xã hội, trong đó thể chế chính trị và kinh tế, đời sống người dân và quan chức… là các bộ phận liên quan và tác động qua lại.

Tuy nhiên, chế độ toàn trị đã tách biệt hệ thống chính trị, trong đó chế độ đặc quyền đặc lợi riêng, công tác cán bộ là khép kín, nội bộ, xa rời cuộc sống thực đang chịu sự tác động bởi thị trường, đòi hỏi sự phân quyền và các giá trị dân chủ.

Trong bối cảnh ‘xa Đảng, gần tiền’, chủ nghĩa cơ hội đã phát tác, các quan chức, bề ngoài như lời nói ‘cao đạo’, tỏ ra trung thành với đảng, với lãnh tụ, lý tưởng cộng sản, nhưng bên trong, là hành vi nhận hối lộ, tham nhũng, tiêu cực.

Chiến dịch ‘đốt lò’ chỉ là giải pháp cho ‘phần nổi của tảng băng trôi’. Kẻ đạo đức giả chỉ lộ diện khi ‘quá khứ nhúng chàm’ bị phát hiện.

Có nhiều minh chứng cho nhận xét này. Xin dẫn một trường hợp mới xảy ra gần đây.

Một vị giáo sư, tiến sĩ, giám đốc một bệnh viện lớn của nhà nước, vừa kết thúc chỉ đạo chống dịch với tư cách là giám đốc một bệnh viện dã chiến trong vùng tâm dịch, liền bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái quy định đấu thầu” thiết bị y tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông ta từng có nhiều phát ngôn ‘lời hay ý đẹp’ trên nghị trường về y đức, về phẩm chất của người cán bộ lãnh đạo về nỗi đau của bệnh nhân, nỗi nghèo khó của gia đình họ… khi ông là Đại biểu Quốc hội khoá 14.

Ông này từng là một trí thức giỏi chuyên môn, từng được Đảng để mắt tới, ‘nâng đỡ’, tạo cơ hội quy hoạch cán bộ “lãnh đạo cấp chiến lược”.

Dư luận tiếc nuối một tài năng ngành y, một ‘bàn tay vàng’ trong các ca phẫu thuật cứu các bệnh nhân tim mạch hiểm nghèo…

Nhà nước sinh ra là để cai trị, tuy nhiên, chế độ dân chủ, theo cố Thủ tướng Anh Winston Churchill, là mô hình nhà nước ‘đỡ tồi tệ’ hơn cả, khi quyền lực được phân lập và bị kiểm soát bởi người dân. Chính trị là một nghề bởi vậy cần sự chuyên nghiệp.

Quan chức cũng là diễn viên trên sân khấu chính trị, họ phải cố “diễn” sao cho tròn vai tuỳ thuộc ai thuê họ.

Bản chất sự việc rằng tiền ngân sách nhà nước nuôi bộ máy lãnh đạo là tiền thuế của dân, vì vậy người dân phải có quyền đòi hỏi một thể chế sao cho họ có thể ‘quyết định sinh mạng’ chính trị của bất cứ quan chức nào trong hệ thống.

Nếu ai muốn trở thành chính khách, anh phải thể hiện năng lực và phẩm chất qua sự cạnh tranh công khai và được chọn lựa bởi số đông dân chúng.

Người thắng cuộc buộc phải nỗ lực thực hiện các cam kết trước cử tri trong suốt nhiệm kỳ bởi cơ chế minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Ngoài ra, quy định về việc phế truất tồn tại trong nhiều chế độ dân chủ phát triển.

Không cần phải có nhiều kiến thức về chế độ dân chủ như vậy, song nhiều người dân Việt vẫn còn ‘ấn tượng’ với các chuyến công du của các tổng thống Mỹ đến Việt Nam.

Thí dụ, năm 2016 Tổng thống Mỹ Barak Obama, khi phát biểu tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, ông ấy với mở đầu bằng việc dẫn hai câu trong bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam vua nam ở / Rành rành định phận tại sách trời” để khéo léo khẳng định việc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.

Ông còn lảy Kiều: “Rằng trăm năm cũng từ đây / Của tin gọi một chút này làm ghi” như một cam kết lòng tin khi kết thúc bài phát biểu.

Buổi tối ông ấy đã đi ăn bún chả tại cửa hàng ‘bình dân’ ở phố Lê Văn Hưu, Hà Nội.

Thói đạo đức giả của quan chức Việt nam cần bị lên án và loại bỏ khỏi sân khấu chính trị bởi cơ chế kiểm soát quyền lực bởi nhân dân, phù hợp với thực tế thị trường. Liệu cải cách hiện nay có thể hướng đến một thể chế như vậy?

Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Biển Đông: ExxonMobil rút khỏi dự án Cá Voi Xanh ‘sẽ không chỉ có tác động kinh tế’

>>> “Tô Lâm” và “bò dát vàng”: Dân Việt đổ xô tìm kiếm trên Google

>>> Trường đại học Anh có nên đổi tên trường vì “món quà” của nữ tỷ phú Việt?

“Hoạ vô đơn chí” đối với Bộ trưởng Tô Lâm


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT