Link Video: https://youtu.be/HH2jjbfR-es
Trong vài tuần gần đây, những tình tiết liên quan đến chuyện kỷ luật, khởi tố hàng loạt viên chức của nhiều ngành, ở đủ mọi cấp chỉ khiến thiên hạ thêm ngao ngán về sự mục ruỗng của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam.
Sự mục ruỗng này đã đến mức vô phương cứu vãn!
Truy cứu trách nhiệm bằng các hình thức kỷ luật của đảng, tước bỏ những chức vụ từng… mang, dùng các biện pháp hành chính để xử lý, thậm chí xem xét trách nhiệm hình sự giống như… dát vàng nhưng đều là vàng giả!
Chẳng hạn chuyện bà Nguyễn Thị Thu Hương – Hiệu trưởng trung học Ngô Quyền, ở quận Lê Chân, Hải Phòng “tự… chế tạo” đủ loại phí, quỹ, buộc phụ huynh phải đóng góp, thu – chi tùy tiện, thiếu rạch ròi, có dấu hiệu thâm lạm.
Chuyện này hoàn toàn không mới và không chỉ xảy ra ở trường này nhưng trước kia đã có và sau này sẽ có bao nhiêu cán bộ quản lý giáo dục bị khởi tố, tống giam vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”?..
Chẳng hạn chuyện ông Lê Hùng Sơn, Bí thư huyện Cô Tô, Quảng Ninh bị cáo buộc cưỡng hiếp một nữ công chức. Trước ông Sơn từng có hàng loạt viên chức bị cáo buộc xúc phạm nhân phẩm, thân thể hoặc cưỡng hiếp nữ thuộc cấp nhưng có bao nhiêu viên chức lập tức bị… “đình chỉ công tác” để điều tra?
Đâu phải tự nhiên mà nhiều người tin rằng ông Sơn dính… “bẫy” bởi các hệ thống vốn đã từng tha không ít… đồng chí không chỉ sai phạm tương tự nhiều lần mà còn đe dọa khiến nạn nhân không thể tố cáo…
Tương tự, lẽ nào có thể xem việc Ủy ban Kiểm tra của BCH TƯ đảng kỷ luật bà Nguyễn Thị Kim Tiến – cựu Bộ trưởng Y tế, cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Y tế nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy Cục Quản lý Dược, khiển trách Đảng ủy Cục Quản lý Dược, khiển trách Thứ trưởng, Cục trưởng của Bộ Y tế,… như bằng chứng của… nghiêm minh?
Vì sao người Việt đều nhận ra từ lâu, rằng các viên chức lãnh đạo Bộ Y tế thiếu trách nhiệm để nhiều đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh và cá nhân vi phạm pháp luật trong việc cấp phép nhập khẩu thuốc, thực hiện liên doanh liên kết, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.
Rất nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, một số bị xử lý hình sự, thế mà đến bây giờ, Ủy ban Kiểm tra của BCH TƯ đảng mới đột nhiên… nhận ra những yếu tố gây hậu quả nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước gây bức xúc trong xã hội?
Chuyện đến bây giờ, ông Trương Quốc Cường – nhân vật đang đảm nhận vai trò Thứ trưởng Y tế mới bị khởi tố và đề nghị truy tố vì “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” khi còn là Cục trưởng Quản lý Dược chẳng khác gì trò hề.
Vụ VN Pharma nhập khẩu – kinh doanh thuốc giả bùng lên cách nay sáu năm, nhưng vì sao đến bây giờ hệ thống tư pháp mới nhìn ra là cần… truy cứu trách nhiệm hình sự của ông Cường?
Vụ án VN Pharma khởi tố từ tháng 11 năm 2015, xét xử sơ thẩm lần thứ nhất từ tháng 8 năm 2017, thế mà ông Cường vẫn được lựa chọn, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn, vì sao lại thế (?) – tiếp tục là câu hỏi không có câu trả lời và tất nhiên không có ai phải chịu trách nhiệm!
Đến giờ – gần hai tuần sau khi Nusret Gökçe, nhân vật có biệt danh là “Salt Bae” công bố video clip ghi cảnh chế biến… bò dát vàng rồi rắc muối, đút cho Đại tướng Bộ trưởng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, thưởng thức. Tuy nhiên tất cả Ủy viên Bộ Chính trị, Văn phòng BCH TƯ đảng, Phát ngôn viên Bộ Công an cho đến đương sự cùng im lặng.
Có thể vì im lặng cũng là… vàng! Kể cả với… Ủy ban Kiểm tra của BCH TƯ đảng – cơ quan gần đây đảm trách vai trò dát vàng cho chính thể!
Chuyện nhà thì quáng, chuyện ngoài thì sáng
Từ khi Bộ trưởng Tô Lâm ăn thịt bò dát vàng bên Anh bị lộ, hơn một tuần qua, cả hệ thống truyền thông “lề đảng” im như thóc.
Cũng câu chuyện tương tự, xảy ra hơn ba năm trước với tổng thống Nicolás Maduro của Venezuela, thì nhiều tờ báo trong nước lớn tiếng lên án.
Ngày 19-9-2018, báo Một Thế Giới dẫn có bài: “Tổng thống Venezuela ăn thịt bò, hút xì-gà trong khi dân đói“.
Dẫn nguồn từ Reuters, bài báo cho biết: “Trên đường về Venezuela sau chuyến thăm Trung Quốc để vay thêm tiền, vợ chồng Tổng thống Nicolas Maduro ăn thịt bò bíp-tếch tại nhà hàng Muối Bae ở Istanbul, khiến người dân Venezuela đang đói ăn phẫn nộ”.
Ngày 20-9-2018, báo Dân Trí giật tít: “Tổng thống Maduro hút xì gà, ăn thịt bò ngập bàn, dân đói Venezuela phẫn nộ“.
Bài báo có đoạn: “Đông đảo người dân đã lên án tổng thống Venezuela khi ông dùng bữa tại nhà hàng bít tết Nusr-Et nổi tiếng ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ trên đường trở về từ chuyến thăm Trung Quốc“.
Trong khi đó, vụ việc tương tự xảy ra với ông Tô Lâm, đương kim Bộ trưởng Công an Việt Nam. Không riêng mạng xã hội tiếng Việt, mà hầu hết các tờ báo lớn ở Mỹ, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ… và báo chí châu Á đều đưa tin này, nhưng truyền thông Việt Nam bịt mắt, bịt tai, xem như chuyện này chưa hề tồn tại.
Dường như tất cả các nhà báo trong nước đồng loạt tự… khóa mõm! Rõ ràng là “chuyện nhà thì quáng, còn chuyện ngoài thì sáng”.
Cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo của ta, mỗi lần bị “chiếu đèn” là đều cơ man những lỗi. Lỗi to lỗi nhỏ, lỗi từ tư tưởng, đạo đức đến lỗi năng lực, lỗi trách nhiệm. Đủ cả. Vậy mà cũng con người đầy lỗi ấy, chỉ đâu vài ba năm trước, tìm cho được, soi cho thấy một tí khuyết điểm, khó cực.
Nó tựa như tuyến tính nhân vật trong truyện cổ tích dân gian. Đã là nhân vật chính diện thì tốt từ đầu chí cuối. Xấu thì xấu cả tổ tông họ hàng. Họa hoằn lắm mới được “cứu vớt” bằng chút tỉnh ngộ giờ chót.
Trong truyện cổ tích Tấm Cám, mẹ con Cám xấu và ác. Tấm hiền lành và tốt. Ấy vậy mà “người tốt Tấm” tới ngày làm mắm Cám, gửi cho mẹ Cám ăn. Cái dị bản này phần nào nói lên một khía cạnh… quái dị của “người tốt”. Lạ là, truyện cổ tích thì hai tuyến nhân vật hẳn hòi. Còn cán bộ ta thì hai tuyến nhân vật ấy là một.
Có một thực tế: khi một vị cán bộ, lãnh đạo nào đó “ngã ngựa”, chẳng đợi ra tới dân đâu, ngay trong “hệ thống”, “hàng ngũ nội bộ” đã có tiếng xì xầm: “giờ mới biết hả, ông ta/chị ta là vậy đó”, “giờ bị rồi thì mọi người mới hay, chứ nào giờ, bản tánh đó, có lạ gì”…
Ai xấu, ai tốt, ai nửa xấu nửa tốt, ai tốt nhiều hơn xấu, ai hèn và cơ hội… thật ra, trong nội bộ biết nhau hết, có thể biết ít biết nhiều, mỗi thứ một chút “biết tỏng nhau” từ năng lực đến tư cách, đạo đức, gia thế, chỗ dựa quyền lực…
Nhưng, từ biết đến nhận diện, chỉ rõ, phê bình về việc vi phạm “những điều không được làm” một cách chính diện, chính thức trong cuộc họp và “lưu trữ văn khố” bằng biên bản thì cả một khoảng cách vời vợi.
Cho nên, một chục cũng như cả tá, ai nấy đều xếp loại cuối năm từ tốt đến xuất sắc, cả về mặt đảng lẫn chính quyền, bằng khen, giải thưởng ôi thôi đủ cả. Nhưng khi “vỡ hoang” thì mới toang một nhát: từ chính diện thành phản diện chỉ trong 1 nốt nhạc! Lại phản diện cả bầy đàn từng chính diện.
Nhìn đường dây chạy án liên quan giám đốc bệnh viện Thủ Đức hay ông “nhất thể” Cô Tô là rõ.
Họ có thể đăng đàn, mở miệng nói những điều không ai nghĩ, hay có “cậy em em có chịu lời” thì cũng chả ai chịu nói, đằng này “mải mê chống dịch” đến độ không ai kịp điều chỉnh giá kít xét nghiệm. Họ nhúng chàm những hành vi xấu xa, độc ác ở mọi nơi mọi lúc mà chẳng ai kịp nghĩ ra họ bị gài bẫy hay “thuốc nước”.
Hình như, một bộ phận không nhỏ cán bộ chỉ thích có “của” để dành. Lắm nhà, nhiều xe, vô số bạc.
Của nả họ càng giàu thêm, mạnh lên thì đảng của họ càng “nghèo” đi trong “gia tài lòng tin” của dân chúng. Đất nước của… chúng dân lại vì thế mà thêm yếu nhược.
Hình như, phải đến khi chạm tay vào song sắt, họ mới cơ may trở thành “chính diện”!
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Luật pháp nên đứng ở đâu trong những bữa tiệc xa xỉ của quan chức?
>>> Công an chĩa súng thẳng vào nhân viên y tế: “Tôi chỉ dọa!”
>>> Chuyện của những người giàu “mới”, Việt Nam hôm nay
Đà Nẵng: Dân bị công an triệu tập sau khi bắt chước “thánh rắc muối”
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT