Người Việt ở Berlin: ‘Những hôm không lạnh, tôi ngủ ngoài đường’

Link Video: https://youtu.be/hMYVeybCFeA

‘Sang Đức giữa dịch Covid tôi rơi vào bước đường cùng’

“Tôi quê Quảng Bình,” anh Nguyễn V T nói với BBC Tiếng Việt từ một địa điểm ngoại vi Berlin. “Tôi qua đây đã được hơn một năm.”

Chi hết hơn 500 triệu đồng để rời quê nhà bằng đường đi lậu qua ngả Nga, anh T tới Berlin ngay trước khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại châu Âu.

Anh T là một trong số những người Việt hiện đang sống cảnh “không quần áo” – tiếng lóng ám chỉ không có giấy tờ hợp pháp ở Berlin.

‘Không quần áo’ theo nghĩa bóng, và không chốn nương thân, theo nghĩa đen.

Thấy chỗ nào có người cùng quê hương thì tôi xin ở nhờ, chỗ này một ít chỗ khác một ít, mỗi nhà độ một tuần,” anh T nói về cuộc sống của mình trong những tháng ngày qua. “Những hôm không lạnh, tôi ngủ ngoài đường.”

Tình cảnh của anh T có lẽ không phải là hiếm hoi, và cũng không phải là điều gì xa lạ đối với cộng đồng người Việt tại Berlin.

Họ thấy thương, nên cho tôi gạo, thức ăn. Tôi đi xin về ăn,” anh T kể. “Có nhiều người qua đây có hoàn cảnh giống tôi, rất nhiều người. Chúng tôi chia sẻ với nhau.”

Tôi cũng xin người này một ít, người kia một ít. Những người cùng quê họ thấy mình vất vả, lâm cảnh thế này thì họ thương, họ cho tiền, người cho dăm chục, người cho ba chục.”

Ảnh: anh Nguyễn V T – hiện sống không giấy tờ tại Berlin Đức

‘Lâm bước đường cùng’

Cuộc sống vất vưởng nơi đất khách chưa phải là tất cả, bởi gia đình anh T còn có một khoản nợ lớn ở quê nhà.

Tôi để từ Việt Nam ra đi đã phải vay ngân hàng mấy trăm triệu, sổ đỏ, đất nhà đều đem thế chấp hết rồi. Vay ngân hàng thì số nợ gốc nằm đó, lãi suất phải trả hàng tháng,” anh nói.

Trả một khoản tiền lớn để ra đi, anh T mong sẽ đem đến cho gia đình một mức thu nhập tốt hơn, bởi, như anh nói, việc kiếm tiền ở quê khó khăn khiến gia đình anh lâm cảnh “nợ chồng nợ“.

Tôi chọn đi Đức vì nghe phong phanh những người đã đi trước nói là qua Đức làm đỡ hơn ở quê nhà. Ở quê, tôi làm nghề biển thì đói, nợ chồng nợ.”

Ở nhà làm một tháng được dăm ba triệu, họ nói ở đây có khi một tháng được mười mấy hai mươi triệu, đỡ hơn nhiều. Mình có thể trả được lãi ngân hàng, rồi từ từ tiết kiệm đủ để nuôi con cái, gia đình.”

Nhưng giờ sang trúng vào đợt dịch bệnh, tôi thấy thực tế sai với những lời đồn đại và khác với những gì tôi tưởng.”

Lỡ qua đây rồi, tôi ước mong làm sao trả được nợ để tôi quay về với gia đình, vợ con. Tôi đã đánh đổi tất cả hạnh phúc của gia đình để qua đây, lỡ bước đường cùng rồi, giờ phải chấp nhận và tìm cách kiếm một công việc để trả nợ.”

‘Kiếm tiền nơi đất khách’

Anh T nói công việc bình thường duy nhất mà anh từng xin được kể từ khi tới Đức đến nay là làm phụ việc cho một cửa hàng hoa.

Có lẽ đó cũng là thời gian ‘dễ thở’ nhất đối với anh, vì anh ít nhiều cũng gửi được tiền về cho gia đình, dẫu rằng anh vẫn phải sống một cuộc sống chui nhủi.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến công ăn việc làm ở đâu cũng trở nên khó khăn

Hồi mới sang, tình hình dịch bệnh chưa nặng, có người cho tôi làm việc ở cửa hàng hoa. Tôi phụ việc, dọn đồ, bưng bê cho người ta chứ không biết làm gì khác. Được vài tháng đầu tiên, gửi được một ít tiền về trả lãi ngân hàng.”

Dịch bùng phát căng quá, cửa hàng hoa đóng cửa. Từ đó tôi không xin được việc làm ở đâu.”

Sau đó, để có tiền qua ngày, anh T nói anh phải chấp nhận làm bất kỳ việc gì, kể cả bán thuốc lá lậu, “trừ ăn cắp, giết người, cướp của“.

Có một đợt, tôi đi bán thuốc lá cho người ta, bị công an bắt. Họ không hỏi gì nhiều, chỉ lăn dấu vân tay, chụp hình, hỏi mình ở đâu, họ tên là gì. Vậy thôi, rồi họ thả ra.”

Tôi cảm thấy họ không bực bội căm ghét gì mà thái độ rất tốt, đối xử tốt. Khi bắt, trong người mình có thuốc lá thì họ tịch thu thuốc.”

Tôi buộc phải làm bất kể việc gì, để có tiền sinh sống. Chỉ có ăn cắp, giết người, cướp của thì dù có chết đói tại nước Đức tôi cũng không làm. Còn các việc khác, như đi bán đồ, làm thuê cho người ta, việc gì tôi cũng làm.”

Nhưng bây giờ bán thuốc [lậu] không ăn thua, mỗi ngày kiếm được đôi ba chục. Đang dịch bệnh, tiền ăn không có, tôi biết đi đâu được? Tôi lúc này chỉ muốn kiếm tiền để ăn cho qua ngày, chống chọi với mùa dịch. Đâu có tiền mà nghĩ tới chuyện gì sâu xa?”

Hành trình sang Đức

Từ Việt Nam, có người dẫn dắt đi qua Nga. Tôi ở lại Nga khoảng 15 ngày rồi qua đây. Người ta đưa đi, tôi không cầm giấy tờ gì,” anh T kể về quá trình từ Việt Nam tới Đức.

Từ Nga sang Đức, tôi nhớ là mất khoảng một tuần. Người ta đưa đi bằng ô tô, nam cũng có, nữ cũng có, phải đổi xe qua mấy chiếc ô tô.”

Trên đường đi, người ta đối xử cũng tốt, nhưng tôi cảm thấy con đường đi quá gập ghềnh, quá nguy hiểm, quá sợ hãi.”

Lúc đi là đi người không, áo quần cũng không được đưa đi vì họ bảo đi trên xe không được cồng kềnh, không được mang theo thứ gì hết.”

Tôi phải bỏ hết tất cả mọi thứ ở Nga. Chỉ có bộ áo quần và đôi giày trên người thôi.”

Sang tới đây, mạnh ai nấy đi. Ai có bà con anh em, người quen ở đây thì đi tìm người nhà, còn ai không có thì tự đi tìm chỗ nào nhờ cậy được.”

Trong những tuần đầu tháng Ba vừa qua, hàng loạt báo lớn ở Berlin đã có các bài, tin về kết quả cảnh sát điều tra các đường dây Việt Nam đưa người lậu vào Đức và châu Âu.

Các tường thuật này mô tả Đồng Xuân Center ở Berlin như một điểm quan trọng móc nối, trung chuyển người nhập lậu.

Cộng đồng người Việt ở Đức xôn xao, nhiều doanh nhân lo lắng.

Có ý kiến cho rằng truyền thông Đức cố ý mở chiến dịch “nói xấu cộng đồng Việt chuẩn bị cho ý đồ gì đó“, “kết tội Đồng Xuân oan“, “người Việt chi tiền để tới Đức sống khác gì người Phi, người Trung Đông, đâu có gì sai?”.

Cũng có ý kiến từ cộng đồng Việt ở Đông Berlin bác bỏ những cáo buộc “buôn người“, hay “dùng lao động trẻ em” từ Việt Nam, mà một trang web của Đức (Taz.de) đã trích đăng tuần này.

Thực tế là với những người như anh T, thì Đồng Xuân trở thành địa chỉ đầu tiên họ muốn tìm đến.

Lúc đầu tiên tôi qua đây, tôi không quen biết ai, tôi vào chợ Đồng Xuân. Tôi nghe người ta nói vào Đồng Xuân thì có người Việt nhiều, nên tôi vào đó.”

Anh T không kể chi tiết những gì đã xảy ra khi anh tới đây, nhưng với một người ‘không quen biết ai’ ở Đức, có lẽ nhờ nơi này mà anh đã tìm được những sự trợ giúp ban đầu.

Ở đây có hội đồng hương Quảng Bình, rồi hội đồng hương Nghệ An, Hà Tĩnh nữa,” anh nói.

Ảnh: họp mặt hội đồng hương Hà tĩnh tại CHLB Đức

Sự trợ giúp của người trong cộng đồng có lẽ cũng là lối đi duy nhất giúp những người như anh T có thể kiếm được việc làm, kiếm được tiền, dẫu cho có lẽ cả người thuê lẫn người được thuê đều biết việc trợ giúp như thế là không hợp pháp theo luật sở tại.

Tôi sợ bị công an Đức bắt giữ, sợ họ bắt mình rồi phạt chủ thuê mình,” anh T nói. “Chủ thương mình, thấy mình hoàn cảnh khó khăn, vất vả thì họ giúp mình. Thế nên thấy công an là tôi phải trốn.”

Không công ăn việc làm, không có thu nhập, không được chăm sóc y tế nếu lỡ có ốm bệnh, nhưng anh T nói anh “sợ nhất là bị công an Đức bắt” và “không dám nhập trại [tị nạn]” dù biết rằng cuộc sống trong trại tốt hơn nhiều so với hoàn cảnh hiện thời.

Tôi sợ nhất là bị công an Đức trả về Việt Nam,” anh nói.

Tôi nghe phong phanh là nhập trại cũng rất tốt. Nhưng tôi sợ nhập trại thì công an Đức sẽ trục xuất tôi về Việt Nam.”

Để sang đây, tôi phải chi hết hơn 500 triệu đồng, đem cầm cố hết sổ đỏ, nhà cửa cho ngân hàng để có tiền ra đi. Vợ con tôi giờ vẫn đang phải vay mượn hàng tháng để trả lãi. Nếu tôi bị trả về bây giờ, nhà cửa sẽ mất hết.”

Tiếng Đức không biết, giờ tôi chỉ mong được ai đó giúp đỡ để tôi có một công việc, tôi làm kiếm tiền ăn cho qua đợt dịch này và để trả lãi vay khoản nợ ở nhà.”

Giờ qua đây, tôi hối hận về quyết định của mình, tôi đã chọn sai con đường.”

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> “Lưu manh chính trị” ngồi ghế Chánh án tỉnh Phú Yên là ai?

>>> VinFast và câu hỏi người Mỹ có tiêu dùng hàng Mỹ

>>> Những kẻ ‘núp váy’ hoa hậu, đánh lén, ‘rắc’ hận thù trong cuộc thi sắc đẹp

Hoa hậu hòa bình Việt Nam giơ 3 ngón tay tỏ ý chống độc tài


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT