Link Video: https://youtu.be/EFA_gFXcTWY
Tài liệu của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội năm 2005 ghi lại đối thoại của thiền sư Thích Nhất Hạnh và kiến nghị 7 điểm với Chính phủ Việt Nam.
Điện tín từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội gửi về Bộ Ngoại giao ngày 31/03/2005 ghi lại các ý chính của cuộc gặp mặt giữa thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022) và Đại sứ Michael Marine diễn ra vài hôm trước đó, theo Hồ sơ Wikileaks.
Sau hai tháng rưỡi được phép về thăm quê hương ‘thành công’, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã hội kiến Đại sứ Michael Marine (nhiệm kỳ 2004-2007) tại Hà Nội hôm 26/03/2005.
Văn bản tiếng Anh có tựa đề “EXILED BUDDHIST LEADER RETURNS TO VISIT HOMELAND” (“Vị lãnh đạo Phật giáo bị trục xuất đã về thăm quê hương”) nói đây là cuộc gặp riêng giữa hai người.
Trong phần tổng quan, phía Hoa Kỳ ghi rằng theo lời thiền sư Thích Nhất Hạnh thì “cộng đồng Phật giáo Việt Nam chia rẽ, suy yếu vì sự can thiệp của chính quyền vào các vấn đề tôn giáo“.
Tuy thế, phía Hoa Kỳ nói “ông không phê phán công khai chính phủ Việt Nam trong thời gian thăm quê hương“, nhưng đã trao cho Thủ tướng Việt Nam khi đó, Phan Văn Khải một kiến nghị “tách Giáo hội và Chính quyền ra khỏi nhau“.
Ông cũng nhấn mạnh rằng: “một Giáo hội có sức sống trở lại có thể giúp giải quyết các căn bệnh xã hội, và nạn tham nhũng“.
Sứ quán Hoa Kỳ viết rằng “dù Thích Nhất Hạnh ra điều kiện trước chuyến về là phải để ông đi lại tự do và sách của ông từng bị cấm phải được xuất bản [trong nước]”… nhưng chính phủ Việt Nam vẫn lo ngại “ông trở thành nhân vật của công chúng”.
Về xã hội và giới trẻ
Theo lời Thích Nhất Hạnh nói với Đại sứ Marine thì “cộng đồng Phật giáo Việt Nam chia rẽ và bị suy yếu“.
“Tín đồ đi chùa đều đặn, nhưng tình trạng chung của đạo Phật là rất tệ, chủ yếu là vì Chính quyền can thiệp vào Giáo hội.
“Nhiều sư được trao chức vụ lãnh đạo vì lý do chính trị, và đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được Nhà nước công nhận hành xử như nhân viên Nhà nước.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam dựa vào Chính phủ Việt Nam để có trợ cấp tài chính và để được phép tổ chức các hoạt động như cho sư ni ra nước ngoài tu tập. Điều này khiến người dân quay lưng lại với đạo Phật.”
“Dù có phát triển kinh tế, đất nước vẫn đau khổ vì các vấn đề xã hội sâu nặng. Phân chia rất nặng nề xảy ra giữa thế hệ cao niên đang vật lộn với các vấn đề chính trị, và giới trẻ thả mình vào cuộc sống tiêu thụ.”
“Đau khổ xuyên thế hệ rất lớn. Thanh thiếu niên không tin vào hạnh phúc gia đình,” theo lời thiền sư Nhất Hạnh mà Đại sứ quán Mỹ ghi lại.
Kiến nghị 7 điểm, tách Giáo hội khỏi Chính quyền
Đặc biệt, Thích Nhất Hạnh trao cho Đại sứ Hoa Kỳ kiến nghị chính sách mà ông đã trao cho Thủ tướng Phan Văn Khải một bản trước đó.
Ý tưởng cơ bản của nó là “Nhà nước xác nhận mong muốn tách quyền lực tôn giáo khỏi quyền lực chính trị“.
Theo đó thì “tăng ni sẽ không giữ chức vụ nhà nước, không nhận chỉ thị từ Chính phủ“;
Trong cuộc gặp tuần đó với Thủ tướng Phan Văn Khải, thiền sư Nhất Hạnh nói ông muốn “Giáo hội tách khỏi Nhà nước, sư ni không bị buộc phải vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân“, và việc tách khỏi chính trị không có nghĩa là tạo xung đột chính trị.
Ngoài ra, ông cũng nói với thủ tướng Việt Nam khi đó rằng “Những người cộng sản cần trở nên thành con người có chất Việt Nam hơn bằng cách chấp nhận tín ngưỡng truyền thống của cha ông họ, chấp nhận văn hóa Phật giáo là nền tảng của xã hội Việt Nam“.
“Thất bại trong việc đó sẽ làm chính trị phá sản và khiến Đảng Cộng sản mất sự ủng hộ của nhân dân.”
Giải pháp cho hai Giáo hội
Vẫn điện tín của Hoa Kỳ mô tả cuộc gặp và lời thầy Nhất Hạnh về các kiến nghị cho Việt Nam nói tiếp về giải pháp cho Phật giáo Việt Nam, vốn vẫn chia rẽ từ sau 1975 kể cả khi quốc gia đã thống nhất:
“Các nhân vật hàng đầu của Phật giáo Việt Nam, gồm cả Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất (UBCV) sẽ gặp mặt để hòa giải trong tinh thần phục hồi tình huynh đệ trong Cộng đồng Phật giáo và thiết lập quan hệ tốt với Nhà nước.”
Điều này không cần phải nhằm lập ra một Giáo hội duy nhất, mà các vị lãnh đạo của đạo cần “đưa cộng đồng Phật giáo ra khỏi ảnh hưởng của ảnh hưởng chính trị nội bộ và hải ngoại“.
Một điểm nữa trong Kiến nghị là để “các thầy Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ được quyền tự do cư trú, đi lại, thuyết giảng đạo Phật ở bất cứ đâu trong cả nước Việt Nam“.
Vẫn theo Kiến nghị này thì “Ban Tôn giáo Chính phủ chỉ nên quan sát và ra những khuyến nghị“, còn Phật tử “sẽ có Ủy ban Liên lạc với Chính quyền Thế tục nhằm tư vấn cho Chính phủ về các cách loại trừ lạm quyền, bất công, tham nhũng và những gì sai trái với Nhà nước, dân tộc và đạo Phật“
Cuối cùng, hòa thượng Thích Nhất Hạnh nói với Đại sứ Mỹ rằng ông có thể hình dung mình ở vai trò trở về Việt Nam để làm công việc tạo điều kiện cho Phật giáo nở rộ một lần nữa.
Điện tín của Sứ quán Mỹ cho hay sư cô Chân Không có mặt cùng thầy Nhất Hạnh tại cuộc gặp ngày 26/03 với Đại sứ Hoa Kỳ.
Văn bản cũng mô tả một số mâu thuẫn giữa các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất với Tăng đoàn Làng Mai về chuyến thăm quê hương của họ.
“Các lãnh đạo Giáo hội Thống nhất bị cấm hoạt động đã cho là chuyến thăm Việt Nam của thầy Nhất Hạnh đã đem lại tính chính danh cho cách nhà nước kiểm soát tôn giáo.”
Còn về phía Nhà nước, Sứ quán Hoa Kỳ ghi nhận Bộ Nội vụ (Công an) phản đối chuyến thăm quê hương của thiền sư Nhất Hạnh, còn Bộ Ngoại giao thì ủng hộ.
Năm 2017, chính quyền Việt Nam cho thiền sư Thích Nhất Hạnh về sống ở quê hương nhưng ông đã qua đột quỵ, sức khoẻ yếu, không còn thuyết giảng trước công chúng.
Ông viên tịch vào lúc rạng sáng ngày thứ Bảy ngày 22/01/2022, tại chùa Từ Hiếu, Huế.
Bản thỉnh cầu của Thiền sư Thích Nhất Hạnh gửi đến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
Theo Làng Mai, ngày 5/5/2007, trong buổi tiếp kiến Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Thầy Nhất Hạnh có đệ trình một “Bản thỉnh cầu” 10 điểm dưới đây. Nhưng không rõ ông Chủ tịch có hồi đáp hay không, còn trong thực tế thì chẳng có thay đổi gì theo bản thỉnh cầu này.
- Xin chính phủ ra lệnh lập một đài tưởng niệm thuyền nhân thiệt mạng trên biển cả tại Vũng Tàu.
- Xin cho các thân nhân của những người được chôn trong các nghĩa trang quân đội VNCH cũ được dễ dàng viếng thăm, cúng lễ và bốc mộ.
- Xin chính phủ yểm trợ việc xây dựng tháp kỷ niệm Bồ tát Thích Quảng Đức tại TP HCM.
- Xin cho những người gốc Việt cư trú ở nước ngoài được về nước thăm viếng, làm việc, đầu tư, giảng dạy, hoằng pháp mà không cần Visa.
- Xin bắt đầu cho phép một số những người gốc Việt cư trú ở nước ngoài được có song tịch (quốc tịch đôi) để họ có dịp bày tỏ niềm trung thành của họ với tổ quốc và quê hương.
- Xin đừng xem các thầy và các sư cô gốc Việt về nước để yểm trợ Phật giáo là những giáo sĩ ngoại quốc và xin cấp phát dễ dàng cho các vị ấy loại Visa làm việc tôn giáo nhiều lần trong 5 năm một cách dễ dàng mau chóng. Xin chính phủ cho phép các vị ấy chia sẻ sự tu học của mình đến mọi tầng lớp nhân dân trong cũng như ngoài các cơ sở của giáo hội cũng như tại các cơ sở công cộng khác của đất nước mà không có sự phân biệt kỳ thị.
- Xin có một chính sách đặc biệt đối với Phật giáo, bởi vì đạo Phật đã là nền móng dựng nước và giữ nước trong gần hai ngàn năm, và là yếu tố chính của nền văn hóa Việt Nam.
- Để Phật giáo theo kịp đà hội nhập vào đời sống mới, chấm dứt tình trạng ủng trệ hiện nay và đóng góp tích cực phần mình vào công trình văn minh hóa nếp sống gia đình, cộng đồng và xã hội, xin cho phép Phật tử Việt Nam tự do thành lập nhiều hội đoàn Phật giáo với những nét đặc thù của mình.
Những hội đoàn này chỉ cần đăng ký hợp pháp là có thể hoạt động được ngay như ở bất cứ một nước văn minh nào trên thế giới.
Phật tử Việt Nam có quyền chọn lựa một hoặc nhiều hội đoàn thích hợp để có cơ hội đóng góp công phu và tài năng của mình. Những hội đoàn này có quyền truyền bá tư tưởng và pháp tu tập của mình ra các nước ngoài (tương tự như phương thức W.T.O trong lãnh vực kinh tế). Các hội đoàn đó có thể bao gồm: Giáo Hội Phật Giáo Nguyên Thủy, Giáo Hội Phật Giáo Thiền Tông, Giáo Hội Phật Giáo Tịnh độ Tông, Giáo Hội Phật Giáo Khất Sĩ, Giáo Hội Phật Giáo Thiên Thai Giáo Quán Tông, Giáo Hội Phật Giáo Thiền Tịnh Đạo Tràng, Giáo Hội Phật Giáo Sư Sãi Tây Nam Bộ, Giáo Hội Phật Giáo Nam Tông K’mer, Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất, Giáo Hội Đạo Bụt Nhất Quán, Giáo Hội Phật Giáo Hiện Đại Hóa, Gia Đình Phật Tử, Hội Sinh Viên Phật Tử, Hội Học Sinh Phật Tử, Hội các nhà Khoa Học Phật Tử, Hội các nhà Giáo Phật Tử, Hội Y Sĩ Phật Tử, Hội các nhà Văn Phật Tử, Hội Phật Học Nam Việt, Giáo Hội Tăng Già Chỉnh Lý, v.v…
- Xin cho Tăng Ni được phép hành đạo khắp nơi trên lãnh thổ quê hương (như Hòa thượng đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận tuyên bố) không bị hạn chế bởi vấn đề hộ khẩu, có quyền dựng chùa viện bất cứ ở đâu không kể nơi đó có nền chùa cũ hay không – các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lào Cai, Thái Nguyên, v.v…
- Xin chính phủ thực hiện việc tách rời tôn giáo khỏi chính trị và chính trị khỏi tôn giáo… ngưng lại mọi quản chế của chính quyền trên giáo quyền, giải thể Ban Tôn giáo Chính phủ và trước hết là ngành Công an Tôn giáo. Tất cả các đoàn thể tôn giáo đều được sinh hoạt tự do trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, như bất cứ một hội đoàn văn hóa, thương mại, công nghiệp và xã hội nào.
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Thể chế cản trở chống tham nhũng: ‘nhắc đi, nhắc lại’ sao vẫn bế tắc?
>>> Một năm sau Đại hội 13, “rối loạn chức năng toàn trị” thêm trầm trọng
>>> Sau một năm tan tác vì dịch, Việt Nam sẽ đón cái Tết ảm đạm?
Sao Bộ trưởng Y tế lại thay chính phủ phát biểu mừng 72 năm quan hệ ngoại giao Việt-Trung?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT