Link Video: https://youtu.be/gVHl4GbHa1o
Tối 20 tháng 1 năm 2022, giải thưởng VinFuture đã được trao cho hai nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman từ Mỹ và nhà khoa học Pieter Rutter Cullis từ Canada.
Giải thưởng chính lên đến ba triệu đô la; ba giải đặc biệt khác mỗi giải 500 ngàn đô la.
Như vậy, tổng giá trị tiền thưởng lên đến 4,5 triệu đô la. Trong khi đó, giải Nobel năm vừa rồi chỉ ở mức một triệu đô la Mỹ.
Chủ nhân của các Giải thưởng VinFuture năm 2021 đã được công bố vào ngày 20 tháng 12 năm 2021.
Giải thưởng VinFuture được trao bởi quỹ VinFuture, do Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và phu nhân Phạm Thu Hương sáng lập.
Theo thông báo, quỹ có sứ mệnh “tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ”.
Giải thưởng này được thành lập ngày 20 tháng 12 năm 2020 và chính thức tiếp cận đề cử, trao giải lần đầu đầu tiên vào năm 2021.
Một số trí thức trong và ngoài nước cho rằng tiền thưởng lớn không nói lên được cái danh giá của giải.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy phân tích một số chi tiết về giải thưởng này trên trang Facebook cá nhân của ông.
Theo ông, một trong những yếu tố tạo nên sự danh giá cho giải thưởng là “cá nhân của người đứng ra sáng lập giải”. Ông Vũ viết:
“Cá nhân người đứng sau sáng lập ra giải VinFuture là ông Phạm Nhật Vượng.
So với những tiêu chuẩn của giới tinh hoa phương Tây, ông Vượng hoàn toàn không có, nếu không muốn nói là ngược lại.
Sự giàu có của ông Vượng trong mắt nhiều người là do có được từ sự thông đồng với giới quan chức nhằm chiếm lấy những khu đất đắc địa.
Không thấy ông có một phát minh nào, cũng như là những đóng góp nào làm nên sự tiến bộ của nhân loại trước khi ông sáng lập ra giải VinFuture này.”
Theo truyền thông Nhà nước, việc trao giải VinFuture có thể góp phần định vị Việt Nam là điểm đến mới của khoa học công nghệ thế giới, đồng thời tạo cơ hội kết nối, tạo mối quan hệ hợp tác trực tiếp, đa chiều giữa các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam.
Trước khi diễn ra lễ trao giải, báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Việt Quang, Chủ tịch Quỹ VinFuture rằng: Giải thưởng VinFuture sẽ là chiếc cầu nối giới khoa học Việt Nam và giới khoa học toàn cầu, mang lại nguồn cảm hứng thúc đẩy nền khoa học Việt Nam phát triển.
PGS-TS Hoàng Dũng trao đổi với RFA:
“Giải thưởng ở Việt Nam mà số tiền quá ít thì không thu hút sự chú ý của truyền thông.
Mà số tiền cao như vậy thì tôi nghĩ người đặt ra giải thưởng họ cũng có mục đích là thu hút truyền thông trong nước và thế giới. Khi một hãng tin đưa tin này là góp phần quảng cáo cho giải thưởng. Đấy là tôi nói về mục đích truyền thông của họ.
Còn ý nghĩa khác là cái giá giải thưởng thì tôi thấy không nên đặt vấn đề.
Bởi vì giải thưởng ấy có giá trị hay không thì không phải căn cứ vào số tiền.
Giả sử số tiền giải thưởng này có cao gấp 30 lần số tiền của giải thưởng Nobel thì giá trị của giải thưởng Việt Nam này cũng không thể bằng 1/10 giải Nobel. Giá trị giải thưởng không căn cứ vào số tiền đâu.
Lẽ ra giải thưởng này nên có một tổ chức độc lập hơn là gắn quá chặt với Vingroup, bởi vì gắn quá chặt vào một tập đoàn như vậy có thể bị hiểu sang chuyện quảng bá công việc kinh doanh của Vingroup.”
Theo thống kê của tạp chí Forbes hồi tháng 4 năm ngoái, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup, là người giàu nhất Việt Nam và giàu thứ 344 trên thế giới với tài sản ước tính là 7,3 tỉ USD.
Công ty cổ phần Vinhomes – trực thuộc tập đoàn Vingroup – nhiều năm qua là thương hiệu phát triển bất động sản hàng đầu tại thị trường Việt Nam.
Tính đến năm 2020, Vinhomes đang vận hành 23 dự án bất động sản với tổng số hơn 50.500 căn hộ, biệt thự, nhà phố thương mại cùng hàng loạt các dự án đô thị hoặc đại đô thị trên khắp cả nước như Vinhomes Riverside, Vinhomes Royal City, Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Grand Park, Vinhomes Central Park…
Giảng viên Phạm Minh Hoàng từ Pháp nêu quan điểm của ông:
“Ở Việt Nam có khoảng 90% tỷ phú đô la giàu lên từ đất, mà người giàu nhất là ông Vượng.
Họ giàu đến một mức nào đó thì họ ngưng và bước sang kinh doanh cái khác. Có thể ông ta dùng số tiền này để ‘rửa danh dự’; dùng tiền này để đầu tư vào trí thức để mọi người nhìn thấy ông ta làm việc tốt.
Nghĩa là người ta sẽ nhìn ông ta với cái nhìn khác. Đối với tôi, chuyện đó nó vô nghĩa.
Những người nhận được giải thưởng như vậy chắc chắn sẽ không tìm hiểu vì sao ông Vượng có số tiền này, họ cũng không biết nguồn gốc số tiền này.
Cho nên tôi ví cái giải thưởng này là của thằng ăn cướp cho người nghèo thôi.”
Vào tháng 6 năm 2019, trên tờ Financial Times có bài của tác giả John Reed với nhận định Vin Group làm từ điện thoại thông minh đến kinh doanh trường học. Và giới hoạt động dân sự lo sợ quyền lực ngày một gia tăng của nó. Việt Nam nhanh chóng trở thành mảnh đất của ‘mọi thứ đều là Vin’.
Chính một viên chức cấp cao của Vingroup, bà Lê Thị Thu Thủy, được tác giả dẫn lời rằng Tập đoàn này là nhà cung ứng mọi thứ hàng hóa và dịch vụ cho người ta từ khi ra đời đến lúc xuống mồ. Quá trình phát triển cho thấy Vingroup khởi nghiệp từ một doanh nghiệp làm mì sợi ăn liền ở Ukraine; sau đó về Việt Nam và phất lên từ đất đai, bất động sản rồi lấn sang mọi lĩnh vực khác.
Trên FB cá nhân, KTS Dương Quốc Chính nêu bình luận như sau:
“Việc bỏ tiền ra để lập nên một giải thưởng không có gì là khó cả, nhất là với một người rất giàu. Giành được một giải thưởng danh giá, mà không cần mua giải mới là chuyện khó.
Việc báo chí cách mạng cứ nhấn mạnh cái ý là giải Vinfuture có giá trị gấp ba lần giải Nobel là kiểu so sánh rất xôi thịt.
Nó phù hợp với lối tư duy xôi thịt của nhiều người hiện nay. Kiểu mấy kênh Youtube khoe nhà thì toàn khoe là nhà triệu đô. Tức là vác tiền ra để khoe đẳng cấp thì đúng là tư duy trọc phú.
Việc lập nên một giải thưởng công nghệ chỉ cho thấy rằng Vingroup có mong muốn được rửa mặt, biến mình thành một công ty công nghệ, dần xóa đi hình ảnh một anh tư bản thân hữu bán Bất động sản rũ bùn đứng dậy sáng lòa.
Đây rõ ràng là xu hướng tất yếu phải có của người giàu thời 4.0.
Ngay ở TQ, tấm gương sáng chói của Việt Nam, thì lượng người giàu nhất nước không còn nơi độc diễn của tỉ phú Bất động sản nữa mà giới công nghệ đã chen chân chiếm đa số.
Hơn nữa, công ty Bất động sản Evergrande đã không được Chính phủ giải cứu, nên ngày tàn cho giới Bất động sản Việt Nam cũng sẽ không còn xa.
Thế nên giải thưởng này chỉ là cách PR hình ảnh cho VIN, lấy tiếng với bạn bè 5 châu.
Nói chung, các giải thưởng bền vững, lâu đời và uy tín trên thế giới đều phải do một tổ chức hay một quỹ quản lý, chứ không phải là một doanh nghiệp.
Ngay như quỹ từ thiện của vợ chồng Bill Gates cũng đứng tên ông bà, chứ không phải là Microsoft. Bởi một giải thưởng lại do một doanh nghiệp đứng sau thì người ta đánh giá ngay là bài PR, sẽ làm giảm uy tín của nó, cho dù có mời những người có uy tín làm giám khảo.
Vì thế, giải thưởng này nó cũng y chang bài của chị Thảo Viet Jet đi bơm tiền cho trường Đại học bên Anh, chả biết đã chuyển tiền chưa? Chẳng qua là để lấy tiếng mà thôi.
Mình buồn cười GS Đặng Văn Chí, chắc ông biết anh Vượng sớm nắng chiều mưa nên mới chém là “Duy trì được giải thưởng này trong nhiều năm thì là điều tuyệt vời”. Biết đâu nhỡ 1-2 năm tới anh Vượng lại tuyên bố bỏ giải thưởng này, như đã từng bỏ nhiều ngành kinh doanh khác.
Trong một động thái khác, tù nhân Phạm Đoan Trang mới nhận được giải thưởng nhân quyền có giá trị cao gấp 10 lần giải thưởng Lenin danh giá!”
Cũng về số tiền thưởng của giải thưởng, KTS Dương Quốc Chính đem giải thưởng nhân quyền Martin Ennals so sánh với giải thưởng Lê nin mà ông Nguyễn Phú Trọng vừa được nhận.
Trung Kiên – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Bà Nguyễn Thuý Hạnh bị đưa đi giám định tâm thần trong lúc chờ xét xử
>>> Việt Nam: ‘Tố giác sai’ việc ‘ăn chặn tiền từ thiện’ miền Trung
>>> Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng kiến nghị để Phật giáo Việt Nam ‘tách khỏi Nhà nước’
Thích Nhất Hạnh và những quan điểm đối chọi khi nói về ông
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT