Link Video: https://youtu.be/zQsBO5trXPA
Khoảng 20h tối ngày 5/12, một vụ sạt lở kinh hoàng đã xảy ra tại ấp Bình Thuận 1, xã Hoà Ninh, tỉnh Vĩnh Long. Vụ sạt lở này cuốn phăng đi 12 ngôi nhà và hơn 100 công đất vườn trồng cây ăn trái xuống sông Cổ Chiên, một con sông nhánh của sông Tiền chảy qua Vĩnh Long.
Tất cả có 22 hộ dân bị ảnh hưởng, 12 căn nhà đã sụp đổ hoàn toàn xuống lòng sông, 10 hộ dân bị mất trắng vườn tược và có nguy cơ cũng sẽ mất nhà. Vụ sạt lở ăn sâu vào đất liền đến 250m, dài 500m, cuốn trôi cả bờ đê. Lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Vĩnh Long cho biết, có một mỏ cát đang được một doanh nghiệp khai thác, nằm cách điểm sạt lở khoảng 500m. Ở khoảng cách gần như vậy thì việc khai thác cát ảnh hưởng đến nền đất bên bờ sông là điều tất yếu.
Sạt lở ở miền Tây không phải chuyện bây giờ mới có, chuyện này đã diễn ra từ rất lâu rồi. Nhưng giờ đây, sạt lở diễn ra quanh năm, diễn ra không theo một quy luật nào, và diễn ra một cách khốc liệt. Nó đang trở thành nỗi lo thường trực của người dân nơi đây. Và khi những lo âu về các điểm sạt lở cũ đang lan rộng vẫn chưa dứt, thì lại xuất hiện thêm những điểm sạt lở mới còn kinh hoàng hơn.
Sạt lở khiến người dân mất trắng cơ ngơi, mất nơi sinh sống và mất cả kế sinh nhai. Nhiều người phải ra bám đường lộ, buôn bán lặt vặt kiếm sống. Nhiều người bỏ quê lên Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân. Khi nhà cửa ở quê đã mất, họ không còn chốn để quay về với bản quán cha ông. Đây cũng là một trong những lý do mà người miền Tây phải tha phương khắp nơi trong những năm gần đây, kể cả sang Campuchia làm những công việc khó nói. Người miền Tây có câu nói: “Đi Bình Dương bán nước tương” là cách nói về việc phải ly hương kiếm sống.
Chỉ riêng hai bên bờ sông Hậu, đoạn qua tỉnh An Giang, từ 2016 đến 2019 đã xảy ra 6 vụ sạt lở, 1 vụ rạn nứt với tổng chiều dài 1.124m, ảnh hưởng đến 37 hộ dân. Tốc độ xâm thực vào bờ là từ 5-10m/năm. Một số vụ sạt lở kinh hoàng đã xảy ra, có thể kể đến như: Vụ sạt lở vào tháng 7/2019 ở Vàm Cái Hố, ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, chiều dài vùng sạt lở hơn 250m, ăn sâu vào đất liền 6m, cuốn trôi 27 căn nhà. Vụ sạt lở tháng 4/2017 ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang làm 14 căn nhà bị sập, 108 hộ phải di dời khẩn cấp…
Các tỉnh Cà Mau, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre… đều ghi nhận hàng chục điểm sạt lở mỗi tỉnh. Hiện nay đồng bằng sông Cửu Long có hơn 500 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 800 km, bao gồm cả bờ biển, bờ sông và kênh rạch.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia cho biết, đất ở đồng bằng sông Cửu Long được phù sa bồi đắp nên có nhiều lỗ bọng hay lỗ rỗng. Bình thường các lỗ bọng này được lấp đầy bởi nước ngọt, khi hạn mặn xảy ra, những lỗ bọng này không còn nước và trở nên rỗng, do đó rất dễ sụp đổ.
Có thể kể ra 4 nguyên nhân gây nên tình trạng này:
- Do biến đổi khí hậu nên vào những năm chịu El Nino sẽ ít mưa và khô hạn, cùng với tình trạng nước biển dâng làm cho đất đai bị nhiễm mặn.
- Thượng nguồn sông Mekong bị các nước có dòng sông đi qua ngăn dòng, xây hàng chục đập thuỷ điện giữ nước, nên lượng nước ngọt đổ xuống hạ lưu rất ít. Con đập đáng sợ nhất là con đập Tiểu Loan do Trung Quốc xây dựng ở Vân Nam. Giới môi trường cho rằng, con đập này là thủ phạm tai ác đối với đời sống của người dân vùng hạ lưu sông Mekong, trong đó có Việt Nam. Vùng hạ lưu sẽ phải đối mặt với nạn hạn hán và xâm thực do con đập này gây ra.
- Những con đê ngăn lũ ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là lợi bất cập hại. Do bị đê ngăn lại, lượng nước ngọt thẩm thấu vào đất đã không còn nhiều, và khi mùa khô đến, nước mặn tràn vào làm đất bị nhiễm mặn và hạn hán càng khốc liệt hơn.
- Một nguyên nhân trực tiếp nữa là tình trạng khai thác cát bữa bãi làm lỗ rỗng dưới lòng sông càng rộng thêm, sâu thêm và dễ sụp đổ hơn.
Nhìn vào 4 nguyên nhân này thì thấy, sạt lở ở Vĩnh Long mới đây nói riêng và tình trạng sạt lở ở miền Tây nói chung là nhân tai chứ không phải thiên tai. Thủ phạm lớn ở đây là Đảng Cộng sản Trung Quốc với những chính sách phát triển ích kỷ của họ. Họ chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt của mình mà không nghĩ đến những tác hại lâu dài trong tương lai, cũng như không đếm xỉa đến các nước láng giềng. Thủ phạm thứ hai là giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, họ chỉ vì những lợi ích trước mắt và lợi ích cá nhân mà cho phép các doanh nghiệp khai thác cát tràn lan, bừa bãi trên những con sông Nam bộ. Họ lại hèn nhát không dám lên tiếng phản đối người anh lớn của họ, kẻ đang tàn phá đời sống của người dân Nam bộ.
Khi dòng sông dậy sóng thì lòng người cũng chao đảo theo, và khi bị đẩy đến đường cùng thì sẽ đến lúc “tức nước vỡ bờ”. Đảng Cộng sản mãi vẫn không biết cách học những bài học lịch sử của các cuộc cách mạng.
Kim Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> “Bàn tay thép” của ông Trọng lên tiếng, ông Phan Đình Trạc muốn phang ai?
>>> Hỗn loạn chuyện nợ xấu ngân hàng, nguyên nhân từ đâu?
Huệ Vương trồi lên rồi lặn xuống, liệu có lặn cùng Phó Thủ Lê Văn Thành hay không?