Link Video: https://youtu.be/wRk6DrIeUGg
Ngày 7/12, một số trang tiếng Việt của các hãng tin nước ngoài như VOA, RFA, BBC… đã đưa tin về việc nhóm G7 đề nghị hỗ trợ Việt Nam 15 tỷ USD để bỏ điện than, chuyển sang những dạng năng lượng tái tạo khác. Nhưng báo chí trong nước lại im lặng, không có trang tin nào đề cập về vấn đề này.
Theo các hãng tin nước ngoài, G7 hy vọng Việt Nam sẽ đồng ý với đề nghị này tại kỳ họp Thượng đỉnh giữa EU và các quốc gia Đông Nam Á sẽ diễn ra vào ngày 14/12 sắp tới tại Brussels, Bỉ. Đề nghị này nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ sử dụng than đá sang sử dụng năng lượng tái tạo, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và những tác động gây biến đổi khí hậu.
Vào tháng 11, đáng lẽ Việt Nam đã ký kết hợp tác chuyển đổi năng lượng với các nước G7 tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP27, diễn ra ở Ai Cập. Nhưng các cuộc đàm phán cấp cao đã thất bại. Để thuyết phục Việt Nam chấp nhận lời đề nghị này, EU và Anh đã đề xuất một gói tài chính lớn hơn, chính là gói 15 tỷ USD này. Ba quan chức phương Tây dấu tên cho các hãng tin nước ngoài biết, gói 15 tỷ USD này sẽ là đề nghị cuối cùng mà G7 đưa ra, trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh giữa EU và các quốc gia Đông Nam Á. Đề xuất này đã được tăng lên từ từ qua nhiều lần đàm phán, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được một kết quả rõ ràng.
Theo các hãng tin này, cơ hội để đạt được thoả thuận là 50/50, và chưa biết Việt Nam có sẵn sàng chấp nhận đề nghị đã gia tăng này hay không. Việt Nam yêu cầu có nhiều khoản tài trợ hơn và không thích những khoản vay lớn.
Ngay sau khi chính quyền Việt Nam huỷ các cuộc họp dự kiến diễn ra tại Hà Nội với các đặc phái viên về khí hậu hàng đầu của Hoa Kỳ và EU hồi tháng 11, Bộ Công nghiệp đã chuẩn bị một bộ dự thảo mới cho các kế hoạch năng lượng dài hạn. Dự thảo này vẫn cho phát triển nhiệt điện sử dụng than.
Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia sử dụng than hàng đầu thế giới, than chủ yếu được sử dụng cho nhiệt điện. Các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam sử dụng công nghệ cũ rất lạc hậu, lỗi thời, nhập từ Trung Quốc. Nhiều nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm nặng cho môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống và công việc làm ăn của người dân, dẫn đến bất ổn xã hội.
Điển hình có thể kể đến nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình thuận. Chỉ riêng tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận có đến 4 nhà máy nhiệt điện, trong đó có nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây ô nhiễm nặng nhất. Bụi, nước thải và xỉ thải do các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân xả ra đã làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm đất đai. Ống khói thải ra một lượng khói hôi hám và nặng nề, bao phủ toàn bộ khu vực dân sinh trong huyện Tuy Phong. Bùn thải xả thẳng xuống biển gây ô nhiễm, làm chết các loại cá nuôi và cá tự nhiên gần bờ làm ngư dân mất đi ngư trường truyền thống của họ.
Người dân Bình Thuận đã nhiều lần kéo ra chiếm đường Quốc lộ 1 để phản đối, lớn nhất là hai vụ xảy ra vào năm 2015 và 2018. Ngày 14/4/2015, dân Bình Thuận chiếm đường Quốc lộ 1A, làm hàng nghìn ô tô ùn tắc đoạn qua huyện Tuy Phong. Họ đốt lửa và ném cả bom xăng để chống trả lại lực lượng công an. Năm 2018, khi cả nước xuống đường rầm rộ để phản đối luật đặc khu, đa số các cuộc biểu tình đều diễn ra ôn hoà, chỉ riêng ở Bình Thuận đã biến thành bạo động. Đây là sự dồn nén lâu dài trong nhiều năm khi những nhà máy nhiệt điện huỷ hoại môi trường sống của họ và đây là giọt nước tràn ly.
Như vậy, việc từ bỏ điện than gây ô nhiễm môi trường và huỷ hoại đời sống người dân là một nhu cầu của sự phát triển bền vững. Vì sao Chính phủ Việt Nam lại do dự, lại còn đòi hỏi nhiều hơn?
Phải chăng, họ cũng giống như Chí Phèo, giống như người đòng chí Bắc Triều Tiên của họ, biết các nước phát triển quan tâm đến vấn đề môi trường nên họ cố ý “ăn vạ” để đòi được nhiều hơn? Hay họ muốn nhiều hơn để còn “chấm mút”?
Quốc Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Hỗn loạn chuyện ngân hàng nợ, nguyên nhân từ đâu?
>>> Huệ Vương trồi lên rồi lặn xuống, liệu có lặn cùng Phó Thủ Lê Văn Thành hay không?
>>> Bà Trương Thị Mai dọa ai? Dọa Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh rồi ai nữa?
Đại gia chạy làng nổi lên như nấm sau mưa, “ung nhọt” đang ăn vào chân trụ của VinGroup