Link Video: https://youtu.be/LmZ53BLtjbc
Những người Việt Nam nhập cư vào Anh để xin quy chế tỵ nạn thuộc vào số phải chuyển đến Rwanda theo kế hoạch của Chính phủ Anh, nhằm giải quyết tình trạng người nhập cư ồ ạt tràn vào Anh trong những năm qua. Kế hoạch này đã được Tòa Thượng thẩm Anh ra phán quyết vào ngày 19/12 là hợp pháp và phù hợp với Công ước Người Tỵ nạn.
Các số liệu thống kê cho thấy, Anh Quốc đang có số người nhập cư kỷ lục, đó là hơn 40 ngàn người. Những người này đến từ những đất nước như Afghanistan, Iran… và Việt Nam.
Những năm qua, Chính phủ Anh đã tìm rất nhiều biện pháp để ngăn chặn nạn di dân lậu. Họ đã phát hiện và bóc gỡ rất nhiều đường dây đưa người đi nhập cư trái phép, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, mọi cố gắng của chính quyền Anh vẫn không thay đổi được tình hình, mà ngược lại, lượng di dân còn có xu hướng gia tăng. Bởi vì, Vương quốc Anh được xem là “miền đất hứa” đối với người dân ở các nước đang phát triển, họ tìm mọi cách đến Anh với hy vọng đổi đời.
Trước đây, người Việt di cư lậu đi từ Nga, băng qua các nước Đông Âu, qua Đức rồi đến Pháp. Từ Pháp, họ phải trốn trong các xe tải hay tàu thuyền để nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh.
Chặng đường này, họ phải đi mất một vài tháng và có thể còn lâu hơn. Họ phải sống trong những điều kiện vô cùng khó khăn, khắc nghiệt, nguy hiểm để trốn tránh sự kiểm tra của các nước. Họ còn phải đối mặt với những nguy cơ nghiêm trọng: bị thương, bị lạm dụng, bị bóc lột và nhiều người đã chết trong hành trình này. Chi phí cho chuyến đi lại quá tốn kém, thông thường vào khoảng 40 nghìn euros. Các băng nhóm buôn người vốn không coi sinh mạng người di cư ra gì, chúng sử dụng những loại tàu rẻ tiền, không có phao cứu sinh và nhồi nhét quá đông người.
Chịu đựng nhiều rủi ro như vậy, nhưng khi đến được Anh, di dân lậu lại rất khó tìm việc làm vì không có giấy tờ hợp pháp. Họ phải làm những công việc nặng nhọc, việc bất hợp pháp, nhận đồng lương rẻ mạt, bị cưỡng bức lao động, và thậm chí là phải bán dâm… Đau ốm phải tự chịu chứ không thể đi khám chữa bệnh vì không có giấy tờ. Nhiều người phải làm việc không lương trong vài năm để trả khoản nợ do chi phí di cư.
Trước đây, nhiều người tới Anh đi trồng cần sa thuê cho những người đồng hương di cư trước họ. Nhưng về sau, lượng người trồng cần sa đã giảm nhiều do bị cảnh sát truy bắt gắt gao. Sau đó, đa số họ làm nail và làm những công việc tay chân trong các nông trại.
Tuy nhiên, năm 2016, Cơ quan di trú Anh đã kiểm tra 300 cửa hàng làm nail và bắt giữ 97 người lao động bất hợp pháp, trong đó đa số là người Việt Nam. Từ đó, các chủ tiệm nail không còn dám thuê lao động nhập cư. Một chủ tiệm nail người Việt tại Anh cho biết, nếu không có giấy tờ hợp pháp, người nhập cư lậu sẽ không được đi làm, không được hưởng chế độ trợ cấp của Chính phủ Anh, và như vậy, nhiều người phải chuyển sang con đường trộm cắp để kiếm sống.
Những người nhập cư lậu này sau vài năm sẽ nộp đơn xin tỵ nạn, sau khi được chấp nhận tỵ nạn, họ có thể thuê nhà, học tiếng và con cái được đi học.
Vào tháng 10/2019, một thảm kịch làm 39 người Việt chết trong container ở Anh gây rúng động dư luận.
Tất cả các nạn nhân đều là người miền Trung, thuộc những tỉnh phải gánh chịu thảm họa do Formosa gây ra. Tuy nhiên, đã 3 năm trôi qua nhưng tình trạng di cư trái phép vẫn không hề giảm đi, mà trái lại, lại còn tăng thêm. Các mạng lưới mafia đưa người ra nước ngoài vẫn hoạt động và dòng người tình nguyện ra đi vẫn luôn đông đảo. Mỗi năm, có khoảng 18 nghìn người Việt trả tiền cho những kẻ buôn người để đến được châu Âu.
Đường đi của người di cư lậu cũng đã thay đổi sau vụ 39 người chết trong container. Hiện nay, di dân lậu được tập trung về TP. HCM. Tại đây, họ được cấp hộ chiếu Trung Quốc, rồi sang Malaysia, từ đó đi qua Hy Lạp. Tại Hy Lạp, họ dừng chân ít ngày rồi lại tiếp tục hành trình qua Thổ Nhĩ Kỳ, sang Tây Ban Nha và đến Pháp, điểm đến cuối cùng là Anh.
Người di cư lậu, họ đều có một điểm chung là NGHÈO. Họ phải vay mượn để có được khoản tiền lớn trang trải cho chuyến đi đầy mạo hiểm. Người di cư lậu, họ biết có rủi ro, họ hiểu khó khăn, và họ chọn liều lĩnh. Bởi quê hương họ đã không còn cách cho họ mưu sinh.
Giờ đây, sau quyết định của Chính phủ Anh và phán quyết của Tòa Thượng thẩm Anh về việc chuyển người tỵ nạn sang Rwanda, không biết người Việt có còn liều mạng để ra đi nữa hay không?
Chúc Anh – thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Tô Lâm lên kế hoạch “gắn thêm cánh” để bắt “chim bay”
>>> Màn PR quá lố của VinFast trên đất Mỹ bị lật tẩy, lợi bất cập hại!
Lật tẩy! Vượng Vin “mua đứt” Đảng hay Đảng có cổ phần trong Vin?