Nghèo đa chiều tức là không chỉ nghèo tiền bạc, mà còn bị thiệt thòi về 8 tiêu chuẩn: Dinh dưỡng, y tế, giáo dục, nhà ở, môi trường, tiếp cận thông tin, lao động và bảo vệ trẻ em, và đăng ký hành chính. Theo số liệu thống kê, Việt Nam có khoảng 5 triệu trẻ em nghèo đa chiều.
Theo ước tính của Unicef, có khoảng một phần ba trẻ em đang sống trong các hộ nghèo đa chiều. Các em bị thiếu dinh dưỡng, sống trong điều kiện vệ sinh không bảo đảm, không có nước sạch, không được đến trường hoặc không được học hành đến nơi đến chốn, không được chăm sóc y tế… Thậm chí có nhiều em không được làm khai sinh.
Để phát triển bền vững, các quốc gia đều phải tìm cách giảm tỷ lệ nghèo cả về tiền tệ và cả về đa chiều, đặc biệt là đối với trẻ em. Để làm điều này thì cần cải thiện các phúc lợi xã hội, nâng cao điều kiện môi trường sống, nâng cao sức khỏe thể chất… mà việc này, chỉ có các chính phủ mới có thể làm được, bằng các chính sách phát triển kinh tế hài hòa, chú trọng đến vấn đề kinh tế hộ gia đình, vấn đề mưu sinh của người dân.
Việt Nam từng nhiều năm khoe khoang về thành tích xóa đói giảm nghèo. Nhưng thực tế, những thành tích đó phần nhiều là do sự tính toán trên giấy, ví dụ, khi người ta giảm tiêu chuẩn để xác định hộ nghèo, thì tự nhiên tỷ lệ nghèo sẽ giảm theo. Do đó, bất chấp thực tế, các số liệu về thành tích xóa đói giảm nghèo của Việt Nam luôn rất khả quan.
Ở Việt Nam, khoảng cách giữa các nhóm dân cư là rất lớn, ví dụ, tỷ lệ người dân tộc thiểu số nghèo cao hơn rất nhiều so với người Kinh; hoặc tỷ lệ người khuyết tật nghèo cao hơn người bình thường… Theo số liệu thống kê của Unicef, người dân tộc thiểu số chiếm đến 75% số hộ nghèo.
Bé Hạo Nam là một đứa trẻ nghèo đa chiều. Một đứa trẻ 10 tuổi, với cơ thể nhỏ bé, phải đi kiếm sắt vụn để có tiền học võ, gia đình em phải sống trong một căn nhà rách nát, với những miếng nhựa che chắn nhăn nhúm… Mà không chỉ Hạo Nam, xã hội Việt Nam còn hàng triệu những đứa trẻ có hoàn cảnh tương tự.
Ngày ngày, vẫn có những đứa trẻ ở vùng sâu vùng xa phải chui vào túi nilon hay đu dây qua sông để đến trường. Số trẻ chết đuối vẫn ở con số hàng ngàn mỗi năm. Ở các thành phố, vẫn luôn đầy rẫy những đứa trẻ đi nhặt phế liệu, đi bán vé số, lang thang vỉa hè xin ăn…
Những chính sách phát triển không hài hòa, tập trung vào bất động sản, vào các dự án cao cấp… đã tạo ra sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng, mà tệ hại nhất là bất bình đẳng cơ hội. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong sự nghèo khó, không được hưởng một nền giáo dục đầy đủ, không đươc chăm sóc về y tế, về sức khỏe… sẽ không có cơ hội để vươn lên. Khi sự bất bình đẳng lớn đến một mức nào đó, nó sẽ dẫn đến đứt gãy xã hội. Hậu quả của việc bần cùng hóa này sẽ là tội phạm gia tăng và quá tải cho hạ tầng đô thị, do người dân ở những vùng nghèo khó sẽ dồn về thành thị và các khu công nghiệp để mưu sinh. Và ở chiều ngược lại, đất nông nghiệp bị bỏ hoang, không có nhân công…
Trong những dãy nhà trọ công nhân tồi tàn, tạm bợ, những đứa trẻ lớn lên thiếu thốn đủ thứ và không được học hành đến nơi đến chốn. Cuộc đời chúng lại lặp lại vòng xoáy của cha mẹ chúng: Nai lưng làm việc quần quật mỗi ngày mười mấy tiếng, rồi nhận đồng lương bèo bọt chỉ đủ để sống tạm bợ qua ngày, không có tích cóp phòng khi ốm đau bệnh tật, không có chi phí cho con cái học hành.
Trong khi, nền giáo dục Việt Nam mọi thứ đều phải quy đổi ra tiền, nếu không có tiền đóng học phí, nếu không có tiền học thêm, thì đừng mơ học giỏi, mơ đậu bằng này bằng kia…
Người dân Việt vẫn luôn đùm bọc nhau trong hoạn nạn, nhưng không ai có thể giúp người nghèo thay đổi số phận của họ. Muốn làm được điều này, cần phải có chính sách phát triển kinh tế hài hòa, lấy sản xuất làm căn bản, lấy nông nghiệp làm gốc rễ. Chỉ có phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, người dân giàu lên trên chính mảnh đất mà họ sở hữu, như vậy mới giữ chân họ trên mảnh ruộng vườn, không cần phải chen chúc, vắt kiệt sức trong những khu công nghiệp đầy ô nhiễm và chật chội.
Nhưng chính phủ Việt Nam chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, chứ không hề quan tâm đến dân nghèo, đến sự phát triển bền vững.
Ý Nhi – thoibao.de (Tổng hợp)