Link Video: https://youtu.be/ERFa9RiT0Ss
Ngày 17/1, trang The Diplomat đã đăng bài của tác giả Quynh Le Tran với tựa đề tạm dịch là “Cách tiếp cận mới của Đảng Cộng sản Việt Nam về trách nhiệm giải trình”. Phóng viên Quynh Le Tran là một nhà báo sống và làm việc ở London, với 20 năm kinh nghiệm làm việc cho BBC.
Thoibao.de xin lược dịch và giới thiệu đến quý khán thính giả bài báo này.
Tương tự nhận định của các phóng viên, nhà nghiên cứu nước ngoài khác, tác giả Quynh Le Tran cho rằng, những thay đổi về nhân sự của Việt Nam sẽ có tác động tiềm ẩn đối với các chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước.
Những diễn biến gần đây dường như cho thấy một mô hình mới, trong đó ĐCSVN buộc các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về những vi phạm của họ, nhưng lại khoan hồng, cho phép họ từ chức trong danh dự để bảo vệ uy tín của toàn đảng.
Ngày 5/1, Quốc hội bỏ phiếu bãi nhiệm Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam khỏi chức vụ Phó Thủ tướng. Đáng chú ý, cặp đôi này đã được phép từ chức chứ không phải là sa thải, bắt giữ và truy tố như các quan chức khác.
Điều này đánh dấu một bước ngoặt trong chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đảng đang cố tạo ra cái gọi là “văn hóa từ chức”, để khi bạn bị phát hiện mắc sai lầm hoặc chịu trách nhiệm về một vụ bê bối xảy ra dưới thời bạn, bạn sẽ phải từ chức. Bạn không đợi Đảng hành động chống lại bạn.
Gần đây ông Trọng đã nói: “Trung ương Đảng phải có chính sách khuyến khích những người có sai phạm – nếu họ tự giác từ chức và giao nộp tiền tham nhũng thì sẽ được xử lý nhẹ, thậm chí miễn hình phạt. Sẽ không tốt nếu trừng phạt nghiêm khắc tất cả, hoặc cách chức tất cả”.
Tuyên bố này thể hiện một sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận của ĐCSVN. Nó cho thấy sự thừa nhận rằng, không phải tất cả các quan chức tham nhũng đều bị trừng phạt nghiêm khắc.
Sự thay đổi chính sách này cho thấy, ĐCSVN sẵn sàng thực hiện một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn để giải quyết nạn tham nhũng trong Đảng. Bằng cách khoan hồng cho các quan chức sẵn sàng đứng ra nhận trách nhiệm về hành động của mình, Đảng đang gửi đi thông điệp rằng, Đảng cam kết diệt trừ tận gốc tham nhũng, đồng thời thừa nhận rằng, không phải tất cả các quan chức tham nhũng đều phải bị trừng phạt như nhau.
Sự thay đổi chính sách này có thể là một động thái trước mối lo ngại ngày càng tăng của công chúng về tham nhũng ở Việt Nam. Mặc dù điều này có thể tạo ra văn hóa chịu trách nhiệm và linh hoạt hơn trong cơ chế nhân sự của Đảng, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là các lý do mơ hồ của những lần từ chức này có thể tạo ra những tác động ngoài ý muốn, chẳng hạn như ít trách nhiệm giải trình trước công chúng hơn và ít minh bạch hơn về lý do từ chức.
Trong các nhiệm kỳ Thủ tướng và Chủ tịch nước, ông Phúc được biết đến với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ông cũng ủng hộ các biện pháp cải thiện cơ sở hạ tầng của đất nước, xây dựng hệ thống luật pháp hiện đại, thúc đẩy nền kinh tế cởi mở và bền vững hơn. Quan điểm và chính sách chính trị của ông Phúc phù hợp với quan điểm của ĐCSVN và nhằm mục đích duy trì sự kiểm soát quyền lực của Đảng, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện mức sống cho người dân Việt Nam.
Việc ông Phúc từ chức có ý nghĩa quan trọng đối với chính trị và Chính phủ Việt Nam. Một tác động tiềm ẩn là khả năng xảy ra đấu tranh quyền lực trong nội bộ ĐCSVN.
Quá trình chuyển đổi nhân sự ở vị trí Chủ tịch nước có thể đặt ra những thách thức, khi các phe phái khác nhau trong Đảng thích nghi với ban lãnh đạo mới. Ngoài ra, việc ông Phúc từ chức cũng có thể dẫn đến việc cải tổ các quan chức Chính phủ và hình thành các liên minh mới trong Đảng. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến sự ổn định của đất nước và khả năng của Chính phủ trong việc điều hành hiệu quả và đưa ra các quyết định quan trọng.
Một hàm ý tiềm năng khác của việc ông Phúc từ chức là tác động đối với các chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ông Phúc là một nhà lãnh đạo nổi tiếng và đã thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác. Với sự ra đi của ông, phương Tây có thể nóng lòng muốn tìm hiểu về ban lãnh đạo mới và các chính sách của họ.
Tuy nhiên, ĐCSVN sẽ tiếp tục là cơ quan ra quyết định chính, và Chủ tịch nước mới sẽ phải tuân theo đường lối của Đảng.
Việc ông Phúc từ chức diễn ra vào thời điểm Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức về kinh tế và xã hội quan trọng. Việt Nam đang phải đối mặt với những cơn gió ngược do suy thoái kinh tế toàn cầu và chi phí sinh hoạt gia tăng.
Trong bối cảnh đó, việc ông Phúc từ chức làm tăng thêm tính bấp bênh, khó lường của tình hình kinh tế đất nước. Việc bổ nhiệm Chủ tịch nước mới cũng sẽ là cơ hội để xem phương hướng mà ĐCSVN muốn vận động đất nước, và cách họ lên kế hoạch giải quyết những thách thức hiện tại và định vị đất nước cho sự tăng trưởng và phát triển trong tương lai.
Chiến dịch chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng đã làm cho nền chính trị Việt Nam trở nên thú vị và khó lường hơn. Điều này khiến việc theo dõi chặt chẽ diễn biến trong những tháng tới trở nên quan trọng hơn để hiểu được ý nghĩa đầy đủ của sự kiện này đối với các chính sách đối nội và đối ngoại, cũng như tương lai chính trị và kinh tế của đất nước. Với tư cách là người quan sát, đây là một cơ hội tuyệt vời để có cái nhìn sâu hơn về bối cảnh chính trị của Việt Nam, và hiểu được những thay đổi cũng như thách thức mà đất nước đang phải đối mặt.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Một đất nước không còn lý tưởng, không còn sự tử tế, đất nước đó sẽ về đâu?
>>> VinFast đâu ngại chơi ngông đối đầu Tesla
>>> Liệu Việt Nam và Trung Quốc có “chung tương lai” không?
Sài Gòn một Tết buồn…