Link Video: https://youtu.be/iSRAc4SEOFc
Người ta thường nói, “lịch sử là do kẻ chiến thắng viết nên”, nhưng trớ trêu thay, Đại tá Bùi Văn Tùng, người thuộc “phe chiến thắng”, lại không thể viết nên câu chuyện lịch sử của mình.
Vào ngày 30/4/1975, Đại tá Bùi Văn Tùng đã thay mặt “phe chiến thắng” soạn thảo tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống của “phe thua cuộc” – ông Dương Văn Minh. Đồng thời, ông Tùng cũng là người đại diện Quân Giải Phóng Miền Nam tiếp nhận sự đầu hàng.
Có thể nói, ông Tùng chính là nhân vật và nhân chứng lịch sử then chốt của bên thắng cuộc, tại thời khắc kết thúc cuộc chiến Quốc – Cộng. Nhưng, ông lại bị Đảng của ông biến thành nạn nhân trong sự dối trá nhơ nhớp, hòng bẻ cong lịch sử.
Đại tá Bùi Văn Tùng vừa qua đời vào ngày 9/2 ở tuổi 94. Cho đến tận lúc chết, Đảng vẫn chưa trả lại sự thật cho ông.
Tồi tệ hơn, khi báo chí đưa tin về cái chết của ông, nhiều tờ báo còn trích dẫn kết luận sai trái 974 của Thường Vụ Quân Ủy Trung Ương do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.
Không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào, nhưng Kết luận số 974-KL/QUTW đã tự cho rằng khẳng định của mình là khách quan và là sự thật lịch sử. Theo bản kết luận này thì ông Phạm Xuân Thệ mới là người soạn thảo bản tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh, bất chấp những bằng chứng của các nhân chứng lịch sử, các kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu lịch sử, các đạo diễn phim tài liệu, và các nhà báo đã thu thập được.
Trở lại thời khắc lịch sử sau ngày 30/4/1975, báo chí và phim tài liệu đều ghi nhận, Trung tá Bùi Tùng, Chính ủy lữ đoàn tăng 203 Quân đoàn 2, là sĩ quan cao cấp nhất có mặt tại dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Chính ông đã thảo bản tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh, và chính ông cũng đã đại diện cho quân giải phóng miền Nam chấp nhận sự đầu hàng đó tại đài phát thanh.
Tuy nhiên, từ năm 1985, ông Phạm Xuân Thệ bắt đầu xuất hiện trên báo chí và các cuộc hội thảo, với tư cách là một nhân chứng lịch sử và khẳng định chắc nịch rằng, chính ông đã trực tiếp thảo văn bản nói trên. Vào thời điểm 30/4/1975, ông Thệ là Đại úy Trung đoàn phó, Trung đoàn 66 sư 304, cũng có mặt tại Dinh Độc Lập.
Cùng với sự cướp công trơ trẽn là sự thăng tiến thần tốc của ông Phạm Xuân Thệ. Từ cấp bậc Thượng tá năm 1985, ông Thệ đã ào ào lên tới Trung tướng vào năm 2002, chỉ trong vòng 17 năm. Cần nhớ, thời điểm đó việc thăng hàm, thăng cấp trong quân đội rất khó khăn và chậm chạp, chứ không như bây giờ, nhất là ở cấp tướng. Cùng với sự thăng hàm là sự thăng chức, năm 2002, ông Thệ được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân khu 1. Năm 2011 được tuyên dương danh hiệu anh hùng.
Trước sự cướp công trơ trẽn trắng trợn này, Đại tá Bùi văn Tùng, tập thể Cựu Chiến binh và dư luận báo chí nhiều lần báo cáo với cấp trên về sự sai lệch này.
Nhưng, ngày 17/1/2006, sau ba tháng tiếp nhận khiếu nại, lãnh đạo Viện Lịch sử quân sự đã thông báo “kết quả nghiên cứu, khảo sát những vấn đề chưa thống nhất xung quanh sự kiện đánh vào dinh Độc Lập”.
Thông báo này cho rằng, các chiến sĩ Trung đoàn 66 do đại úy Phạm Xuân Thệ chỉ huy đã thực hiện “việc bắt Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các ở phòng họp dinh Độc Lập và áp giải Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu sang đài phát thanh”. Khi Đại úy Phạm Xuân Thệ đang soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh, thì Trung tá Chính ủy Bùi Văn Tùng mới xuất hiện, và sau đó cùng tiếp tục thảo và hoàn chỉnh lời tuyên bố đó.
Sau đó, ông Dương Trung Quốc và các tác giả khác đã đăng tải một chuyên đề dài 12 trang về các diễn biến xảy ra trong ngày 30/4/1975, tại Sài Gòn, trên Tạp chí Xưa & Nay, một tạp chí thuộc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Nhiều tư liệu và luận cứ khác được công bố trong chuyên đề này đã chứng minh rằng, “thông báo” của Viện Lịch sử quân sự là không đầy đủ, không khách quan và chính xác.
Năm 2007, tại Liên hoan truyền hình toàn quốc, Đài truyền hình TP. HCM (HTV) đã công chiếu bộ phim tài liệu lịch sử, “Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4” của đạo diễn Lâm Thành Quý. Những tư liệu và nhân chứng mới trong phim cũng đã phủ nhận “thông báo kết quả nghiên cứu” của Viện Lịch sử quân sự.
Cũng năm 2007, báo Tuổi Trẻ TP.HCM đã đăng loạt bài về sự kiện 30/4, dẫn chứng nhiều ý kiến, trong đó có tư liệu của nhà báo Cộng hòa Liên bang Đức – Borries Gallasch – một nhân chứng đã đi cùng Trung Tá Bùi Văn Tùng từ dinh Độc Lập đến Đài Phát Thanh, và chứng kiến quá trình Trung Tá Tùng soạn tuyên bố đầu hàng. Chính nhà báo Borries Gallasch đã dùng máy ghi âm của mình để ghi lời đọc của Tổng thống Dương Văn Minh và đưa phát trên đài. Trong loạt bài này, phóng viên đã phát hiện ra bản viết tay của Trung Tá Bùi Văn Tùng, viết lời tuyên bố đầu hàng được lưu trữ ở Bảo Tàng Quân Đoàn 2.
Năm 2021, bộ phim tài liệu “Chuyện thật trưa 30/4/1975” được công bố, với đầy đủ hình ảnh, vật chứng, nhân chứng rất thuyết phục, bộ phim đã khẳng định câu chuyện của ông Thệ là hoàn toàn dối trá.
Sự việc tưởng như đã hai năm rõ mười, nhưng Viện Lịch Sử Quân Đội vẫn ấn hành quyển sách Tiến vào Dinh Độc Lập 30/4/1975, viết lại lịch sử theo ý kiến ông Thệ.
Kết luận số 974-KL/QUTW của Quân ủy Trung ương cho thấy, sự dối trá không phải chỉ riêng của Trung tướng Phạm Xuân Thệ, không chỉ Quân ủy Trung ương, mà cả Tổng Trọng đều muốn chôn vùi sự thật lịch sử.
Một kẻ đã bảo vệ cho sự dối trá đến cùng, thì bao nhiêu cái “lò” của ông chắc chắn chẳng phải vì thực tâm chống tham nhũng, mà chỉ là công cụ để ông ta thao túng quyền lực.
Minh Vũ – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Vụ ông Nguyễn Phúc Hải và năng lực bảo đảm an ninh hàng không của Việt Nam
>>> Người Việt Nam có thể sống theo đúng lý tưởng của Chủ nghĩa Marx không?
>>> Phim về Trần Đại Quang có gì để học tập?
Nguy cơ tha hóa do nắm giữ quyền lực tuyệt đối và thách thức trong việc lựa chọn người kế vị