Ngày 6/10/2014, khi nhắc đến việc chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng nói: “Phải bình tĩnh tỉnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định”.
Năm 2014 là năm mà thực lực chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng bắt đầu mạnh lên và có thể so kè với thế lực Nguyễn Tấn Dũng. Ông Trọng ví von thành phần đục khoét ngân sách quốc gia là chuột, ắt ông cũng ám chỉ đối thủ chính trị của mình. Năm 2006, ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nguyễn Phú Trọng vào Tứ trụ cùng một lúc. Ông Trọng vào Tứ trụ với vị bét bảng trong Tứ Trụ, đó là vị trí Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Dũng thì nắm chức Thủ tướng trong tay đầy quyền lực.
Như vậy thì, ông Nguyễn Phú Trọng không phải là người sắp xếp cho ông Nguyễn Tấn Dũng vào Tứ Trụ. Tuy nhiên, đến Đại hội 12 năm 2016, rồi đến Đại hội 13 năm 2021, ông Nguyễn Phú Trọng là người có vai trò lớn trong việc xắp xếp nhân sự trong Trung ương Đảng và cả Bộ Chính trị. Với chức danh trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội, thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng phải có trách nhiệm về chất lượng nhân sự trong Trung ương Đảng.
Khi ông Nguyễn Phú Trọng chưa phải là người có thể sắp xếp nhân sự cho Trung ương Đảng thì chuột nổi lên không nhiều như bây giờ. Như vậy, khi ông Trọng thọc tay sâu vào vấn đề nhân sự của Trung ương Đảng, thì “chuột” nổi lên nhiều hơn bao giờ hết. Những tưởng ông Trọng lập ra cái lò đốt, thì Đảng sạch hơn, nhưng càng đốt, Đảng lại càng bẩn hơn. Vậy trách nhiệm của ông Nguyễn Phú Trọng ở đâu và ai có thể trừng trị ông với vai trò chọn người nhưng chọn toàn là “chuột”?
Lấy ví dụ như ông Nguyễn Thanh Long, ông này từng là phó cho bà Nguyễn Thị Kim Tiến, được thuyên chuyển về Ban Tuyên giáo Trung ương làm phó cho ông Võ Văn Thưởng. Rồi sau đó, thuyên chuyển ngược lại về Bộ Y tế để tiếp quản chức Bộ trưởng do ông Vũ Đức Đam để lại. Quy trình này được giải thích như thế nào?
Được biết, Ban Tuyên giáo Trung ương là một bộ phận trong Ban Bí thư do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. Việc ông Nguyễn Phú Trọng kéo Nguyễn Thanh Long về Ban Bí thư, như là cách ông Trọng gọi ông Nguyễn Thanh Long vào nhà để dạy bảo, rồi trả về Chính phủ (Ban Bí Thư được xem như là nhà của Tổng Bí thư, còn Chính Phủ được như nhà của Thủ tướng).
Ông Nguyễn Thanh Long được xem như là người được ông Trọng “nuôi dạy”, nhưng cuối cùng, ông Nguyễn Phú Trọng lại nuôi trúng “chuột cống” khổng lồ. Ông Nguyễn Thanh Long để cho Việt Á tung vòi bạch tuộc khắp Việt Nam, hút cạn sinh khí của người bệnh, thu lợi hàng ngàn tỷ đồng. Đấy là minh chứng rõ nét về cách ông Nguyễn Phú Trọng nuôi chuột rồi sau đó bẫy chuột. Làm vậy có phải ông Trọng là “ông già lú” hay không?
Ông Nguyễn Phú Trọng là Trưởng tiểu ban Nhân sự đại hội 13, nhưng rồi nhiệm kỳ Trung ương Đảng khóa 13 chưa đi được nửa đường thì chuột đã trồi lên nhung nhúc không thể nào diệt cho hết. Trong cái thối nát của chế độ này, ông Nguyễn Phú Trọng lẽ ra là người phải chịu trách nhiệm lớn nhất. Tuy nhiên, phần “nuôi chuột” và thả chuột ra khắp nơi đã được che đậy khéo léo, còn phần đánh chuột thì người ta tung hô ông Trọng lên tận mây xanh.
Đất nước này chỉ được cái danh là tốc độ tăng trưởng cao, nhưng nếu nhìn sâu trong xã hội thì nó rất nát. Đạo đức xã hội xuống cấp, đạo đức quan chức cực kỳ thấp. Dân đói khổ nhưng lại phải đóng cho Đảng những khoản tiền lớn, rồi để cho quan chức trục lợi. Chưa có quan chức nước nào mà lại nhìn thấy cơ hội gặm nhấm trong lúc đồng bào mình gặp thảm họa. Ông Nguyễn Phú Trọng đã có hơn 10 năm dẫn dắt Đảng Cộng sản, thử hỏi, ông đã làm gì để cho dân cực khổ như thế? Ông đã làm gì mà Đảng của ông sản sinh ra nhiều chuột thế?
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)