Có thể nói, trong các đời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nông Đức Mạnh là người có sức mạnh chính trị yếu nhất. Đặc biệt là trong nhiệm kỳ thứ nhì của ông, giai đoạn 2006 – 2011, ông Tổng Bí thư họ Nông bị ông Thủ tướng lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng lấn át về mọi mặt.
Tiếp nhận ghế Tổng Bí thư từ ông Nông Đức Mạnh, ông Nguyễn Phú Trọng cũng tiếp nhận luôn vị thế yếu hơn so với Thủ tướng. Năm 2012, chỉ sau 1 năm ngồi ở ghế Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đã quyết “dồn hết công lực” vào Hội nghị Trung ương 6 để kỷ luật cho bằng được ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng bất thành. Khi đó, ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư, liên minh với ông Trương Tấn Sang là Chủ tịch nước, chống lại Nguyễn Tấn Dũng. Trong Tứ Trụ, ông Nguyễn Phú Trọng đã liên kết 2 trụ để chống lại Trụ Thủ tướng, nhưng vẫn bất thành. Kết thúc Hội nghị Trung ương 6 của Đảng Cộng sản khóa 11, ông Nguyễn Phú Trọng đã phải nghẹn ngào, uất ức phát biểu bế mạc.
Thực ra, chiếc ghế Tổng Bí thư mới là chiếc ghế Quyền lực nhất trong hệ thống Đảng Cộng sản, chứ không phải là ghế Thủ tướng Chính phủ, mặc dù Thủ tướng có quyền điều hành cả nền kinh tế đất nước, thông qua việc điều khiển các bộ. Tuy nhiên, có 2 bộ đòi hỏi phải là Ủy viên Bộ Chính trị mới được làm Bộ trưởng, đó là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Hai Bộ này là 2 thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ.
Làm Tổng Bí thư thì mặc nhiên làm Bí thư Quân ủy Trung ương, nghĩa là nắm chắc quân đội trong tay, xét về mặt Đảng. Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng có thể nắm cả Bộ Công an, nếu nắm được Đảng ủy khối Công an. Khi trong tay đã có “hàng nóng”, Tổng Bí thư sẽ là người mạnh hơn Thủ tướng là điều dễ hiểu.
Ông Nông Đức Mạnh là người có sức khỏe tốt, tóc luôn xanh và răng chắc như hạt bắp. Đầu lúc nào cũng chải ngược ra sau, sau khi về vườn còn có thêm cô vợ mới trẻ đẹp. Nông Đức Mạnh hiện nay đã 83 tuổi, nhưng nhìn ông vẫn rất khỏe mạnh. Hiếm có ông già ngoài 80 nào có sức khỏe như ông cựu Tổng Nông.
Nếu so sánh sức khỏe thể chất, thì dù nhỏ hơn 4 tuổi, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn không thể so sánh được với ông Nông Đức Mạnh. Sức khỏe ông Trọng rất yếu, thậm chí còn không đứng lâu được. Nguyên nhân là lần “gục ngã” bí ẩn khi ông đi Kiên Giang vào năm 2019. Tuy nhiên, nếu so sánh về sức mạnh chính trị của ông Trọng hiện nay và ông Nông Đức Mạnh trước đây, thì có thể nói là khác nhau trời vực.
Hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng nắm đến 5 ủy viên Bộ Chính trị chỉ riêng trong Ban Bí thư; ngoài ra còn có: Bí thư Thành ủy TP. HCM – Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch nước – Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Vậy thì, ông Trọng đang nắm 9 người trong Bộ Chính trị và cộng với bản thân ông là 10 người. Vì thế, ông Nguyễn Phú Trọng đã dễ dàng chi phối Bộ Chính trị, đó là nguyên nhân làm nên sức mạnh của ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay.
Trong khi đó, thời ông Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư, ông này đã không kiểm soát được Bộ Chính trị mà để cho Nguyễn Tấn Dũng lấn lướt.
Cho tới nay, bên Chính phủ bị bên Ban Bí thư chi phối khá nhiều. Quyền bổ nhiệm các vị trí cấp Bộ trưởng thuộc về Bộ Chính trị, quyền bổ nhiệm cấp Thứ trưởng thuộc về Ban Bí thư. Đấy chính là sức mạnh mà ông Nguyễn Phú Trọng đang có.
Trước đây, ông Nguyễn Tấn Dũng dùng sức mạnh kinh tế gây ảnh hưởng, nhưng xem ra, chiêu thức này không còn là lợi thế dưới thời ông Phạm Minh Chính. Ngoài ra, với việc ông Nguyễn Phú Trọng đã thâu tóm nhiều vị trí quyền lực vào trong bàn tay điều khiển của ông, thì việc dùng sức mạnh kim tiền gây ảnh hưởng lúc này là không dễ.
Đấy là lý do ông Nông Đức Mạnh tuy răng chắc sức bền, nhưng lại yếu, trong khi Nguyễn Phú Trọng có sức khỏe yếu, nhưng sức mạnh chính trị lại như con voi khỏe.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)