Sau khi cú ngã bệnh “thập tử nhất sinh” tại Kiên Giang vào năm 2019, ông Nguyễn Phú Trọng bị mất sức khỏe rất nhiều. Từ đó đến nay, ông Trọng chỉ sống nhờ thuốc, tuy nhiên, bước đi của ông vẫn không thể nào cứng cáp. Hồi tháng 10 năm ngoái, ông Trọng sang Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình, bước đi xiêu vẹo bên cạnh một ông Tập hộ pháp vững chãi.
Ông Tập Cận Bình bước qua nhiệm kỳ thứ ba và không loại trừ ông sẽ làm luôn đến nhiệm kỳ thứ tư. Tuy nhiên, với ông Nguyễn Phú Trọng thì không được như vậy, khó có phép màu nào đến với ông già 79 tuổi đi không vững, sống nhờ thuốc như vậy.
Câu chuyện ông già 80 tuổi lãnh đạo quốc gia không hiếm. Ông Tổng Thống Mỹ Joe Biden đã 81 tuổi và ông Donald Trump đang vận động tranh cử hiện nay cũng đã 78 tuổi vào năm bầu cử 2016. Tuy nhiên, hai ông Tổng Thống Mỹ này tuy già nhưng sức khỏe trông còn rất tốt. Vấn đề không phải là tuổi tác mà là sức khỏe. Nhìn ông Trọng nói không ra hơi và phải vắng mặt tại nhiều buổi lễ cần có mặt ông là điềm cho thấy, ông Trọng đang chắt chiu sức lực để tiếp tục ngồi ghế.
Như bài trước Thoibao.de đã nói về hành động của ông Võ Văn Thưởng những ngày gần đây là đang dựa vào uy ông Nguyễn Phú Trọng. Dựa vào uy người khác không phải là cách bền vững để xây dựng quyền lực. Từ trước đến nay, cũng có Chủ tịch nước kết thân với Tổng Bí thư như ông Trương Tấn Sang khi làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2011 – 2016, đã liên minh với Nguyễn Phú Trọng để chống Nguyễn Tấn Dũng.
Cũng là cùng phe nhưng ông Trương Tấn Sang chỉ là liên minh, không phải là “lính” của ông Trọng như trường hợp của Võ Văn Thưởng. Ông Trương Tấn Sang trước đây và Võ Văn Thưởng hiện nay khác nhau hoàn toàn về thế và lực. Trương Tấn Sang vững hơn, không nhờ người khác che chở, mà liên minh với thế lực khác để tạo ra sức mạnh cho mình. Ít ra, ông Trương Tấn Sang cũng đã nuôi và đề bạt được Trương Hoà Bình lên làm Phó Thủ tướng Thường trực, còn trong tay của Võ Văn Thưởng có gì? Ông Thưởng nuôi ai và dìu dắt được ai thì không hề thấy được.
Khi ông Trọng còn làm Tổng Bí thư, thì chính trường còn bát nháo, đấu nhau chí tử, nhưng xét cho cùng đây là cuộc chơi có một phía. Phe ông Tổng luôn thắng và phe khác luôn bại, ai trụ được trước những trận bão do ông Trọng tạo ra cũng đã là thành công, chứ còn bảo phe nào đó tìm cách phản công lại phe ông Tổng thì rất khó.
Võ Văn Thưởng mới 53 tuổi, hiện nay làm Chủ tịch nước. Đến năm 2026, nếu vẫn được chọn, ông Thưởng sẽ tiếp tục nhiệm kỳ tứ nhì với cương vị là Chủ tịch nước. Đến năm 2031, lúc đó ông Võ Văn Thưởng mới có 61 tuổi, còn rất trẻ. Tuy nhiên, giới hạn tối đa một người ngồi ở Tứ Trụ chỉ là 2 nhiệm kỳ. Vậy thì ông Võ Văn Thưởng sẽ về đâu? Có khả năng tranh được ghế Tổng Bí thư hay không?
Ông Võ Văn Thưởng mượn uy ông Nguyễn Phú Trọng cùng lắm là 3 năm nữa. Sau 3 năm mà không trở thành một người đứng đầu một nhóm lợi ích chính trị, thì e rằng, ông Võ Văn Thưởng khó mà trụ lại chiếc ghế Chủ tịch nước. Bởi sau 3 năm nữa, nhiều người sẽ tranh ghế và không loại trừ ghế Chủ tịch nước cũng sẽ bị giành giật.
Ông Lê Thanh Hải từng “gửi gắm” Lê Trương Hải Hiếu cho Võ Văn Thưởng, nhưng cuối cùng, Võ Văn Thưởng chẳng giúp được gì. Lê Trương Hải Hiếu vẫn luẩn quẩn tại TP. HCM mà chẳng thể nào bung ra khỏi địa phương này. Ra Trung ương, Võ Văn Thưởng từng nắm chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và sau đó là Thường trực Ban Bí thư. Vậy mà chưa nâng đỡ được ai, thì có thể thấy Võ Văn Thưởng không đủ mạnh, không đủ bản lĩnh để xây dựng nhóm lợi ích chính trị cho mình.
Nhiệm kỳ đầu ngồi ghế Chủ tịch nước có thể thấy, Võ Văn Thưởng mạnh tay đánh trống khua chiêng để giương oai diễu võ. Tuy nhiên, sang nhiệm kỳ 2 thì rất khó để Võ Văn Thưởng thể hiện. Ngồi vào ghế Chủ Tịch nước, xem như đã an phận.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)