Link Video: https://youtu.be/2HRSDvOOQJY
Ngày 25/3, VOA Tiếng Việt đăng bài bình luận về chính trị Trung Quốc của tác giả Ngô Nhận Dụng, với tựa đề “Tập Cận Bình phải học Đặng Tiểu Bình”.
Theo tác giả, nếu Tập Cận Bình muốn Trung Quốc tiến bộ, thì phải thay đổi chính sách ngoại giao, ôn lại bài học của Đặng Tiểu Bình. Năm 1979 Đặng giải thích tại sao phải mở cửa bang giao với Mỹ: “Nhìn lại mấy chục năm qua, tất cả các nước giao hảo với Mỹ đều thịnh vượng!”
Tác giả nhắc đến câu chuyện của Tiktok với việc các chính phủ Mỹ, Canada, Anh và các nước EU cấm nhân viên không được dùng Tiktok, vì lo ngại bị Trung Cộng lũng đoạn. TikTok trở thành một quân cờ trong trận thư hùng giữa Mỹ và Trung Cộng trên mặt trận kỹ thuật cao, càng ngày càng gay go.
Tập Cận Bình lên án Mỹ đã áp dụng chính sách “ngăn cản, bao vây và chèn ép” toàn diện kinh tế Trung Quốc. Và theo tác giả, đó là một sự thật.
Theo tác giả, trận chiến Mỹ – Trung mở đầu khi Chính phủ Biden cấm các công ty Mỹ không được bán các chip điện tử cao cấp cho Trung Quốc, cũng như không cho phép đầu tư chế tạo tại Trung Quốc. Mỹ lại thuyết phục Nhật Bản và Hà Lan cùng cấm vận, không bán các dụng cụ, máy móc để làm các thứ chíp này. Những con chíp nhỏ là cơ bản của nền kinh tế trong thế kỷ 21, giống như dầu lửa trong thế kỷ 20. Không có những chíp nhỏ dưới 7 nano mét, kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ chạy theo mà không thể bắt kịp Mỹ, Nhật và các nước Âu châu.
Tác giả cho biết, một lý do khiến các nước Tây phương ủng hộ chính sách của ông Biden là vì Trung Cộng nghiêng về phía Nga trong cuộc xâm lăng Ukraine. Tập Cận Bình vẫn hô hào phải tôn trọng chủ quyền quốc gia và lãnh thổ các nước, nhưng chưa một lần nói thẳng rằng, Vladimir Putin đã xâm chiếm Ukraine một cách phi pháp. Hơn nữa, Trung Cộng gia tăng mua dầu lửa và khí đốt, cung cấp những món hàng tiêu thụ, giúp kinh tế Nga còn sống dù bị cấm vận.
Trong chuyến đi thăm Moscow vừa qua, Tập Cận Bình cố đóng vai trò “trung lập” với một đề án hòa giải giữa Nga và Ukraine, Putin đã vỗ tay hoan nghênh. Nhưng ngay đề nghị đầu tiên là “hai bên ngưng bắn” đã chỉ có lợi cho quân Nga. Ngưng bắn có nghĩa là quân Nga vẫn chiếm đóng các vùng đất đã cướp của nước Ukraine, quân sĩ được nghỉ ngơi chuẩn bị mở chiến dịch mới.
Tác giả nhận xét, Tập Cận Bình đã đứng hẳn về phía Nga; vì muốn tạo nên một “trật tự thế giới” mới, liên kết hai nước độc tài chuyên chế, chống lại các nước tự do dân chủ.
Tác giả cho rằng, lựa chọn chiến lược này của Tập đã đi ngược với chủ trương của Đặng Tiểu Bình trước đây 40 năm. Tập Cận Bình đang xóa bỏ chính sách ngoại giao của Đặng Tiểu Bình. Cương lĩnh Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên dương “Tư tưởng Tập Cận Bình” ngang với “Tư tưởng Mao Trạch Đông” và chỉ ghi nhận “Đường lối Đặng Tiểu Bình,” thấp hơn một bậc!
Các viên chức ngoại giao Trung Cộng gần đây công khai tự giới thiệu là những “chiến sĩ sói” đang chinh phục thế giới, trái ngược với chủ trương “thao quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình.
Năm 1979 Đặng Tiểu Bình đã kết thân với Mỹ, coi đó là lựa chọn tối ưu cho Trung Quốc. Quả nhiên, sau khi hai nước tái lập bang giao, Trung Cộng giàu lên nhờ bán hàng cho Mỹ và thế giới.
Tác giả nhận xét, khi muốn qua mặt Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình không những thay đổi mặt trận ngoại giao quốc tế, mà còn khiến cho tiến trình phát triển kinh tế của Trung Quốc chậm lại. Vì dù Trung Quốc có thể mua rẻ dầu, khí của Nga, nhưng bị cắt đứt ra khỏi những tiến bộ kỹ thuật ở các nước Tây phương.
Trong khi đó, cả về kinh tế và xã hội, Nga đang xuống dốc. Công nghiệp của Nga cũ kỹ, lạc hậu những người có khả năng bỏ ra nước ngoài. Kinh tế Nga sống nhờ những gì đào được ở dưới đất lên đem bán, từ khoáng sản, kim loại đến dầu, khí. Kinh tế Nga giờ chỉ gần bằng kinh tế một tỉnh Quảng Đông.
Như vậy, theo tác giả, khi liên kết với Putin, Tập Cận Bình có thể đã lầm như năm 1950, khi Trung Cộng chọn đứng về phía Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Hậu quả, Trung Quốc bị cắt ra khỏi thế giới tiến bộ, đứng đằng sau “Bức Màn Sắt”.
Về mặt kinh tế, sau 10 năm dưới tay Tập Cận Bình, số tiền đầu tư ngoại quốc bắt đầu giảm, không phải chỉ vì bị ngăn cản, mà còn vì các cơ hội hấp dẫn đã cạn dần. Hàng ngàn công ty quốc tế đã rời Trung Quốc, chuyển sang các nước Đông Nam Á.
Chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc thay đổi bấp bênh, khó dự đoán gây thêm nhiều rủi ro; nhất là, không ai đoán được cuộc đối đầu giữa Trung Cộng với Mỹ sẽ đi tới đâu. Số hàng xuất cảng gần đây bắt đầu giảm. Nhiều công nhân mất việc; phần lớn sinh viên mới ra trường chỉ tìm việc làm trong guồng máy nhà nước.
Tác giả phân tích, người dân Trung Quốc có thể tin vào những lời Tập Cận Bình kết án nước Mỹ. Nhưng trong lịch sử, chính Mỹ đã mở cửa cho Trung Quốc vào WTO; đầu tư vào mở rộng thị trường để mua hàng; nhờ thế dân Trung Quốc giàu lên và học được những tiến bộ kỹ thuật mới hoàn toàn không thấy trong chế độ Cộng sản.
Nếu Tập Cận Bình muốn Trung Quốc tiến bộ, thì phải thay đổi chính sách ngoại giao, ôn lại bài học của Đặng Tiểu Bình.
Minh Vũ – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Đinh Văn Nơi đi trước, Trần Cẩm Tú chạy theo sau. Tiểu tướng dắt mũi quan to, dễ gặp họa
>>> Huệ Vương dẫn nhóm Nghệ An tiến đến vai trò thống trị
>>> Bà Trương Thị Mai muốn làm “người đàn bà thép”? Bà thọc tay vào Công an
>>> Vy Oanh kêu cứu, choảng với Chị Hằng, chưa thua sao đã hoảng?
Quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng, Hà Nội sẽ chọn ai?