Có thể nói, vị trí Chủ tịch nước dành cho ông Võ Văn Thưởng là thích hợp nhất. Võ Văn Thưởng là mẫu hình công tử bột, chỉ ngồi chờ người lớn bế đặt vào ghế, rồi cứ vậy mà thực hiện nhiệm vụ. Từ khi làm Trưởng ban Tuyên giáo đến chức Thường trực Ban Bí thư, ông Thưởng không để lại dấu ấn gì, ngoài việc làm công việc của ông một cách ngoan hiền, rồi đợi thời.
Với mẫu người như ông Thưởng thì ông chỉ là con cờ, chứ khó có khả năng đóng vai trò người chơi cờ. Ba vị tiền nhiệm của ông Võ Văn Thưởng trên cương vị Chủ tịch nước là ông Trần Đại Quang, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Xuân Phúc, đều là người chơi cờ. Chính vì muốn chơi cờ mà các vị này đã “dính chưởng” của kẻ thù, và một trong số đó đã mất mạng.
Ông Võ Văn Thưởng còn rất trẻ, chỉ mới 53 tuổi, mà đã là 1 trong 4 chân của Tứ Trụ. Về đối ngoại, ông Võ Văn Thưởng là một nguyên thủ quốc gia, tương đương với tổng thống hoặc vua của một nước. Thực ra, từ chủ tịch hay từ tổng thống trong tiếng Anh đều như nhau cả, đều là president.
Đối với trong hay ngoài nước, ông Võ Văn Thưởng cũng đều là lãnh đạo để “làm cảnh”. Tuy làm cảnh, nhưng khi ông Thưởng đến bất kỳ địa phương hay ban ngành nào, các cơ quan này đều phải nghênh đón như Thủ tướng, Tổng Bí thư hay Chủ tịch Quốc hội. Khác nhau là, lời giáo huấn của ông Tổng Bí thư hay ông Thủ tướng là có giá trị, còn lời giáo huấn của Chủ tịch nước thường vô giá trị.
Ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, ông Võ Văn Thưởng là dạng người “trói gà không chặt”. Tức là, lời nói của ông Võ Văn Thưởng không có uy lực. Tuy nhiên, ông Thưởng hiện nay, dù gì vẫn là “đệ tử” của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nên đôi khi, trọng lượng lời nói của ông Thưởng có khác đôi chút với ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn tại chức.
Những ngày gần đây, ông Võ Văn Thưởng tỏ ra là một Chủ tịch nước năng nổ. Ông đi hết nơi này đến nơi khác và hình ảnh của ông thường trực trên mặt báo. Ngày 27/3, tại Hà Nội, ông Thưởng đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao.
Dự buổi làm việc nói trên, có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Trong buổi họp này, ông Thưởng nói rằng, “tòa án không được để xảy ra oan, giảm tối đa tình trạng sai”. Thực ra, câu nói này chẳng khác nào câu “nắn gân” đối với ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình. Vết nhơ vụ án Hồ Duy Hải được xem như là vết đen không thể gột rửa được đối với ông quan tòa Nguyễn Hòa Bình. Trong vụ này, mặc dù vật chứng được mua ngoài chợ về để gán ghép, nhưng tòa vẫn ép tội chết cho nạn nhân.
Ông Võ Văn Thưởng là Chủ tịch nước, thì mặc nhiên, ông kiêm luôn vai trò Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách tư pháp. Trong Ban đó, ông Phan Đình Trạc là Phó ban, và ông Nguyễn Hòa Bình là Ủy viên, cùng với 10 ủy viên khác. Thông thường chức này rất mờ nhạt, tuy nhiên, ông Võ Văn Thưởng đang dùng chức này để “lên lớp” ông Nguyễn Hòa Bình, như là một cách thể hiện quyền uy của một ông Chủ tịch nước. Không biết, ông Nguyễn Hòa Bình có lắng nghe ông sếp trẻ này hay không?
Với vai trò là Chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng cũng kiêm luôn chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh, Tổng tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam. Trong Hội đồng này, ông Phạm Minh Chính chỉ là cấp phó cho ông Thưởng. Không biết, với vai trò nghe thật kêu như thế này, ông Võ Văn Thưởng có triệu tập ông Phạm Minh Chính để “lên lớp”, giống như đã làm với ông Nguyễn Hòa Bình, trong vai trò là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách tư pháp hay không?
Lâu nay, chiếc ghế của ông Thưởng vẫn bị người dân cho là hữu danh vô thực. Với ông Võ Văn Thưởng, có vẻ như ông đang muốn xóa ấn tượng này chăng? Hãy chờ xem ông sẽ làm gì tiếp theo?
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://plo.vn/chu-tich-nuoc-toa-an-khong-de-xay-ra-oan-giam-toi-da-tinh-trang-sai-post725859.html