Lấy phiếu tín nhiệm, trò hề hay chiêu trò để “làm cỏ dưỡng lúa” của ông Tổng?

Ở các nước dân chủ chỉ có pháp luật điều hành cả chính quyền lẫn xã hội. Khi phạm tội, quan chức cũng như thứ dân, mà cụ thể là vừa qua, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bị truy tố. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì có hai loại luật, luật cho “quý tộc” và luật cho thứ dân.

Thực ra ở Việt Nam không có tầng lớp quý tộc, nhưng về bản chất, nó tương đương với tầng lớp quý tộc thời phong kiến. Đó là thành phần có quyền thế trong Đảng Cộng sản. Người dân thấp cổ bé họng là thứ dân. Bởi về bản chất, nhà nước Cộng sản chính là nhà nước phong kiến trá hình.

Một thời gian trò hề lấy phiếu tín nhiệm chẳng loại được ai

Tại Việt Nam, luật quý tộc là điều lệ Đảng. Đây là thứ luật chỉ dành cho đảng viên Đảng Cộng sản, không áp dụng cho thứ dân. Nó được làm ra để vuốt ve, để bảo vệ và để tạo sức mạnh cho Đảng Cộng sản. Ví như, Chỉ thị 15 quy định đảng viên không thể bị luật pháp chạm vào, nếu chưa bị khai trừ khỏi Đảng. Luật là vậy, nhưng gần đây, ông Tô Lâm cho Đinh Văn Nơi bắt Đỗ Hữu Ca khi ông này chưa bị khai trừ khỏi Đảng.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc sử dụng Đảng luật để tìm kiếm sai phạm của cán bộ. Ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng dùng Đảng luật để kỷ luật cán bộ. Bà Trương Thị Mai cũng dùng Đảng luật để bố trí chức tước cho cán bộ. Riêng với Bộ Công an, theo lý là họ dùng luật pháp, tuy nhiên, rất nhiều trường hợp họ cũng chẳng theo quy trình tố tụng hình sự, mà rất tự tung tự tác.

Đảng luật là bộ luật được Đảng Cộng sản xếp trên luật pháp. Bởi Đảng luật là luật cho quý tộc, phải đứng cao hơn luật của thứ dân. Tuy nhiên, độc tài là bản chất của Đảng Cộng sản nên Đảng luật cũng không làm từ nguyện vọng của đông đảo đảng viên, mà chỉ làm theo chủ ý của một nhóm người trên đỉnh tháp quyền lực của Đảng, vì thế mới có cái gọi là “suất đặc biệt”, để đặc cách riêng một mình ông Nguyễn Phú Trọng có thể ngồi lại ghế Tổng Bí thư, bất chấp tuổi tác và sức khỏe.

Ngày 31/3, ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban giữa Ban Nội chính Trung ương với các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, và ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy quý 1. Ông Trạc yêu cầu tập trung xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc, liên quan cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, để chuẩn bị tốt cho việc lấy phiếu tín nhiệm.

Ai cũng biết, ông Phan Đình Trạc là cánh tay đắc lực của ông Nguyễn Phú Trọng. Ông Trạc đề cập đến việc lấy phiếu tín nhiệm thì đó cũng là ý của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tất nhiên, quy định lấy phiếu tín nhiệm là chỉ dành cho nội bộ Đảng Cộng sản, chứ đó không phải là mâm của thường dân. Tuy nhiên, bản chất của Đảng là phi dân chủ, nên những quy định trong Đảng luật cũng chỉ là công cụ của kẻ mạnh, nhằm triệt hạ phe yếu hơn trên bàn cờ chính trị.

Trước đây, Đảng Cộng sản cũng bày ra việc lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức, tín nhiệm cao, tín nhiệm vừa và tín nhiệm thấp. Trò này không kỷ luật được ai, vì dù có tệ đến mấy thì cũng có được từ “tín nhiệm”, chỉ là hơi thấp mà thôi. Thế rồi huề cả làng. Lần này, Đảng lại bày ra cái gọi là “lấy phiếu tín nhiệm”, không rõ có làm thật hay không? Hay cũng chỉ là trò hề như những lần trước. Kết quả có ai bị loại vì không được tín nhiệm hay không, thì hãy chờ xem.

Có một bạn nêu ý kiến với Thoibao.de rằng, nếu ông Trọng lần này làm nghiêm túc, chứ không diễn trò, thì nó vẫn không phải là công cụ để tạo ra sự công bằng trong Đảng, mà nó sẽ là công cụ để thanh trừng phe phái. Đấy là chiêu trò “làm cỏ dưỡng lúa” của ông Trọng. Bởi hiện nay, ông Trọng đang cố tống củi vào lò cho thật nhiều, để ông dọn sạch những bè phái khác bè của ông, nhằm tạo cho lớp kế cận thừa hưởng một di sản đồng nhất và tất cả đều phải phục tùng.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://thanhnien.vn/xu-ly-dut-diem-vu-viec-lien-quan-can-bo-lanh-dao-chuan-bi-lay-phieu-tin-nhiem-185230331152116689.htm