Người Việt chết trên biển Đài Loan, vì sao chính quyền im lặng?

Link Video: https://youtu.be/t0MZgN4keJU

RFA Tiếng Việt ngày 30/3 loan tin, “Đài Loan xác định được 7 người Việt trong số 16 thi thể trôi dạt”. Theo đó, trong số 16 người được tìm thấy đã chết ở vùng biển ngoài khơi Đài Loan, 7 người đã được xác định là công dân Việt Nam.

Trước đó, ngày 29/3, VOA Tiếng Việt loan tin, “Đài Loan vớt được 16 thi thể, nghi toàn người Việt trong đường dây buôn người”. Bản tin cho hay, Cảnh sát biển Đài Loan đã phát hiện 16 thi thể dọc theo bờ biển giữa các thành phố Đào Viên và Cao Hùng, trong khoảng thời gian từ ngày 4/3 đến 17/3, làm dấy lên nhiều nghi vấn về hoạt động buôn người.

Hầu hết các nạn nhân, bao gồm cả đàn ông và phụ nữ, được Lực lượng Tuần duyên Đài Loan phát hiện trên các bãi biển hoặc trôi nổi gần bờ biển.

Vụ việc đã được chuyển đến Văn phòng Công tố quận ở Đào Viên, Đài Trung, Đài Nam, Vân Lâm, Chương Hóa và Cao Hùng để điều tra.

RFA cho biết, theo Cục Điều tra Hình sự (CIB), trong số 16 thi thể được trục vớt, có chín người là công dân Đài Loan đã chết do tai nạn hoặc tự sát, 4 người vẫn chưa được xác định danh tính. Bảy thi thể còn lại được xác định là người Việt, dựa trên danh sách do Văn phòng đại diện của Chính phủ Việt Nam tại Đài Bắc gửi đến. Người thân của họ ở Việt Nam cũng đã cung cấp thông tin giúp các cơ quan chức năng nhận dạng.

CIB cũng cho hay, một nhóm 14 người đã lên kế hoạch đến Đài Loan bất hợp pháp vào giữa tháng 2, trong khi 7 người đã chết, vẫn chưa có thông tin nào về số phận của 7 người còn lại.

RFA dẫn tin từ đài TVBS, một hình ảnh chụp chung của 14 người Việt (6 nam và 8 nữ) được phát hiện trong một điện thoại di động của một nạn nhân. Những người này, theo phán đoán ban đầu, đều là dân làng cùng thôn, quen biết lẫn nhau, nghi ngờ đến từ miền Bắc Việt Nam. Hơn nữa, toàn bộ đều có hồ sơ từng lao động bất hợp pháp tại Đài Loan và họ đều không thể trở lại Đài theo con đường hợp pháp.

Hình: Bài trên RFA ngày 30/3

Bên cạnh đó, theo RFA, Văn phòng Văn hóa – Kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc cũng nhận được tin báo của người nhà, nói 14 người hẹn nhau đến Đài Loan, sau khi xuất phát liền mất liên lạc, yêu cầu Cục Hình sự hỗ trợ.

VOA cho hay, việc tìm kiếm sẽ tiếp tục, trong khi các nhà chức trách cũng cố gắng xác định vị trí của các thuyền viên và chủ tàu bị nghi ngờ có liên quan đến nạn buôn người. Hiện nguyên nhân dẫn đến cái chết của các nạn nhân vẫn chưa xác định được. Tuy nhiên, dựa trên tình trạng phân hủy của các thi thể, nhà chức trách Đài Loan tin rằng, thuyền của những kẻ buôn người có thể đã bị lật gần đường trung tuyến của eo biển Đài Loan, vào khoảng đầu tháng 3. Thi thể của các nạn nhân có thể đã trôi dạt về phía nam xuống bờ biển Đài Loan, theo dòng hải lưu.

VOA dẫn tin từ các giới chức Đài Loan cho biết, không có hoạt động đáng ngờ nào được xác định bởi radar ven biển, trong khoảng thời gian được báo cáo.

Cho đến nay, báo chí nhà nước vẫn hoàn toàn câm nín, chưa đưa bất kỳ thông tin nào liên quan đến vụ việc này. Không rõ họ e ngại điều gì?

Vụ việc này làm người ta liên tưởng đến cái chết bi thảm của 39 người Việt trong container đông lạnh tại Anh năm 2019.

Những người Việt Nam, khi không có được cơ hội mưu sinh ở quê nhà đã phải chọn cách ra đi tìm kiếm cơ hội đổi đời. Quê hương đã không còn là chùm khế ngọt. Khi đất đai càng ngày càng cằn cỗi, khi giá nông sản rẻ mạt không thể nuôi sống nông dân, khi ngư trường truyền thống bị “bạn vàng” xâm chiếm, khi đại ngàn chỉ còn là đồi núi trọc… người dân chỉ đành cất bước ra đi. Nhưng thứ chờ đợi họ không phải là một miền đất hứa, mà là biết bao rủi ro rình rập.

Nhà cầm quyền thì chỉ biết đấu đá tranh giành quyền lực, chia phe tạo phái, có ai cúi mặt xuống để nhìn người dân?

Hình: Bài trên VOA ngày 29/3

Ý Nhi – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Hòa bình kiểu Trung Hoa gây hại cho thế giới

>>> “Dám nghĩ, dám làm” – con dao hai lưỡi của giới lãnh đạo

>>> Phải chăng Ukraine bắt đầu phản công?

>>> Sa lầy ở Ukraine, Putin còn có thể trụ được bao lâu?

Việt Nam cần có chiến lược chống lại chính sách “cưỡng bách kinh kế” của Trung Quốc