Hiện nay, Thoibao.de nhận được nhiều lời nhắn là đừng nói về vấn đề này, đừng nói về vấn đề nọ. Họ sợ rằng, Thoibao.de khui ra những chuyện tiêu cực, góp phần đưa họ vào lò. Đấy là thực tế. Nói như ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh thì, “Mình cứ trong veo thì sợ gì”. Quả thật, nếu những quan chức mà bị Thoibao.de phản ánh những tiêu cực, nếu họ “trong veo” thì việc gì phải sợ Thoibao.de?
Báo chí tự do về bản chất khác với báo chí nô bộc. Báo chí tự do có quyền nói mà không kiêng cữ, không sợ quyền lực. Trong khi báo chí nô bộc chỉ dám nói khi được chính quyền cho phép mở mồm. Còn khi Trung ương không cho nói mà dám nói, thì không những nhà báo làm tin bị trừng phạt, mà cả tờ báo cũng bị lây. Chuyện báo chí trong nước bị tuýt còi do “vạ miệng” là chuyện không hiếm.
Hiện nay, Thoibao.de và nhiều tờ báo tự do phát hành bằng tiếng Việt khác vẫn bị Đảng Cộng sản liệt vào thế lực thù địch. Thực chất là, báo tự do chỉ nói sự thật. Tuy nhiên, vì sự thật của chính quyền Cộng sản và quan chức của họ vốn xấu xa, nên họ quy cho Thoibao.de và nhiều tờ báo tự do khác là “nói xấu” họ.
Thật ra mà nói, Trung ương Đảng là nơi theo dõi báo chí của “thế lực thù địch” kĩ nhất. Họ theo dõi để xua hàng vạn dư luận viên và lực lượng 47 đánh phá, bởi họ sợ bị bóc phốt. Ông Nguyễn Phú Trọng dù nắm trong tay Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an, Ban Nội chính Trung ương và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống Tham nhũng, thì ông cũng không thể khui ra hết các vụ tham nhũng.
Dù lò của ông Nguyễn Phú Trọng đốt dữ dội, nhưng tới nay, ông Nguyễn Văn Thể vẫn chưa thấy vào lò, mặc dù ông cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải xứng đáng với điều đó. Còn nhớ, trong vụ án sai phạm bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương, cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng và cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã xộ khám cùng với Út Trọc. Trong khi đó ông Nguyễn Văn Thể là người ký nhiều văn bản liên quan đến sai phạm của Út Trọc, thì lại bình chân như vại.
Vấn đề mờ ám trong việc tố tụng này đã được rất nhiều báo bị gọi là “thế lực thù địch” phân tích và chỉ ra trong nhiều năm. Nhưng ông Nguyễn Văn Thể vẫn bình chân như vại là lý do tại sao?
Mới đây, vụ án ngành đăng kiểm thuộc Bộ Giao thông Vận tải xảy ra tiêu cực trên toàn quốc, ông Nguyễn Văn Thể với vai trò là “tư lệnh ngành” vô can được sao?
Ý tưởng về chuyến bay giải cứu được đưa ra bởi ông Thủ tướng lúc đó là Nguyễn Xuân Phúc. Chính ông Phúc đã phối hợp 5 bộ, gồm: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông Vận tải, để thực hiện. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải tham gia bằng các chuyến bay của Vietnam Airlines (Hãng bay này thuộc Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam mà cục này trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải). Bộ Ngoại giao lùa gà và Cục hàng không Dân dụng Việt Nam thịt gà. Vậy thì, tại sao Bộ Ngoại giao bị bắt quá nhiều, trong đó, cả cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng bị kỷ luật mất chức, nhưng cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thì vẫn bình an?
Ngày 21/12/2022, ông Nguyễn Văn Thể từ chức. Bộ Giao thông Vận tải là 1 trong 3 bộ nhận ngân sách nhiều nhất của Trung ương. Ba bộ đó là Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải. Nắm Bộ Giao thông Vận tải mang lại cho Bộ trưởng rất nhiều quả lớn, vì nó có quá nhiều dự án khủng, nhưng tại sao ông Nguyễn Văn Thể lại xin rút lui? Theo giới thạo tin, Nguyễn Văn Thể tháo chạy sớm để tránh bị khui ra những tiêu cực đang âm ỉ.
Ngày 31/3, ông Nguyễn Văn Thể với tư cách là Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương đã nói rằng, “Cứ có thay đổi nhân sự là thế lực thù địch lại xuyên tạc”. Thực ra, ông Thể đang rất sợ bị “thế lực thù địch” bóc phốt như bao quan chức Trung ương khác. Và ông đã vu cho cái gọi là “thế lực thù địch” xuyên tạc. Nói như ông Trần Sỹ Thanh, nếu ông Nguyễn Văn Thể “trong veo” thì sợ gì? Bởi ông có quá nhiều ung nhọt trong cơ thể, nên mới sợ bị người ta lột đồ ông ra mà thôi.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo: