Ngành du lịch ế ấm vì chính sách visa buộc phải thay đổi để hút khách

Link Video: https://youtu.be/WaO84eAZ-Lk

Ngày 3/4, trang tin RFI có bài “Việt Nam buộc phải sửa đổi chính sách visa để thu hút khách”.

Theo đó, Bộ Du lịch Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến 2025, ngành du lịch Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn, đón 18 triệu lượt khách quốc tế và đến 2030 sẽ nâng con số này lên 35 triệu. Nhưng hiện giờ, tuy Việt Nam đã mở cửa trở lại cách đây khoảng hơn một năm sau một thời gian dài đóng cửa vì Covid-19, số du khách ngoại quốc vẫn chưa nhiều, chủ yếu là do hạn chế về cấp visa. Cho nên Việt Nam sẽ buộc phải sửa đổi chính sách visa để thu hút du khách.

RFI cho biết, Hội chợ Du lịch Quốc tế Paris trong tháng 3 vừa qua, từ ngày 16 đến ngày 19/3/2023, lẽ ra là một cơ hội quan trọng để quảng bá cho du lịch Việt Nam. Nhưng chỉ có một công ty duy nhất của ngành du lịch Việt Nam có mặt tại hội chợ này, đó là hãng La Palanche Voyages, chuyên tổ chức các tour du lịch cho khách nói tiếng Pháp đến Việt Nam cũng như đến các nước láng giềng Lào, Cam Bốt, Miến Điện.

RFI dẫn lời ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc của La Palanche Voyages, cho biết có hai lý do khiến du khách quốc tế nói chung, và du khách Pháp nói riêng, đến Việt Nam vẫn chưa nhiều. Đó là giá vé quá cao, tăng gấp rưỡu so với trước dịch và thời hạn miễn visa quá ngắn, chỉ có 15 ngày.

Theo RFI, quy định hiện hành cho visa du lịch có thời hạn không quá 3 tháng và thời gian tạm trú ở Việt Nam không được quá 30 ngày. Hết thời hạn này, khách du lịch muốn tiếp tục ở lại thì phải gia hạn thêm thời hạn tạm trú. Hiện giờ, Việt Nam đã miễn visa cho công dân từ 13 quốc gia, trong đó có 11 nước châu Âu, nhưng thời hạn miễn visa chỉ là 15 ngày, trong khi có rất nhiều khách muốn du lịch ở Việt Nam đến 3, 4 tuần, hoặc hơn nữa.

Việt Nam đang cấp visa điện tử cho du khách, nhưng ông Hải cho RFI biết về những bất cập trong các thủ tục cấp visa điện tử du lịch ở Việt Nam hiện nay. Đó là trang web visa điện tử của Việt Nam chỉ sử dụng tiếng Anh, như vậy không tiện lợi cho khách Pháp, nhất là với người già không biết tiếng Anh. Thứ hai là visa điện tử chỉ cho nhập cảnh một lần, mỗi lần 15 ngày và không cho gia hạn, như vậy rất phiền toái với khách muốn ở dài ngày.

Vẫn theo RFI thì, để thúc đẩy đà phục hồi của du lịch, Bộ Du Lịch Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các hiệp hội… đã nhiều lần kiến nghị nâng thời hạn miễn visa lên 30 ngày. Ngày 2/4, Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội, đề xuất một số chính sách mới về quản lý xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, dự kiến đưa chính sách này vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, vào tháng 5/2023, “để làm cơ sở triển khai thực hiện”.

Cụ thể, nâng thời hạn visa điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần, đồng thời nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh được miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày, và tăng số quốc gia được miễn thị thực.

RFI nhận xét, lợi ích của việc kéo dài thời hạn miễn thị thực nhập cảnh đã được thấy rõ tại đảo Phú Quốc. Đảo này thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế, không phải chỉ vì cảnh đẹp, mà còn vì Phú Quốc có một chính sách visa rất thoáng: Kể từ ngày 1/7/2020, nếu Phú Quốc là điểm đến đầu tiên thì du khách quốc tế sẽ được miễn visa Việt Nam trong 30 ngày, dù là người nước ngoài hay người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài. Nói một cách đơn giản, tất cả du khách từ nước ngoài không cần xin visa Việt Nam nếu họ ở lại Phú Quốc không quá 30 ngày.

Nhờ chính sách visa thoải mái như vậy mà đảo Phú Quốc chỉ trong hai tháng đầu năm 2023 đã đón được đến 139.000 du khách nước ngoài trên tổng số 935.000 du khách, theo số liệu của Sở Du lịch Tiền Giang.

Trước mắt, ngành du lịch Việt Nam chuẩn bị đón du khách Trung Quốc, bởi vì kể từ ngày 15/3, Trung Quốc đưa Việt Nam vào “danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn”.  Khách từ Trung Quốc vẫn là một nguồn khách quốc tế chủ yếu, với 5,5 triệu người đến Việt Nam trong năm 2019.

Thu Phương – thoibao.de

>>> Chính sách Nhân quyền và sự cân bằng quyền lực sau khi ông Võ Văn Thưởng được bổ nhiệm làm Chủ tịch nước.

>>> Lò cụ Tổng có triệt để chống được tham nhũng?

>>> Hà Nội sẽ xử kín nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng

>>> Nhóm người Việt bị bắt ở Hàn Quốc vì tiêu thụ đồ gian

Đối thoại Nhân quyền Việt – Úc: Khi nhân quyền và kinh tế đối đầu.