Link Video: https://youtu.be/Te4-rYJ0Uso
Ngày 12/4, đài RFA Tiếng Việt loan tin, “Ủy ban Châu Âu theo dõi dư lượng thuốc trừ sâu trong bún, phở Việt Nam”.
Theo bản tin, cùng ngày, Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công thương cho truyền thông hay rằng: Bún, phở, bánh đa (sản xuất từ gạo) được nhập khẩu từ Việt Nam sẽ bị Ủy ban Châu Âu (EC) theo dõi dư lượng thuốc trừ sâu.
Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh Châu Âu cảnh báo, nếu doanh nghiệp Việt Nam không quản lý tốt dư lượng thuốc trừ sâu, cụ thể là hoạt chất 2-chloroethanol, trên các sản phẩm bún, phở, bánh đa sản xuất từ gạo, thì không loại trừ việc EC sẽ đưa nhóm hàng này vào diện kiểm tra an toàn thực phẩm như mì ăn liền.
RFA dẫn tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, theo đó, trong năm 2023, EU sẽ tập trung sửa đổi rất nhiều quy định về mức dư lượng tối đa thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, tại Quy định (EC) số 396/2005, đối với các nhóm sản phẩm rau, củ, quả tươi và đông lạnh; nhóm các loại hạt, điều, cà phê, chè, nhóm sản phẩm gia vị, ngũ cốc, hạt có dầu và sản phẩm động vật trên cạn, thịt các loại, trứng sữa, mật ong…
Trước đó, vào cuối tháng 1/2023, Bộ Công thương cho biết, EU đã công bố danh sách kiểm soát an toàn thực phẩm trong sáu tháng đầu năm 2023. Theo đó, trái thanh long và mì tôm của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU tiếp tục bị kiểm tra tại cửa khẩu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
RFA cho biết, thanh long và mì tôm vẫn nằm trong phụ lục II với yêu cầu chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và tần suất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20%.
Cũng trong tháng 7/2022, theo RFA, Đức, Ba Lan, Malta đã gửi cảnh báo, thu hồi hoặc trả lại sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri, bánh phở nhập khẩu từ Việt Nam do vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của EU.
Trong cùng ngày 12/4, một bản tin khác trên RFA cho hay, “Hàn Quốc thu hồi sản phẩm ớt Việt Nam do dư lượng thuốc trừ sâu vượt chuẩn”.
Theo bản tin này, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc ra thông báo thu hồi ớt Việt Nam, do phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng tiêu chuẩn gấp 10 lần.
RFA dẫn nguồn tin từ truyền thông nhà nước cho hay, ngoài thu hồi, Bộ An toàn thực phẩm Hàn Quốc còn thông báo ngừng bán ớt của Việt Nam.
Sản phẩm bị thu hồi là ớt Việt Nam có năm sản xuất là 2021 và 2022, được nhập khẩu từ Công ty Trách nhiệm Hữu hạn JM Food (Gongju-si, Chungcheongnam-do) và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thực phẩm Daelim Global (Gangseo-gu, Busan). Co., Ltd. Sản phẩm được nhập khẩu dưới dạng ớt đỏ đông lạnh, sấy khô và chia nhỏ để bán tại Hàn Quốc.
Theo RFA, phía Hàn Quốc cho biết, trong các sản phẩm gia vị này có phát hiện chất tricyclazole, một loại thuốc trừ bệnh được sử dụng chủ yếu trong canh tác lúa, vượt tiêu chuẩn cho phép.
RFA dẫn tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, cho biết, trong năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 4.900 tấn ớt, với kim ngạch đạt 11,9 triệu USD. Thị trường chính của mặt hàng này là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước Ả Rập, Ấn Độ và Nga.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam. Trong hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 3,79 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 7,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhóm hàng gia vị, trong đó có ớt Việt Nam được thị trường này khá ưa chuộng.
Vì những cách làm ăn thiếu chuẩn mực và cơ chế quản lý yếu kém, hàng Việt Nam tự đánh mất thương hiệu và thị trường của mình. Vào thời điểm khó khan này, khi các ngành hàng gia công đều bị giảm đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thì những lệnh cấm từ EC và Hàn Quốc chắc chắn sẽ có những tác động không nhỏ đến nền kinh tế vốn đã èo uột và nhiều khiếm khuyết của Việt Nam.
Xuân Hưng – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Thái Văn Đường bị bắt cóc và mối nguy hiểm đối với người Việt Nam tị nạn tại Thái Lan
>>> Cuộc đua giữa Thủ tướng Chính và Tô Lâm, vì “nhát gan” đã làm Tô Lâm chậm tiến
>>> Ai bao che cho những kẻ phản quốc, ăn cắp di sản quốc gia đem bán ngoại bang
>>> Bản chất của Đảng, dùng quyền để tư lợi
Công lý là diễn viên hài, tòa xét xử công khai nhưng… kín